Lam Giang
Cảnh sát Trung Quốc đã thắt chặt an ninh sau các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua. Sau sự cố hỏa hoạn ở Urumqi (Tân Cương) ngày 24/11, sự phẫn nộ của người dân dâng cao và lan rộng khắp cả nước để phản đối các biện pháp phòng chống dịch hà khắc đã hủy hoại sinh kế của người dân Trung Quốc sau ba năm đại dịch.
Tờ Reuters đưa tin, các cuộc biểu tình bất tuân dân sự với quy mô chưa từng có kể từ khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ đã trải dài từ các thành phố lớn của Trung Quốc cho đến những khuôn viên đại học vào cuối tuần qua.
Sun Jiesen, một sinh viên Đại học ở Thượng Hải, cho biết: “Điều chúng tôi phản đối là việc hạn chế nhân quyền dưới danh nghĩa ngăn chặn đại dịch, cũng như hạn chế quyền tự do cá nhân và sinh kế của người dân”.
Khi được hỏi về sự bất mãn lan rộng để phản đối chính sách Zero Covid của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã nói với các phóng viên rằng, “những gì bạn mô tả không phản ánh những điều thực sự xảy ra”.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của người dân Trung Quốc, cuộc chiến chống Covid-19 của chúng tôi sẽ thành công”, ông Triệu Lập Kiên nói.
Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách này, bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của công chúng, cũng như những tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các cuộc biểu tình đã khiến cho thị trường toàn cầu trở nên “sôi động” vào hôm 28/11, khiến giá dầu giảm, đồng đô la tăng vọt và đồng nhân dân tệ lao dốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập đến các cuộc biểu tình mà chỉ kêu gọi công dân nước này tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch Zero Covid. Nhiều nhà quan sát tin rằng, Trung Quốc sẽ không mở cửa trở lại cho đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau và sẽ phải trải qua một chương trình tiêm chủng trên diện rộng trước thời điểm đó.
Vào hôm 28/11, các con phố ở Thượng Hải đã bị phong tỏa bằng hàng rào kim loại để ngăn đám đông tụ tập. Các sĩ quan cảnh sát mặc áo phản quang tuần tra theo cặp khi xe cảnh sát và xe máy đi qua, theo tờ Reuters.
Ông Martin Page, Phó chủ tịch của Moody’s Investor Services, cho biết cơ quan xếp hạng dự kiến các cuộc biểu tình “sẽ tiêu tan tương đối nhanh chóng mà không dẫn đến bạo lực chính trị nghiêm trọng”.
Vụ hỏa hoạn tại Urumqi – nguồn cơn của cuộc biểu tình
Các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ hỏa hoạn tại khu chung cư ở thành phố phía tây Urumqi (Tân Cương) vào hôm 24/11 khiến 10 người thiệt mạng. Nhiều người dùng internet phỏng đoán rằng, cư dân của tòa nhà tại Urumqi không thể kịp thời thoát thân vì tòa nhà đã bị phong tỏa một phần, tuy nhiên các quan chức địa phương phủ nhận cáo buộc này. Ở Urumqi, thành phố 4 triệu dân, một số cư dân đã bị phong tỏa trong 100 ngày.
Nhiều thành phố khác cũng chứng kiến sự phẫn nộ của công chúng. Hôm 26/11, cư dân Lan Châu ở phía tây bắc đất nước đã đập phá các địa điểm xét nghiệm Covid-19, theo các bài đăng trên mạng xã hội. Những người biểu tình cho biết, họ vẫn bị phong tỏa mặc dù không có ai có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Trung Quốc đang mắc kẹt với chính sách Zero Covid trong khi phần còn lại của thế giới chọn cách sống chung với Covid-19. Theo đó, các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc vẫn đạt mức cao kỷ lục trong nhiều ngày, với gần 40.000 ca nhiễm mới vào hôm 26/11.
Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chính sách Zero Covid vì cho rằng, đó là chiếc “phao cứu sinh” để bảo vệ dân chúng, và là hàng rào cần thiết để ngăn chặn đại dịch bùng phát. Trong khi đó, hệ thống y tế nước này hiện đã quá tải.
Biểu tình phản đối công khai trên diện rộng là điều cực kỳ hiếm thấy ở Trung Quốc, nơi hầu như không còn chỗ đứng cho những người bất đồng chính kiến dưới thời ông Tập. Chính điều đó đã buộc người dân phải “trút bầu tâm sự” lên các nền tảng mạng xã hội, nơi họ chơi trò “mèo vờn chuột” với các cơ quan kiểm duyệt.
Sự phẫn nộ của công chúng diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ.
Vào lúc 2 giờ sáng thứ 2 (28/11), tổng cộng có khoảng 1.000 người biểu tình đã tập trung theo dọc bờ sông Liangma gần Đường vành đai 3 (Bắc Kinh) và không chịu giải tán.
Tối thứ 7 (27/11), một số lượng lớn người dân đã tập trung gần đường “Wulumuqi“ (được đặt tên theo “Urumqi”). Họ đối đầu với cảnh sát và hô vang khẩu hiệu “Hãy để mọi người đi”, yêu cầu chính quyền thả những người biểu tình.
Cũng trong ngày 27/11, khoảng 1.000 sinh viên Đại học Thanh Hoa đã lên tiếng phản đối và hô vang khẩu hiệu “Dân chủ và pháp quyền! Tự do ngôn luận”. Đêm hôm đó, đám đông và cảnh sát cũng xuất hiện bên bờ sông Liangma, một địa điểm đi dạo ưa thích của người dân Bắc Kinh. Một số người biểu tình cầm tờ giấy trắng để bày tỏ sự phản đối, trong khi những người khác đặt hoa và thắp nến bên dòng sông để tưởng niệm các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi.
Trong khi sự tức giận đang bùng lên vì chính sách Zero Covid, một số người đã lên tiếng phản đối việc người dân xuống đường.
“Những hành vi này đang gây rối trật tự công cộng. Tốt hơn nên tin tưởng vào chính phủ”, cư dân Trung Quốc Adam Yan, 26 tuổi, cho biết.
Lam Giang