Phong Vân
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra quyết định đưa quân toàn diện vào Ukraine, tiến hành hoạt động gọi là “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine, một số chính khách và các kênh truyền thông phương Tây đã đưa ra nhiều tuyên bố về thế giới quan được cho là hoài cổ về Liên Xô của ông Putin, đồng thời so sánh những hành động hiện tại của chính quyền Nga với sự khắc nghiệt của chế độ cộng sản Liên Xô trong quá khứ.
Tuy vậy, trong bài phát biểu dài bất thường về Ukraine và Donbass ngày 21/02/2022, ngay trước thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược 3 ngày sau đó, Tổng thống Putin đã thể hiện thái độ rất cứng rắn với chế độ Cộng sản Liên Xô đã từng cai trị nước Nga, và “tạ ơn Chúa” khi Đảng Cộng Sản những năm 80 thế kỷ trước đã đánh mất những công cụ để duy trì quyền lực, “những công cụ như khủng bố nhà nước và chế độ độc tài kiểu Stalin, và vai trò chỉ đạo khét tiếng của Đảng” đã “biến mất, không một dấu vết, như một làn sương sớm”.
Ông Putin cũng chỉ trích những nhà lãnh đạo cộng sản như Lenin và Stalin, và cho rằng những sai lầm của họ trong quá khứ đã thúc đẩy những người theo chủ nghĩa dân tộc, bao gồm những người tại Ukraine, mà “quả mìn” chính là quyền ly khai khỏi Liên Xô, mà ông Putin gọi là nước Nga lịch sử.
Theo tuyên bố của Tổng thống Nga, đất nước Ukraine hiện đại được khai sinh từ những chính sách khắc nghiệt với chính nước Nga của Vladimir Lenin, và sau đó được tiếp nối bởi Stalin và Khrushchev, bao gồm cắt các vùng đất khác nhau của Đế quốc Nga cũ, vùng Donbass, Crimea, một số vùng đất trước đây thuộc về Ba Lan, Romania và Hungary… chuyển giao cho Ukraine, mà không “hỏi hàng triệu người sống ở đó họ nghĩ gì.” Ông Putin cho rằng, đây là cách lãnh thổ của Ukraine hiện đại được hình thành.
“Và ngày nay thế hệ con cháu biết ơn đã lật đổ tượng đài Lenin ở Ukraine”, Tổng thống Putin nói, “Họ gọi đó là quá trình phi cộng sản hóa (decommunization).”
“Quý vị muốn phi cộng sản? Rất tốt, điều này phù hợp với chúng tôi. Nhưng vì sao lại dừng giữa chừng? Chúng tôi đã sẵn sàng để chứng minh việc phi cộng sản hóa thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine”, ông Putin tiếp tục.
Dưới đây là trích đoạn bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin.
“Sau cuộc cách mạng [Tháng Mười], mục tiêu chính của những người [cộng sản] Bolshevik là nắm quyền bằng mọi giá, tuyệt đối bằng mọi giá. Vì mục đích này, họ đã làm mọi thứ: chấp nhận Hòa ước Brest-Litovsk* nhục nhã, mặc dù tình hình kinh tế và quân sự của Đức và phe trung tâm [khi đó] rất khó khăn và kết quả của Thế chiến thứ Nhất là dễ đoán trước, và họ [Bolshevik] lại còn đáp ứng mọi yêu cầu và mong muốn của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Khi nói đến vận mệnh lịch sử của nước Nga và các dân tộc, các nguyên tắc phát triển nhà nước của Lenin không chỉ là một sai lầm; chúng tệ hơn một sai lầm. Điều này đã trở nên rõ ràng sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Tất nhiên, chúng ta không thể thay đổi các sự kiện trong quá khứ, nhưng ít nhất chúng ta phải thừa nhận chúng một cách công khai và trung thực, không có bất kỳ sự dè dặt hay vận động chính trị nào.
