Quyền tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp

Quyền tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp
Người biểu tình xông vào khuôn viên văn phòng thủ tướng, yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức sau khi tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn khỏi đất nước trong bối cảnh bùng nổ khủng hoảng kinh tế ở Colombo, Sri Lanka, hôm 13/7/2022. (Ảnh: Pradeep Dambarage/NurPhoto/Getty Images)

Hôm qua, Chủ Nhật (17/7), Quyền Tổng thống Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trước các vụ bạo động leo thang trong bối cảnh chính quyền của ông đang loay hoay tìm cách dập tắt bất ổn xã hộ và giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang bao trùm quốc đảo.

Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp hôm qua, Chủ Nhật ngày 17/7, theo một thông báo của chính phủ, tin từ Reuters.

“Việc bảo vệ trật tự công cộng và duy trì các nguồn cung cấp và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng là rất cần thiết, vì lợi ích của công chúng”, thông báo nêu rõ khi đưa ra lý do ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống bị lật đổ của Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, người đã trốn ra nước ngoài trong tuần trước để thoát khỏi một cuộc nổi dậy toàn dân chống lại chính phủ đang bị kiểm soát bởi gia tộc của ông, cho biết ông đã thực hiện “tất cả các bước có thể” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhấn chìm quốc đảo này.

Theo tin từ Reuters, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi Sri Lanka đến Maldives vào hôm thứ Tư (13/7), vài giờ trước khi tuyên bố từ chức trong bối cảnh hỗn loạn và biểu tình phản đối ông và gia tộc Rajapaksa lan rộng khắp đất nước.

Ông Rajapaksa cùng với vợ và hai vệ sĩ đã rời khỏi đất nước bằng máy bay của Không quân Sri Lanka, theo một tuyên bố của lực lượng không quân.

Trong suốt hai thập kỷ, gia tộc Rajapksa đã bắt tay với Trung Quốc, tham gia vào Sáng kiến Vành đai – Con đường, mở rộng nợ chính phủ để đầu tư vào vô số dự án cơ sở hạ tầng khắp quốc gia. Như nhiều quốc gia đang phát triển, khi đã lọt lưới bẫy nợ của Bắc Kinh, Sri Lanka không còn con đường nào khác ngoài việc phải gán nợ cho Trung Quốc.

Tháng 12/2017, Sri Lanka đã buộc phải ký hợp đồng cho thuê 99 năm, bàn giao tài sản và hoạt động của Cảng Hambantota cho Tập đoàn Trung Hoa Chiêu Thương Cục (China Merchants Group), một doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới quyền Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc. Nguyên nhân là Sri Lanka không có khả năng trả khoản nợ lớn phát sinh trong việc xây dựng cảng.

Hiện tại, quốc gia này chỉ còn chưa 50 triệu USD tiền dự trữ, theo một tuyên bố từ Bộ trưởng Bộ Tài chính. Số tiền không đủ để nhập khẩu năng lượng, lương thực. Người Sri Lanka cùng cực trong đói nghèo, cả xã hội tê liệt vì khủng hoảng năng lượng. Liên Hợp quốc ra thông cáo rằng 5,7 triệu người Sri Lanka cần phải được cứu đói khẩn cấp.

Đơn từ chức của ông Gotabaya Rajapaksa đã được Quốc hội Sri Lanka chấp nhận vào thứ Sáu tuần trước (15/7), lá thư được gửi từ Singapore, điểm đến tiếp theo của gia định cựu Tổng thống Sri Lanka sau Maldives.

Quốc hội Sri Lanka đã họp vào thứ Bảy (16/7) để bắt đầu quá trình bầu một tổng thống mới, và tiếp nhận một chuyến hàng nhiên liệu cứu trợ được chuyển đến.

Quyền tổng thống Sri Lanka, ông Wickremesinghe, cũng là một đồng minh của ông Rajapaksa, là một trong những ứng cử viên hàng đầu để đảm nhận chức vụ tổng thống chính thức nhưng những người biểu tình cũng muốn ông ra đi, viễn cảnh của Sri Lanka sẽ thêm bất ổn nếu ông Wickremesinghe được bầu chính thức.

Quang Nhật

Related posts