Nguyễn Hoàng Văn
Mùa Đông đang qua và, trong những tháng ngày tới, đội quân của Vladimir Putin vừa mất đi một đồng minh thân thiết, vừa phải đối phó thêm một kẻ thù khó chịu khác và đây, phải chăng, là ý Trời?
Trời, với quan niệm bình dân của chúng ta, là đấng tối thượng có thể quyết định mọi thứ từ trên cao xa tít, cũng như người Tây phương nói về Thượng Đế, về Chúa Trời nhưng khái niệm “ý Trời” này, là mượn của Victor Hugo khi luận về trận Waterloo, nơi đất bùn chôn vùi số phận của Napoléon Bonaparte.
Trận đánh này, tôi đã đọc qua một số sử liệu nhưng thích nhất vẫn là phong cách tái tạo lịch sử của những nhà văn, như Victor Hugo trong bộ Les Misérables hay, nhẹ nhàng hơn, như Stefan Zweig, trong The World Minute at Waterloo, v.v. Với Victor Hugo thì, khi mà bao nhiêu là yếu tố ngẫu nhiên cùng hội tụ tại cánh đồng Waterloo vào ngày 12/6/1815 để kết thúc giấc mộng khôi phục đế chế của Napoléon, không ai không thể không đi đến kết luận rằng đó là “ý Chúa”: ông ta không thể tái lập vương triều, không thể tiếp tục áp đặt ách thống trị độc đoán lên nước Pháp, lên toàn bộ Âu châu nên, do đó, ông ta phải thua. Với Stefan Zweig thì đó sự trái nết của định mệnh, không phải lúc nào nó cũng chiều chuộng những nhân vật quyền lực và táo bạo.
Waterloo lại là trận đánh mà một thiên tài quân sự như Napoléon vấp phải lỗi lầm rất căn bản khi lao vào chiến trường mà đối thủ Arthur Wellesley của Anh, Công tước xứ Wellington, đã chọn. Không chỉ phòng ngự ở vị trí cao hơn mà, hoàn toàn bất ngờ với Napoléon, cánh đồng Waterloo còn có một rãnh đất tự nhiên như một hào sâu kín đáo mà người quân Anh có thể bí mật ẩn nấp để, đến thời điểm sinh tử nhất, vùng lên như một cánh quân bọc hậu. Nhưng đáng nói hơn là bùn, hệ quả từ trận mưa tầm tã sáng sớm hôm đó khiến các cỗ pháo bị sa lầy của Napoléon ì ra, không chịu nhúc nhích. Nếu thiếu pháo thì nhà cầm quân xuất thân là sĩ quan pháo binh này bị trói mất một cánh tay nên phải đợi cho đất khô mà, họa vô đơn chí, bệnh trĩ kinh niên của Napoléon lại trở cơn hành nên, một công đôi chuyện, phải chờ thêm mấy tiếng đồng hồ nữa.
Nhưng thời gian là cái mà Napoléon rất thiếu. Mà, chính vì thiếu như thế nên, với sự ngạo mạn của mình, Napoléon mới lao ngay vào bãi chiến trường mà đối thủ đã bài binh bố trận. Trước một Âu châu đang liên hiệp lại với quyết tâm tiêu diệt mình ngay từ đầu, trong vòng mấy tuần lễ sau ngày vượt ngục, Napoléon phải bẽ gãy ngay từng chiếc đũa, không để đối thủ tập hợp thành bó đũa mà tại đây, trên chiến trường Waterloo, là sự tập hợp giữa quân Anh và quân Phổ của Bá tước Gebhard Leberecht von Blücher.
Nhưng “ý Trời” đã khiến ông ta tặng không cho đối thủ một mớ thì giờ vàng ngọc. Dĩ nhiên, một danh tướng như Napoléon phải thấy trước điều này và đã giao cho Hầu tước Emmanuel de Grouchy nhiệm vụ ngăn chặn cánh quân của von Blücher từ xa và, tới đây, lại nổi lên vai trò của “định mệnh”, theo cách diễn giải của Stephen Zweig.
