Tin thế giới tối thứ Hai: Người dân Lyman (Ukraine) hưởng không khí hòa bình sau khi Nga rút quân

Ukraine: Người dân Lyman hưởng không khí hòa bình sau khi Nga rút quân

Người dân tại Lyman lấy bột mì bỏ lại trong các kho chứa đồ của Nga. (Ảnh: Chụp màn hình/Wall Street Journal)

Cư dân tại thành phố Lyman thuộc Donetsk, Ukraine đã mạo hiểm ra đường phố vào sáng ngày 1/10 vừa qua, tận hưởng sự yên tĩnh lạ thường sau nhiều tháng diễn ra cuộc xung đột với Nga. Người dân Lyman thậm chí còn không biết chắc bên nào đang kiểm soát thành phố này, theo hãng tin Wall Street Journal.

Những nhóm quân cuối cùng của phía Nga đã rút khỏi Lyman từ đêm hôm trước nhằm tránh cuộc bao vây của các lực lượng Ukraine. Bỏ lại sau lưng họ là những xe cộ bị đốt cháy đen và những thi thể bên lề đường.

“Chúng tôi không thể xác định họ là ai, những thi thể nằm trên phố đó là người Nga hay Ukraine”, một cư dân tên Dmytro Hontar nói khi đứng nhìn hàng chục người dân Lyman xông vào các kho chứa của Nga ở quảng trường chính, lấy đi những bao bột mì có dòng chữ “Viện trợ Nhân đạo Nga”.

“Chúng tôi không có ai viện trợ ở đây. Chúng tôi ăn bất cứ thứ gì dự trữ được trước chiến tranh”, bà Tamara Kozachenko nói khi xách đi hai túi bột mì 5 kg. “Người Nga, chúng tôi thậm chí không nhìn thấy họ biến mất. Giờ đã kết thúc rồi sao?”, bà cho biết.

Từng là nơi sinh sống của 22.000 cư dân trước cuộc tấn công của Nga, thành phố Lyman nằm ở vị trí chiến lược ở cực bắc vùng Donetsk của Ukraine, một trong bốn vùng lãnh thổ mà Nga vừa tuyên bố sáp nhập. Để mất Lyman được xem là một bước lùi lớn với Moscow, bởi đây là cuộc thoái lui đầu tiên khỏi một thành phố mà Nga đã tuyên bố là thuộc lãnh thổ của mình, dù động thái ấy bị Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc là trái pháp luật.

Sau khi thắng nhanh ở Kharkiv hồi tháng 9, việc giành lại Lyman đã mở đường cho lực lượng Ukraine tiến sâu hơn vào Luhansk ngay sát, với hy vọng đảo ngược vị thế hai bên. Luhansk và Donetsk tạo thành khu vực Donbass, trung tâm công nghiệp và khoáng sản ở miền đông Ukraine.

Ukraine đang nỗ lực giành lại nhiều vùng đất trước khi lực lượng mới huy động của Nga được huấn luyện và triển khai. Bước tiến ở Kharkiv và Lyman giúp Ukraine có thể bắt đầu giành lại những khu vực lân cận cũng thuộc Luhansk, đặc biệt là đô thị Severodonetsk mà Nga kiểm soát được sau trận chiến đẫm máu hồi cuối tháng 6.

Ông Roman Chornomorets, vốn là nhân viên nhà ga Lyman trước xung đột, cho hay: “Không ai nói với chúng tôi rằng người Nga sẽ rời đi, họ chỉ gói ghém hàng rồi rút ngay mà không có cảnh báo gì”.

Chornomorets nói rằng ông rất xúc động với chiến thắng của Ukraine: “Ở đây chỉ có khốn khổ, bóng tối, pháo kích liên tục, không khí đốt, không điện. Tôi hy vọng rằng bây giờ, ít nhất, tình hình sẽ bắt đầu tốt hơn”.

“Người dân ở đây sẽ chỉ hạnh phúc khi chiến tranh cuối cùng kết thúc”, một cư dân khác nói. “Tất cả những gì chúng tôi muốn là hòa bình và yên tĩnh”.

Chỉ một lực lượng nhỏ lính dù Ukraine đổ bộ xuống Lyman vào ngày 1/10, họ rà soát các địa điểm cũ của Nga và tìm kiếm đạn dược còn sót lại. Sau khi tiến vào tòa thị chính thành phố trên quảng trường chính của Lyman, những người lính đã đốt các tài liệu từ cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức gần đây về việc gia nhập Liên bang Nga.

Phan Anh

Phát hiện mới về dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa

(Ảnh minh họa: Dotted Yeti/Shutterstock)

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện bằng chứng cho thấy sao Hỏa có nước ở thể lỏng bên dưới các mảng băng. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc chứng minh Hành tinh Đỏ từng là nơi ẩm ướt và có tồn tại sự sống, theo tờ The Independent.

