Dạy và học trong một nền giáo dục ký sinh

Nguyễn Hoàng Văn

Ông Bùi Đức Mỹ, nguyên là đại tá không đoàn trưởng của Không lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), kể lại một trải nghiệm thú vị khi tham dự khóa chỉ huy tham mưu cao cấp tại Maxwell Air University của nước Mỹ.

Khóa học này quy tụ nhiều sĩ quan không quân Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có nhiều người đã có bằng cao học, tiến sĩ. Khóa học có bốn môn chính là chính trị, kinh tế, tâm lý học và quân sự, nhà trường cũng mời các giáo sư, học giả danh tiếng đến thuyết trình, trong đó bất cứ đề tài nào cũng được ba giáo sư trình bày với ba hướng khác nhau. Thí dụ đề tài về “Kinh tế Nga Sô”: ngày đầu một giáo sư thiên tả ca ngợi nó tận mây xanh; ngày hôm sau thì một giáo sư khác quay ngược 180 độ, đả kích nó thậm tệ; đến hôm thứ ba lại một giáo sư “trung dung” hơn, chê một ít, khen một ít.

Cuối khóa thì thi, học viên phải làm bài thi viết với khoảng bốn hay năm đề tài đặt ra. Ông đại tá thú nhận là trình độ Anh ngữ của ông lúc đó không khá lắm, nghe các giáo sư trên giảng thì chỉ hiểm lõm bõm thôi nhưng thật bất ngờ, mấy tháng sau khi tốt nghiệp, ông được nguyên Tư Lệnh không quân VNCH Nguyễn Văn Minh trao giấy khen bởi đã được Maxwell Air University tuyên dương là khóa sinh xuất sắc, do đó đã vinh danh cho Không lực VNCH tại nước ngoài.

Ông Mỹ giải thích là do chỉ hiểu lờ mờ lời giảng của các học giả nên khi thi ông phải vắt óc ra làm với hiểu biết và suy nghiệm riêng của mình, và do đó, được xem là độc đáo, sáng tạo, vượt qua các đồng môn học vấn đầy người! [1]

Chuyện ông đại tá làm tôi nhớ lại những kinh nghiệm riêng trong việc học, cay đắng bẽ bàng cũng có, thú vị cũng có.

Tôi nhớ năm còn học trung học ở Việt Nam. Giờ toán, được gọi lên bảng giải một bài hình học không gian nhưng khối tứ diện vừa phác ra xong đã bị ông thầy giận dữ xóa ngang, buộc phải vẽ lại theo ý của mình, khiến tôi phẫn uất đến mức rối trí. Thường, để dễ nhìn, hình tứ diện được vẽ với đỉnh ở trên, ba tam giác xoay quanh ba mặt và một tam giác mặt đáy, tuy nhiên tôi lạ ngỗ ngược làm khác, cho cả bốn mặt hình tam giác sấp ngửa bốn hướng nam bắc tây đông, còn thượng – hạ chỉ là hai đoạn thẳng dọc ngang và ông thầy, tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, không chấp nhận lối vẽ vượt lối mòn này: nhất nhất, từ cách chứng minh một định đề đến cách vẽ một cái hình, cũng phải rập theo khuôn mẫu mà ông ta đã quen, như máy.

Kinh nghiệm không vui này phai nhạt dần theo năm tháng và phải mất mười mấy năm sau, khi có cơ hội tiếp tục việc học tại một đại học Úc, mới sống lại khi tôi thực sự trải nghiệm rằng nền giáo dục Tây phương tôn trọng và quý giá những cái riêng, những cái “ngỗ ngược” của sinh viên, cho rằng đó là sự tìm tòi, sự độc đáo, sự sáng tạo. Tất nhiên, tôi hiểu rằng giáo dục đại học phải khác với giáo dục trung học. Và, tất nhiên, tôi hiểu áp lực của những người thầy ở Việt Nam, vào thời tôi, khi phải phụ trách mỗi lớp trên dưới 50 học sinh, nhồi nhét như cá hộp. Nhưng tôi còn nghĩ xa hơn, đến “Nghịch lý Ellberg”, từ một luận án tiến sĩ của Daniel Ellsberg tại Havard, về cách thức mà chúng ta phải đưa ra quyết định trong tình trạng mập mờ thông tin. Nếu, trong cuộc sống, chúng ta phải nhanh chóng quyết định khi chưa thu thập đủ thông tin, chưa nhận ra hết những mối ràng buộc tương liên giữa các yếu tố liên quan thì, ngay từ đầu, từ cách giải một bài toán, tại sao không thể tập cách nhận diện những mối ràng buộc như thế từ một hình vẽ rối ren, khó nhìn?

