Vận động mạnh thường quân mua lại ấn Hoàng đế chi bảo đưa về nước
Ngày 7/11, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa, vận động mạnh thường quân thương lượng với nhà đấu giá Millon (Cộng hòa Pháp) để mua lại ấn Hoàng đế chi bảo để đưa về nước.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị huy động mọi nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế để thương lượng với nhà đấu giá ở Pháp nhằm kịp thời mua lại, hồi hương chiếc ấn Hoàng đế chi bảo.
Ngoài ra, địa phương vận động mạnh thường quân là tổ chức, cá nhân yêu quý di sản thương lượng, mua lại ấn Hoàng đế chi bảo để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao phối hợp tỉnh này và các tổ chức, cá nhân thương lượng với nhà đấu giá, mua lại ấn để đưa về nước.Ấn Hoàng đế chi bảo có giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
Ấn Hoàng đế chi bảo do vua Minh Mạng đúc năm 1823 bằng vàng mười tuổi, nặng 282 lạng 9 tiền 2 phân (10,78 kg) với chức năng đặc biệt quan trọng gắn liền với các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào các dịp khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài…).
Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận – hiện đại.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong điều kiện hiện nay, việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn Hoàng đế chi bảo là khó khả thi.
Hiện Hãng đấu giá Millon (Pháp) và đại diện phía Việt Nam đã thống nhất thỏa thuận tạm hoãn, đưa ấn vàng ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá. Được biết Hãng còn đồng ý cho chúng ta thương lượng mua trực tiếp cổ vật này trong vòng 10 ngày (giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro).
Huệ Liên
Nêu tên học sinh chưa nộp tiền bảo hiểm trong buổi chào cờ là phản cảm
Liên quan đến việc phụ huynh ép hiệu trưởng quỳ xin lỗi vì đọc tên, bắt học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế đứng dậy dưới buổi chào cờ. Dư luận cho rằng, việc nhà trường phát loa nêu tên học sinh chưa nộp tiền trong buổi chào cờ là phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Võ Văn Điệp (40 tuổi, ngụ tại xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) xách dao vào Trường tiểu học Sơn Lâm đe dọa, buộc hiệu trưởng trường này quỳ xin lỗi.
Ông Điệp có hai người con học tại Trường tiểu học Sơn Lâm. Nguyên nhân vì cuối buổi chào cờ sáng 31/10, nhà trường đã gọi tên hai con của ông và một số học sinh khác đứng dậy để hỏi về việc phụ huynh đã nhận được giấy mời trao đổi về việc nộp tiền bảo hiểm y tế hay chưa mà không thấy phản hồi.
Trước hành vi xông vào trường làm nhục người khác, ông Điệp đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Khê khởi tố vào ngày 2/11. Tuy nhiên luồng dư luận cho rằng việc nhà trường đọc tên học sinh chưa nộp tiền trong buổi chào cờ là phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trường Giang – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn – nhìn nhận trong buổi chào cờ, nhà trường đọc tên các em chưa nộp bảo hiểm là không phù hợp.
“Làm như vậy sẽ không hay, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của học sinh. Ngoài việc tuyên dương, khen thưởng thì với bất kỳ lý do gì gọi học sinh như vậy là không nên đối với quan điểm giáo dục hiện nay” – ông Giang nói.
Theo ông Giang, trong trường hợp này nhà trường nên có phương án xử lý khéo léo hơn. Có thể gọi các em chưa nộp tiền bảo hiểm lên văn phòng gặp trao đổi. Nếu thầy cô có thời gian đến gia đình, vừa động sẽ hợp lý hơn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Quan điểm giáo dục hiện hay, dưới cờ là nơi để tổ chức biểu dương, khen thưởng chứ không thể gọi học sinh lên đó phê bình, trách phạt.
Ngày 7/11, lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, việc hiệu trưởng nêu tên học sinh trước trường đã vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong nhà trường, quy định của viên chức, công chức. Huyện đang phối hợp ngành chức năng xử lý.
Liên quan đến câu hỏi dư luận khi để nhà trường thu tiền báo hiểm, phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết trên báo Vietnamnet rằng, việc thu Bảo hiểm Y tế học sinh là trách nhiệm của ngành giáo dục.
Văn Đồ
Bắt giữ kẻ tấn công hàng loạt phụ nữ trên đường phố Hà Nội
Liên tiếp từ tháng 10 sang tháng 11, cả ngày lẫn tối đêm, hàng loạt phụ nữ bị một người đàn ông dùng dao, gậy, bóng tuýp thủy tinh… tấn công vô cớ trên đường phố tại Hà Nội.
Ngày 7/11, Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an quận Hai Bà Trưng đang tiếp tục điều tra, xử lý Trần Lê Huy (SN 1991, tạm trú phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.
Trước đó, Công an các quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) đã cùng phối hợp truy tìm và bắt giữ nghi phạm Huy do liên quan đến hàng loạt vụ dùng hung khí tấn công người đi đường.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, tối 2/11, Công an phường Bồ Đề nhận tin báo về việc khoảng 21h30 cùng ngày, 2 nữ sinh lớp 9 đang đạp xe trên đường đi học thêm về, đến phố Hoàng Như Tiếp hướng Bệnh viện Tâm Anh (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), thì bị một thanh niên đi xe máy (biển kiểm soát ngoại tỉnh) áp sát. Khi đến cạnh trường THPT Vạn Xuân, người này vượt lên bên phải và dùng bóng tuýp thủy tinh đập vào mặt nữ sinh tên L. (SN 2008) đi ngoài cùng khiến em này ngã sóng soài, được người dân đưa đi cấp cứu, bị xác định gãy sống mũi.
