Huyền Anh
Giám đốc An ninh Quốc gia Mỹ, ông Guy Taylor gần đây đã đến Đài Loan để khảo sát và đăng một loạt ba bài báo phân tích tình hình ở Eo biển Đài Loan. Trong đó, bài thứ ba tập trung vào phân tích chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ và chiến lược mơ hồ đang phải đối mặt với sức ép chưa từng có đối với cả hai bờ Thái Bình Dương.
Theo quan sát của ông Taylor, việc ĐCSTQ thường xuyên đe dọa thôn tính Đài Loan và sử dụng vũ lực nếu cần thiết, đã đẩy căng thẳng leo thang ở Đài Loan. Đồng thời, động thái này còn làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Washington về chính sách bấy lâu nay của Mỹ đối với hòn đảo được gọi là “mơ hồ chiến lược”.
Trước đó, Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng, Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo trong trường hợp nổ ra một “cuộc tấn công chưa từng có”. Một số người cho rằng, tuyên bố này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên “mơ hồ chiến lược”. Cả Bắc Kinh và Washington đều cáo buộc đối phương đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó đã khẳng định rằng, chính sách mơ hồ của Mỹ không thực sự thay đổi. Động thái này thu hút không ít chỉ trích từ công chúng rằng, ông Biden đang ngụy biện và làm cho chính sách “đáng được làm rõ” thì lại trở nên “mơ hồ” trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Một cuộc tranh luận song song đang diễn ra ở Đài Loan, trong đó các quan chức bày tỏ rằng họ muốn chính phủ Đài Loan tuyên bố độc lập mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, giới chức Đài Loan cũng không khỏi lo ngại rằng động thái đó sẽ kích động Bắc Kinh sử dụng vũ lực, có thể dẫn đến hậu quả khiến gần 24 triệu người Đài Loan sống trong thế giới mờ mịt của một trật tự quốc tế.
Một mặt, Đài Loan hoạt động như một quốc gia độc lập với chính phủ được bầu cử dân chủ cùng nền kinh tế tiên tiến và thịnh vượng nhất trên thế giới, bài báo cho hay. Mặt khác, Đài Bắc đã chấp nhận nguyên trạng kéo dài hàng thập kỷ. Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo và hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, về cơ bản cũng không công nhận Đài Loan độc lập.
Tên chính thức của Đài Loan là “Trung Hoa Dân Quốc”, và hầu hết người Đài Loan đều tin rằng, ưu tiên hàng đầu của hòn đảo là tránh xung đột với Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Lily Hsu ước tính rằng, khoảng 6% người dân Đài Loan sẽ ngay lập tức ủng hộ hòn đảo độc lập và 85% sẽ ủng hộ việc duy trì hiện trạng. Bà nói với các phóng viên quốc tế: “Chính phủ và người dân Đài Loan không cần khôi phục độc lập vì chúng tôi đã là một quốc gia độc lập. Chúng tôi có chính phủ được bầu cử tự do, các quốc gia khác cũng như Liên Hợp quốc cần xem lại vấn đề này”.
Tăng cường đối đầu
Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào đầu tháng 8, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng động thái của bà Pelosi sẽ “có tác động nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của quan hệ Mỹ – Trung” và “gửi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các lực lượng ly khai đòi độc lập của Đài Loan”. Theo báo cáo, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi ông Biden hủy chuyến thăm của bà Pelosi và phái đoàn tới hòn đảo.
Chính quyền ông Biden cho biết, Washington cam kết thực hiện cái gọi là chính sách “Một Trung Quốc”. Theo đó, Washington từ lâu đã thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, bất chấp thực tế là Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao không chính thức và quan hệ quốc phòng thực chất với hòn đảo.
Đài Loan có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ. Các công ty Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với Đài Loan, nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Vật liệu này không chỉ quan trọng đối với việc sản xuất mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến tủ lạnh, mà ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng phụ thuộc vào Đài Loan.
Tờ thông tin của Nhà Trắng được công bố hồi tháng 5 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Tuy các quan chức Mỹ “không ủng hộ Đài Loan độc lập” nhưng họ “hy vọng rằng sự khác biệt giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ được giải quyết trong hòa bình”. Washington tiếp tục “phản đối những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng của một trong hai bên”.
Các nhà phân tích cho rằng những luận điệu như vậy là cơ sở cho chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ, vốn bắt nguồn từ chính sách “Một Trung Quốc” của Washington, khác với nguyên tắc “Một Trung Quốc” của ĐCSTQ.
