Tin thế giới trưa thứ Ba: Anh cảnh báo mối đe dọa về nỗ lực tuyển dụng phi công của Trung Quốc

EU “bật đèn xanh” gói viện trợ mới 500 triệu EUR và huấn luyện 15,000 binh sĩ Ukraine

Tại cuộc họp ở Luxembourg, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về một sứ mệnh huấn luyện cho khoảng 15.000 binh sĩ Ukraine. Bên cạnh việc ký kết thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine (EUMAM Ukraine), họ cũng đã thông qua gói viện trợ 500 triệu EUR cho Quỹ Hòa bình châu Âu cho Ukraine.

“Mục đích của sứ mệnh là góp phần nâng cao khả năng quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine để tiến hành các hoạt động quân sự một cách hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraine, EUMAM Ukraine sẽ cung cấp các khóa đào tạo cá nhân, tập thể và chuyên ngành cho lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cho cả Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của họ, đồng thời phối hợp và đồng bộ hóa các hoạt động của các quốc gia thành viên hỗ trợ đào tạo”, Hội đồng châu Âu cho biết trong thông cáo báo chí.

Ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, tuyên bố: “Phái đoàn hỗ trợ quân sự của EU không chỉ là một nhiệm vụ huấn luyện, mà nó là bằng chứng rõ ràng cho thấy EU sẽ sát cánh với Ukraine trong thời gian này”.

EUMAM Ukraine sẽ hoạt động trong lãnh thổ của các quốc gia thành viên EU và thành lập trụ sở chính tại Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) ở Brussels. Phó Đô đốc Herve Blejean (Giám đốc Kế hoạch và Triển khai Quân sự (MPCC) trong EEAS) sẽ đảm nhiệm vị trí chỉ huy sứ mệnh. Sứ mệnh này dự kiến kéo dài hai năm, với chi phí ước tính lên khoảng 106,7 triệu EUR. Các nước thứ 3 cũng có thể tham gia sứ mệnh.

Một số thông tin trước đó tiết lộ dự án huấn luyện quân sự sẽ bắt đầu vào giữa tháng 11 và diễn ra trên lãnh thổ EU, với Ba Lan được đặt làm trung tâm. Đức cũng được cho là nhân tố hậu thuẫn chủ chốt cho việc huấn luyện. Các chương trình đào tạo do các quốc gia châu Âu vận hành riêng rẽ sẽ tiếp tục hoạt động độc lập cho đến khi các chương trình này được hợp nhất vào phái bộ EU ở giai đoạn sau.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công nhắm Ukraine vào ngày 24/2, phương Tây đã đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự và kỹ thuật cho Kyiv. Mặc dù các quốc gia đã trừng phạt Nga nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định điều quân đến Ukraine và trở thành một phần của cuộc xung đột, nhưng họ vẫn cử người hướng dẫn đến Ukraine và hỗ trợ binh sĩ Ukraine đến các quốc gia khác để tập huấn.

Ngoài Mỹ, Canada và Anh, những quốc gia đã và đang huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine, một số quốc gia EU khác như Đức và Pháp cũng hướng dẫn quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống pháo, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không hiện đại mà họ đã chuyển giao cho Kyiv.

Phan Anh

Anh cảnh báo mối đe dọa về nỗ lực tuyển dụng phi công của Trung Quốc

Tình báo quốc phòng Anh đã đưa ra một cảnh báo hiếm hoi về mối đe dọa đến từ Trung Quốc, rằng PLA đang cố gắng tuyển dụng các cựu phi công lái máy bay RAF (Không lực Hoàng gia Anh) để giúp đào tạo lực lượng không quân của mình với mức lương hậu hĩnh.

Các quan chức đã bày tỏ quan ngại trước kế hoạch này vì chúng gây ra mối đe dọa đối với các lợi ích của Vương quốc Anh và phương Tây.

