Tin thế giới sáng thứ Hai: Cháy nhà thờ ở Ai Cập – 41 người chết và nhiều người trọng thương

Cháy Nhà thờ ở Ai Cập: 41 người chết, hàng chục người trọng thương

Hôm 14/8, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra trong giờ đang làm lễ tại một nhà thờ Cơ đốc giáo Coptic ở Cairo, Ai Cập, làm ít nhất 41 người thiệt mạng và 45 người bị thương, người chết chủ yếu là trẻ em.

Tang lễ tổ chức cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Abu Sifin ở Cairo. (Nguồn: Khaled DESOUKI / AFP qua Getty Images)

AFP và Reuters đưa tin, vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Abu Sifin là do vấn đề thiết bị điện. Reuters dẫn nguồn tin cho biết, đám cháy bùng phát khi có khoảng 5.000 người tụ tập tại nhà thờ. Ngọn lửa đã chặn một lối vào nhà thờ, khiến nhiều người dẫm đạp lên nhau để thoát thân. Hầu hết người thiệt mạng là trẻ em.

Tín đồ Yasir Munir cho biết: “Mọi người tập trung ở tầng 3 và tầng 4, chúng tôi nhìn thấy khói bốc ra từ tầng 2, mọi người vội chạy xuống tầng dưới để kiểm tra nhưng lần lượt bị té ngã”.

“Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ, tia lửa và ngọn lửa bốc ra từ cửa sổ”, Munir cho biết anh và con gái ở tầng một mới có thể thoát ra ngoài.

Các nhân chứng mô tả mọi người đổ xô vào nhà thờ đang cháy để giải cứu những người bị mắc kẹt, nhưng tất cả nhanh chóng mất hút trước sức nóng và khói chết người.

Ahmed Reda Baioumy sống cạnh nhà thờ nói với AFP: “Mọi người chen nhau kéo con nhỏ ra khỏi tòa nhà. Nhưng ngọn lửa ngày càng lớn, chỉ có thể vào một chút nếu không sẽ chết ngạt”.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi thông báo trên Facebook vào sáng 14/8: “Tôi đã huy động tất cả các cơ quan nhà nước để đảm bảo rằng tất cả các biện pháp đã được thực hiện”.

Sau đó, ông cho biết ông đã gọi điện chia buồn tới Giáo hoàng Tawadros II, người trở thành Giáo hoàng của Cơ đốc giáo Coptic vào năm 2012.

Bộ Nội vụ Ai Cập sau đó cho hay “bằng chứng pháp y cho thấy thiết bị điều hòa không khí trên tầng hai của tòa nhà nhà thờ đã bốc cháy”.

Cha Farid Fahmy, một linh mục tại một nhà thờ gần đó cũng ở Yinbaba nói với AFP rằng, một đoạn mạch ngắn đã châm ngòi cho ngọn lửa. “Vì mất điện nên họ dùng máy phát điện. Sau khi có điện trở lại thì có vấn đề quá tải”, ông nói.

Chính thống giáo Copt là cộng đồng Cơ đốc giáo lớn nhất ở Trung Đông, chiếm ít nhất 10 triệu trong số 103 triệu dân của Ai Cập. Trước đó, một số vụ hỏa hoạn khác đã từng xảy ra tại nước này như vụ cháy nhà máy dệt ở ngoại ô Cairo hồi tháng 3/2021 làm ít nhất 20 người thiệt mạng, hai vụ tại bệnh viện năm 2020 cướp đi sinh mệnh của 14 bệnh nhân COVID-19.

Mộc Vệ

ByteDance bị yêu cầu cung cấp thuật toán của TikTok

(Ảnh minh họa: MAYUMI NASHIDA/Shutterstock)

Giờ đây, các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, trong đó có ByteDance, Alibaba, Tencent, phải cung cấp những thuật toán đề xuất từ các ứng dụng phổ biến nhất của họ (như TikTok, Wechat) cho giới chức trách, theo tờ SCMP.

Cụ thể, các đại gia công nghệ Trung Quốc, gồm Alibaba, ByteDance, Tencent, đã gửi dữ liệu thuật toán cho cơ quan giám sát Internet nước này. Có khoảng 30 ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc đã được yêu cầu cung cấp thông tin mã nguồn.

Trong danh sách được Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) công bố, có 6 ứng dụng từ Alibaba, 1 của ByteDance, 2 của Tencent và 3 từ Baidu. Các nhà phát triển phải cung cấp chi tiết thuật toán để đề xuất nội dung tùy chỉnh cho thông tin và kết quả tìm kiếm.

Các phần mềm trong danh sách là những dịch vụ Internet phổ biến nhất Trung Quốc, ví như ứng dụng WeChat của Tencent có 1,3 tỷ người dùng; hay Taobao, Tmall của Alibaba cũng phải gửi thuật toán cho chính quyền. Ứng dụng video ngắn Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) cũng nằm trong danh sách trên.

