Huyền Anh
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan vừa bị Thanh tra Chính phủ nêu tên, liên quan đến những sai phạm trong các dự án chuyển đổi nhà đất công ở thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu một năm nhiều tai ương của các ông lớn bất động sản (BĐS) Việt.
Trên một số diễn đàn và mạng xã hội Việt Nam hôm nay (7/10) xuất hiện các tin tức xoay quanh Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) của nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa nổi tiếng trong giới kinh doanh Trương Mỹ Lan đã bị Thanh tra chính phủ ‘réo tên’.
Vạn Thịnh Phát vừa bị Thanh tra chính phủ ‘sờ gáy’
Ngày 6/7, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận thanh tra số 1068/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị, việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, ngày 7/10, báo Công an nhân dân đăng tải bài viết lý giải vì sao Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị thanh tra nêu tên trong các dự án chuyển đổi nhà, đất.
Cụ thể, tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, do Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; do bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư, vào tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ rõ nhiều sai phạm.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, rà soát để có biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản của nhà nước đối với dự án nêu trên, trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.
Tại kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, vị trí nhà đất tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt nên đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND thành phố Hồ Chí Minh không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định tại điểm 4.4.3, Mục 4.3, chương 4, quy chuẩn xây dựng Việt Nam theo quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ Xây dựng quy định về diện tích đậu xe mô tô tối thiếu là 3m2/xe, đối với xe ô tô còn là 25m2/xe. Như vậy, việc không tính doanh thu đỗ xe sẽ làm giảm giá trị quyền sử dụng đất phải nộp cho nhà nước tạm tính là 1.191 triệu đồng.
Hiện Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… và sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza…
Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt
Trước đó, ngày 5/4, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giam.
Theo đó, cơ quan điều tra đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Kết quả điều tra ban đầu cáo buộc từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.
Việc này bị cho rằng có “mục đích huy động tiền của các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu”.
Ngày 4/4/2022, Ủy ban chứng khoán Việt Nam hủy 9 đợt phát hành trái phiếu để huy động hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, do “che giấu, công bố thông tin sai sự thật”. Quyết định huỷ này là chưa từng có tiền lệ, sau khi Tân Hoàng Minh đã huy động thành công, nhận tiền từ các trái chủ.
Bên cạnh đó, 11 dự án BĐS do Tân Hoàng Minh đầu tư cũng đang nằm trong diện xác minh của cơ quan công an.
Chủ tịch FLC ‘nối gót’
Chiều 29/3, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian một tháng đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết; các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC; và các công ty có liên quan về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1/2022; gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư; ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) được biết đến là một doanh nhân thành đạt; từng sáng lập và điều hành nhiều doanh nghiệp về BĐS; du lịch; hàng không; luật…
Vào ngày 10/1, ông Quyết đã “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC; không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Một năm nhiều tai ương của các ông lớn BĐS Việt, nguyên nhân do đâu?
Đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của nền kinh tế mà còn là nền tảng sinh kế của người dân. Khác với các tài nguyên hữu hạn khác, quản trị tốt tài nguyên đất còn quyết định sự ổn định xã hội, thịnh vượng quốc gia và bền vững môi trường.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ đất – một phần lớn – đã bị mất mát vào nhóm nhỏ có “thông tin và quyền quyết định”. Việc này không chỉ khiến nhà nước mất một nguồn thu lớn từ đất đai cho ngân sách mà còn tạo ra mâu thuẫn xã hội chồng chéo, ngày một gay gắt và khó giải quyết.
Thị trường BĐS Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều vấn đề như làm giá, thao túng cung – cầu, thao túng thị trường tài chính qua sở hữu chéo với ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, qua lợi dụng xung đột lợi ích và quan hệ thao túng giữa ngân hàng thương mại với công ty chứng khoán trong nhiều thập kỷ. Các tổn thất với thị trường, lành mạnh tài chính và quyền lợi của người dân đã dẫn tới các xung đột xã hội gay gắt, thậm chí kéo theo những thiệt hại khó có thể vãn hồi, đây cũng là nỗi đau của các nhà đầu tư.
Vấn đề trầm trọng của BĐS Việt Nam là các xung đột lợi ích quá lớn. Xung đột lợi ích đã khiến đất đai trở thành mâu thuẫn lớn nhất trong xã hội Việt Nam. Một tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia bị lãng phí, bị tận thu và tham nhũng trầm trọng.
Huyền Anh