Phố Wall đánh bạc vào sự đổ vỡ của Deutsche Bank: Sự tàn phá sau đổ vỡ này là khó tưởng tượng

Thanh Đoàn

Logo của ngân hàng khổng lồ Deutsche Bank của Đức được nhìn thấy trên một trong những chi nhánh của họ ở Frankfurt am Main, miền Tây nước Đức, vào ngày 04/02/2021, khi ngân hàng công bố kết quả sơ bộ cho năm tài chính 2020. (Ảnh: ARMANDO BABANI / AFP qua Getty Images)

Không phải Credit Suisse, sự đổ vỡ của Deutsche Bank, siêu tổ hợp ngân hàng của Đức, mới là cú đánh bồi khiến thị trường tài chính toàn cầu ngã quỵ. Các nhà đầu tư Phố Wall và khắp toàn cầu đang đặt cược canh bạc lớn, bán khống cổ phiếu của Deutsche Bank. Có vẻ như Deutsche Bank không thể không đổ vỡ và hệ thống ngân hàng khắp toàn cầu không cách nào trụ vững.

Ngân hàng lớn thứ 17 toàn cầu, có quy mô tài sản gần 1.500 tỷ USD, lớn gấp 3 lần tài sản của Credit Suisse và lớn gấp 2,5 lần tài sản của Lehman Brothers khi hãng này sụp đổ, đang đứng trước nguy cơ phá sản lớn chưa từng có.

Đánh cược vào sự sụp đổ của Deutsche Bank

Một bản tin ngắn của Reuters vào hôm thứ Sáu (24/3), đưa tin những người bán khống đã kiếm được lợi nhuận hơn 100 triệu USD khi cá cược vào sự mất giá của cổ phiếu Deutsche Bank trong hai tuần qua, Reuters trích dẫn nguồn dữ liệu từ công ty dữ liệu tài chính Ortex.

Tỉ lệ bán khống (tiếng Anh: Short Interest Ratio) là một thông số cho biết một cổ phiếu đang bị bán khống nhiều hay ít, được xác định bằng cách chia số lượng cổ phiếu được bán khống cho khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của cổ phiếu.

Theo Ortex, tỷ lệ bán khống đối với cổ phiếu niêm yết tại Châu Âu và Hoa Kỳ của Deutsche Bank (DBKGn.DE) đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian đó lên 360 triệu USD.

Deutsche Bank là một ngân hàng mà mỗi cổ phiếu của nó trị giá 120 USD trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm 10% xuống còn 8,4 euro (9,03 đô la) vào thứ Sáu (24/3) khi những lo ngại liên tục về sức khỏe của các ngân hàng toàn cầu đã đánh gục niềm tin vào ngân hàng lớn nhất của Đức. Chúng đã mất 24% giá trị trong hai tuần qua.

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh

Sự yếu kém của Deutsche Bank (DB) đang lan sang các cổ phiếu ngân hàng châu Âu khác; các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào Commerzbank, UBS và Societe Generale. Điều này đã dẫn đến thua lỗ trong các hợp đồng tương lai của Dow tại Hoa Kỳ, vào khoảng 7:30 sáng theo giờ ET, cho thấy chỉ số Dow mất khoảng 300 điểm khi mở cửa. Trụ sở của Deutsche Bank tại Frankfurt, Đức vào ngày 30 tháng 1 năm 2020. (Ảnh: Getty)

Vào buổi sáng phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, Deutsche Bank cho biết họ sẽ mua lại 1,5 tỷ USD trái phiếu cấp 2 đáo hạn vào năm 2028, tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường và đẩy cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu giảm mạnh. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã cố gắng xoa dịu những lo ngại, nói rằng lĩnh vực ngân hàng khu vực đồng euro rất kiên cường và bộ công cụ của ngân hàng trung ương được trang bị để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần.

Deutsche Bank là một mục tiêu dễ dàng cho những người bán khống vì một danh sách dài các lý do. Hãy bắt đầu với thực tế là trụ sở chính của ngân hàng này ở Đức đã bị cảnh sát đột kích thường xuyên đến mức nó trở thành một vấn đề lớn đối với các phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ. Và sau đó là chi tiết đáng tiếc về các thi thể xuất hiện.

Những cái chết liên quan tới Deutsche Bank

Vào ngày 29/11/2018, trụ sở chính của Deutsche Bank tại Đức đã bị đột kích bởi 170 thành viên của cơ quan thực thi pháp luật. Các công tố viên giải thích lý do của cuộc đột kích là “Deutsche Bank đã giúp khách hàng tìm các tổ chức nước ngoài tại các thiên đường thuế bằng cách chuyển số tiền bất hợp pháp mà không báo cho cơ quan chức năng về nghi ngờ rửa tiền”.

