Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đủ tiêu thụ trong chưa tới 7 ngày
Theo báo cáo về quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn thấp, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam xuất khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô ra nước ngoài và thu về hơn 1,07 triệu USD.
Tuy vậy, quy định các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải bảo đảm 20 ngày Dự trữ lưu thông nhiều thời gian không đạt.
Đáng chú ý, khi có trục trặc về nguồn cung xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hồi đầu năm 2022 đã khiến bộc lộ nhiều trường hợp cây xăng “hết xăng”. Điều này chứng tỏ Dự trữ lưu thông của doanh nghiệp còn thấp.
Trong khi đó, Dự trữ xăng dầu quốc gia so với nhu cầu thực tế, mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này chỉ tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,25 triệu tấn dầu thô và thu về hơn 1,07 triệu USD.
Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho hay từ nay đến năm 2025 sẽ có kế hoạch thuê kho dự trữ của doanh nghiệp để nâng mức Dự trữ quốc gia lên 30 ngày. Nguyên nhân là “nguồn lực Nhà nước hiện có hạn” nên không thể nâng dự trữ lên ngay lập tức và sẽ phải dần dần đầu tư kho riêng của Nhà nước để dự trữ xăng dầu.
Tại buổi chất vấn của Quốc hội vào tháng 3 năm nay khi tình hình xăng dầu nhiều bất ổn, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này có dự trữ đúng với quy định không, nhất là những doanh nghiệp này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia. Mà làm dự trữ quốc gia lại còn được hưởng ngân sách nhà nước để bảo quản”.
Đáng lưu ý, ông Huệ nêu thêm: “Các thương nhân đầu mối có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi vì có phải chỉ có dự trữ quốc gia đâu! Anh không thể nói 1-2 ngày mất nguồn cung mà anh không có xăng bán được. Vậy đơn vị ấy dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật như thế nào?”
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên Diên trả lời: “Về việc các doanh nghiệp có dự trữ hay không, thì vẫn xăng dầu ấy, để ở kho ấy thì thật sự đây là một ‘ẩn số’” – “Chúng tôi nghĩ rằng nếu sớm có được cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối thì chắc chắn sẽ tốt”.
Nội dung này cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập trong phần trả lời nối tiếp. Ông này thừa nhận: “Thật ra chúng ta chưa tách dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Chính hiện nay cơ quan quản lý cũng không biết được là 33 thương nhân đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia mà đang thuộc gói quản lý không, cũng chưa khẳng định được”.
Đức Minh
Vụ siết cổ bé trai 3 tuổi rồi nhốt vào tủ cấp đông: Nghi phạm khai gì?
Bực tức vì bé trai 3 tuổi hỏi nhiều, Nguyễn Trường Giang đã dùng dây dù siết chặt phía sau gáy của bé, rồi cho vào ngăn đông của tủ cấp đông.
Chiều 14/8, công an tỉnh Hà Nam cho biết đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1996, thôn 8, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân), để làm rõ về hành vi “Giết người”.
Theo điều tra ban đầu, trước đó, khoảng 15h20 ngày 13/8, cháu N.H.Đ (sinh năm 2019, trú tại xã Nhân Chính) từ nhà đi sang quán trà sữa “KAY” cạnh nhà của Nguyễn Trường Giang để chơi, lúc này chỉ có một mình Giang ở quán.
Khi sang quán, cháu N.H.Đ thấy Giang để một cốc trà sữa trên bàn nên đã tự lấy uống. Giang có nói cháu N.H.Đ “cứ chơi ở đó đi để chú dọn, rửa”. Khi Giang đi vào quầy để dọn dẹp thì cháu N.H.Đ đi theo, lấy bánh quy rồi ngồi lên giường gấp ăn.