Điều duy nhất tôi muốn nói ngày hôm nay, là nó chính xác là như thế nào. Đó là một sự thật lịch sử. Trên thực tế, như tôi đã nói, Ukraine thuộc Liên Xô là kết quả của chính sách của những người Bolshevik và có thể được gọi một cách chính xác là “Ukraine của Vladimir Lenin”. Ông ta là người tạo ra nó và là kiến trúc sư. Điều này được chứng thực đầy đủ và toàn diện bởi các tài liệu lưu trữ, bao gồm cả những chỉ thị khắc nghiệt của Lenin về vùng Donbass, là vùng thực tế đã bị chuyển vào Ukraine. Và ngày nay thế hệ con cháu biết ơn đã lật đổ tượng đài Lenin ở Ukraine. Họ gọi đó là quá trình phi cộng sản hóa (decommunization).
Quý vị muốn phi cộng sản? Rất tốt, điều này phù hợp với chúng tôi*. Nhưng vì sao lại dừng giữa chừng? Chúng tôi đã sẵn sàng để chứng minh việc phi cộng sản hóa thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine.
Nhìn ngược lại lịch sử, tôi muốn nhắc lại rằng Liên Xô được thành lập thay cho Đế quốc Nga trước đây vào năm 1922. Nhưng thực tiễn cho thấy ngay rằng, không thể giữ hay quản lý một lãnh thổ rộng lớn và phức tạp như vậy theo những nguyên tắc vô định tương đương với liên minh. Họ đã xa rời thực tế và truyền thống lịch sử.
Điều hợp lý là Cuộc Khủng bố đỏ* và sự trượt dài nhanh chóng vào chế độ độc tài của Stalin, sự thống trị của hệ tư tưởng cộng sản và sự độc quyền của Đảng Cộng sản đối với quyền lực, quốc hữu hóa và nền kinh tế kế hoạch – tất cả những điều này đã biến những nguyên tắc chính thức được tuyên bố nhưng không hiệu quả của chính quyền thành một tuyên ngôn đơn thuần. Trên thực tế, các nước cộng hòa liên hiệp không có bất kỳ quyền chủ quyền nào, không có quyền gì cả. Kết quả thực tế là tạo ra một nhà nước tập trung chặt chẽ và thống nhất tuyệt đối.
Trên thực tế, những gì Stalin thực hiện đầy đủ là các nguyên tắc chính phủ của chính ông ta, không phải là của Lenin. Nhưng Stalin đã không thực hiện các sửa đổi liên quan đối với các tài liệu nền tảng, đối với Hiến pháp, và ông ta đã không chính thức sửa đổi các nguyên tắc của Lenin về Liên bang Xô viết. Thoạt nhìn, dường như không cần điều đó, bởi vì mọi thứ có vẻ đang hoạt động tốt trong điều kiện của chế độ toàn trị, và bề ngoài nó trông thật tuyệt vời, hấp dẫn và thậm chí là siêu dân chủ.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là nền tảng pháp lý cơ bản và chính thức của nhà nước chúng ta đã không được tẩy rửa kịp thời khỏi những tưởng tượng quái gở và không tưởng, được truyền cảm hứng từ cuộc cách mạng, những thứ hoàn toàn hủy hoại bất kỳ nhà nước bình thường nào. Như nó thường xảy ra ở nước ta trước đây, không ai nghĩ đến tương lai.
Có vẻ như các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản tin rằng họ đã tạo ra một hệ thống chính quyền vững chắc và các chính sách của họ đã giải quyết tốt vấn đề dân tộc. Nhưng sự giả dối, quan niệm sai lầm và xúi bẩy dư luận là phải trả giá đắt. Virus của những tham vọng dân tộc chủ nghĩa vẫn còn ở trong chúng ta, và quả mìn được đặt ở giai đoạn đầu để phá hủy khả năng miễn dịch của nhà nước đối với căn bệnh của chủ nghĩa dân tộc đang kêu tích tắc. Như tôi đã nói, quả mìn ấy chính là quyền ly khai khỏi Liên Xô.
Vào giữa những năm 1980, các vấn đề kinh tế xã hội ngày càng gia tăng và cuộc khủng hoảng rõ ràng của nền kinh tế kế hoạch đã làm trầm trọng thêm vấn đề dân tộc, – vấn đề dân tộc này về cơ bản không dựa trên bất kỳ kỳ vọng hay ước mơ chưa được thực hiện nào của người dân Liên Xô mà chủ yếu là sự thèm muốn [được tự quyết] ngày càng tăng của giới tinh hoa địa phương.
