Việc Trung Quốc tuyển cựu phi công quân sự Anh dấy lên hồi chuông cảnh báo về an ninh

Huyền Anh

Việc Trung Quốc tuyển cựu phi công quân sự Anh dấy lên hồi chuông cảnh báo về an ninh
Chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc. (Ảnh: 81.cn)

Sau khi xuất hiện nhiều nguồn tin về việc Trung Quốc đang tuyển dụng phi công quân sự Anh, cả Canada và Vương quốc Anh đã tiến hành điều tra những hành vi nghi ngờ vi phạm thỏa thuận bảo mật giữa các quân nhân hiện tại và cựu quân nhân với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Hôm 27/10, Bộ Quốc phòng Canada (Department of National Defence-DND) nói với The Epoch Times rằng, họ đang tiến hành điều tra đối với các quân nhân. Nếu phát hiện ra bất kỳ hành vi nào gây nguy hại đến lợi ích quốc gia Canada, thành viên đó sẽ bị xử lý thích đáng.

“Đạo luật Bảo mật Thông tin áp dụng cho cả quân nhân hiện tại và cựu quân nhân. Việc không tuân thủ Đạo luật này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”.

“Là một tổ chức tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, chúng tôi tin tưởng và hy vọng các thành viên hiện tại cũng như thành viên cũ tuân thủ các giá trị của thể chế”, DND cho biết.

Theo Đạo luật Bảo mật Thông tin của Canada, những người bị kết án trọng tội (indictable offence) có thể bị phạt tù lên đến 14 năm. Những người bị kết án với tội danh nhẹ (summary conviction) có thể bị phạt tù lên đến một năm hoặc bị phạt tiền lên đến 2.000 USD, hoặc cả hai.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh (MoD) nói với The Epoch Times vào ngày 28/10 rằng, Bộ này đang thực hiện các bước quan trọng để ngăn chặn Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyển dụng các phi công hiện tại và cựu phi công của Lực lượng vũ trang Vương quốc Anh nhằm mục đích huấn luyện các lực Lực lượng vũ trang Trung Quốc.

“Tất cả các quân nhân và cựu quân nhân của Bộ quốc phòng Vương quốc Anh buộc phải tuân thủ Đạo luật Bí mật Chính thức (Official Secrets Act). Chúng tôi đang xem xét việc sử dụng các hợp đồng và các thỏa thuận bảo mật trong Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Dự luật An ninh Quốc gia (National Security Bill) mới sẽ tạo ra các công cụ pháp lý bổ sung để giải quyết các thách thức an ninh đương đại, bao gồm cả vấn đề này”, phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Anh cho biết.

Đầu tháng 10, The Epoch Times cho biết, hiện có khoảng 30 cựu phi công Anh đang hỗ trợ huấn luyện cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với mức lương cao ngất ngưởng: hơn 270.000 USD mỗi năm. Đa số là cựu phi công lái máy bay chiến đấu, trong khi số còn lại là phi công lái trực thăng quân sự.

Theo một bài báo được đăng tải trên tờ Daily Mail hôm 17/10, một số phi công lái trực thăng quân sự của Canada và Australia cũng đã được chính quyền Trung Quốc chiêu mộ.

Ngoài ra, bài báo nói rằng Bắc Kinh phải thuê phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh thông qua một tổ chức trung gian có tên là Học viện bay thử nghiệm Nam Phi (TFASA), bởi vì bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào của Bắc Kinh đều sẽ bị cơ quan an ninh của Vương quốc Anh chặn đứng.

Học viện bay thử nghiệm Nam Phi (TFASA) trước đó đã quảng cáo tìm kiếm một số người hướng dẫn phi công để làm việc tại một địa điểm không được tiết lộ ở miền “Viễn Đông Á” với cam kết hợp đồng ban đầu trong bốn năm.

Theo nguồn tin độc quyền mà tờ Reuters đưa tin hôm 25/10, một cựu phi công quân sự Mỹ, ông Daniel Edmund Duggan, đã bị giam giữ tại Australia vào ngày 21/10 và đang chờ dẫn độ sang Mỹ. Ông bị cáo buộc đã làm việc cho một hãng hàng không Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2020.

