Cô Vương (Fiona Wang) ban đầu dự định dành một tuần tại khách sạn Atlantis ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc để thư giãn, nhưng không ngờ cô lại bị mắc kẹt trong một khách sạn suốt hai tuần qua. Khi hết sữa công thức cho đứa con 13 tháng tuổi, cô cầu xin chính quyền địa phương sắp xếp một chuyến bay để rời Hải Nam.
Các chuyên gia nhận định, sự cố ở Hải Nam đang gửi đi một tín hiệu rằng không có nơi nào ở Trung Quốc là an toàn.
Cô Vương, đến từ Bắc Kinh, là mẹ của ba đứa con nhỏ. Cô chỉ là một trong số 150.000 người đi nghỉ mát bị mắc kẹt ở Hải Nam trong tháng này. Theo chính sách Zero Covid cực đoan của chính quyền TQ, đợt bùng phát gần đây ở Hải Nam đã gây ra một loạt các cuộc phong tỏa và xét nghiệm PCR quy mô lớn.
Tờ Financial Times dẫn lời cô Vương nói: “Đại gia đình chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi rất băn khoăn và lo lắng vì chúng tôi không thể về nhà”.
“Chúng tôi không thể chỉ phàn nàn, chúng tôi cần phải nói với chính phủ những gì chúng tôi muốn”
Sau hai tuần bị mắc kẹt, cuối cùng cô Vương và các con đã lên chuyến bay trở về Bắc Kinh hôm 19/8.
Jenna Lively, một cư dân Mỹ ở Bắc Kinh, là một trong số nhiều người không thể tháo chạy trước khi Hải Nam phong tỏa. Hai ngày sau khi đến Hải Nam, cô được thông báo rằng khách sạn của cô đã nằm trong diện cách ly.
Cô cho biết, khi cô và những người khác trong đoàn bắt đầu nhận ra mọi thứ đang trở nên tồi tệ, họ đã điều chỉnh chuyến bay. Tuy nhiên, họ đã bị tắc đường khi di chuyển đến sân bay, bị kẹt trên đường cao tốc, không thể về khách sạn, và cũng không thể đến sân bay. Sau đó họ bị cảnh sát đưa đến một khách sạn khác và không thể rời đi.
Chuyên gia: Không có nơi nào ở Trung Quốc được an toàn
Theo Financial Times, các nhà phân tích cho rằng việc đóng cửa ở Hải Nam đã làm nổi bật những rủi ro khi đi du lịch ở Trung Quốc, làm suy giảm niềm tin vào thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, và làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi sớm được hay không.
Hãng tin dẫn lời Alicia Garcia Herrero – nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Hải Nam đang gửi một tín hiệu rằng bạn không được an toàn khi ở bất kỳ đâu tại Trung Quốc”.
Đề cập đến cảnh khách hàng bỏ chạy trong hoảng loạn gần đây sau khi IKEA ở Thượng Hải đột ngột đóng cửa, bà Alicia nói rằng, việc phong tỏa đột ngộtxảy ra khi bà đến IKEA ở Thượng Hải, đến Hải Nam, hay đến văn phòng.
Kyle Newton, đến từ Anh, hy vọng được nghỉ dưỡng tại Tam Á, Hải Nam sau hai tháng phải hứng chịu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải, nhưng anh đã đến Hải Nam trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Anh nói với BBC rằng, anh phải xếp hàng đợi khoảng hai giờ mỗi sáng để làm xét nghiệm PCR, điều đó có nghĩa là anh ấy buộc phải hủy các cuộc họp quan trọng.
Anh cho biết, tình hình “rõ ràng là đáng thất vọng”, đặc biệt là đối với Thượng Hải,những người đến từ Thượng Hải đều có tâm trạng tồi tệ, họ phải chịu đựng những hạn chế kéo dài.
Tờ báo cũng dẫn lời Brian Hall, một giáo sư, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần toàn cầu tại Đại học New York ở Thượng Hải, cho biết đợt phong tỏa đã gây ra “những hậu quả đáng kể” đối với sức khỏe tâm thần của người dân.
Ông nói: “Tôi lo ngại rằng những đợt phong tỏa này có thể ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của họ, đặc biệt là những người trong điều kiện làm việc bấp bênh, người di cư và giới trẻ.”
Ông Hall cho biết đây là lần thứ tư bản thân ông trải qua các đợt phong tỏa trong năm nay.
Bài báo cũng cho biết, công dân Pháp Simon Vericel đã chuyển gia đình từ Bắc Kinh đến Tam Á vào tháng 5 để tránh các biện pháp phòng chống dịch bệnh tương đối nghiêm ngặt của thủ đô.
Nhưng ở Tam Á, Vericel cũng không thoát khỏi các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt của chính quyền TQ.
Chính sách Zero Covid đánh vào niềm tin của người tiêu dùng, làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc
Financial Times cho biết, bất kỳ tác động nào nữa đối với tính di động và việc chi tiêu tùy ý sẽ gây ra những thảm họa kinh tế, khiến các nhà hoạch định kinh tế của Bắc Kinh phải đau đầu.
Trong những tháng tới, bất kỳ dấu hiệu bất ổn xã hội nào sẽ đặc biệt đáng lo ngại đối với Bắc Kinh, khi Bắc Kinh chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, nơi ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba.
Chính quyền ông Tập đã phụ thuộc vào ngành dịch vụ để giúp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong nước. Năm nay, các đợt phong tỏa hàng loạt ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác đã đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái.
Số liệu thống kê chính thức của tháng 7 cho thấy doanh số bán lẻ, một thước đo tiêu dùng chính, chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng là tăng 5%.
Raymond Yeung – Chuyên gia kinh tế trưởng của Greater China tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, cho rằng sự cố ở Hải Nam sẽ càng làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.
Ông nói: “Hiện tại, ngay cả khi bạn yêu cầu mọi người đi du lịch, mọi người cũng không có hứng thú để đi bất cứ đâu. … Nó đang trở thành một vấn đề từ phía nguồn cầu”.
Việc đóng cửa ở Hải Nam cũng cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của công chúng đối với chính phủ, chính sách Zero covid vốn không có dấu hiệu chấm dứt.
Reuters đưa tin, việc đóng cửa đột ngột ở Hải Nam đã khiến một số du khách tức giận, họ có thể sẽ không bao giờ đến đó để nghỉ dưỡng trong tương lai. Dương Kinh, một doanh nhân Trung Quốc, cùng chồng và con cô phải sống trong một khách sạn 4 sao sau khi tài khoản bị đóng băng. Gia đình cô phải ăn mì gói hàng ngày để tiết kiệm chi tiêu.
Cô Dương xác nhận: “Đó là kỳ nghỉ tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”.
“Nói chung, chúng tôi sẽ không bao giờ đến đây nữa!”, Cô Chu, đến từ Giang Tô, và sáu thành viên khác trong gia đình đã đi nghỉ mát, cho biết, theo Reuters.
Cô Chu nói rằng cô đã cố gắng tìm cách để khiếu nại và bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng không có cơ quan chính thức nào liên hệ với họ hoặc bày tỏ bất kỳ sự quan tâm nào đến họ.