Trung Quốc ôm tham vọng ‘trật tự mới’ nhằm thống trị thế giới

Triệu Hằng

Một chủ đề trong các cuộc tranh luận ở Mỹ về tham vọng của Trung Quốc đó là chính Bắc Kinh cũng không biết họ muốn tìm kiếm điều gì và muốn đạt được cái gì, như tác giả Hal Brands cho biết trong bài báo có tựa đề “Trung Quốc thực sự muốn gì? Muốn thống trị thế giới” đăng trên tờ Bloomberg hồi tháng Năm.

Nhưng nhiều chuyên gia am hiểu Trung Quốc cho rằng, chính phủ Trung Quốc đang nhắm đến quyền lực thống trị toàn cầu và đây sẽ là ưu tiên tổng thể của họ trong các thập niên tới để tìm cách đảo loạn hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo, và tạo ra ít nhất là một trật tự cạnh tranh, bán-thế giới của riêng mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ám chỉ về mục tiêu này trong bài phát biểu của ông tại Đại hội đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Ngoại giới nhìn nhận bài diễn văn đó là tiêu biểu cho một trong những tuyên bố quyết đoán nhất về chính sách và mục tiêu của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phản ánh nhận thức của ông Tập về những gì Trung Quốc đã đạt được dưới thể chế chính phủ chuyên chế cũng như Trung Quốc cần có các bước tiến nào khác trong tương lai.

Ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc “đã đứng lên, trở nên giàu mạnh”, và lúc này đây Trung Quốc “đi tiên phong cho các quốc gia đang phát triển khác”, và như thế nó đã cho thấy “sự khôn ngoan của Trung Quốc và cách thức để giải quyết các vấn đề mà nhân loại phải đối mặt”. Ông hứa đến năm 2049, Trung Quốc sẽ “trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu xét về sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng quốc tế, và sẽ xây dựng một “trật tự quốc tế ổn định” mà trong đó Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt được “sự trẻ hóa quốc gia”.

Hal Brands chỉ ra, tuyên bố của một nhà lãnh đạo cho rằng đất nước của ông ta không những can thiệp vào các vấn đề toàn cầu mà còn thiết lập các điều khoản cho thấy có 2 vấn đề cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Đầu tiên là một tầm nhìn hoài nghi sâu sắc về hệ thống quốc tế hiện có. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng chế độ thương mại toàn cầu là không thể thiếu đối với sự trỗi dậy kinh tế và phát triển quân sự của đất nước. Nhưng rồi khi họ nhìn vào các nét chính của thế giới mà Washington và các đồng minh đã định hình, họ chỉ thấy hầu hết đó là mối đe dọa. Ôm giữ quan điểm đó, đối với Trung Quốc, các liên minh Mỹ ngáng chân Trung Quốc và cản trở các quốc gia châu Á nhận những tặng phẩm từ Bắc Kinh cho những thỏa hiệp.

Các tổ chức quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo xuất hiện như một công cụ nhằm tạo ra một trật tự quốc tế tự do, mang lại lợi ích cho các quốc gia yếu hơn, nhưng ĐCSTQ xem đó là những công cụ nhằm áp đặt. ĐCSTQ sợ những trật tự quốc tế tự do đó, Nadege Rolland, một chuyên gia thuộc Cục nghiên cứu quốc gia châu Á (NBR) cho biết, và nói thêm rằng “ĐCSTQ ghét cay ghét đắng và sợ đến khiếp đảm” những nguyên lý của những công cụ này.

Thứ hai là, đối với Trung Quốc, trật tự quốc tế phải được thay đổi để Trung Quốc trở nên thịnh vượng và an toàn như họ muốn.

Chuyên gia về Trung Quốc Liza Tobin cho rằng, nếu ai đó nghiên cứu các tuyên bố của ông Tập và các quan chức hàng đầu khác, nổi lên trong đó là viễn cảnh về “một mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu trong đó Trung Quốc là trung tâm sẽ thay thế hệ thống liên minh hiệp ước của Mỹ”.

Dựa trên một phân tích tương tự, nhà nghiên cứu Rolland đồng ý rằng Trung Quốc “khao khát bá quyền cục bộ”, thống trị các vùng rộng lớn của phía nam toàn cầu, trong đó các thể chế quốc tế phải là chỗ dựa vững chắc cho họ chứ không phải là khuấy đảo họ. Đồng thời, các chiến lược gia và học giả Trung Quốc công khai nói về việc xây dựng một “trật tự kinh tế toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm”.

Nhưng tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở Tây Thái Bình Dương hay châu Á. Lời kêu gọi của ông Tập về một “cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại” trong bài diễn văn năm 2019 chỉ ra một hoạt cảnh mà trong đó Trung Quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu, giáo sư Brands nhận định.

Trung Quốc thể hiện tham vọng địa chính trị lớn thông qua nhiều hoạt động, như chương trình đóng tàu hải quân và sản xuất các con tàu với tốc độ đáng kinh ngạc; nỗ lực kiểm soát các tổ chức quốc tế hiện có và tạo ra các tổ chức mới; phóng sức mạnh quân sự tới Bắc Cực và Ấn Độ Dương và xa hơn nữa; đặt mục tiêu thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, chưa kể Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường vươn vòi xuyên qua nhiều châu lục. Tất cả những điều này nhằm tạo thành một hệ thống để củng cố cho chính quyền Trung Quốc và làm suy yếu các thể chế dân chủ.

Tuy nhiên, giáo sư Brands cho rằng, tranh luận về điều mà Trung Quốc thực sự muốn làm đã không còn là câu chuyện mới, bởi các lãnh đạo Trung Quốc và các động thái của họ ngày càng cho thấy tham vọng của Bắc Kinh. Và cũng theo ông, khi một đối thủ ngạo mạn bắt đầu thông báo về tham vọng toàn cầu của mình, người Mỹ có lẽ nên cẩn trọng trước những tham vọng đó.

Related posts