Giới chức Ukraine tiết lộ kế hoạch phản công
Giới chức Ukraine cho biết rằng quân đội nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch phản công trước “chiến dịch quân sự” của Nga sau những tháng mùa đông chiến trường gần như đóng băng, theo hãng tin Newsweek.
Theo ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chiến dịch phản công của quân đội nước này có thể sẽ bắt đầu trong khoảng 2 tháng tới.
Ông cho biết thêm rằng quân đội Ukraine trước tiên sẽ tập trung vào việc cố gắng giữ quyền kiểm soát thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk, miền Đông nước này.
Bakhmut là mặt trận giao tranh dữ dội nhất ở Ukraine trong vài tháng qua. Theo đánh giá gần đây từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, lực lượng Nga có thể đã quá kiệt quệ do giao tranh ở thành phố này cũng như các chiến tuyến khác. Tổ chức này cũng cho rằng, Ukraine có thể tiến hành một cuộc rút quân chiến thuật nhỏ ở Bakhmut, một phần để bảo toàn nguồn lực cho cuộc phản công sắp tới.
“Chúng tôi không vội vàng, chúng tôi sẽ tổ chức lại quân đội trong hai tháng tới. Chúng tôi sẽ khiến quân đội Nga ở Bakhmut kiệt sức và sau đó tập trung phản công ở nơi khác”, ông Podolyak nói.
Ông cho hay rằng bởi quân đội Nga đã đưa rất nhiều binh sĩ đến Bakhmut, nên Ukraine có thể tập trung bổ sung lực lượng trong khi vẫn tham gia vào cuộc xung đột với Moscow.
“Điều quan trọng là, phía Nga đang phải di chuyển theo hướng này. Do đó, chúng tôi có hai mục tiêu: giảm số lượng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu của họ càng nhiều càng tốt, ép họ tham gia vào một số trận chiến quan trọng nhưng vô cùng mệt mỏi, và làm gián đoạn đợt tấn công của họ. Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực vào nơi khác cho mục tiêu cuộc phản công trong mùa xuân”, ông Podolyak nói.
Ông nhấn mạnh rằng chiến lược mà Ukraine áp dụng ở Bakhmut hiện khá hiệu quả, vượt qua các nhiệm vụ chính được đưa ra trước đó. Ngoài ra, ông lặp lại lời kêu gọi thường xuyên của Ukraine đối với các đồng minh phương Tây về việc cung cấp cho nước này tên lửa tầm xa và nhiều đạn pháo hạng nặng hơn.
Không chỉ ông Podolyak, các quan chức Ukraine khác gần đây cũng công khai phát biểu về một cuộc phản công mùa xuân được dự đoán trước. Cụ thể, ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết quân đội nước này đang chuẩn bị cho hành động như vậy.
“Một năm trước, rất khó để chúng tôi có được vũ khí quan trọng. Còn hiện nay, các nước văn minh khác nhận ra rằng chúng tôi là lá chắn của châu Âu ở phía đông. Vì vậy, sẽ có một cuộc phản công. Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị và đảm bảo an toàn cho nó”, theo ông Reznikov.
Phan Anh
Tòa Hồng Kông kết án tù 3 người tổ chức thắp nến tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn
Ba người tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện hàng năm để tưởng nhớ cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của Trung Quốc đã bị kết án bốn tháng rưỡi tù giam.
Embed from Getty Images
Ba cựu thành viên của một nhóm Hồng Kông tổ chức các buổi thắp nến tưởng niệm hàng năm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 của Trung Quốc đã bị kết án bốn tháng rưỡi tù giam vì không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt.
Chow Hang-tung, 38 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hồng Kông và là cựu phó chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, đã bị kết án tại tòa án sơ thẩm hôm thứ Bảy cùng với các nhà hoạt động Tang Ngok-kwan và Tsui Hon-kwong.
Thẩm phán Peter Law cho biết “an ninh quốc gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với lợi ích công cộng và cả quốc gia”.
