Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Jack Ma downfall spells end of China’s golden age,” Nikkei Asia, 19/01/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nhà sáng lập Alibaba đã bị “thổi bay như một đám mây.”
Mức tăng trưởng ít ỏi chỉ 3% của Trung Quốc trong năm 2022 đã báo hiệu hồi kết của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của nền kinh tế nước này.
Ngoại trừ mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2020, vốn là giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, đây là thành tích kinh tế tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ năm 1976, khi Cách mạng Văn hóa kéo tăng trưởng xuống mức âm.
Việc đột ngột từ bỏ chính sách zero-covid – và đợt bùng dịch theo sau nó – không phải là lý do duy nhất khiến tăng trưởng đạt kết quả kém. Các chính sách kinh tế của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là một nguyên nhân khác. Trong thập niên vừa qua, dưới sự cai trị của Tập Cận Bình, ý thức hệ đã được đặt lên trên tư duy lý tính về kinh tế.
Một sự cố mang tính biểu tượng đã xảy ra hồi tuần trước.
Ngày 10/1, một đoàn xe của chính quyền thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đã tiến vào khuôn viên của Tập đoàn Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử do Jack Ma đồng sáng lập.
Trong số những người bước ra khỏi xe có Lưu Tiệp (Liu Jie), Bí thư Thành ủy Hàng Châu. Ngày hôm đó, chính quyền Hàng Châu và Alibaba đã đồng ý tái khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược đã có từ lâu của họ.
Khoảng ba tuần trước đó, Dịch Luyện Hồng (Yi Lianhong), Bí thư Tỉnh ủy mới được bổ nhiệm của Chiết Giang, cũng đã đến thăm Alibaba. Ông vừa trở về sau chuyến đi đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản, một cuộc họp nhằm thảo luận các chính sách kinh tế của Trung Quốc cho năm 2023.
Ngay sau khi trở về, ông liền đến trụ sở chính của Alibaba.
Thoạt tiên, các chuyến thăm dường như báo hiệu sự nồng ấm trở lại của quan hệ giữa chính phủ và Alibaba, chuyển từ đàn áp công nghệ và áp đặt ý muốn của ban lãnh đạo trung ương sang hợp tác với nền tảng công nghệ để hồi sinh nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc.
“Người ta đã hiểu tình hình sai hoàn toàn,” một nguồn tin Trung Quốc chuyên về các vấn đề kinh doanh ở Chiết Giang cho biết.
Bối cảnh của các chuyến thăm sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu ta xem xét chúng cùng với một diễn biến khác. Ngày 7/1, Ant Group, công ty tài chính trực thuộc Alibaba, ra thông báo rằng nhà sáng lập Jack Ma sẽ từ bỏ quyền kiểm soát công ty.
Việc tái cấu trúc công ty khiến Ma chỉ còn hơn 6% quyền biểu quyết tại Ant dù trước đó ông đã nắm giữ hơn 50%.
Sự kiện này có thể được so sánh với sự sụp đổ không đổ máu của Lâu đài Edo ở Nhật Bản. Sự kiện năm 1868 đã kết thúc chế độ Mạc phủ Tokugawa, trao trả quyền lực cho hoàng gia, và mở ra thời đại Minh Trị. Edo theo đó cũng được đổi tên thành Tokyo.
Giờ đây, Ma đã đầu hàng ở “Lâu đài Alibaba” mà không kháng cự. Ông đến Nhật Bản từ trước đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 10 năm ngoái, và không thể trở về Trung Quốc.
Chuyến thăm của Bí thư Hàng Châu Lưu Tiệp diễn ra ba ngày sau đó.
Nắm giữ trong tay dữ liệu của hơn 1 tỷ người dùng Alipay, nền tảng thanh toán di động phổ biến của Trung Quốc, Ant Group có ảnh hưởng vô cùng lớn. Ma là người có đóng góp quan trọng trong việc phổ biến Alipay ra toàn thế giới.
Ant Group thực ra không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về khâu quản lý. Thay vào đó, chính thành công của tập đoàn, và ảnh hưởng đi kèm với thành công đó, đã khiến họ bị chính quyền Tập Cận Bình giám sát chặt chẽ hơn. Ma cuối cùng đã bị tước quyền kiểm soát công ty.
Cũng trong khoảng thời gian Ant Group ra thông báo ngày 7/1, những bức ảnh chụp Ma ở Bangkok đã lan truyền trên mạng xã hội. Kể từ khi chuyển đến Nhật Bản, Ma thỉnh thoảng cũng ra nước ngoài. Nhưng sau mỗi lần, ông đều trở lại Nhật chứ không về Trung Quốc, và luôn luôn hành động kín đáo.
Sau khi Ma mất quyền kiểm soát Ant Group, một công ty đầu tư liên kết với chính quyền Hàng Châu đã trở thành cổ đông lớn tại tập đoàn.