Một nghiên cứu của Đại học Cambridge đã tìm ra bằng chứng có nước trên bề mặt chỏm băng vùng cực Nam của sao Hỏa mà không sử dụng radar. Theo các nhà khoa học, điều này chứng minh rằng rất có thể điều kiện thời tiết trên Hành tinh Đỏ đã từng thích hợp cho sự sống ngoài Trái Đất. Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Cambridge với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đại học Sheffield và Đại học Mở. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Astronomy.

Khác với dải băng ở Trái Đất có mạch nước ngầm hoặc thậm chí là hồ băng chạy phía bên dưới, ở sao Hỏa, chúng luôn được cho là chứa chủ yếu nước đóng băng do khí hậu lạnh giá. Lượng nước đóng băng mà vùng này chứa có thể bao phủ cả hành tinh với một lớp nước sâu khoảng 11 m, NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) cho biết.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Cambridge đã chứng minh có nước ở thể lỏng trên Hành tinh Đỏ. Cụ thể, hai yếu tố quan trọng mỗi khi tìm kiếm hồ dưới băng trên Trái Đất đã được phát hiện trên sao Hỏa, theo tiến sĩ Frances Butcher của Đại học Sheffield.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tia laser trên tàu vũ trụ để đo độ cao của bề mặt chỏm băng. Điều đó giúp họ tìm ra vật chất chính xác dựa trên chiều cao của dải băng. Tiếp đến, họ dùng dữ liệu này để so sánh với mô phỏng hình ảnh nước chảy bên dưới tảng băng bằng máy tính.

Kết quả cho thấy xuất hiện một mảng nước ở dạng lỏng bên dưới tảng băng ở sao Hỏa, tương tự với kết quả tìm thấy trên radar xuyên băng trước đó của nhóm.

Giáo sư Neil Arnold của Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực là người chịu trách nhiệm chính cho nghiên cứu này. Ông cho biết rằng sau khi kết hợp bằng chứng đo bằng tàu vũ trụ, radar với mô phỏng máy tính, các nhà khoa học đã kết luận ít nhất vẫn còn một vũng nước ngầm dưới băng tồn tại trên Hành tinh Đỏ đến tận ngày nay.

“Địa hình và khí hậu trên sao Hỏa vẫn có khả năng chứa nước bên dưới các tảng băng”, giáo sư Neil Arnold nhận định.

Trước đó, vào năm 2018, các nhà khoa học đã từng dùng radar của vệ tinh Mars Express để nhìn xuyên qua các dải băng trên Hỏa tinh. Khi ấy, một khu vực nằm dưới chỏm băng đã phản xạ sóng radar của nhóm, cho thấy rất có thể có nước dạng lỏng ở dưới bề mặt này.

Phan Anh

Bộ trưởng Austin: Không có dấu hiệu cho thấy TQ sắp xâm lược Đài Loan

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (AP)

Ngày 2/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, ông không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sắp tiến hành xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên ông cho biết, Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một “bình thường mới” với các hoạt động quân sự của họ xung quanh đảo quốc dân chủ này.

Chuyến viếng thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã khiến Trung Quốc phẫn nộ. Bắc Kinh sau đó đã trả đũa bằng các cuộc tập trận quân sự gần đảo quốc này. Các hoạt động quân sự của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn mặc dù quy mô đã giảm đi nhiều.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên đài CNN, Bộ trưởng Austin cho hay: “Tôi không nhìn thấy một cuộc xâm lược sắp xảy ra.”

“Những gì chúng tôi nhìn thấy là Trung đang tiến hành thiết lập cái mà chúng tôi là bình thường mới. Hoạt động gia tăng – chúng tôi đã nhìn thấy một số máy bay của họ bay qua đường trung tâm của Eo biển Đài Loan. Con số đó đã tăng lên theo thời gian. Chúng tôi đã thấy các tàu nổi của họ hoạt động nhiều hơn tại các vùng biển xung quanh Đài Loan.”

Hoa Kỳ và đồng minh đã đáp trả các cuộc tập trận của Trung Quốc bằng cách tiếp tục đi thuyền qua khu vực này. Một tàu chiến của Hải quân Mỹ và một tàu khu trục nhỏ của Canada đã quá cảnh qua Eo biển Đài Loan vào ngày 20/9 như thường lệ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN được ghi hình hôm 30/9, Bộ trưởng Austin lưu ý, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác “để đảm bảo rằng chúng tôi duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, Hoa Kỳ đang làm việc để mở lại các kênh liên lạc quân sự với Trung Quốc bởi vì điều này rất quan trọng đối với cả hai quốc gia.

Trước đó hồi tháng 8, Trung Quốc đã ngừng hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực, bao gồm đối thoại giữa các chỉ huy quân sự cấp cao, để trả đũa chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Bộ trưởng Austin tiết lộ, ông đã điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa. Ông nêu rõ: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tiếp tục phát tín hiệu rằng chúng tôi muốn các kênh liên lạc đó mở ra và tôi hy vọng Trung Quốc sẽ bắt đầu quan tâm hơn một chút [đến việc này] và hợp tác với chúng tôi.”

Nhật Minh (Theo Reuters)

Related posts