Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bị khởi tố
Ông Đặng Minh Phương bị điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.
Thông báo từ Bộ Công an về việc khởi tố Cựu cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh chụp màn hình/bocongan.gov.vn)
Tối muộn ngày 15/3, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an loan báo đã khởi tố thêm 9 bị can liên quan vụ Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố (vụ Chuyến bay giải cứu).
Cụ thể, ông Đặng Minh Phương, SN 1985, cựu Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, bị khởi tố, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.
2 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm ông Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Thuận An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần lữ hành sự kiện Thuận An – Ascend Travel & Media) và bà Trần Thị Hà Liên (lao động tự do).
Trong đó, ông Thắng bị điều tra về tội Đưa hối lộ, theo Điều 364 Bộ luật Hình sự; bà Liên bị cáo buộc phạm tội Môi giới hối lộ, theo điều 365 Bộ luật Hình sự.
6 bị can còn lại bị khởi tố nhưng cho tại ngoại về tội Đưa hối lộ, gồm: Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh), Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Travel Sky), Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH TMDV hàng không Minh Ngọc), Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sao Hà Nội), Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục và du lịch Masterlife)và Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và thương mại Lữ Hành Việt.
Vụ chuyến bay giải cứu khởi phát từ đầu năm 2022 khi Bộ Công điều tra dấu hiệu nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Sau hơn một năm điều tra, đã có khoảng 50 người đã bị khởi tố.
Trong nhóm bị điều tra tội Nhận hối lộ có ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý của Phó thủ tướng thường trực); ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), ông Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia), bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và nhiều đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Trần Văn Tân, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng bị điều tra về tội Nhận hối lộ.
Theo Bộ Công an, cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, nhận tiền nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là 80 tỷ đồng.
Trước đó, tại buổi họp báo chiều ngày 30/6/2022, đại diện Bộ Công an nói rằng kết quả điều tra bước đầu chứng minh các bị can đã nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, việc xác định mỗi bị can đưa bao nhiêu, nhận bao nhiêu cần chờ kết luận cuối cùng.
Phó trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Việt Nam Hội nhập chưa tốt nghiệp cấp 2
Bà Nguyễn Thị Hương đã sử dụng văn bằng giả để học cao đẳng, đại học và được tuyển dụng, bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Việt Nam Hội nhập khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hương (SN 1988, trú tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), Phó trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Việt Nam Hội nhập khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), bị công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện chưa có bằng cấp 2.
Bà Hương chỉ học hết lớp 9, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở; không tham gia học và không tốt nghiệp trung học phổ thông.
Năm 2009, bà Hương vào TP.HCM phục vụ quán cà phê; được một người giúp đỡ để có bằng tốt nghiệp giả của Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM.
Bà Hương sử dụng bằng tốt nghiệp giả này để làm hồ sơ tuyển dụng vào làm việc tại Tạp chí Việt Nam Hội Nhập năm 2017 và trúng tuyển.
Ngoài ra, bà Hương còn sử dụng bằng tốt nghiệp này để đăng ký học và lấy bằng tốt nghiệp đại học (hệ từ xa) của Trường đại học Trà Vinh.
Tháng 10/2020, bà Hương được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Việt Nam Hội nhập khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tháng 9/2022, bà Hương đã khai báo gian dối lý lịch để được kết nạp Đảng tại Đảng bộ Tạp chí Việt Nam Hội nhập. Bà Hương đang là đảng viên dự bị.
Hiện Tạp chí Việt Nam Hội Nhập đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công việc của bà Hương.
Theo công an tỉnh, hành vi của bà Hương có dấu hiệu vi phạm Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Công an tỉnh đề xuất chuyển vụ việc cho công an TP. Buôn Ma Thuột để thụ lý theo thẩm quyền.
Phạm Toàn
Hàng loạt dự án của ông Nguyễn Viết Dũng thuộc diện thanh tra
8 dự án của ông Nguyễn Viết Dũng, Đại biểu HĐND Quảng Nam, “nhân vật nổi tiếng” trong dư luận vì đánh nữ nhân viên sân golf, bị thanh tra.
Đầu tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ có quyết định số 466 thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng tại Quảng Nam.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2021, khi cần thiết có thể thanh tra trước và sau thời kỳ thanh tra, thời gian làm việc trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Cuối tháng 12/2022, Sở Xây dựng Quảng Nam có văn bản gửi các chủ đầu tư về việc cung cấp thông tin liên quan đến 104 dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đáng chú ý, có 8 dự án của Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng – Quảng Nam do ông Nguyễn Viết Dũng (Đại biểu HĐND Quảng Nam, người đánh nữ nhân viên sân golf) giữ chức Chủ tịch HĐQT, bị yêu cầu cung cấp thông tin. Các dự án này tập trung chủ yếu ở thị xã Điện Bàn.
8 dự án gồm: khu đô thị Ngọc Dương Riverside, khu Ngọc Dương River mở rộng, khu phố chợ Điện Ngọc (giai đoạn 2), khu dân cư Ngọc Vinh, khu dân cư phố chợ Điện Ngọc, khu tái định cư và quỹ đất đối ứng đường trục chính (khu đô thị DatQuang Riverside 2), khu phố chợ Điện Nam Bắc và khu đô thị DATQUANG Riverside.
Đến ngày 15/3, ông Nguyễn Như Công, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Thanh tra Chính phủ hiện đã dừng việc thực hiện thanh tra, trong đó, có các dự án liên quan đến ông Dũng.
“Do có việc bận nên đoàn tạm dừng việc thanh tra, kiểm tra, khi nào tiến hành thanh tra trở lại thì sẽ thông báo sau. Trước đó, đoàn chỉ mới thu thập các thông tin, tài liệu chứ chưa có thông báo kết luận”, ông Công nói, theo báo Thanh Niên.
Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Quảng có bốn công ty thành viên gồm: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng – Quảng Nam, Công ty cổ phần thủy điện Đất Quảng – Quảng Nam, Công ty TNHH Đất Quảng – Bỉm Sơn và Công ty TNHH MTV Đất Quảng – Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Viết Dũng nổi tiếng trong dư luận vì đã có hành vi đánh nữ nhân viên sân golf tại sân golf BRG Đà Nẵng hôm 6/12/2022. Vụ việc được cho là bị bưng bít, thậm chí nạn nhân bị đe dọa để che giấu…
Sau khi có đơn tố cáo và với “sức ép” của dư luận, đến ngày 13/12/2022, ông Dũng mới chính thức lên tiếng thừa nhận hành vi đánh người của mình và đăng công khai lời xin lỗi nạn nhân trên báo Quảng Nam.
Công an quận Ngũ Hành Sơn đã vào cuộc điều tra. Đến đầu tháng 1/2023, Công an quận này mới dừng điều tra, ra quyết định xử phạt hành chính 6,5 triệu đồng đối với ông Dũng. Nạn nhân không có đơn khiếu nại, không giám định thương tật.
Công an quận cũng có thông báo không khởi tố vụ án vì vụ việc không cấu thành tội phạm.
Riêng Thị ủy Điện Bàn – nơi đăng ký sinh hoạt của Chi bộ Đảng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng, đến nay vẫn chưa có kết luận về việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên Nguyễn Viết Dũng.
HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhận được đơn của ông Nguyễn Viết Dũng, xin rút khỏi Đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự kiến đến ngày 21, 22/3/2023, HĐND tỉnh Quảng Nam mới tổ chức kỳ họp.
Phạm Toàn