Gia Huy
Tổng thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Lviv ở Ukraine vào ngày thứ Năm (18/8), sau khi một thỏa thuận đã đạt được với Nga vào tháng trước cho phép Kyiv nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc. Trước đó sau khi phát động cuộc xâm lược, Moscow đã phong tỏa các cảng biển của Ukraine ở Biển Đen khiến việc xuất khẩu ngũ cốc của nước này bị đình trệ.
Cuộc họp cũng diễn ra một ngày sau khi lãnh đạo NATO kêu gọi, việc cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ được phép kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, hiện đang bị Nga chiếm đóng, là “rất khẩn cấp” bởi vì nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân.
Phát ngôn viên của ông Guterres cho biết, nhà lãnh đạo của LHQ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, cũng như “sự cần thiết của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này”.
Ông cho biết thêm, “chắc chắn vấn đề của nhà máy điện hạt nhân” sẽ được nêu ra trong cuộc họp.
Trong bài phát biểu thường kỳ hàng đêm, Tổng thống Zelensky cho hay, TTK Guterres đã đến và hai người sẽ “làm việc để đạt được những kết quả cần thiết cho Ukraine”.
TTK Guterres dự kiến sẽ đến thành phố Odessa vào thứ Sáu (19/8). Odessa là một trong ba cảng biển liên quan đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Thỏa thuận này đã đạt được với Nga vào tháng 7 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và sự trung gian của Ankara. Sau đó TTK LHQ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để thăm Trung tâm Điều phối Chung, cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát thỏa thuận.
Theo LHQ, nửa đầu tháng 8 đã chứng kiến 21 tàu vận chuyển hàng hóa được phép ra khơi theo thỏa thuận chở hơn 563.000 tấn nông sản của Ukraine, bao gồm hơn 451.000 tấn ngô.
Chuyến hàng viện trợ lương thực trong thời chiến đầu tiên của LHQ dành cho châu Phi đã đến Eo biển Bosphorus hôm thứ Tư (17/8), chở theo 23.000 tấn lúa mì.
“Mối đe dọa nghiêm trọng”
Trong bài phát biểu hôm 17/8 của mình, Tổng thống Zelensky đề cập đến nhà máy Zaporizhzhia và cho biết, các nhà khoa học đang “liên lạc thường xuyên” với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để yêu cầu cơ quan giám sát này của LHQ cử một phái bộ đến cơ sở hạt nhân hiện đang bị Nga chiếm đóng.
Ông khuyến cáo: “Quân đội Nga phải rút khỏi vùng đất của nhà máy điện hạt nhân này cũng như tất cả các khu vực lân cận, đồng thời đưa các thiết bị quân sự của mình ra khỏi nhà máy. Điều này phải xảy ra mà không có bất kỳ điều kiện nào và càng sớm càng tốt.”
Đầu ngày 17/8, phát biểu với các phóng viên tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích, việc Nga chiếm giữ nhà máy “gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn và an ninh của cơ sở này (và) làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự cố hạt nhân”.
Ông Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi nhà máy và IAEA nên cử phái đoàn đến kiểm tra nhà máy hạt nhân này. Ông cáo buộc, Moscow đang sử dụng “vùng đất xung quanh nhà máy điện hạt nhân như một khu vực tổ chức, như một nền tảng, để phát động các cuộc tấn công pháo binh vào các lực lượng Ukraine, và điều này thật liều lĩnh.”
Hồi tháng 3, các lực lượng Nga đã chiếm nhà máy Zaporizhzhia, nằm ở miền Nam Ukraine, ngay sau khi phát động cuộc xâm lược. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và sự bất ổn xung quanh nhà máy này khiến nhiều người lo ngại về việc xảy ra sự cố hạt nhân tương tự như vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau về việc pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia.
Hôm thứ Ba (16/8) nhà điều hành hạt nhân của Ukraine Energoatom báo cáo một cuộc tấn công mạng “chưa từng có” vào trang web của họ. Tuy nhiên tổ chức này cho biết, các hoạt động của họ đã không gián đoạn.
Theo Energoatom, họ “bị tấn công từ lãnh thổ Nga” bởi một nhóm có tên gọi “quân đội mạng được ưa thích”. Nhóm này sử dụng hơn 7 triệu bot để tấn công trang web của Energoatom trong ba giờ.
“Hèn hạ và bất chấp đạo lý”
Hôm 17/8, cuộc không kích của Nga vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã đánh trúng vào một tòa nhà dân cư mà chính quyền địa phương cho biết đang được sử dụng làm ký túc xá cho những người khiếm thính, khiến 7 người thiệt mạng và ít nhất 16 người bị thương.
Cô Nataliia Popova, cố vấn của người đứng đầu Hội đồng Khu vực Kharkiv, lưu ý rằng các cư dân trong tòa nhà “thậm chí không thể nghe thấy tiếng báo động không kích và không thể trả lời những người cứu hộ trong quá trình cứu hộ”.
Phát ngôn viên của văn phòng công tố khu vực cho hay, cuộc tấn công được cho là đã được thực hiện bằng tên lửa hành trình và có 20 đến 40 người bên trong tòa nhà khi nó bị bắn trúng.
Tổng thống Zelensky lên án vụ tấn công là “hèn hạ và bất chấp đạo lý”. Ông nhấn mạnh, “không có sự biện minh nào [cho việc này] và [nó] cho thấy sự bất lực của kẻ xâm lược.”
Hôm thứ Năm (18/8) Thị trưởng của Kharkiv, ông Igor Terekhov thông báo, Nga đã phóng thêm ít nhất bốn quả tên lửa nữa vào thành phố này.
Gia Huy (Theo Reuters)