Katabella Roberts
Các ngân hàng ở Vương quốc Anh đang chuẩn bị tái khai triển các kế hoạch phong tỏa được sử dụng trong đại dịch COVID-19 nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu điện có thể xảy ra trong mùa đông này giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo cơ quan thương mại UK Finance, cơ quan điều phối các cuộc thảo luận, một số ngân hàng, tổ chức cho vay, hiệp hội xây dựng, và các viên chức chi nhánh của các ngân hàng ở ngoại quốc đã thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận chung và xem xét lại các chính sách, chẳng hạn như khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà.
“Tất cả các công ty, bất kể quy mô như thế nào, đều đang rất chú ý sát sao,” ông Andrew Rogan, giám đốc khả năng phục hồi hoạt động của UK Finance, nói với hãng thông tấn Bloomberg. “Không có hoảng loạn, chỉ cần mọi người bảo đảm rằng họ đã chuẩn bị cẩn thận.”
Các cuộc thảo luận diễn ra khi Vương quốc Anh, vốn đang chống chọi với tình trạng giá cả năng lượng tăng cao, chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá có thể gây ra tình trạng thiếu khí đốt và khả năng mất điện trong các doanh nghiệp và gia đình.
Lệnh cấm khai thác dầu khí bằng thủy lực cắt phá được dỡ bỏ
Hôm thứ Năm (22/09), chính phủ Vương quốc Anh thông báo họ đang dỡ bỏ một lệnh cấm khai thác dầu khí bằng thủy lực cắt phá ở nước này, mặc dù Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh (BGS) đã công bố bản báo cáo do chính phủ ủy quyền (pdf) về những rủi ro của việc khai thác khí đá phiến là “chưa thể kết luận” và cho biết cần thêm dữ liệu.
Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Jacob Rees-Mogg cho biết việc dỡ bỏ lệnh cấm là cần thiết để hỗ trợ an ninh năng lượng của Vương quốc Anh trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã dẫn đến một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây và khiến Vương quốc Anh phải từ nguồn bỏ khí đốt nhập cảng.
Ông Rees-Mogg nói: “Trong bối cảnh của cuộc xâm lược bất hợp pháp của ông Putin vào Ukraine và việc vũ khí hóa năng lượng, việc tăng cường an ninh năng lượng của chúng ta là một ưu tiên tuyệt đối, và – như thủ tướng đã nói – chúng ta sẽ bảo đảm Vương quốc Anh là quốc gia xuất cảng năng lượng ròng vào năm 2040.”
“Để đạt được điều đó, chúng ta sẽ cần phải khai thác tất cả các con đường hiện hữu cho chúng ta thông qua sản xuất quang năng, phong năng, dầu mỏ và khí đốt — vì vậy, việc chúng ta đã dỡ bỏ lệnh tạm dừng đó để hiện thực hóa bất kỳ nguồn khí đốt tiềm năng nào trong nước là điều đúng đắn,” ông nói thêm.
Trong một diễn biến khác trong tuần này (18-25/09), chính phủ Anh đã cam kết giới hạn chi phí đối với điện và khí đốt đang tăng cao cho các doanh nghiệp trong mùa đông này để bảo đảm họ không bị phá sản. Kế hoạch Cứu trợ Dự luật Năng lượng mới sẽ cho phép chính phủ giảm giá bán sỉ đối với khí đốt và điện cho tất cả các khách hàng ngoại quốc, trong đó có tất cả các doanh nghiệp Vương quốc Anh, khu vực thiện nguyện, và khu vực công cộng, bao gồm trường học và bệnh viện.
Việc giảm giá sẽ tự động được áp dụng cho việc sử dụng năng lượng bắt đầu từ ngày 01/10 đến ngày 31/03/2023.
Tuy nhiên, mối đe dọa tiềm tàng về khả năng mất điện trong mùa đông này vẫn rất thực tế, và các công ty tài chính đã được nhắc nhở để đưa ra các kế hoạch dự phòng.
Chi phí năng lượng gần như bằng chi phí thuê văn phòng
Đầu tháng này, ông Stefan Behr, giám đốc điều hành của JPMorgan tại Âu Châu, cho biết công ty đã có những kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu, trong đó có những máy phát điện dự phòng và các văn phòng lớn, đồng thời ngân hàng đầu tư này cũng sẽ xem xét tạm thời chuyển nhân viên sang các nước khác nếu cần thiết.
UK Finance nói với Bloomberg rằng các đại công ty tài chính đều có máy phát điện và các nguồn điện bổ sung vốn có thể cung cấp điện cho họ trong khoảng 72 giờ. Họ cũng đang xem xét các địa điểm khác trong nội tại nước Anh như ở London, Essex, Surrey, và những nơi khác mà họ có thể chuyển nhân viên đến trong trường hợp mất điện cục bộ.
“Giá cả năng lượng gần như đã đạt mức tương đương với chi phí thuê văn phòng,” ông Harvey Sinclair, giám đốc điều hành Tập đoàn eEnergy, nói với Bloomberg. “Chúng tôi đang lắp đặt đồng hồ thông minh và xác định xem đèn có được bật vào ban đêm hay không và liệu các thiết bị điều hòa không khí có bật quá nhiều hay không.”
Trong một diễn biến khác hôm 20/09, Ngân hàng Anh quốc, ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh, đã tăng lãi suất từ 1.75% lên 2.25%, mức cao nhất trong hơn 13 năm qua, trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát đang bùng phát.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ của ngân hàng này cũng chỉ ra rằng họ tin rằng nền kinh tế của Anh quốc đã rơi vào tình trạng suy thoái. Theo ước tính do Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9.9% thường niên trong tháng Tám.
Nhật Thăng biên dịch