Trong nghiên cứu học thuật thì, để đạt đến một thành tựu sáng chói và độc đáo, một khoa học gia hay một sử gia, một nhà nhân chủng học hay khảo cổ học, v.v., ai ai cũng cần đến vai trò của trực giác thì nói gì đến một nhà chỉ huy quân sự, kẻ phải quyết định chớp nhoáng trong tình thế khẩn cấp của chiến trường, hoàn toàn mờ mịt thông tin. Nhưng “định mệnh” đã khiến Napoléon giao phó nhiệm vụ quan trọng này cho viên một viên tướng hoàn toàn không có sự bén nhạy thiên bẩm ấy, một viên thống chế mà cuộc đời binh nghiệp chỉ đơn giản là bài toán cộng của sự gan dạ và sự răm rắp trong việc thực hiện những ý đồ chiến thuật của chủ tướng chứ chưa bao giờ hành động bằng sáng tạo trên chiến trường. Lạc vào ma trận nghi binh của đối phương, Grouchy máy móc bám theo mục tiêu giả với mệnh lệnh được giao, cả khi quân Phổ đã sáp lại với quân Anh tại Waterloo, tiếng pháo đã ầm ầm vang động trong không gian, các tướng lĩnh dưới quyền hối thúc phải mau mau quay về tiếp sức đại quân, ông thống chế cẩn thận này vẫn khư khư với cái sứ mạng đã nhận lãnh ban đầu.
Stephen Zweig nhận xét rằng định mệnh hay chiều chuộng kẻ có thế lực và táo bạo nhưng đôi khi nó cũng hiến thân cho những kẻ tầm thường và con người tầm thường ở đây chính là Grouchy. Nếu có thể chặn được quân Phổ, hay ít ra trở về đúng lúc Napoléon rất cần, viên hầu tước này sẽ thực sự là người làm thay đổi lịch sử, tuy nhiên ông ta đã để vuột cơ hội tạo dựng thời cuộc này qua cách suy tính của kẻ cả đời chỉ biết lấy công làm lời.
Chọn lựa của Grouchy, xem ra, hoàn toàn khác với Putin. Với xuất phát điểm khá là tầm thường như một cựu điệp viên KGB, Putin đã táo bạo nắm bắt những cơ hội chính trị mà “định mệnh” ban cho để từng bước xây dựng sự nghiệp. Đến khi thâu tóm đủ quyền lực rồi thì con người táo bạo này lại được định mệnh chiều chuộng với cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới để cái nước Nga hậu cộng sản cực kỳ thiếu thốn lột xác như một cường quốc dầu khí. Ngoi lên theo giá dầu, một Putin từng nhún nhường trước Tây phương đã nổi như một nhân vật toàn cầu và, dầu càng lên giá, Putin càng phách lối, ngạo mạn mà đỉnh cao là giấc mộng Đại Nga qua vụ thôn tính Crimea năm 2014 và cuộc xâm lược Ukraine hiện tại mà, thay vì chiến thắng chóng vánh trong 6-7 ngày như từng toan tính, lại sa lầy đến những 6 tháng trong tình thế bất khả chiến thắng.
Bây giờ thì tuyết bắt đầu tan, cái bộ máy chiến tranh đang sa lầy theo nghĩa bóng kia sẽ phải sa lầy theo nghĩa đen và cơn điên vĩ cuồng của Putin có bị cuốn theo bùn nhão? [1]
Mùa Đông luôn là một đồng minh đắc lực của quân Nga. Nó đã khiến đoàn quân của Adolf Hitler thất bại. Và nó cũng đã khởi đầu cho một loạt thất bại của Napoléon, chính thất bại tại Moscow đã dẫn đến thất bại tại Leipzig rồi tại Paris để viên đại đế này bị đày ra đảo Elba vào năm 1813. Bây giờ thì Putin đang lâm vào tình cảnh của Napoléon sau khi vượt thoát khỏi hòn đảo trên vào tháng Tư năm 1815 để rồi, chỉ mấy tuần lễ sau, sau khi đã tập hợp được một đội quân hùng mạnh, phải bất lực đứng nhìn những khẩu pháo của mình ì ra trên cánh đồng Wateloo nhão nhoẹt bùn trong khi cơ thể còn lắng đọng những dư âm từ cơn hành của căn bệnh kinh niên.
