Lam Giang
Ngày 24/8, Ukraine đánh dấu 6 tháng kể từ khi Nga phát động ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ tại nước này. Phía Ukraine cáo buộc Moscow tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ với mục đích chiếm lãnh thổ và xóa sổ bản sắc dân tộc Ukraine. Nga lập luận mục đích của cuộc chiến nhằm đảm bảo an ninh của chính Nga trước sự bành trướng của NATO và xóa sổ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Dưới đây là dòng thời gian đầy biến động kể từ khi Ukraine giành được độc lập.
Ukraine và các quốc gia phương Tây cáo buộc Moscow đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ với mục đích chiếm lãnh thổ và xóa sổ bản sắc dân tộc Ukraine.
Điện Kremlin cho biết mục đích của Moscow là đảm bảo an ninh của chính Nga trước sự bành trướng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và xóa sổ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, những người mà ông cho là đã đe dọa Nga.
Dưới đây là dòng thời gian của các sự kiện chính trong lịch sử chính trị Ukraine kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1991.
- 1991: Ông Leonid Kravchuk, lãnh đạo nước Cộng hòa Ukraine thuộc Liên bang Xô viết, tuyên bố độc lập khỏi Moscow. Trong một cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử tổng thống, người dân Ukraine đã nhiệt tình ủng hộ nền độc lập và bầu ông Kravchuk làm Tổng thống. Ông Kravchuk được thay thế bởi ông Leonid Kuchma vào năm 1994, khi Ukraine chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới, được kế thừa từ thời Liên Xô – để đổi lấy các đảm bảo an ninh dựa trên sự tôn trọng độc lập và chủ quyền của nước này theo Bản ghi nhớ Budapest ký kết bởi Nga, Hoa Kỳ và Anh.
- 2004: Ứng cử viên thân Nga Viktor Yanukovich được tuyên bố là tổng thống nhưng bị cáo buộc gian lận bầu cử đã kích hoạt các cuộc biểu tình trong cuộc Cách mạng Cam, buộc phải tiến hành lại cuộc bỏ phiếu. Một cựu thủ tướng thân phương Tây, Viktor Yushchenko, được bầu làm tổng thống.
- 2005: Ông Yushchenko lên nắm quyền với lời hứa đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo của Điện Kremlin, hướng tới NATO và Liên minh châu Âu (EU). Ông bổ nhiệm cựu giám đốc công ty năng lượng Yulia Tymoshenko làm thủ tướng. Tuy nhiên, sau khi giao tranh với phe ủng hộ phương Tây, bà bị sa thải.
- 2010: Ông Yanukovich đánh bại ông Tymoshenko trong một cuộc bầu cử tổng thống. Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận định giá khí đốt để đổi lấy việc gia hạn hợp đồng thuê cho hải quân Nga tại một cảng ở Biển Đen trên bán đảo Crimea của Ukraine.
- 2013: Chính phủ của ông Yanukovich đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại và liên kết với EU vào tháng 11, lựa chọn phục hồi quan hệ kinh tế với Moscow, gây ra nhiều tháng biểu tình lớn ở Kyiv. Ông Putin cáo buộc phương Tây kích động và hỗ trợ các cuộc biểu tình.
- 2014: Các cuộc biểu tình, chủ yếu tập trung xung quanh Quảng trường Maidan của Kyiv, trở nên ngày càng bạo lực. Hàng chục người biểu tình đã thiệt mạng. Vào tháng Hai, quốc hội bỏ phiếu xóa sổ ông Yanukovich, sau đó ông đã chạy trốn khỏi đất nước. Trong vòng vài ngày, những người đàn ông có vũ trang chiếm giữ quốc hội ở Crimea và giương cao lá cờ Nga. Moscow sáp nhập lãnh thổ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 cho thấy sự ủng hộ áp đảo ở Crimea đối với việc gia nhập Nga.
- Tháng 4/2014: Lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbas, miền đông Ukraine tuyên bố độc lập. Giao tranh nổ ra và tiếp tục lẻ tẻ cho đến năm 2022, bất chấp kêu gọi các lệnh ngừng bắn.
