Ukraine tuyên bố bắt đầu phản công để tái chiếm miền nam

Lam Giang

Một tòa nhà bị hư hại sau một cuộc tấn công tên lửa ở Kharkiv, Ukraine, hôm 29/8/2022. (Ảnh: Sergey Bobok/AFP/Getty Images)

Quân đội Ukraine được hỗ trợ bởi nguồn cung cấp viện trợ quân sự tăng cường của phương Tây, hôm 29/8 bắt đầu cuộc phản công để lấy lại lãnh thổ ở phía nam bị quân Nga chiếm giữ kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược cách đây nửa năm.

Thành phố cảng phía nam Mykoliav đã hứng chịu pháo kích dữ dội của Nga, thị trưởng cho biết nhiều ngôi nhà đã bị trúng đạn và ít nhất hai người thiệt mạng.

Những ngôi nhà bị tàn phá sau một cuộc tấn công tên lửa ở Mykolaiv, Ukraine hôm 29/8 trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã bắt đầu một cuộc phản công để tái chiếm thành phố Kherson, miền nam nước này hiện đang bị quân đội Nga chiếm đóng. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)

Trong khi đó, một phái đoàn từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã lên đường sang Ukraine để kiểm tra nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Nhà máy này bị lực lượng Nga chiếm giữ vào tháng 3 nhưng vẫn do các nhân viên Ukraine điều hành. Zaporizhzhia đã trở thành tiền tuyến hết sức nguy hiểm trong cuộc chiến.

Sáu tổ máy tạo ra 40-42 tỷ kWh điện khiến cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trở thành nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, tại Enerhodar, vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, ngày 9/7/2019. Ukrinform. (Ảnh: Dmytro Smolyenko/Future Publishing/Getty Images)

Moscow và Kyiv đổ lỗi cho nhau về việc pháo kích trong khu vực lân cận nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu, giữa những lo ngại về vụ rò rỉ phóng xạ ở một quốc gia vẫn bị ám ảnh bởi thảm họa Chernobyl năm 1986.

Phát ngôn viên của Bộ chỉ huy miền nam Ukraine, Natalia Humeniuk, cho hay quân đội Ukraine đã bắt đầu tấn công một số hướng ở miền nam, bao gồm cả khu vực Kherson.

Các kho đạn bị tấn công

Nga đã nhanh chóng chiếm được các vùng đất phía nam của Ukraine gần bờ Biển Đen, bao gồm cả thành phố Kherson, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Khu vực Kherson nằm ở phía bắc bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập và có các bờ biển trên Biển Đen và Biển Azov.

Ukraine đã và đang sử dụng các loại vũ khí tinh vi do phương Tây cung cấp để tấn công các kho đạn của Nga và tàn phá các đường tiếp tế. Bà Humeniuk nói trong một cuộc họp báo rằng Ukraine đã tấn công hơn 10 kho đạn trong tuần qua và “chắc chắn đã làm suy yếu kẻ thù”.

Bà từ chối đưa ra chi tiết về cuộc phản công, nói rằng các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine vẫn “khá hùng hậu”.

Thống đốc Crimea, Sergei Aksyonov, nói loan báo của bà Humeniuk là “tuyên truyền của Ukraine”.

Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời quan chức địa phương Vladimir Leontiev nói người dân đang được sơ tán khỏi nơi làm việc ở Nova Kahokva, một thị trấn cách Kherson 58 km về phía đông, sau khi lực lượng Ukraine thực hiện hơn 10 cuộc tấn công bằng phi đạn.

Các quan chức địa phương cho biết ở phía tây Kherson, thành phố Mykolaiv đã hứng chịu hỏa lực lớn của Nga hôm 29/6.

Những ngôi nhà bị trúng đạn sau một cuộc tấn công tên lửa ở Mykolaiv, Ukraine hôm 29/8. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)

Thị trưởng Oleksandr Senkevych nói có 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương. Nhà cửa của cư dân và những định chế giáo dục bị trúng đạn, ông viết trên Telegram.

Mykolaiv, một trung tâm đóng tàu và cảng sông ngay trên Biển Đen, đã hứng chịu các đợt oanh tạc nặng nề của Nga trong suốt cuộc chiến.

‘Mỗi viên đạn, mỗi quả pháo đều quan trọng’

Quân đội Ukraine sáng ngày 29/8 nói tại khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, các lực lượng Nga đã nã pháo vào các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự gần Bakhmut, Shumy, Yakovlivka, Zaytsevo và Kodema.

Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng phía nam. Ukraine đã giành được độc lập khi Liên bang Xô viết do Nga thống trị tan rã vào năm 1991. Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ nói Nga viện cớ vô lý để khơi mào một cuộc chiến.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và các thành phố bị biến thành đống đổ nát. Chiến tranh cũng đã đe dọa kinh tế toàn cầu bằng cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng và lương thực.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại cuộc họp toàn thể lần thứ 58 của Đại hội đồng ở New York vào ngày 23/02/2022. (Ảnh: Timothy A. Clary / AFP qua Getty Images)

Thụy Điển, cùng với Phần Lan có kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước cuộc xâm lược của Nga, đã công bố khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá gần 50 triệu USD cho Ukraine hôm 29/8 khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thăm Stockholm, Thụy Điển

Ông Kuleba kêu gọi Thụy Điển cung cấp vũ khí như pháo Howitzer và đạn pháo. Ông nói: “Mỗi đồng euro, mỗi viên đạn, mỗi quả pháo đều quan trọng”.

Đức cũng sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine trong những tuần tới và giúp nâng cấp khả năng pháo binh và phòng không của Kyiv, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố tại một hội nghị ở Prague. Ông cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Đức đối với Ukraine và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác trong việc gia nhập Liên hiệp Châu Âu.

Lam Giang

Related posts