Đột nhiên, Ant trở thành một công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp của đảng và chính phủ Trung Quốc thông qua quyền biểu quyết. Điều này cũng sẽ giúp họ có ảnh hưởng lên Alibaba, và việc chính quyền Hàng Châu và Alibaba trở thành đối tác chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng. Bị tước mất quyền tự quyết, Alibaba và Ant Group sẽ phải đối mặt với một rào cản rất lớn trong việc tăng trưởng nhanh chóng.
Ngày 2/11/2020, một kiệt tác của Kaii Higashiyama, nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản, đã được sử dụng để ám chỉ tình huống nguy hiểm mà Ma hiện đang gặp phải.
Tài khoản WeChat của Tân Hoa Xã do nhà nước điều hành đã đăng một bài viết có kèm theo một bức tranh phong cảnh của Higashiyama trong đó vẽ một đám mây trắng hình con ngựa trên bầu trời xanh.
Jack Ma tên khai sinh là Mã Vân, nghĩa đen là “ngựa” và “mây.”
Trên thực tế, Tân Hoa Xã đã cảnh báo rằng đám mây hình con ngựa trong bức tranh chắc chắn sẽ biến mất vì bị gió cuốn.
Bài báo được xuất bản sau khi Ma bị chính quyền Trung Quốc triệu tập để thẩm vấn. Một ngày sau khi bức tranh gây tranh cãi được đăng tải, Ant Group thông báo hoãn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Ma có lẽ đã xem bài báo như một chiêu của Tập Cận Bình nhằm phô diễn quyền lực cá nhân, hoặc như một hình thức bắt nạt được thực hiện bởi đảng và nhà nước. Nhưng giờ đây, sau hai năm hai tháng, rõ ràng là việc công bố bức tranh của Higashiyama không phải chuyện đùa. Đó là một tuyên bố bày tỏ ý định.
Việc đế chế Alibaba bị phá hủy ngay sau cái chết của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân vào tháng 11 không thể nào là trùng hợp ngẫu nhiên.
Ma thành lập Alibaba ở tỉnh Chiết Giang vào năm 1999, khi Giang là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Một năm sau, Giang công bố chính sách cho phép các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân tham gia đảng, nơi vốn được coi là lãnh địa của công nhân và nông dân.
Nhờ “Thuyết Ba Đại diện” sáng tạo của Giang – đưa các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân vào đảng – các nhà quản lý doanh nghiệp với những ý tưởng lớn đã giành được sự tự do và mở rộng phạm vi hoạt động của họ. Trong đó, Ma chính là người tiên phong.
Nền kinh tế Trung Quốc khi ấy còn đang mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm sau cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nhắm vào những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ.
Sau chuyến “Nam tuần” của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình vào đầu năm 1992, Trung Quốc đã chuyển hướng, quay trở lại “cải cách và mở cửa”. Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001, dưới thời Giang, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển.
Động lực chính của sự phát triển kinh tế là các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả Ma. Các công ty nhà nước – mà chế độ Tập coi trọng – chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Nhưng dưới các chính sách của Tập Cận Bình, kỷ nguyên mà những cá nhân thuộc các công ty tư nhân lớn có thể ngẩng cao đầu đã chấm dứt.
Việc quản lý nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc dường như đã trở về những ngày trước thời Giang Trạch Dân, quay lưng lại với thời kỳ hoàng kim mà gần ba thập niên tự do hóa mang lại.
Thật ra, từ trước cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã không hạn chế quyền tự do của những người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân, cũng không tịch thu tài sản cá nhân có được một cách hợp pháp của họ.
Những gì đã xảy ra với Ant Group – vốn diễn ra bên ngoài khuôn khổ các biện pháp pháp lý – rõ ràng là một sự chuyển hướng khỏi con đường mà Trung Quốc đã theo đuổi kể từ khi chính sách cải cách và mở cửa được giới thiệu vào cuối những năm 1970.
Dù cụm từ tuyên truyền “ngăn chặn sự bành trướng tư bản một cách vô trật tự” không còn được sử dụng thường xuyên như trước đây, về cơ bản, tư duy vẫn không thay đổi dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một thử thách khác: dân số suy giảm. Cục Thống kê Quốc gia hôm thứ Ba (17/1/2023) đã công bố dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong 61 năm. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ trở thành nhân tố chính gây áp lực kéo nền kinh tế đi xuống.
Sau cái chết của Giang Trạch Dân, đảng và chính phủ đã tổ chức một lễ tưởng niệm quy mô lớn cho vị cố lãnh đạo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 6/12.
Khi thi hài của Giang được đưa đến thủ đô từ Thượng Hải, cơ sở quyền lực của ông, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế của đất nước, một bài hát tiễn biệt đã được cất lên. Nó dường như đã gióng lên hồi chuông báo tử cho kỷ nguyên tự do kinh tế vốn đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.