Liên minh hiện đã tan rã này là nhà tổ chức chính của buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc vào ngày 4 tháng 6, nơi vào năm 1989, quân đội và xe tăng Trung Quốc đã được triển khai để chống lại các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ.
Hàng năm, buổi cầu nguyện đã thu hút hàng chục ngàn người trong lễ tưởng niệm công cộng lớn nhất của loại hình này trên đất Trung Quốc.
Phát biểu trước khi tuyên án vào thứ Bảy, cô Chow đã chỉ trích điều mà cô mô tả là bản chất “chính trị” của vụ án và quyết định của tòa án trong việc không xem xét các tình tiết chính.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đã luôn làm, đó là chống lại sự giả dối bằng sự thật, chống lại sự phẫn nộ bằng nhân phẩm, giấu giếm bằng sự cởi mở, điên rồ bằng lý trí, chia rẽ bằng tình đoàn kết. Chúng tôi sẽ chống lại những bất công này ở bất cứ nơi nào chúng tôi phải làm, có thể là trên đường phố, trong phòng xử án, hoặc từ phòng giam,” cô Chow nói.
Công tố viên Ivan Cheung cáo buộc liên minh này là “đặc vụ nước ngoài” cho một tổ chức không xác định sau khi bị cáo buộc nhận tài trợ 20.000 đô la Hồng Kông (2.562,69 USD).
Tang và Tsui đều được tại ngoại chờ kháng cáo, trong khi Chow vẫn bị giam giữ vào thứ Bảy để chờ xét xử trong một vụ án an ninh quốc gia riêng biệt.
Lê Vy
Iran cho biết đã đạt được thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga
Truyền thông nhà nước Iran đưa tin Iran đã hoàn tất thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 từ Nga trong bối cảnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng sâu sắc.
Lực lượng không quân của Iran có một phi đội máy bay già cỗi và đã phải vật lộn để mua phụ tùng thay thế nhằm giữ cho các máy bay chiến đấu của họ hoạt động.
Trong một tuyên bố trước Liên Hợp Quốc, Tehran cho biết họ bắt đầu tiếp cận “các quốc gia để mua máy bay chiến đấu” để bổ sung phi đội của mình sau cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988.
“Nga tuyên bố sẵn sàng bán chúng” sau khi các hạn chế đối với việc Iran mua vũ khí thông thường theo Nghị quyết 2231 của Liên Hợp Quốc hết hạn vào tháng 10 năm 2020, tuyên bố được hãng thông tấn chính thức IRNA đưa ra vào cuối ngày thứ Sáu (10/3).
“Các máy bay chiến đấu Sukhoi 35 có thể chấp nhận được về mặt kỹ thuật đối với Iran,” nó nói thêm.
Tehran đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Moscow trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả quân sự trong năm qua.
Kyiv đã cáo buộc Tehran cung cấp cho Moscow máy bay không người lái “kamikaze” Shahed-136 được sử dụng trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái – một cáo buộc mà nước cộng hòa Hồi giáo bác bỏ.
Hoa Kỳ đã bày tỏ sự báo động về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Iran và Nga. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cảnh báo vào tháng 12 rằng Nga có vẻ sẽ bán cho Iran các máy bay chiến đấu của mình.
Ông Kirby khẳng định rằng các phi công Iran đã học lái máy bay chiến đấu Sukhoi ở Nga và rằng Tehran có thể nhận máy bay này trong năm tới, điều này sẽ “củng cố đáng kể lực lượng không quân của Iran so với các nước láng giềng trong khu vực”.
Iran hiện có hầu hết các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi của Nga có từ thời Liên Xô, cũng như một số máy bay Trung Quốc, bao gồm cả F-7.
Một số máy bay chiến đấu F-4 và F-5 của Mỹ có từ trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979 cũng là một phần trong phi đội của nước này.
