Đông Phương
Ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn trúng cử nhiệm kỳ ba, nhưng ông sẽ có bao nhiêu thân tín hoặc đồng minh trong Ban Thường vụ và Bộ Chính trị? Liệu ông có thể được phong tặng danh hiệu “Lãnh tụ nhân dân” hoặc “Chủ tịch Đảng”? Và “Tư tưởng Tập Cận Bình” có thể được ghi vào Điều lệ đảng? Tất cả những điều này sẽ trở thành phong vũ biểu để đo quyền lực của ông Tập.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khai mạc vào ngày 16/10. Bloomberg gần đây đưa tin, tại Đại hội 20 sắp tới, có 6 chỉ số chính có thể đo lường thắng thua của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cũng có nhà bình luận cho rằng Đại hội 20 là bước mở đầu cho việc giải thể của ĐCSTQ.
1. Thân tín của ông Tập có chiếm đa số trong Ban thường vụ?
Nếu tuân theo quy tắc truyền thống “bảy lên tám xuống” của ĐCSTQ, ngoại trừ ông Tập, có ít nhất hai trong số bảy Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị hiện tại sẽ nghỉ hưu, là ông Lật Chiến Thư và ông Hàn Chính. Ông Tập cần ít nhất ba đồng minh để đảm bảo đa số trong ban thường vụ.
Thắng: Nếu ông Tập có khả năng đưa ba hoặc nhiều thân tín hơn vào Ban Thường vụ, chẳng hạn như ông Lý Cường (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thượng Hải), ông Đinh Tiết Tường (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ), ông Trần Mẫn Nhĩ (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh) hoặc ông Thái Kỳ (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), thì đó sẽ là một chiến thắng cho ông Tập.
Ông Neil Thomas, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group, cho biết ông Tập rất có khả năng tăng số người ủng hộ trong Ban Thường vụ từ 4 người hiện tại lên ít nhất 5 người, trong đó ông Đinh Tiết Tường có khả năng sẽ đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Thua: Nếu ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương tại vị, ông Hồ Xuân Hoa được đề bạt vào Ban thường vụ khóa mới, thì đó sẽ được coi là thất bại của ông Tập. Cả ba chính trị gia này đều đi lên từ tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng Sản của ĐCSTQ, trong đó nhân vật tiêu biểu là cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, nên đây còn được gọi là phe Hồ Cẩm Đào.
2. Ai làm thủ tướng?
Theo truyền thống, chức vụ thủ tướng của ĐCSTQ sẽ do nhân vật thứ hai hoặc thứ ba trong đảng nắm giữ. Ông Lý Khắc Cường, 67 tuổi, đã tuyên bố sẽ không đảm nhiệm chức thủ tướng trong nhiệm kỳ tiếp theo. Nhưng không rõ liệu ông có kế hoạch nghỉ hưu hay sẽ giữ chức Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Thắng: Nếu ông Tập có thể đưa thân tín Lý Cường vào làm thủ tướng, nó cho thấy rõ rằng ông Tập phải đối mặt với rất ít sự phản kháng trong nội bộ ĐCSTQ về mặt sắp xếp nhân sự. Đặc biệt, trong thời gian ông Lý Cường giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hai tháng và gây ra rất nhiều tranh cãi.
Thua: Nếu ông Uông Dương hoặc ông Hồ Xuân Hoa được thăng chức thủ tướng, do họ không được coi là có quan hệ mật thiết với ông Tập Cận Bình, có thể thấy quyền lực của ông Tập bị hạn chế.
3. Bao nhiêu thân tín của ông Tập có thể vào Bộ Chính trị?
Trừ đi 7 ủy viên thường vụ thì Bộ Chính trị ĐCSTQ còn 18 ủy viên. Một nửa số này, tức là 9 ủy viên Bộ Chính trị, sẽ nghỉ hưu trong năm nay. Điều này tạo cơ hội cho ông Tập Cận Bình cải tổ Bộ Chính trị. Bởi vì các quy tắc lựa chọn mới của ĐCSTQ nhấn mạnh rằng cán bộ “có thể lên, có thể xuống”, điều này khiến những cán bộ đang dao động trong vấn đề “liên quan đến sự lãnh đạo của đảng” dễ bị giáng chức.
Thắng: Ông Tập có khả năng sẽ được chứng kiến làn sóng nghỉ hưu sớm, như vậy sẽ có nhiều chỗ trống hơn để các đồng minh của ông lấp đầy.
Ông Trần Cương (Chen Gang), thành viên nghiên cứu cấp cao, trợ lý giám đốc Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, ước tính rằng khoảng 2/3 số ghế ủy viên Bộ Chính trị có thể sẽ là các gương mặt mới. Còn nhà phân tích Neil Thomas của Eurasia Group cho rằng 80% số ghế có khả năng được lấp đầy bởi các đồng minh chính trị của ông Tập.