Cụ thể, khoảng 30 cựu phi công được cho là đã được hưởng mức lương “rất hào phóng” khoảng 240.000 bảng Anh/năm do Trung Quốc trả để làm việc cho lực lượng không quân của nước này thông qua các bên thứ ba, đặc biệt là một học viện bay có trụ sở tại Nam Phi.

Cho đến nay không có bằng chứng cho thấy bất kỳ cựu phi công RAF nào đã vi phạm Đạo luật Bí mật Chính thức trong việc cung cấp đào tạo cho Trung Quốc, nhưng các quan chức phương Tây cho biết họ đang “thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro này” bằng cách ban hành hướng dẫn.

Cảnh báo hoặc hướng dẫn sẽ nhắc nhở các phi công Anh không tiết lộ bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho quân đội Trung Quốc và yêu cầu những người được tiếp cận thông báo cho Bộ Quốc phòng những gì đang diễn ra để có thể giám sát.

Trung Quốc đang muốn hiện đại hóa quân đội và theo đuổi các tiêu chuẩn của NATO, trong đó đặc biệt quan tâm đến các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình phản lực nhanh. Một quan chức phương Tây cho biết cũng có dấu hiệu họ muốn tuyển dụng nhân viên trực thăng làm huấn luyện viên.

Một đánh giá của Hoa Kỳ được công bố vào năm ngoái đã kết luận rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn hoàn thành việc hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2035 và biến họ thành một quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049.

Ban lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh rằng Đài Loan nên được “tái hòa nhập” với Trung Quốc đại lục, bất chấp căng thẳng ngày càng tăng với Mỹ về vấn đề này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực”, ông Tập phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hôm Chủ nhật.

Theo The Guardian, các công ty săn đầu người bắt đầu tiếp cận các phi công và cựu phi công vào năm 2019, nhưng nỗ lực được cho là đã được đẩy mạnh kể từ khi các hạn chế về đại dịch kết thúc và những đối tượng được nhắm mục tiêu không chỉ từ Anh mà còn từ các nước phương Tây khác.

Lê Vy

Apple sẽ ngừng sử dụng chip YMTC của Trung Quốc

Nhiều nguồn tin cho biết, Apple Inc. đã tạm hoãn kế hoạch sử dụng chip nhớ do công ty Trung Quốc Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) sản xuất. Điều này cho thấy vòng kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Mỹ đối với ngành công nghệ của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng điện tử.

Theo Nikkei Asia (Nhật Bản), nhiều nguồn tin cho biết, áp lực địa chính trị gia tăng, và những lời chỉ trích từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã khiến Apple từ bỏ kế hoạch sử dụng chip nhớ NAND flash của YMTC.

Apple bắt đầu hợp tác với YMTC vào đầu năm 2018 để tìm kiếm các giải pháp bộ nhớ mới, tiết kiệm chi phí hơn.

Các nguồn tin cho biết, trước khi lệnh cấm được công bố, Apple đã hoàn tất quy trình chứng nhận cho chip nhớ flash NAND 3D 128 lớp của YMTC được sử dụng trong iPhone.

Theo Nikkei Asia, bộ nhớ NAND flash là thành phần quan trọng trong các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính và máy chủ. Chip 128 lớp của YMTC hiện là sản phẩm cao cấp nhất của một nhà sản xuất chip Trung Quốc, mặc dù nó vẫn còn kém các công ty dẫn đầu thị trường như Samsung Electronics của Hàn quốc và Micron của Mỹ 1 hoặc 2 thế hệ.

Báo cáo cho biết, các giám đốc điều hành chuỗi cung ứng cho biết Apple đã lên kế hoạch bắt đầu sử dụng chip nhớ Yangtze (YMTC) ngay từ đầu năm nay, vì chúng rẻ hơn ít nhất 20% so với chip của đối thủ chính.

