Ánh Dương
Trong 12 con giáp ở Đông Á, đối với các năm Mão thì chỉ riêng Việt Nam gọi là năm Mèo. Còn các nước khác, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thì đều gọi là năm con Thỏ. Vậy chúng ta thử tìm hiểu lý do tại sao.
Phương Tây có 12 chòm sao theo chiêm tinh học (zodiac signs), tương xứng với cung hoàng đạo của 12 tháng và gọi là Kim Ngưu, Bạch Dương, Cự Giải, Song Ngư, Xử Nữ, Sư Tử, Bọ Cạp, Thiên Bình, Ma Kết, Nhân Mã, Song Ngư và Bảo Bình.
Văn minh Maya ở Trung Mỹ cũng có lịch 12 tháng trong năm, tượng trưng với 12 loài thú: Chim ưng đỏ (Red Hawk, Hải ly, Hươu, Gõ kiến, Cá hồi, Gấu nâu, Quạ, Rắn, Cú, Ngỗng tuyết (Snow Goose), Rái cá và Sói.
Tương tự như người Maya, dân Trung Hoa thời cổ đại đã lấy 12 con giáp, là các loại động vật để tượng trưng cho các tháng trong năm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi.
Có một số sự khác biệt giữa các nước về linh vật của năm, ví dụ Hợi ở Trung Quốc và Việt Nam là con heo (pig), nhưng ở Nhật là con lợn rừng (boar).
Sửu ở Hàn Quốc thì gọi là Bạch Ngưu (bò trắng), Trung Quốc dùng Hoàng Ngưu (bò vàng). Còn Sửu với người Việt lại là con trâu (Thủy Ngưu) gắn bó với đồng ruộng lúa nước.
Sự khác biệt về Mão giữa Việt Nam với các nước khác
Lịch sử Trung Quốc có nói rằng 12 con giáp xuất hiện lần đầu vào thời Xuân thu Chiến Quốc (thế kỷ 5 trước Công nguyên), và được chuẩn hóa vào thời nhà Hán (khoảng năm 206 trước Công nguyên).
Cuộc xâm lăng của Mã Viện vào Việt Nam đã thôn tính chính quyền của Trưng nữ Vương năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên, ba năm sau cuộc khởi nghĩa năm 40), bắt đầu áp đặt các quy định của nhà Hán. Cuộc xâm lăng của Mã Viện vào Việt Nam thôn tính chính quyền của Hai Bà Trưng vào năm 43 sau Công nguyên có thể là khởi đầu của hệ thống lịch cùng các con giáp Trung Hoa vào Bắc Việt Nam. (Tranh dân gian Đông Hồ)
Đây có thể là khởi đầu của hệ thống lịch cùng các con giáp Trung Hoa vào Bắc Việt Nam. Âm ‘Mao’ – 猫 trong tiếng Trung ở vùng miền Nam Trung Quốc (nơi có thể là nước Bách Việt khi xưa) có nghĩa là ‘dã miêu’, có hai nghĩa, thỏ rừng và mèo hoang.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con người có mối liên hệ với mèo sâu sắc, phù hợp với nền văn hoá lúa nước; trong khi thỏ là con vật của văn hóa thảo nguyên, không phải văn hoá lúa nước của Việt Nam.
Mặt khác, ở Việt Nam, thỏ vốn không phổ biến và thân thuộc, chỉ được coi là loài hiền lành, dễ thương. Trong khi mèo được mệnh danh là “tiểu hổ” và gần gũi với đời sống con người và thường hay xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, các bài hát…
Một lý giải khác cũng phổ biến không kém đó là ở Trung Quốc, thỏ được cho là con vật tượng trưng cho những gì hạnh phúc nhất. Những người sinh năm thỏ được cho là sống tốt bụng, uy tín, trung thành dù có đôi chút bí ẩn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, thỏ thường được xem là thực phẩm (mèo cũng được xem là thực phẩm nhưng không phổ biến như thỏ). Với nhiều người Việt, mèo là “bạn đồng hành” sạch sẽ, thông minh và hòa đồng. Năm Mão được kỳ vọng mang tới sự hòa hợp.
Mèo còn giúp tạo ra thế đối xứng với chó. Theo thuyết âm dương, điều này thể hiện sự cân bằng, giúp giải quyết các mâu thuẫn. Tuy nhiên, theo trang Northwest Asian Weekly, không nên tặng mèo cho người khác vào dịp đầu xuân năm mới. Điều này xuất phát từ quan niệm lời chúc đầu năm sẽ ứng nghiệm cho cả năm và quan niệm cho rằng từ “mèo” cùng vần với từ “nghèo”. Nếu tặng mèo vào ngày đầu xuân đồng nghĩa với lời chúc cho người nhận bị nghèo đi trong năm đó.
Mèo thay Thỏ là câu chuyện riêng của Việt Nam so với các dòng văn hóa cổ đại chung của nhân loại. Mèo chiếm vị trí thứ 4 trong 12 con giáp chính là dấu tích của một quá trình giao lưu, du nhập, biến đổi của văn hoá Việt với các nền văn minh nhân loại trong lịch sử Trái đất hùng bi này.
Ánh Dương tổng hợp