Theo CAC, quy định được tạo ra với mục đích ngăn chặn các nội dung được cung cấp điên cuồng. Ví dụ được nhắc đến là cách thuật toán của Douyin giữ người dùng liên tục tương tác với lượng video gần như vô hạn, phù hợp với thị hiếu của họ. Hay các thuật toán trong trò chơi trực tuyến khuyến khích game thủ bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc hơn.

Việc buộc phải cung cấp mã nguồn là một phần của quy định thuật toán mới từ cơ quan quản lý Trung Quốc, được công bố vào tháng 3, theo đó, người dùng có quyền từ chối các đề xuất cá nhân hóa do nền tảng tạo ra.

Trên thực tế, nền tảng video ngắn TikTok những năm qua đã thịnh hành khắp thế giới, đặc biệt vào thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đã “gây nghiện” đối với lượng lớn người trẻ. Tuy nhiên, gần đây có chuyên gia cảnh báo hệ lụy gây bệnh thần kinh.

Mạng tin tức Úc (news.com.au) ngày 1/8 đưa tin, thế giới có thêm nhiều thanh thiếu niên mắc chứng mất kiểm soát: Đột ngột lên cơn co giật kèm theo mắng mỏ người khác, nói những lời vô nghĩa hoặc thô lỗ. Một trong những bệnh nhân như vậy được nguồn tin ví dụ là thiếu nữ 14 tuổi người Úc tên Metallyka Torzillo.

Mẹ của Torzillo cho biết trong một cuộc phỏng vấn, từ khi 14 tuổi con gái cô bắt đầu bị chứng mất khả năng kiểm soát với các biểu hiện như co giật, la hét, cấu véo, cắn và khạc nhổ; lúc nghiêm trọng cô bé đã đập đầu vào đồ đạc, thậm chí khi được mời tham gia phỏng vấn đã đưa tay ra và tát vào mặt người mẹ. Người mẹ lúc đó nói rằng đã dự tính chuyện đó xảy ra, cô buồn bã nói: “Con bé có vấn đề trong đầu và cơ thể…”.

Một cô gái tuổi teen khác là Mikayla Kolbe trong suốt 9 tháng không ngừng chửi bới, la hét, ném đồ đạc, và thậm chí còn thường xuyên làm tư thế chổng ngược; có lần Kolbe đã cố gắng tự cắn ngón tay của mình, còn nói “Mọi người quanh tôi đều đau khổ, tôi luôn ở tình trạng căng thẳng”.

Sau 2 năm điều trị và theo dõi Torzillo, nhà thần kinh học Russell Dale tại Bệnh viện Westmead ở Úc, cho biết trước đây ông chưa bao giờ thấy loại bệnh kiểu này. Ông cho hay bệnh tương tự hội chứng Tourette nhưng tình hình nghiêm trọng hơn, cánh tay của bệnh nhân không chỉ hay có những hành động mạnh quá khích mà thậm chí còn tự đánh vào chính mình, trong khi miệng phát những từ và cụm từ phức tạp.

Phan Anh

Nga ghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19 mới ngày thứ 5 liên tiếp

Ngày 14/8, Hội đồng điều phối ứng phó dịch COVID-19 của Nga cho biết rằng trong 24 giờ qua, số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh ở nước này đạt gần 29.000 ca, ngoài ra có 54 trường hợp tử vong. Theo đó, đây là ngày thứ 5 liên tiếp ở Nga có trên 20.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Nga kể từ đầu đại dịch đến nay đã đạt gần 19 triệu trường hợp, trong đó có trên 383.000 trường hợp tử vong.

Trong 24 giờ qua, có gần 15.000 trường hợp nhiễm COVID-19 phục hồi, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh kể từ đầu đại dịch lên trên 18 triệu ca.

Cơ quan Giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) gần đây khuyến cáo những người dễ bị tổn thương nên đeo khẩu trang ở những nơi đông đúc và khi đi phương tiện giao thông công cộng, cũng như tiêm các mũi vắc-xin bổ sung nhằm ứng phó COVID-19. Cơ quan này cũng cho biết nguyên nhân của sự gia tăng số ca mắc COVID-19 ở Nga gần đây là do sự lây lan nhanh của các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron như BA.4 và BA.5.

Ở một diễn biến khác, các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Nhật Bản vẫn ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp, theo hãng tin NHK.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 1 – 7/8, Nhật Bản ghi nhận 1.496.968 ca nhiễm mới, tăng 9% so với 1 tuần trước đó và chiếm hơn 20% trong tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu. Tổng số người tử vong do đại dịch COVID-19 ở Nhật Bản là 1.002 người, tăng 53 người so với một tuần trước đó, cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Ý.

Phan Anh

Related posts