Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cấm TikTok

Hôm 29/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật chi ngân sách tài khóa 2023 (dài 4.126 trang), trong đó thông qua việc cấm TikTok trên 4 triệu thiết bị thuộc chính phủ Mỹ, theo hãng tin NBC News.

Tuy nhiên, nền tảng này vẫn được phép sử dụng trong những trường hợp ngoại lệ như phục vụ mục đích thực thi pháp luật, các hoạt động và lợi ích an ninh quốc gia cũng như nghiên cứu bảo mật. Lệnh cấm được thông qua ngay sau loạt động thái chặn TikTok trên thiết bị công của chính quyền các tiểu bang tại Mỹ.

TikTok hiện đang đối mặt với sự phản đối cũng như giám sát chặt chẽ ngày càng tăng đến từ phía chính quyền, các nhà làm luật tại Mỹ. Họ lo ngại rằng ứng dụng này mang những rủi ro về an ninh quốc gia vì mối quan hệ với ByteDance, công ty mẹ có trụ sở ở Trung Quốc.

Vậy nên, việc chính quyền Tổng thống Biden gây áp lực lên TikTok được cho là nối tiếp sắc lệnh cấm TikTok của cựu Tổng thống Donald Trump vào 2 năm trước do các lo ngại về an ninh quốc gia.

Gần đây, TikTok đã nhận về hàng loạt chỉ trích khi thừa nhận các nhân viên của họ có thể truy cập trái phép dữ liệu của các nhà báo, lén xem thông tin và theo dõi vị trí của họ. Tờ Business Insider nhận định rằng vụ việc này đã làm gia tăng lo ngại của chính phủ Mỹ đối với TikTok và đẩy nhanh quá trình thông qua lệnh cấm mạng xã hội tại các tiểu bang và trường đại học trong nước.

Megan Stifel, Giám đốc chiến lược tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST), cho rằng sắc lệnh mới sẽ khiến TikTok khó lòng chứng minh sự minh bạch trong việc quản lý dữ liệu nhằm tháo gỡ những lo ngại an ninh của người Mỹ.

Theo bà Stifel, cuộc đàm phán giữa TikTok và chính quyền ông Biden liên quan đến việc TikTok hoạt động ở Mỹ đã rơi vào bế tắc từ lâu.

TikTok hiện đang trở thành mục tiêu của hàng loạt lệnh cấm đến từ các cơ quan chính phủ và chính quyền các tiểu bang. Hôm 14/12 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm các nhân viên liên bang tải xuống hoặc sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

Ngay sau đó, hàng loạt tiểu bang như Georgia, Maryland, Texas… cũng công bố đạo luật cấm TikTok dành cho nhân viên công chức và các thiết bị thuộc chính phủ. Với một số tiểu bang, lệnh cấm TikTok không chỉ áp dụng đối với các nhân viên công chức mà còn có hiệu lực với giới học sinh, sinh viên sử dụng Wi-Fi công cộng tại trường như University of Oklahoma và Auburn University ở tiểu bang Alabama. Được biết, có khoảng 19 tiểu bang đã cấm một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng này trên những thiết bị thuộc quyền quản lý của nhà nước, vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng.

Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ cũng đã thông báo cấm TikTok. Trong thông báo gửi tới các hạ nghị sĩ và nhân viên Hạ viện Mỹ hôm 27/12, Giám đốc Hành chính của Hạ viện Mỹ (CAO) cho biết ứng dụng TikTok bị coi là “có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật” và phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan lập pháp này.

Phan Anh

Related posts