Ngân sách của ông Biden đề xướng tăng thuế hàng ngàn tỷ USD, bãi bỏ một phần các khoản cắt giảm thuế của ông Trump

Tác giả Andrew Moran

Ngân sách của ông Biden đề xướng tăng thuế hàng ngàn tỷ USD, bãi bỏ một phần các khoản cắt giảm thuế của ông Trump
Tổng thống Joe Biden nói chuyện ngắn gọn với các ký giả từ Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 03/03/2023. (Ảnh: Roberto Schmidt/AFP/Getty Images)

Tổng thống Joe Biden đã công bố ngân sách thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, cam kết tăng chi tiêu, tăng thuế, và giảm thâm hụt liên bang.

Trong thập niên tới, ngân sách 6.8 ngàn tỷ USD (pdf) đề xướng tăng khoảng 5.0 ngàn tỷ USD tiền thuế đối với những người có thu nhập cao và các công ty.

Đề xướng này của Tòa Bạch Ốc bao gồm một mức thuế tối thiểu 25% đối với những người Mỹ giàu có nhất với tài sản hơn 100 triệu USD. Số thu nhập chịu thuế này bao gồm tất cả thu nhập của họ, trong đó có giá trị tài sản tăng giá, “bởi vì không có tỷ phú nào nên trả một mức thuế thấp hơn một giáo viên hoặc một lính cứu hỏa.”

Ngân sách của Tổng thống (TT) Biden đề nghị tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28%, bảo đảm rằng “các công ty lớn chi trả sòng phẳng phần của mình.” Chính phủ ước tính thuế suất mới này sẽ tạo ra doanh thu 1.326 ngàn tỷ USD.

“Các công ty đã nhận được một khoản giảm thuế lớn vào năm 2017, cắt giảm thuế suất thực tế của Hoa Kỳ đối với các công ty Hoa Kỳ xuống mức thấp dưới 10%,” báo cáo ngân sách cho biết. “Trong khi lợi nhuận của họ tăng vọt, đầu tư của họ vào nền kinh tế thì lại không tăng. Các cổ đông và tổng giám đốc hàng đầu của họ đã hưởng lợi, mà không có sự phân phối đến người lao động, người tiêu dùng, hoặc cộng đồng như đã hứa.”

Về vấn đề của Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm của cựu TT Donald Trump, TT Biden dự trù bãi bỏ những điều khoản giảm thuế cho người giàu và cải tổ thuế đánh trên lợi tức đầu tư bằng cách “đánh thuế lợi tức đầu tư ở mức tương đương với thu nhập tiền lương đối với những người có thu nhập hơn 1 triệu USD” và chốt sổ phần lợi tức tích lũy.

Ngân sách năm 2024 này cũng bao gồm kế hoạch trước đây của ông Biden là tăng gấp bốn lần thuế mua lại cổ phiếu từ 1% lên 4% đồng thời thu hẹp các lỗ hổng thuế “mang lại lợi ích to lớn cho người giàu và các công ty lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất.” Đề xướng này bao gồm việc chấm dứt “lỗ hổng trao đổi cùng loại” giúp các nhà đầu tư địa ốc hoãn thuế vô thời hạn.

Các quan chức hành chính tin rằng việc tăng thuế đối với người giàu có thể giúp chi trả cho các ưu tiên chi tiêu của tổng thống, chẳng hạn như tài trợ bổ sung cho chăm sóc trẻ em và giáo dục mẫu giáo, mở rộng trường đại học cộng đồng miễn phí, và củng cố mức giá insulin cao nhất là 35 USD. Họ cũng dự đoán rằng chính sách này sẽ cắt giảm mức thâm hụt liên bang gần 3 ngàn tỷ USD trong 10 năm. Tuy nhiên, bản trình bày ngân sách hiện tại sẽ làm tăng mức thâm hụt của năm tới lên 1.8 ngàn tỷ USD.

Bà Shalanda Young, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nói với các phóng viên rằng chính phủ có thể cắt giảm chi tiêu thâm hụt “bằng cách yêu cầu những người giàu có và các công ty lớn bắt đầu chi trả sòng phẳng phần của mình và bằng cách cắt giảm chi tiêu lãng phí cho các công ty dược phẩm lớn, các hãng dầu lớn, và các lợi ích đặc biệt khác.”

Bà nói: “Các gia đình cần được sống dễ dàng hơn một chút, và đó là lý do tại sao ngân sách này bao gồm các đề xướng nhằm giảm chi phí thực phẩm hàng ngày và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.”

Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa: ‘Hoàn toàn không nghiêm túc’

Đảng Cộng Hòa gọi ngân sách của tổng thống trước Quốc hội là “hoàn toàn không nghiêm túc.”

“Ông ấy đề nghị hàng ngàn tỷ USD tiền thuế mới mà quý vị và gia đình quý vị sẽ phải trả trực tiếp hoặc thông qua chi phí cao hơn,” Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) viết trong một tweet. “Ngài Tổng thống: Hoa Thịnh Đốn có một vấn đề về chi tiêu, chứ KHÔNG phải một vấn đề về doanh thu.”