Xa hơn, câu chuyện của ông đại tá còn làm tôi nhớ lại một kinh nghiệm riêng, thú vị và bất ngờ, trong một lớp học tạm bợ ở trại tỵ nạn về những nền tảng giáo dục và văn hoá Tây phương. Lớp học dành cho những người tỵ nạn lõm bõm đôi chút tiếng Anh, đủ để làm việc cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và buổi thảo luận do một nhân viên của cơ quan quốc tế này hướng dẫn tưởng là bình thường như một cơ hội để hoàn thiện tiếng Anh: “Theo bạn, ai là người vĩ đại nhất nhân loại”. Bình thường thôi và chúng tôi, đâu khoảng mười học viên, tiếp nối nhau nêu tên thần tượng của mình, vận dụng bằng hết khả năng Anh ngữ để chứng minh thật thoả đáng luận điểm của mình. Người theo Đạo Phật thì có Đức Phật. Tín đồ Thiên Chúa Giáo thì có Chuá Jesus. Kẻ mê khoa học thì Albert Einstein, người mê văn chương thì Victor Hugo, Leo Tostoy và có người thì đơn giản: “Mẹ tôi”. Chúng tôi thảo luận rào rào bằng kiến thức và ngôn ngữ chắp vá của mình cho đến khi nhận được câu trả lời riêng cho từng người, để trong hộp giấy cứng, mang ra đọc ở ngoài hành lang.

Lời đáp thật đơn giản và thật bất ngờ: một tấm gương soi dưới đáy để câu trả lời, cho bất cứ ai đến lượt, cũng chỉ là khuôn mặt của mình. Đây không đơn thuần là lời đáp cho một câu hỏi mà là một triết lý, một nền tảng văn hoá đã làm tôi ngây người như một phát minh thú vị. Mà thật thú vị khi, trong một hoàn cảnh trớ trêu như thế lại có thể, vô hình trung, gặp lại Nguyển Thái Học trên một miền đất lạ. Bạn mới là người vĩ đại nhất. Bạn cho rằng Đức Phật là người vĩ đại nhất ư? Bạn cũng có thể có trở thành Phật lắm chứ, vấn đề là bạn có muốn làm hay không! Bạn cho rằng Einstein là người vĩ đại nhất ư? Tại sao bạn không cố lên, bạn cũng có thể trở thành một nhà khoa học như ông ta lắm chứ? Vân vân, bao nhiêu là tên tuổi vĩ đại nhưng cứ ước mơ, cứ tưởng tượng và cứ gắng sức, hoàn toàn không có một giới hạn nào đặt ra trước mặt: Không thành công cũng thành nhân.

Không thành công cũng thành nhân và hiện tại đã có quá nhiều lời ta thán về tình trạng “không thành công mà cũng chửa thành nhân” của nền giáo dục trên đất nước chúng ta với sự khủng hoảng hầu như toàn diện. Khủng hoảng từ sự áp dụng máy móc của những giáo điều xơ cứng đến sự lúng túng, thiếu sáng tạo trước những đòi hỏi gay gắt của cuộc sống. Khủng hoảng từ nhân phẩm của ông thầy cho đến đạo đức của học trò. Khủng hoảng từ chương trình giảng dạy cho đến thể lệ thi cử, khủng hoảng từ những thay đổi xoành xoạch chẳng đâu vào đâu, cải cách một vòng 12 năm, từ lớp 1 đến lớp 12, nếu thấy không ổn thì… cải cách tiếp. Những cuộc cải cách lòng vòng, không khác gì cảnh Vân Tiên cõng mẹ trong câu ca dao đùa, cõng ra thì đụng cái này, cõng vào thì đụng cái kia.

Giáo dục Việt Nam đang sa vào một tình trạng mà, cả những người trí thức nhất và tâm huyết nhất vẫn phải bó tay trong cái nỗ lực tạo nên cú hích thay đổi. Họ bó tay, bất lực. Họ mù tịt, chẳng biết phải bắt đầu cú hích ở chỗ nào.

Thì cũng chẳng có gì khó hiểu. Khi nền giáo dục đóng khung trong những giới hạn không thể vượt qua thì tự thân nó đã là một giới hạn không thể vượt qua, trớ trêu như là tự mắc vào cái bẫy của chính mình với cái tình thế Catch-22. [2] Nếu hệ thống chỉ nhắm đến việc đào tạo những sản phẩm ký sinh thì những thành viên thành đạt nhất phải chứng tỏ được khả năng ký sinh cao nhất. Mà thành đạt nhất cũng có nghĩa là quyền lực nhất. Trong mối quan hệ cộng sinh giữa quyền lực như thế với tình-trạng-hiện-hữu, cái status quo của hệ thống, thành viên nào dám vứt hết những phần thưởng nhận được để phá vỡ sự ổn cố của hệ thống đang trao thưởng cho mình?

Cái mà đất nước cần là một cuộc cách mạng giáo dục chứ không phải những cuộc cải cách quanh quẩn lòng vòng như đã thấy.

Chú thích:

[1] Bùi Đức Mỹ (2015), Đời tôi, Tủ sách Hy vọng, California, trang 64-65.

[2] Catch-22 là tên một tác phẩm của nhà văn Mỹ Joseph Heller, xuất bản lần đầu năm 1961 và nhưng từ ngữ này đã trở thành một thành ngữ diễn tả tình trạng bị ràng buộc bởi hai phía, tiến thoái lưỡng nan.

Nhân vật trong truyện là Đại úy Joseph Yossarian, phi công lái máy bay oanh tạc trong Đệ nhị Thế chiến. Phi công này xin nghỉ bay với lý do bị tâm thần, không đủ sức bay theo điều khoảng Catch-22. Tuy nhiên theo bác sĩ quân y thì khi phi công này đến yêu cầu “nghỉ bay vì lý do tâm thần”, chứng tỏ anh ta còn tỉnh táo.

Related posts