Hoa Kỳ bắt đầu tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vào năm 2019, một năm sau khi nước này đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời tổng thống Donald Trump.
Ngân Hà (theo AFP)
Quốc hội Georgia chính thức xóa bỏ dự luật “đặc vụ nước ngoài” do biểu tình bạo lực
Quốc hội Georgia đã nhanh chóng bỏ phiếu và xóa bỏ dự luật mà tạm gọi là “đặc vụ nước ngoài” vào hôm 10/3, do những người phản đối tổ chức biểu tình liên tiếp từ đầu tuần, trong đó ít nhất 2 đêm bạo động. Mặc dù yêu sách đã được đáp ứng hoàn toàn, nhưng dường như vấn đề vẫn chưa được giải quyết, khi mục đích cuối cùng của những người biểu tình còn xa hơn thế.
Người biểu tình muốn Georgia nhanh chóng gia nhập EU/NATO (ảnh chụp từ video)
Trước đó, sau 2 đêm biểu tình bạo động đốt phá và đụng độ cảnh sát ở thủ đô Tbilisi — quy mô biểu tình hàng nghìn người, và có thể là hơn 10 nghìn người— Đảng Georgia Dream đã hứa từ bỏ theo đuổi dự luật gây tranh cãi. Nhưng đêm hôm sau biểu tình vẫn tiếp diễn, hối thúc quốc hội phải chính thức xóa bỏ dự luật này, với tuyên bố rằng người biểu tình không tin lời hứa, họ muốn thấy dự luật chính thức xóa bỏ.
CNN đưa tin hôm 10/3, sau khi dự luật được chính thức xóa bỏ, những người biểu tình tuy hò reo chiến thắng, nhưng họ cho biết vẫn tiếp tục đấu tranh đến chừng nào Georgia gia nhập EU, đạt được yêu cầu mà EU đòi hỏi Georgia phải theo cái được gọi là “kế hoạch 12 điểm,” mặc dù không nói rõ là họ sẽ biểu tình tiếp tục như vậy hay không.
“Đây là một chiến thắng cho nhân dân chúng tôi… chúng tôi đã nhiều lần bị phân tán, nhưng chúng tôi đã trở lại với một ý tưởng chung về châu Âu và quốc gia. Yêu cầu chủ yếu của cuộc biểu tình này là đánh bại dự luật, nhưng nguyện vọng của chúng tôi là Georgia trở thành thành viên của EU,” theo Tamar Jakeli, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, đã nói với CNN.
Video của DW (hãng tin Đức), phỏng vấn Laura Thornton phó chủ tịch một quỹ của Đức
Trước đó, giám đốc của tổ chức nhân quyền HRW, Giorgi Gogia, đã cảnh báo, “đấu tranh đường như chưa kết thúc.”
Vấn đề nằm ở chỗ người biểu tình tuyên bố nhân dân Georgia mong muốn Georgia gia nhập EU và NATO, đồng thời họ tin rằng đảng cầm quyền Georgia Dream là đảng thân Nga. Chiến tranh nổ ra ở Ukraine, được hiểu là xung đột giữa Mỹ cùng đồng minh phương Tây với Nga, đã khắc sâu thêm mâu thuẫn với chính quyền Georgia.
Việc Georgia đồng ý cho hàng trăm nghìn người Nga di trú do chiến tranh, và việc Georgia tiếp tục quan hệ kinh tế với Nga bất chấp cấm vận của Mỹ và EU —mặc dù những việc này đem lại lợi ích kinh tế cho Georgia— đã khiến phe đồng minh không hài lòng, và họ ám chỉ đó là chướng ngại lớn cho việc Georgia gia nhập EU và NATO.
Như đã đưa tin, Hoa Kỳ, EU, và thậm chí cả Ukraine, đều lên tiếng ủng hộ những người biểu tình, và quốc ca Ukraine cũng như cờ EU, cờ Mỹ và cờ Ukraine đều xuất hiện rất rõ trong các video cảnh biểu tình.