Một nguồn tin cho biết: “Những sản phẩm này đã được xác nhận, nhưng chúng không được đưa vào dây chuyền sản xuất khi iPhone mới bắt đầu được sản xuất hàng loạt.”

Ban đầu, chip YMTC được lên kế hoạch chỉ sử dụng trong iPhone bán tại thị trường Trung Quốc, nhưng một nguồn tin cho biết sau đó Apple đã cân nhắc mua 40% chip nhớ NAND flash từ YMTC.

Nguồn tin khác cho biết: “YMTC được trợ cấp bởi Chính phủ Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ), vì vậy giá của họ thực sự có thể vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.”

YMTC được thành lập vào năm 2016. Nhà Trắng đã viết trong một báo cáo vào tháng 6/2021 rằng Micron và Western Digital của Mỹ đang phải đối mặt với áp lực giá rẻ của YMTC.

YMTC là niềm hy vọng của Trung Quốc trong việc thâm nhập vào lĩnh vực bộ nhớ vốn từ lâu đã bị thống trị bởi một số ít công ty, gồm Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, Kioxia của Nhật Bản và Micron của Mỹ.

Sự mở rộng của YMTC và các sản phẩm có giá thấp hơn gây ra “mối đe dọa trực tiếp” đối với Micron và Western Digital. Báo cáo cho biết YMTC đã nhận được khoảng 24 tỷ USD trợ cấp từ ĐCSTQ.

Theo thông tin công khai, YMTC được thành lập bởi sự hợp nhất của hai công ty Unigroup Guoxin và Wuhan Xinxin. Các nhà đầu tư bao gồm Tsinghua Unigroup và vốn nhà nước Trung Quốc, với số vốn đăng ký là 38,6 tỷ NDT (khoảng 5,36 tỷ USD).

Trước đó, công ty này đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra, vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, khi bán chip cho công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.

Ngày 7/10, Washington đã thêm YMTC vào “danh sách chưa được xác minh”, nghĩa là Hoa Kỳ không thể loại trừ đầy đủ nguy cơ các sản phẩm của công ty này được sử dụng cho mục đích quân sự, hoặc các mục đích khác vi phạm an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Các công ty Hoa Kỳ bị cấm chia sẻ bất kỳ thiết kế, công nghệ, tài liệu hoặc thông số kỹ thuật nào với các công ty trong “danh sách chưa được xác minh” mà không có giấy phép.

Một quan chức Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói với Nikkei Asia rằng các công ty trong danh sách này “có khả năng” bị đưa vào danh sách các thực thể bị chế tài, nếu họ không thể cung cấp thông tin cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định (thường là khoảng 60 ngày). Đây là danh sách đen kiểm soát xuất khẩu của Chính phủ Hoa Kỳ.

“Apple có thể vẫn muốn tiếp tục sử dụng YMTC tại thị trường nội địa Trung Quốc. Nhưng theo quy định hiện tại, YMTC sẽ không có khả năng cung cấp chip NAND mà Apple yêu cầu trong vài năm tới”, giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners tại thành phố San Diego, ông Brent Fredberg, cho biết.

Kể từ năm 2020, YMTC đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị và linh kiện sản xuất chip của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc thay thế các nhà cung cấp của Hoa Kỳ không hề dễ dàng, và hoạt động sản xuất của YMTC chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ của thiết bị Hoa Kỳ.

Bình Minh

Thủ tướng Anh ‘xin lỗi’ vì những sai lầm nhưng khẳng định sẽ không từ chức

Thủ tướng Anh Liz Truss đã lên tiếng xin lỗi vì “những sai lầm” trong chương trình nghị sự của mình đã đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư và khiến kinh tế bất ổn, nhưng bà khẳng định sẽ không từ chức, theo Reuters.

“Tôi thực sự muốn nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi về những sai lầm đã gây ra,” bà Truss nói với BBC hôm 17/10. “Tôi muốn hành động để giúp mọi người giảm bớt chi phí năng lượng của họ nhằm đối phó với vấn đề thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và vội.”