Sau khi nhận tin báo, lực lượng công an phối hợp với công an các quận lân cận điều tra, truy xét, xác định Huy là nghi phạm đã từng gây ra nhiều vụ án khác trên các khu vực trong nội thành Hà Nội. Trưa ngày 4/11, Trần Lê Huy bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ.
Huy khai nhận ngoài vụ hành hung thực hiện vào tối 2/11 kể trên, khoảng 13h ngày 3/11, Huy đã đi xe máy (BKS 18M1-3111) chạy lên vỉa hè, dùng gậy sắt có gắn đinh đập vào mặt chị N.H.L. (sinh viên năm thứ 3) khi chị này đang ngồi chơi tại vỉa hè ngã tư Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), khiến chị L. bị chấn thương vùng mắt.
Khoảng 16h cùng ngày, Huy dùng thanh gỗ gắn dao nhọn, vụt vào đầu chị H. (SN 1977) gây thương tích tại ngõ 165 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. 15 phút sau, Huy cầm gậy gỗ gắn dao nhọn trên đâm một cái vào mặt một phụ nữ trên phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm.
Qua điều tra mở rộng, lực lượng công an xác định trong tháng 10, Huy đã gây ra hàng loạt vụ án tương tự, như cầm gạch đập vào một người phụ nữ tại đối diện 39A Thái Phiên (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) vào ngày 25/10; cầm gạch đập vào đầu một phụ nữ trước số 15 Ngô Quyền (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) vào ngày 27/10.
Bước đầu, cơ quan Công an xác định, Huy đã thực hiện 10 vụ tấn công người đi đường trên địa bàn thành phố, trong đó 9/10 vụ có nạn nhân là phụ nữ. May mắn, trong các vụ việc trên, các nạn nhân đều không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Theo lực lượng chức năng, Huy có 2 tiền án, vừa mãn hạn tù về. Nghi phạm không có dấu hiệu tâm thần và các triệu chứng bệnh lý nào khác.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Thạch Lam (Trí Thức VN)
Vẽ 4 dự án ‘ma’, nữ tổng giám đốc tại Bình Dương lừa đảo hơn 37 tỷ đồng
Trong 2 năm, tổng giám đốc cùng phó tổng giám đốc một công ty bất động sản ở tỉnh Bình Dương đã “vẽ” lên 4 dự án “ma” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân. Tổng số tiền 2 người này chiếm đoạt của 87 bị hại lên đến hơn 37 tỷ đồng.
Ngày 7/11, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm bà Lê Thị Thanh (SN 1986, trú tại Bình Dương) và ông Châu Lê Minh Vẹn (SN 1987, trú tại Cà Mau) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
Bà Thanh nguyên là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển địa ốc SP Land (sau đây gọi là Công ty SP Land), còn ông Châu Lê Minh Vẹn là Phó Tổng giám đốc công ty này.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến 2019, bị cáo Thanh tự lập bản vẽ phân lô các thửa đất nông nghiệp tại xã An Điền (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và đặt tên là dự án Khu dân cư An Điền 1 và An Điền 2. Mỗi nền đất trị giá hơn 400 triệu đồng.
Tương tự, tại xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, nay là thị xã Chơn Thành), bị cáo Thanh cũng tự ý phân lô, đặt tên các thửa đất là dự án Khu dân cư Chơn Thành và Chơn Thành 2.
Tất cả các dự án này đều không được cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư. Tuy vậy, bị cáo Thanh và bị cáo Vẹn đã bán đất nền dự án tại các khu đất này để chiếm đoạt tiền của nhiều người dân.
Để người dân tin tưởng mua đất tại các dự án này, bị cáo Thanh cùng đồng phạm đã cho người vào cắt cây cao su, san ủi mặt bằng như đang triển khai dự án.
Sau khi mua đất tại các dự án trên, đến thời hạn cam kết phía công ty không bàn giao nên người dân đã nhiều lần đến công ty khiếu nại, đòi lại tiền. Bà Thanh nhiều lần cam kết sẽ bàn giao đất hoặc trả tiền cho người dân, nhưng đều không thể thực hiện.
Sau đó, tháng 8/2020, nhiều người dân đã tố giác vụ việc công ty SP Land lừa đảo lên cơ quan công an.
Đến ngày 18/1/2021, bị cáo Thanh và bị cáo Vẹn bị khởi tố và bắt tạm giam cho đến nay.
Vẫn theo cáo trạng, bị cáo Thanh đã đại diện công ty SP Land ký hợp đồng với 54 khách hàng tại ba dự án: Khu dân cư An Điền 1, Chơn Thành và Chơn Thành 2. Qua đó, chiếm đoạt tổng số tiền gần 26 tỷ đồng.
Bị cáo Vẹn đã đại diện công ty SP Land ký hợp đồng với 33 khách hàng tại hai dự án: Khu dân cư An Điền 1 và An Điền 2, giúp bị cáo Thanh chiếm đoạt gần 12 tỷ đồng.
Tổng cộng, bị cáo Thanh đã chiếm đoạt số tiền hơn 37 tỷ đồng của 87 người dân.
Ngày 7/11, rất đông người dân là bị hại trong vụ án tham dự phiên tòa xét xử bà Thanh và ông Vẹn. Sau phần thủ tục, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung những tình tiết liên quan đến vụ án.
Khánh Vy (Trí Thức VN)