Nga tuyên bố phương Tây đang can thiệp vào nội bộ Georgia như vụ đã từng làm năm 2014 ở sự vụ Maidan, điều mà Nga miêu tả là vụ đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Ukraine.
Dự luật gây tranh cãi
Dự luật mang tên “Minh bạch về Ảnh hưởng của Nước ngoài” —mà được ngoại giới gọi bằng cái tên dễ hiểu lầm là “đặc vụ nước ngoài” (foreign agent)— yêu cầu các cá nhân, tổ chức NGO, hoặc kênh thông tin báo chí nào có 20% trở lên của quỹ đầu tư là từ ngoại quốc thì phải đăng ký với Bộ Tư pháp như là một “đại lý ảnh hưởng của nước ngoài”, theo Reuters. Nếu không, thì có thể bị phạt, thậm chí phạt nặng hoặc đi tù.
Mặc dù những nhà lập pháp của Đảng Georgia Dream nói rằng dự luật là để ứng phó những công kích nhằm vào Giáo hội Chính thống Giáo Georgia, nhưng người ta nhận định, các tổ chức ở Georgia do Hoa Kỳ và EU hậu thuẫn rất có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dự luật. Trong thời gian giao chiến ở Ukraine giữa Nga và phe đồng minh, thì việc một dự luật nhằm kiểm soát những tổ chức do nước ngoài hậu thuẫn ở Georgia dường như sẽ ảnh hưởng đến các phe.
Ned Price, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích gay gắt rằng “ám chỉ tiềm năng của dự luật này ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và dân chủ ở Georgia” và cảnh báo nếu dự luật được chấp thuận thì nó sẽ “ảnh hưởng việc Georgia gia nhập vào EU/NATO.”
Những nhà soạn luật cho hay, luật là dựa theo đạo luật FARA của Hoa Kỳ vốn có từ 1938. FARA yêu cầu các cá nhân hoặc tổ chức hoạt động ở Hoa Kỳ nhưng vận động cho lợi ích của quốc gia khác thì phải đăng ký và báo cáo hoạt động. Năm đó Hoa Kỳ đưa ra luật này là ứng phó sự ảnh hưởng từ bộ máy tuyên truyền của phe phát xít Đức.
Cả FARA của Hoa Kỳ và dự luật của Georgia đều không cấm cá nhân hay tổ chức hoạt động vì lợi ích của nước ngoài. Chúng chỉ yêu cầu họ phải đăng ký và báo cáo minh bạch. Hiện nay không chỉ Hoa Kỳ có một luật như vậy.
Những người biểu tình bác bỏ lối diễn giải đó, và nói rằng dự luật này là “luật Nga” vốn có từ năm 2012. Họ lập luận, ban đầu Nga chỉ nhắm vào các tổ chức NGO, nhưng đến năm 2019 đã mở rộng đến cả các phóng viên tự do và các bloggers, dẫn đến việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và xói mòn quyền tự do ngôn luận. Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, cáo buộc mà họ miêu tả là biến Nga trở thành con dê thế tội cho một vấn đề không phải của Nga.
Ngày 10/3, cả hai đảng Georgia Dream và People’s Power, hai đảng lớn nhất Georgia, đã nhanh chóng bỏ phiếu đồng ý xóa bỏ dự luật này. Họ nói dự luật đã gây “chia rẽ xã hội”, và nội dung cũng như mục đích của dự luật đã bị các bên bóp méo bằng “một bộ máy lừa dối.”
Video của hãng tin Đức DW: “Có đúng dự luật đặc vụ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến quan hệ EU hay không?”. Đoạn phỏng vấn Viola von Cramon, một nghị viên Quốc hội Châu Âu. Bà Cramon đã không chỉ ra được tại sao dự luật ảnh hưởng đến EU, nhưng bà cho biết chính quyền Georgia không thật lòng gia nhập EU, và nói đó là chính quyền thân Nga.
Nhật Tân (T/h)