Định mệnh từng chiều chuộng Putin nhưng Putin lại ngỗ ngược xâm phạm vào cái định mệnh đã hằn sâu trong lịch sử Nga ở đó mỗi lần lao vào một cuộc chiến khả bại là mỗi lần nước Nga khủng hoảng hay sụp đổ. Chính thất bại nhục nhã trong cuộc chiến Nga-Nhật 1904-1905 đã dẫn đến những bất ổn chính trị kéo dài từ năm 1905 đến năm 1907 mà về sau những sử gia Liên Xô gọi là “cuộc tổng diễn tập cho Cách mạng tháng Mười 1917”. Mà cuộc cách mạng này, đến lượt, chính là sự sụp đổ thiết chế chính trị của Nga hoàng sau khi ông vua này quyết định đưa quân tham gia cuộc chiến toàn cầu đầu tiên của nhân loại, Đệ nhất thế chiến, bùng nổ vào năm 1914. Nếu đó là những gì chúng ta chỉ có thể biết qua sách sử thì, bây giờ, trong ký ức sống động của rất nhiều người, một trong những yếu tố dẫn đến sự phá sản rồi sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 chính là quyết định đưa quân vào chiến trường Afghanistan năm 1979 để rồi, mười năm sau đó, phải rút lui trong nhục nhã sau khi nhận ra rằng càng dấn sâu vào sẽ càng sa lầy, tổn thất.
Bây giờ, phải chăng, nước Nga đang bị Putin lôi trở lại cái guồng quay khó chịu của thứ “định mệnh” này? Và liệu bùn đất nhão nhoẹt ở Ukraine sẽ chữa trị cơn điên vĩ cuồng của ông ta?
Victor Hugo đã nói đến “ý Trời” và nếu có một “ý” như vậy thì nó phải hoàn toàn trái ngược với ý đồ kiến tạo lại trật tự thế giới của Putin và những kẻ y xem là đồng minh, ngang kèo hay dưới vế. Một nước lớn cậy mạnh nuối chửng một nước bé hoàn toàn không phải là “ý Trời”. Một nước, lớn hay nhỏ, cậy mạnh, hay chỉ đơn thuần cậy vào tình thế cố cùng liều thân để bắt chẹt cả thế giới với hỏa tiễn tầm xa hay đầu đạn nguyên tử, cũng tuyệt đối không phải là “ý Trời”. “Trời” sẽ không bao giờ chuẩn nhận cho những kẻ đi ngược lại những quy tắc hành xử mà cộng đồng nhân loại đã chuẩn nhận. Và “Trời”, sau những “trục” ma quỷ từng gieo rắc kinh hoàng cho nhân loại trong Đệ nhất rồi Đệ nhị thế chiến, sẽ không hề chấp nhận một trục ma quỷ mới nối dài từ Moscow đến Bắc Kinh, Bình Nhưỡng.
Nhưng một cái trục như thế, nếu hình thành, sẽ là một liên minh rất cụ thể trong khi “Trời”, hay “định mệnh”, vẫn tiếp tục là một khái niệm mông lung và siêu hình. Mà nếu “Trời” là một ý niệm mông lung thì, cụ thể hơn, “ý Trời” lại có thể hiểu như là lẽ phải, là công lý tự nhiên, là chọn lựa của một nhân loại văn minh, yêu hòa bình và thuận theo tự nhiên. Mà thuận theo tự nhiên thì phải chấp nhận sống chung với bùn khi băng tuyết đã tan và đây chính là một hiện thực khó chịu mà một Putin khó chiều phải đối mặt khi mùa Xuân đang đến.
Trong The Violent Land, Jorge Amado, nhà văn Brazil, đã cho một nhân vật của mình mạt sát đối thủ chính trị rằng lẽ ra anh ta phải “nhúng ngòi bút xuống bùn dơ” để viết ra cái tên của y nhưng, ở đây, những đối thủ của Putin, bên trong hay bên ngoài nước Nga, không phải nhọc công như thế. Không chỉ là đất bùn để viết thành cái tên như kiểu làm chính trị rất ư là trẻ con mà là chính là con người của Putin: khi chôn vùi những đứa con của nước Nga vào bùn đất Ukraine thì ông ta chính là hiện thân của một thứ bùn.
Rồi đây, như là lẽ phải, như là công lý tự nhiên, như là định mệnh hay lịch sử của nước Nga, hay một cách chung chung là “ý Trời”, chắc chắn một nhà độc tài duy ý chí, bất kể quyền lợi của quốc gia và sinh mạng nhân dân như Putin sẽ tìm thấy vị trí thích hợp của mình trong mớ bùn dơ đang khiến những chiếc xe tăng và những cỗ pháo tưởng là hùng dũng của quân Nga phải ngoắc ngoải, hụt hơi.