Ngày 24-25/9/2019, cảnh sát Đức lại đột kích trụ sở Deutsche Bank. Cuộc đột kích đó có liên quan đến cuộc điều tra rửa tiền trị giá 220 tỷ USD của Danske Bank, ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch. Deutsche Bank từng là ngân hàng đại lý cho chi nhánh của Danske ở Estonia, nơi xảy ra vụ rửa tiền. Vào ngày 25/9, khi cuộc đột kích đang diễn ra, thi thể của Aivar Rehe, người trước đây điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Danske ở Estonia, đã bị cảnh sát ở Estonia phát hiện, theo CNN. Ông Rehe đã bị các công tố viên thẩm vấn và được coi là nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra. Cái chết của ông Rehe được coi là một vụ tự tử.

Vào ngày 29/4/2022, Deutsche Bank lại bị đột kích. Tờ Financial Times, trích lời một công tố viên, đưa tin rằng “Văn phòng cảnh sát liên bang của Đức, các công tố viên hình sự và cơ quan giám sát tài chính của Đức là BaFin đang đột kích vào trụ sở của Deutsche Bank tại Frankfurt”.

Cuộc đột kích vào tháng 4 diễn ra chỉ 4 ngày sau khi thi thể của Valentin (Val) Broeksmit, 46 tuổi, được phát hiện trong khuôn viên trường trung học Woodrow Wilson ở El Sereno, California, ngay bên ngoài Los Angeles. Ông là người tố cáo các giao dịch tội ác ở Deutsche Bank.

Val Broeksmit là con trai của William Broeksmit, người được tìm thấy treo cổ trong nhà ở London vào ngày 26/1/2014. Boreksmit bố từng là giám đốc điều hành chủ chốt tại Deutsche Bank tham gia đánh giá rủi ro trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Theo một hồ sơ của Val Broeksmit do David Enrich viết trên tờ New York Times vào năm 2019, Broeksmit con đã nhận được “một kho tài liệu bí mật của ngân hàng” do cha anh ta để lại, cung cấp một cái nhìn “đầy trêu ngươi” về hoạt động nội bộ của Deutsche Bank. Val Broeksmit đã chia sẻ tài liệu với FBI.

Lịch sử rửa tiền, gian lận trên thị trường phái sinh và hỗ trợ tội phạm ấu dâm

Tóm tắt các khoản phạt từ toà án, cơ quan quản lý ngân hàng, chính phủ do dành cho Deutsche Bank trên trang Wall Street on Parade cho thấy một bức tranh tồi tệ về đạo đức ngành của siêu ngân hàng toàn cầu này.

Ngày 23/4/2015: Deutsche Bank nhận tội với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về vai trò gian lận lãi suất chuẩn được gọi là Libor. Nó trả tiền phạt 2,519 tỷ USD cho các cơ quan quản lý khác nhau.

Ngày 17/1/2017: Deutsche Bank đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trong đó ngân hàng đồng ý trả 7,2 tỷ USD tiền phạt và bồi thường cho việc “đóng gói, chứng khoán hóa, tiếp thị, bán và phát hành chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp nhà ở (RMBS) không phù hợp” giữa năm 2006 và 2007”.

Ngày 30/1/2017: Deutsche Bank bị các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh phạt tổng cộng 630 triệu USD với tuyên bố rằng ngân hàng này đã rửa tới 10 tỷ USD cho các nhà đầu tư Nga.

Ngày 29/1/2018: Deutsche Bank bị Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai yêu cầu trả 30 triệu USD vì thao túng giao dịch trên thị trường kim loại quý, một sản phẩm phái sinh giá hàng hoá.

Ngày 8/11/2019: Nomura và Deutsche Bank, cùng với nhiều nhân viên, đã bị kết án trong một phiên tòa ở Ý vì đã giúp ngân hàng Tuscan, Monte dei Paschi di Siena, thực hiện hành vi gian lận trong các giao dịch phái sinh để giúp ngân hàng này che giấu khoản lỗ.

Ngày 18//2020: Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai phạt Deutsche Bank 10 triệu USD vì hai lý do: không báo cáo chính xác các giao dịch hoán đổi và trường hợp còn lại là giả mạo.