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, người được bổ nhiệm hôm 14/10 sau khi bà Truss sa thải đồng minh thân cận Kwasi Kwarteng, đã thông báo sẽ đảo ngược hầu hết kế hoạch giảm thuế mà Thủ tướng Liz Truss đề ra ngày 23/9, bao gồm cả việc thu hẹp kế hoạch hỗ trợ năng lượng của bà từ 2 năm xuống còn đến tháng 4 năm sau.

Ông Hunt cho biết: “Thủ tướng và tôi đã đồng ý đảo ngược hầu hết các biện pháp về thuế đã công bố trong Kế hoạch Tăng trưởng cách đây ba tuần.”

“Mục tiêu quan trọng nhất đối với Anh lúc này là giữ ổn định. Chính phủ không thể kiểm soát thị trường nhưng có thể giúp thị ổn định thị trường,” ông nói thêm.

Về phía Thủ tướng Truss, bà đã trả lời báo giới rằng bà bổ nhiệm ông Hunt vì biết rằng bản thân phải thay đổi hướng đi. “Sẽ thật vô trách nhiệm nếu tôi không hành động vì lợi ích quốc gia,” bà nhấn mạnh.

Trước đó, chính phủ của bà Truss và đồng minh Kwasi Kwarteng đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (50,4 tỷ USD) cho các tập đoàn và người có thu nhập cao (trên 150.000 bảng/167.000 USD một năm).

Nhưng động thái này đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư trái phiếu, vì chi phí đi vay tăng cao. Các bên cho vay đã rút các đề nghị thế chấp và Ngân hàng Trung ương Anh cuối cùng phải vào cuộc để ngăn vỡ quỹ.

Theo truyền thông Anh, bà Truss – người chỉ vừa trở thành nhà lãnh đạo Anh cách đây chưa đầy 6 tuần – đang phải đối mặt với khả năng bị phế truất bởi các nhà lập pháp trong nội bộ Đảng Bảo thủ ngay trong tuần này.

Nhưng hôm 17/10, bà Truss khẳng định mình sẽ tiếp tục dẫn dắt Đảng Bảo thủ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo. “Tôi đang ở lại đây vì tôi được bầu là người lãnh đạo thay đổi đất nước này. Và đó là điều tôi quyết tâm thực hiện.”

Đáng lưu ý, sự ủng hộ với bà Truss trong nội các Anh đã bốc hơi nhanh chóng trong vòng chưa đầy 50 ngày sau khi bà nhậm chức. Sóng gió bắt đầu với kế hoạch cắt giảm thuế bà đưa ra trong khi vận động tranh cử và bắt tay thực hiện sau khi nhậm chức, theo The Guardian.

Nhiều cuộc thăm dò phản ánh mức độ tín nhiệm với Thủ tướng Truss đã rơi xuống mức thấp nhất so với bất kỳ Thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990.

Một khảo sát mới đây của Opium cho thấy nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay lúc này, Công đảng sẽ giành thắng lợi áp đảo với 411/650 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, Đảng Bảo thủ sẽ mất 219 ghế và chỉ còn 137 ghế, trong khi đảng Dân chủ Tự do có 39 ghế và đảng Dân tộc Scotland (SNP) có 37 ghế.

Các nhà phân tích đánh giá triển vọng bà tiếp tục nhiệm kỳ ở Phố Downing có vẻ ảm đạm. Một số người thậm chí dự đoán bà có thể bị phế truất trong tuần này, trong bối cảnh nhiều thành viên trong Đảng Bảo thủ công khai kêu gọi bà Truss rời ghế thủ tướng.

Guardian tiết lộ, các nghị sĩ cũng được cho là đã viết hơn 100 bức thư yêu cầu bà từ chức, đồng thời gửi thư bất tín nhiệm Thủ tướng tới cho ông Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Nhật Minh (T/h)

Related posts