Theo MoD, các phi công quân sự phương Tây được ĐCSTQ tuyển dụng có nghĩa vụ phải đào tạo cho phi công Trung Quốc trong các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước.

Theo hãng tin CNA, cơ quan thông tấn có ảnh hưởng nhất của Đài Loan, chế độ Trung Quốc đã thuê nhiều phi công máy bay chiến đấu Pháp trong nhiều năm qua để huấn luyện cho các phi công Trung Quốc. Theo nguồn tin độc quyền của tờ Le Figaro, tờ báo lâu đời nhất của Pháp, các phi công Pháp sẽ huấn luyện cho phi công Trung Quốc về các chiến lược của lực lượng không quân NATO, cũng như quy trình cất cánh và hạ cánh của tàu sân bay.

Theo đó, Bắc Kinh muốn làm chủ hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh CATOBAR (Catapult Assisted Take-Off, Barrier Assisted Recovery), nhằm ứng dụng trên tàu sân bay Phúc Kiến được trang bị Hệ thống phóng điện từ (EMALS).

CATOBAR một phương pháp phóng và thu hồi máy bay từ boong tàu sân bay. Được biết, hiện nay chỉ có Mỹ và Pháp ứng dụng hệ thống này.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập các chi tiết của tờ Le Figaro.

Chuyên gia: ‘Trao kiếm cho kẻ thù trước khi xung trận’

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều phối tại Trung tâm Điều hành Tình báo Liên hợp trực thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tin rằng việc các phi công quân sự chấp thuận lời đề nghị của Bắc Kinh vì tiền là điều “tồi tệ”, vì họ sẽ giúp chế độ độc tài Trung Quốc ngày càng nguy hiểm và thù địch hơn.

“Tôi hiểu tại sao các phi công lại muốn có tiền, nhưng tôi không thể tưởng tượng được một phi công yêu nước lại làm điều đó vì tiền”, ông nói và nhấn mạnh rằng, hành động này sẽ gây ra rủi ro không nhỏ đến an ninh quốc gia.

“Nó tương tự như việc bạn trao thanh kiếm cho kẻ thù trước khi xung trận”, ông giải thích.

Tuy nhiên, ngoài hệ thống CATOBAR, ông Schuster còn lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tìm cách tiếp thu kiến thức về khả năng tác chiến trên không của Mỹ và các quốc gia khác.

“Tôi quan ngại nhiều hơn về việc các viên phi công Mỹ huấn luyện các chiến thuật tác chiến không đối không của phương Tây, cách chúng ta tiếp cận trong chiến đấu, cũng như các chiến thuật và quy trình của chúng ta. Đây không đơn thuần chỉ là học cách cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay. Đó còn là việc học các kỹ năng chiến đấu cần thiết của hàng loạt tàu sân bay”, ông nói.

Hơn nữa, theo ông Schuster, ĐCSTQ có ý định tận dụng kinh nghiệm chiến đấu của các phi công Pháp và Anh ở các chiến dịch Operation Desert Shield (Lá chắn Sa mạc) và chiến dịch Operation Desert Storm (Bão táp Sa mạc) trong Chiến tranh Vùng Vịnh những năm 1990.

“Khi nhìn vào cách tiếp cận mục tiêu theo chiến thuật, cách xâm nhập hệ thống phòng không, cũng như những động thái trước và sau cuộc tấn công, đó đều là những chiến thuật quan trọng đảm bảo sự sống còn của một phi công. ĐCSTQ đang nỗ lực trau dồi kiến thức về chiến thuật cũng như mở rộng chương trình huấn luyện của họ”.

Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Anh James Heappey, nói với tờ Sky News hồi đầu tháng 10 rằng, Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh đang đe dọa đến lợi ích của Vương quốc Anh ở nhiều nơi trên thế giới.

Ông Heappey nói rằng, không có gì là bí mật khi ĐCSTQ nỗ lực tiếp cận các bí mật của Vương quốc Anh. Việc ĐCSTQ tuyển dụng phi công của Anh để nghiên cứu năng lực quân sự của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh rõ ràng là mối quan ngại của Bộ Quốc phòng nước này, ông kết luận.

Huyền Anh

Related posts