Quá trình ở quán, cháu N.H.Đ nhiều lần hỏi “Chú đang làm gì đấy, chú ra đây chơi với cháu”. Bực tức vì bị cháu N.H.Đ hỏi nhiều nên Nguyễn Trường Giang cầm chiếc chày bằng kim loại (dùng để đập đá), vung mạnh một nhát trúng vào phần đầu sau cháu N.H.Đ, khiến cháu bé ngã khỏi giường, đập đầu xuống sàn nhà và khóc to.
Nguyễn Trường Giang dỗ nhưng cháu N.H.Đ càng khóc to, gọi mẹ nên Giang đã dùng tay trái bịt miệng, tay phải bóp, ghì cổ cháu nằm trên sàn nhà, khoảng 1 phút sau cháu N.H.Đ không khóc nữa và nằm im.
Khi Giang bỏ hai tay, ra ngoài cửa quán để quan sát thì cháu N.H.Đ bất ngờ kêu: “Ông ơi, mẹ ơi chú đánh con”.
Thấy vậy, Nguyễn Trường Giang nảy sinh ý định giết cháu N.H.Đ nên đã dùng dây dù buộc, siết chặt lại phía sau gáy cháu N.H.Đ, tiếp đó Giang bịt miệng, bóp cổ và đập mạnh đầu cháu xuống sàn nhà làm N.H.Đ bất tỉnh.
Khi cháu Đ. nằm im và không có phản xạ gì, Nguyễn Trường Giang bế cháu đặt vào thùng các tông, cho vào ngăn đông của tủ lạnh bảo ôn rồi bỏ đi…
Khoảng 30 phút sau, ông nội cháu N.H.Đ kiểm tra camera thấy cháu vào quán trà sữa của Giang nhưng gọi điện hỏi thì Giang nói không biết.
Sau khi phá cửa quán, mọi người vào trong quán trà sữa tìm cháu N.H.Đ, mở tủ đông ra và phát hiện cháu N.H.Đ đang ở trong tủ đông. Sau đó gia đình cháu đưa cháu N.H.Đ đi cấp cứu.
Vào khoảng 22h30 ngày 13/8, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Công an huyện Lý Nhân bắt giữ Nguyễn Trường Giang khi đang bỏ trốn tại Hà Nội.
Hiện tại cháu bé trong vụ việc đang được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bác sĩ cho biết sau khi xử lý cấp cứu, rất may các tổn thương thực thể hiện tại của cháu bé không nặng nề, sức khỏe cháu hiện tại toàn trạng ổn định. Tuy nhiên bệnh nhi vẫn còn sưng nề vùng đầu, xuất huyết, xây xước vùng đầu mặt cổ.
Phạm Toàn
Giới chức TP.HCM đính chính thông tin ‘6.177 công chức, viên chức nghỉ việc trong 6 tháng’
Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết thông tin 6.177 công chức, viên chức của thành phố nghỉ việc trong 6 tháng (từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2022) là chưa chính xác.
Trung tâm Báo chí TP.HCM hôm 14/8 cho biết theo lãnh đạo Sở Nội vụ TP, ngày 12/8/2022, UBND TP đã ban hành công văn số 2824/UBND-VX về việc báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc gửi Bộ Nội vụ. Báo cáo đã thống kê số liệu từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
Tuy nhiên “do sơ xuất”, trong báo cáo ghi thời điểm thống kê là ngày 1/1/2022 (thực tế là ngày 1/1/2020).
Do đó, Sở Nội vụ TP.HCM đính chính thông tin “…tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là 6.177 người”.
Trước đó, ngày 12/8, UBND TP.HCM có công văn khẩn báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, bao gồm 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức thôi việc trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến công chức thôi việc, gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.
Cụ thể, về chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ tiền lương hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn và do đó có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.
Về cơ hội thăng tiến, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đó là một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế…
Về áp lực công việc, theo UBND TP.HCM, việc quá tải công việc, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và cán bộ, công chức, viên chức công tác ở phường, xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, khối lượng công việc tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội đối với nhóm đối tượng này nói riêng và nhân sự của khu vực công nói chung.
Minh Long