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nói chuyện với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc, hôm 01/02/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã cảnh báo rằng một trong những ngân sách lớn nhất của quốc gia trong lịch sử sẽ “làm phá sản người dân Florida.”

“Ngân sách [tổng thống] đã đề xướng hôm nay cho người dân Mỹ thấy rằng ông ấy không xem trọng họ,” ông nói trong một tuyên bố. “Nếu như ông ấy đã xem trọng họ, thì ông ấy sẽ nghiêm túc trong việc dỡ bỏ các quy định cồng kềnh và tập trung vào phát triển nền kinh tế để doanh nghiệp Mỹ có thể tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao hơn.”

Ngành tư nhân cũng đang phản ứng với bản phác thảo ngân sách của Tổng thống Biden.

Ví dụ, Hiệp hội các nhà Phân phối-Bán sỉ Quốc gia (NAW) đã khẳng định rằng thông báo này gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ (Main Street) và các gia đình lao động.

“Việc tăng thuế được đề xướng trong ngân sách của tổng thống là một cuộc tấn công trắng trợn vào các doanh nghiệp nhỏ lẻ và các gia đình mà họ trợ giúp,” ông Alex Hendrie, phó chủ tịch chuyên trách về quan hệ chính phủ tại Hiệp hội các nhà Phân phối-Bán sỉ Quốc gia (NAW), cho biết. “Đề xướng tăng thuế của Tổng thống Biden thậm chí đã không thể thông qua khi Đảng Dân Chủ còn kiểm soát lưỡng viện của Quốc hội và hoàn toàn xa rời thực tế.”

Công ty phân phối bán sỉ này đã liệt kê một số trường hợp điển hình vốn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty nhỏ độc lập. Điều này bao gồm việc tăng 1.2% đối với thuế thu nhập đầu tư ròng (NIIT), mức tăng 2.6% đối với thuế suất cá nhân cao nhất bao gồm các công ty nhỏ lẻ được tổ chức dưới dạng công ty S và công ty hợp danh, và “các hạn chế bổ sung đối với khả năng của các doanh nghiệp thông qua để trừ các khoản lỗ trong kinh doanh.”

Tuy nhiên, Viện về Thuế và Chính sách Kinh tế (ITEP) gọi đó là một “tầm nhìn táo bạo về công bằng thuế” sẽ mang lại doanh thu đáng kể và bảo đảm “công bằng về thuế.”

Giám đốc điều hành ITEP Amy Hanauer cho biết: “Những người tăng doanh thu đang tập trung vào việc đánh thuế các cá nhân và công ty rất giàu có, và ngân sách này sẽ giảm thâm hụt trong khi giảm chi phí cho các gia đình Mỹ, đặc biệt là các bậc cha mẹ có thu nhập trung bình và thấp”.

Mặc dù được quảng bá là một kế hoạch chống thâm hụt, đề xướng này của Tòa Bạch Ốc dự báo thâm hụt thường niên hơn 1.3 ngàn tỷ USD mỗi năm trong thập niên tới.

Nợ liên bang sẽ tăng lên hơn 43 ngàn tỷ USD, nâng tỷ lệ nợ trên GDP lên 102.4%. Các khoản thanh toán lãi cũng sẽ lên tới 1.3 ngàn tỷ USD trong thập niên tới, chiếm 5.1% GDP.

“[Trong] dài hạn, cho đến năm 2033, nợ sẽ tăng thêm 19 ngàn tỷ USD dưới kế hoạch ngân sách của tổng thống và đạt một tỷ trọng kỷ lục trong nền kinh tế chỉ sau 4 năm,” bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban về một Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB) cho biết trong một tuyên bố. “Tổng thống nên có một kế hoạch để thực sự kiểm soát khoản nợ này trước khi đề xướng hàng ngàn tỷ USD chi tiêu mới và giảm thuế. Khoản giảm thâm hụt 3 ngàn tỷ USD được hoan nghênh, nhưng kể từ khi nhậm chức, tổng thống đã phê chuẩn hơn 5 ngàn tỷ USD nợ mới từ các hành động lập pháp và hành pháp. Chúng ta rất cần phải thay đổi đường hướng.”

Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) tuyên bố rằng với ngân sách này của ông Biden, “nỗi lo sợ kinh khủng nhất của chúng ta đã được định đoạt.”

Bà nói: “Sau khi thông qua hàng ngàn tỷ USD chi tiêu thâm hụt mới mà chúng ta không đủ khả năng chi trả, trong 30 năm tới, nợ quốc gia sẽ gần gấp đôi quy mô của toàn bộ nền kinh tế. Trong 10 năm tới, chính phủ liên bang sẽ chi hơn 10 ngàn tỷ USD chỉ để trả lãi vay.”

Vẫn chưa rõ khi nào Đảng Cộng Hòa sẽ công bố phương án ngân sách thay thế chính thức của họ. Nhật Thăng biên dịch

Related posts