- Tháng 7/2014: Một tên lửa đã đánh trúng máy bay chở khách MH17 ở phía đông Ukraine trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 298 hành khách trên máy bay. Các nhà điều tra đã truy tìm được vũ khí liên quan đến Nga. Tuy nhiên Moscow phủ nhận mọi cáo buộc.
- 2017: Tổng thống Petro Poroshenko, một doanh nhân tỷ phú thân phương Tây lên nắm quyền kể từ tháng 5/2014, đã đạt được thỏa thuận liên kết với EU về thương mại tự do hàng hóa và dịch vụ. Người dân Ukraine cũng có quyền đi du lịch miễn thị thực đến EU.
- 2019: Cựu diễn viên hài Volodymyr Zelenskiy đánh bại ông Poroshenko trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 với lời hứa giải quyết nạn tham nhũng đặc hữu và chấm dứt chiến tranh ở miền đông Ukraine. Đảng Đầy tớ của nhân dân (Servant of the People) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Bảy.
- Năm 2021: Ông Zelenskiy đề nghị Tổng thống Mỹ Biden giúp Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO vào tháng Giêng. Nga áp sát lực lượng quân đội gần biên giới Ukraine vào mùa xuân với danh nghĩa “các cuộc tập trận huấn luyện”. Vào tháng 12, Nga đưa ra các yêu cầu an ninh chi tiết về một đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ từ bỏ mọi hoạt động quân sự ở Đông Âu và Ukraine. Đáp lại, NATO lặp lại cam kết đối với chính sách “mở cửa” đồng thời đưa ra các cuộc thảo luận “thực dụng” về những lo ngại an ninh của Moscow.
- 2022: Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21/2, ông Putin nói rằng Ukraine là một phần không thể thiếu của lịch sử nước Nga, chưa bao giờ có lịch sử của một nhà nước thực sự, bị quản lý bởi các thế lực nước ngoài và có một chế độ bù nhìn. Ông Putin ký các thỏa thuận công nhận các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là độc lập và ra lệnh cho quân đội Nga ở đó. Phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Vào ngày 24/2, ông Putin tuyên chiến trong một bài phát biểu trước bình minh trên truyền hình và Nga tiến hành một cuộc xâm lược ba mũi nhọn, nhằm vào các lực lượng và căn cứ không quân Ukraine bằng tên lửa và pháo binh, tấn công các khu vực ở các thành phố. Khi hàng chục nghìn người rời bỏ nhà cửa, ông Zelenskiy ra lệnh tổng động viên.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai bên đều gánh chịu những tổn thất to lớn về nhân mạng và tài chính.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) hôm 22/8 cho biết, kể từ ngày 24/2, hơn 5.500 dân thường đã được báo cáo là thiệt mạng và gần 7.900 người bị thương, mặc dù con số thương vong thực tế có lẽ cao hơn.
Theo người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, hôm 22/8 cho biết gần 9.000 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc quốc cho biết kể từ ngày 24/2, Ukraine với dân số hơn 41 triệu người, nay đã có một phần ba bị buộc phải rời khỏi nhà của họ, gây ra cuộc khủng hoảng sơ tán lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Hiện có hơn 6,6 triệu người sơ tán từ Ukraine được ghi nhận trên khắp châu Âu, trong đó con số lớn nhất ở Ba Lan, Nga và Đức, theo dữ liệu của cơ quan Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh những thiệt hại về người, Ukraine đã mất quyền kiểm soát khoảng 22% diện tích lãnh thổ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, theo ước tính của Reuters.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 45% vào năm 2022.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết vào tháng 7 rằng tổng số tiền tái thiết sau xung đột sẽ tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD và con số này có thể tăng cao hơn.
Cuộc xung đột cũng gây tốn kém không nhỏ đối với Moscow. Tuy nhiên, các hãng thông tấn Nga không công khai con số cụ thể, được coi là “bí mật quốc gia”.
Bên cạnh tổn thất quân sự, phương Tây còn tìm cách trừng phạt quy mô lớn nhằm vào Moscow bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên nước này.
Ngân hàng Trung ương Nga hiện dự báo nền kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ USD sẽ giảm 4% – 6% vào năm 2022, thấp hơn mức giảm 8% – 10% mà họ dự báo hồi tháng 4 vừa qua.
Lam Giang