Tuy nhiên, thay vì phân tích tình hình, đưa ra các biện pháp thích hợp, trước hết là về kinh tế, và từng bước chuyển đổi hệ thống chính trị và chính quyền được cân nhắc kỹ lưỡng và cân bằng, thì Ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản lại chỉ tham gia nói những chuyện dông dài về sự hồi sinh của Nguyên tắc dân tộc tự quyết của Lênin.
Tiếp theo, họ hoàn toàn dấn thân vào con đường sai lầm như khi Liên Xô mới thành lập và ngả theo tham vọng của giới tinh hoa dân tộc chủ nghĩa được nuôi dưỡng trong hàng ngũ đảng. Nhưng khi làm như vậy, họ quên rằng Cộng sản Liên Xô – tạ ơn Chúa – không còn những công cụ để duy trì quyền lực và đất nước, những công cụ như khủng bố nhà nước và chế độ độc tài kiểu Stalin, và vai trò chỉ đạo khét tiếng của đảng đang biến mất, không một dấu vết, như một làn sương sớm, ngay trước mắt họ.
Thậm chí hai năm trước khi Liên Xô sụp đổ, số phận của nó thực sự đã được định trước. Giờ đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc và những kẻ cấp tiến, bao gồm và chủ yếu là những người ở Ukraine, đang ghi nhận công lao vì đã giành được độc lập. Như chúng ta có thể thấy, điều này là hoàn toàn sai lầm. Sự tan rã của đất nước thống nhất của chúng ta là do những sai lầm lịch sử, chiến lược của các nhà lãnh đạo Bolshevik và ban lãnh đạo Cộng sản Liên Xô, những sai lầm đã phạm vào các thời điểm khác nhau trong xây dựng nhà nước cũng như trong các chính sách kinh tế và dân tộc. Sự sụp đổ của nước Nga lịch sử, hay còn được gọi là Liên Xô, đang đè nặng lên lương tâm của họ.”
Chú thích:
- Hòa ước Brest-Litovsk được ký kết vào ngày 3/3/1918 giữa chính quyền Nga Xô viết và các nước phe Trung Tâm (Đức, Áo-Hung, Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ), chính thức chấm dứt việc Nga tham chiến trong Thế chiến I.
Theo các điều khoản của hòa ước, Nga buộc phải nhường quyền bá chủ vùng Baltic cho Đức, nhượng lại toàn bộ vùng Kars Oblast ở Nam Kavkaz cho Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và công nhận nền độc lập của Ukraine. Hòa ước Brest-Litovsk đã lấy đi của Nga một phần lãnh thổ, gồm 1/4 dân số của Đế quốc Nga cũ cùng với 9/10 mỏ than cả nước.
- Định nghĩa phổ biến nhất được sử dụng ngày nay là đề cập đến các khu vực Donetsk và Luhansk, phía Đông Ukraine.
- Tháng 11 năm 1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsin ra một nghị định cấm Đảng Cộng Sản Liên Xô hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Nga.
Tháng 2 năm 1993, Đảng Cộng Sản Liên bang Nga thành lập, được coi là kế thừa Đảng Cộng Sản Liên Xô.
Đảng Cộng Sản Nga hiện là đảng chính trị lớn thứ 2 tại Nga, sau Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền của Tổng thống Putin. Theo nhà báo Mark Galeotti viết trên tờ Moscow Times vào tháng 8 năm 2021, chính quyền Putin hiện coi Đảng CS Nga là “đối lập” và phải ngăn chặn. Lãnh đạo ĐCS Nga, Zyuganov nói rằng chính quyền của Putin “đang phát xít hóa” chính trị Nga.
- Khủng bố Đỏ ở nước Nga Xô Viết là một chiến dịch đàn áp và hành quyết chính trị do những người Bolshevik thực hiện, chủ yếu thông qua lực lượng cảnh sát mật Cheka, bắt đầu vào cuối tháng 8 năm 1918 sau khi Nội chiến Nga bắt đầu và kéo dài cho đến năm 1922.
Theo các ước tính đáng tin cậy nhất, có khoảng 100.000 vụ hành quyết được thực hiện trong thời gian này.