Thua: Nếu các thân tín của ông Tập không chiếm được đa số trong Bộ Chính trị, hoặc nếu các quan chức không có quan hệ rõ ràng với ông Tập được thăng chức, thì điều đó có thể báo hiệu rằng ông Tập đang đối mặt với áp lực.
4. Liệu ông Tập có nhận được danh hiệu ‘lãnh tụ nhân dân’?
Hiện đã có kênh truyền thông nhà nước “phong” ông Tập Cận Bình là “lãnh tụ nhân dân”, làm tăng thêm suy đoán rằng ông Tập có thể đang tìm cách chính thức hóa danh hiệu này. Trước đây, chỉ có cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông được gọi là “lãnh tụ nhân dân”.
Thắng: Nếu ông Tập giành được danh hiệu “lãnh tụ nhân dân”, ông sẽ ngang hàng với Mao Trạch Đông, điều này khiến ông trở nên khác biệt với các đảng viên bình thường khác.
Thua: Nếu ông Tập không đạt được danh hiệu “lãnh tụ nhân dân”, nó có nghĩa là ông phải đối mặt với sự phản kháng trong việc thiết lập sự sùng bái cá nhân, điều vốn bị cấm kể từ khi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cải cách chế độ.
5. Ông Tập có thể giữ lại bao nhiêu chức danh chính thức?
Hiện nay, ông Tập Cận Bình vẫn giữ ba chức danh chính thức là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy. Việc ông sẽ từ bỏ một trong ba chức vụ trên hay sẽ tăng thêm chức vụ mới tại Đại hội 20 đều mang lại ảnh hưởng rất lớn.
Thắng: Nếu ông Tập giành được chức danh “Chủ tịch Đảng” – một chức vụ đã bị bỏ từ lâu, ông sẽ giành được quyền lực tối cao trong ĐCSTQ. Người cuối cùng giữ chức “Chủ tịch Đảng” là Mao Trạch Đông, ông ta có quyền phủ quyết các quyết định của Ban Thường vụ.
Thua: Ông Tập từ bỏ một trong ba chức danh hiện tại, nó báo hiệu rằng ông Tập có ý định chia sẻ quyền lực với người kế nhiệm.
6. Liệu ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ có được ghi vào Điều lệ đảng?
Việc sửa đổi Điều lệ đảng cho thấy các khẩu hiệu và chính sách của ông Tập Cận Bình được ủng hộ tới mức độ nào trong đảng. Năm năm trước, ông Tập đã viết “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ đảng.
Thắng: Nếu Điều lệ đảng được sửa đổi để thay thế cái tên rất dài trên thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”, thì tư tưởng của ông Tập có thể sánh ngang với Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Nhà phân tích Neil Thomas nói: “Điều này ám chỉ rằng ông ấy có ý định nắm quyền vô thời hạn, hơn nữa còn thể hiện khả năng thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách của ông ấy, cho dù phải trả một cái giá đắt”.
Thua: Nếu “Tư tưởng Tập Cận Bình” không được ghi vào Điều lệ đảng, điều đó có thể cho thấy ông đang bị chất vấn trong nội bộ đảng.
Bình luận: Đại hội 20 là bước mở đầu cho việc giải thể của ĐCSTQ
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng ĐCSTQ hiện đang bị cả thế giới coi thường. Nếu ông Tập tái đắc cử tại cuộc họp này và giành được nhiều quyền lực hơn, đó thực sự sẽ là bước mở đầu cho việc giải thể của ĐCSTQ.
Trong 10 năm qua, mặc dù ông Tập đã thẳng tay trấn áp các kẻ thù chính trị và nắm quyền lực thông qua chiến dịch chống tham nhũng, nhưng tình trạng kinh tế khó khăn của ĐCSTQ vẫn là điều dễ thấy. Trên thế giới, đặc biệt là ở thế giới phương Tây, ĐCSTQ ngày càng bị cô lập.
Nói cách khác, ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt với áp lực rất lớn cả về chính trị và kinh tế. Sau Đại hội 20, dù ông Tập được cho là sẽ giành nhiều quyền lực hơn, nhưng chính sách của ĐCSTQ có rất ít khả năng thay đổi. Dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng suy thoái và ĐCSTQ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên trường quốc tế.
Theo ông Lý, trên thực tế có rất nhiều người Trung Quốc đã không còn tin vào những gì ĐCSTQ nói. Nếu điều này tiếp diễn, những xung đột trong nội bộ ĐCSTQ hoặc xung đột giữa ĐCSTQ và người dân có thể đạt đến điểm giới hạn trong tương lai, kế đến là nổ ra hỗn loạn lớn và dẫn đến sự tan rã của ĐCSTQ. Theo mạch suy luận này, Đại hội 20 có thể được coi là bước mở đầu cho việc giải thể của ĐCSTQ.
Đông Phương