Bắc Kinh và Washington đã không nhất trí về vấn đề này kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc năm 1972, mở đường cho quan hệ ngoại giao chính thức Mỹ-Trung. Năm 1979, trong quá trình công nhận ngoại giao từ Đài Bắc đến Bắc Kinh, chính quyền Tổng thống Carter đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc về việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Theo một phân tích năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các quan chức Mỹ không đồng ý khi Trung Quốc cố gắng thay đổi văn bản trong các văn kiện ngoại giao chính thức với Đài Loan thành “công nhận”. Khi đó, Thứ trưởng Warren Christopher phát biểu trước một phiên điều trần tại Thượng viện rằng, các quan chức Mỹ coi văn bản tiếng Anh là một văn bản ràng buộc” và “từ ‘công nhận’ có ý nghĩa quyết định đối với Mỹ”.
Tiếp theo là việc thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan vào năm 1979. Theo đó, đạo luật quy định rằng Washington “sẽ cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ và Mỹ sẽ duy trì chống lại bất kỳ biện pháp cưỡng bức nào hoặc bằng cách nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh của người dân hoặc hệ thống kinh tế, xã hội của Đài Loan”.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ vẫn còn mơ hồ vì luật không quy định rõ ràng rằng quân đội Mỹ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Đài Loan.
Tổng thống Biden đang chịu áp lực phải làm rõ các chính sách của mình trong khi lo ngại rằng, Trung Quốc hiện đang công khai chuẩn bị cho các cuộc tấn công như vậy.
Tổng thống Mỹ nói với đài CBS News vào tháng trước rằng, chính quyền của ông “có chính sách với Trung Quốc trong đó Đài Loan đưa ra đánh giá riêng về nền độc lập của mình. Chúng tôi không thay đổi, chúng tôi không khuyến khích họ độc lập … Đó là quyết định của họ”.
Khi được hỏi cụ thể liệu quân đội Mỹ có bảo vệ hòn đảo hay không, ông Biden trả lời: “Có, nếu thực tế xảy ra một cuộc tấn công chưa từng có”.
Nhưng đài CBS ngay sau đó đưa tin, các quan chức Nhà Trắng đã khẳng định rằng, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi.
Trong năm nay, ông Biden đã ba lần nói rõ rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc. Điều này đã dấy lên những lời phàn nàn từ Bắc Kinh, trong khi Nhà Trắng liên tục phủ nhận rằng chính sách của Mỹ đã thay đổi.
Cố ý mơ hồ?
Bài báo tiếp tục chỉ ra rằng, cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đã bị chỉ trích vì nó gây nhầm lẫn cho các đồng minh và đối thủ về chính sách thực tế của Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc ông Biden đã đưa ra “những nhận xét mơ hồ” về các chính sách của Washington. “Sự mơ hồ trong chính sách của Mỹ giờ thậm chí còn mơ hồ hơn”, ông nói trong chuyến đi đến Đài Loan hồi tháng 9.
Vào tháng 7, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper phát biểu tại Đài Loan rằng, chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ đã “lỗi thời”.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với luận điểm này.
Chuyên gia Scobell của Viện Nghiên cứu Hòa bình Mỹ (USIP) tin rằng, sự mơ hồ lâu dài về mặt chiến lược của Washington về vấn đề Đài Loan khiến cho ĐCSTQ không chắc chắn về những gì Mỹ sẽ làm. Ngược lại, sự rõ ràng chiến lược sẽ đưa Mỹ và Trung Quốc đến gần hơn với đối đầu quân sự. Ông nhấn mạnh rằng, Washington nên thận trọng trong việc từ bỏ chính sách mơ hồ chiến lược này.
Ông nói: “Ông Nixon và Kissinger tỏ ra nhón gót về vấn đề này và cứ lấp lửng rằng, ‘Chúng tôi thừa nhận rằng Trung Quốc có quan điểm rằng họ nghĩ chỉ có ‘một Trung Quốc’, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói rằng chúng tôi đồng ý”. Lập luận của Trung Quốc là Mỹ đã lừa dối và giả vờ đồng ý với quan điểm của Bắc Kinh, nhưng tôi nghĩ rằng quan điểm của Mỹ là chúng tôi thừa nhận lập trường của họ và điều đó phụ thuộc vào chính sách không thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan”.
Chính phủ của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đang theo dõi chặt chẽ cuộc tranh luận ở Mỹ. Bà thường gọi Đài Loan là “quốc gia độc lập” và kêu gọi các nền dân chủ phương Tây ủng hộ hòn đảo này, mặc dù bà đã tránh thúc đẩy việc tuyên bố độc lập chính thức. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp gần đây nói rằng, có rất nhiều cuộc tranh luận ở Washington về sự rõ ràng hay mơ hồ chiến lược, cho rằng cả hai quan điểm đều ủng hộ Đài Loan, vì vậy cả hai bên đều được đánh giá cao.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Lily Hsu và Chủ tịch Charles Lee của liên minh Liên Hợp Quốc – Đài Loan cho rằng, Mỹ có thể làm được nhiều hơn thế, chẳng hạn như chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia và giúp Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc.
Huyền Anh