653 tiến sĩ, 4,018 thạc sĩ nghỉ việc ở khu vực công
Theo Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, có 653 tiến sĩ và 4.018 thạc sĩ thôi việc, nghỉ việc tại khu vực công.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo về nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có đề cập tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư.
Thống kê, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người (bộ ngành có 7.102 người, địa phương 32.450 người).
Trong số này, có 653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ, 1.199 bác sĩ, đại học có 19.637 người, cao đẳng có 6.027 người…
Theo độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống, báo cáo nêu có 25.617 người; từ 41-50 tuổi có 7.861 người…
Cũng theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.
Cụ thể, ngành Giáo dục có 16.427 người nghỉ việc (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Ngành Y tế có 12.198 người nghỉ việc (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).
Bộ Nội vụ cho rằng nguyên nhân nghỉ việc vì tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ chuyên gia giỏi của từng lĩnh vực, nên một bộ phận công chức, viên chức không định hình được hướng phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ của mình nên dần bị mai một kiến thức, kinh nghiệm sẽ tìm cách khắc phục bằng việc thay đổi môi trường làm việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế). Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, áp lực làm việc của đội ngũ nhân viên y tế nặng nề, nguy hiểm, đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy – học trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn nên tạo áp lực cho giáo viên.
Thêm vào đó, môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực…
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác vì lý do cá nhân như: Sức khỏe không bảo đảm, bản thân muốn thay đổi định hướng, mục tiêu nghề nghiệp, môi trường làm việc; một số phải đối mặt với rủi ro trong thực thi công vụ do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn và quá trình hoàn thiện.
Minh Long
ĐBQH: Đề nghị làm rõ trách nhiệm Bộ Công Thương vì để cửa hàng xăng dầu đóng cửa
Liên quan đến tình trạng nhiều cửa hàng ở các thành phố lớn đóng cửa, bên lề hành lang Quốc hội sáng 2/11, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương. Ông Lâm đặt câu hỏi, tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần), theo VnExpress.
Cảnh tượng cây xăng hết xăng hoặc dầu tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương vẫn tiếp tục xảy ra những ngày gần đây. Như tại TP.HCM, thống kê của Sở Công Thương cho thấy, gần 20% cửa hàng thiếu xăng để bán.
Bên lề hành lang Quốc hội sáng 2/11, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, nhìn nhận đây là hiện tượng bất thường. Ông cho rằng, ngay cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá tăng, xăng dầu khan hiếm cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay.
Ông Lâm nói: “Giá dầu thế giới hiện tương đối ổn định, nhưng thị trường trong nước lại xảy ra những điều bất thường, phải làm rõ căn nguyên, lý do.
Theo Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại biểu TP. Hà Nội, nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Ông đặt câu hỏi, tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần).
Ông nêu quan điểm “Sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí… chưa tốt”.
Đồng tình với quan điểm, ông Trần Văn Lâm nhìn nhận, để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý.
Hiện, quản lý xăng dầu có trách nhiệm phối hợp của nhiều bộ, ngành, song theo ông Lâm, trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương, “Không thể đùn đẩy cho bộ nọ, bộ kia”.
Liên quan đến giá xăng dầu, chiều 1/11, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 380 đồng/lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.870 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.750 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 290 đồng/lít lên 25.070 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước. Như vậy, giá xăng trong nước tăng 3 lần liên tiếp sau 4 lần giảm.
Huệ Liên
Mua công ty ‘ma’, bán hóa đơn khống, 2 thanh niên thu lời trên 1,200 tỷ đồng
Hai nghi phạm tuổi 25-30 bị xác định đã mua hàng trăm công ty “ma” qua ứng dụng Zalo rồi sử dụng con dấu giả của các cơ quan chức năng, bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử. Số tiền giao dịch lên tới trên 25.000 tỷ đồng, gây thiệt hại về thuế 2.500 tỷ đồng.
Sáng 2/11, Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo thông báo kết quả điều tra các chuyên án, vụ án lớn, có tính chất phức tạp, hoạt động liên tỉnh, gây ra mức thiệt hại lớn.
Theo đó, trong tháng 10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và khởi tố vụ án, khởi tố 5 người trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với số lượng hóa đơn bán ra đặc biệt lớn.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định Nguyễn Minh Tú (tên thường gọi là Hùng, SN 1992) cùng Võ Tấn Lộc (tên thường gọi là Long, SN 1997, cùng trú tại phường Tam Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã thông qua mạng Zalo để mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật. Các công ty này đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tú và Lộc đã thiết lập mạng lưới trung gian khoảng trên 400 người, có phân công, phân cấp, nhiệm vụ rõ ràng. Những người này được giao khai thác trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu mua hóa đơn. Sau đó nhóm này bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp với giá trị đặc biệt lớn trên 25.000 tỷ đồng.
Bước đầu, cơ quan công an xác định thiệt hại về thuế mà vụ án này gây ra là trên 2.500 tỷ đồng. Nhóm bị can thu lợi bất chính trên 1.200 tỷ đồng (tương đương 5% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán). Trong đó, Tú và Lộc thu lợi bất chính trên 252 tỷ đồng. Nhóm 400 người trung gian trong hệ thống này (F1, F2, F3…) hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 750 tỷ đồng.
Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, Tú và Lộc thành lập nhiều công ty “tài chính”. Các công ty này đều được Tú và Lộc mua qua ứng dụng Zalo (người đại diện theo pháp luật của các công ty này đều sử dụng giấy tờ giả). Sau đó, hai người này sử dụng số điện thoại “rác” để đăng ký ứng dụng Internet banking chuyển tiền cho nhóm người trung gian làm thủ tục thanh toán “quay vòng”.
Đối với các hóa đơn yêu cầu phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Tú lên mạng mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền rồi dùng các con dấu này để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp mà nhóm này sử dụng để bán hóa đơn và 32 con dấu giả các cơ quan chức năng, phong tỏa hai tài khoản ngân hàng với số tiền trên 27 tỷ đồng.
Khánh Vy