Ngày 7/7/2020: Bộ Dịch vụ Tài chính của Tiểu bang New York giải quyết một vấn đề dân sự của tiểu bang với Deutsche Bank với số tiền 150 triệu USD liên quan đến kẻ buôn bán tình dục trẻ em Jeffrey Epstein. Một nhóm biểu tình có tên “Hot Mess” giơ bảng hiệu của Jeffrey Epstein trước tòa án Liên bang vào ngày 8 tháng 7 năm 2019 tại Thành phố New York. Theo báo cáo, Epstein sẽ bị buộc tội một tội buôn bán tình dục trẻ vị thành niên và một tội âm mưu tham gia buôn bán tình dục trẻ vị thành niên. (Ảnh của Stephanie Keith / Getty Images)

Ngày 13/10/2020: Văn phòng Công tố viên Frankfurt, Đức, đã phạt Deutsche Bank 13,5 triệu EUR vì không kịp thời gửi Báo cáo Hoạt động Đáng ngờ liên quan đến các hoạt động rửa tiền tiềm ẩn.

Ngày 8/1/2021: Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch phạt Deutsche Bank 120 triệu USD vì vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài. Các cáo buộc liên quan đến việc đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài để có được kinh doanh.

Mối quan hệ chặt chẽ với Phố Wall

Deutsche Bank có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng lớn ở Phố Wall do các hoạt động của ngân hàng này với tư cách là một đối tác phái sinh.

Vào tháng 6/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một báo cáo chỉ ra rằng Deutsche Bank là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định tài chính toàn cầu vì mối liên hệ của ngân hàng này với các ngân hàng toàn cầu khác. Rủi ro hệ thống giữa Deutsche Bank và các ngân hàng có ảnh hưởng trọng yếu toàn cầu (Nguồn: Báo cáo của IMF, 2016; biểu đồ mô tả “Các nút màu xanh lam, tím và xanh lá cây lần lượt biểu thị các ngân hàng Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á. Độ dày của các mũi tên thể hiện tổng số liên kết (cả bên trong và bên ngoài) , và mũi tên nắm bắt hướng lan tỏa ròng. Kích thước của các nút phản ánh quy mô tài sản”)

Vì phái sinh là tài sản ngoại bảng ở các ngân hàng, nhưng nó lại là tài sản không chỉ để bảo hiểm rủi ro đầu tư và cho vay mà còn để “đánh bạc” vào giá cả thị trường cơ sở. Các NHTM khắp toàn cầu cũng bảo hiểm qua phái sinh cho nhau. Bởi vậy, nếu một ngân hàng ôm lượng phái sinh quá lớn trên thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ, cả hệ thống có thể sụp đổ do không nhận được bảo hiểm mà họ kỳ vọng. Đây là lý do, các nhà phân tích tin rằng phái sinh là “hố đen” trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Các báo cáo tài chính của Deutsche Bank chỉ là các số liệu ngoại bảng. Tuy nhiên, vào năm 2019, Wall Street Journal đã đưa tin về khối tài sản phái sinh ngoại bảng khổng lồ của ngân hàng này: 49.000 tỷ USD; khối phái sinh lớn gấp 14 lần GDP của nước Đức khi đó. Năm đó, Deutsche Bank đã phải trích dự phòng 1.100 tỷ USD. Lỗ luỹ kế của Deutsche Bank từ 2015 (Nguồn: Macro Trends)

Thực tế, cho tới năm 2019, Deutsche Bank có tới 5 năm liên tiếp lỗ ròng, mặc dù đã tìm kiếm được chút lợi nhuận năm 2020 -2022 khi cả thế giới ngập trong tiền cứu trợ, đây là 3 năm mà lợi nhuận của Deutsche Bank chủ yếu nhờ phái sinh. Theo số liệu luỹ kế, tổ hợp tài chính (cả ngân hàng đầu tư và thương mại này) chỉ bắt đầu có lãi từ quý 1/2023.

Các khoản kinh doanh phi đạo đức, các khoản đầu tư mạo hiểm, khối tài sản đánh bạc khổng lồ không chỉ là câu chuyện riêng tư của Deutsche Bank, một siêu ngân hàng trọng yếu toàn cầu (G-SIP). Đau lòng thay, đó là câu chuyện tương tự của rất nhiều siêu ngân hàng toàn cầu như vậy.

Nghịch lý là, các ngân hàng toàn cầu càng lớn càng phi đạo đức; tìm kiếm lợi nhuận bằng rửa tiền, gian lận, ủng hộ tội ác, đánh bạc trong khi bề ngoài rao giảng về tự do, dân chủ, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tài chính xanh…

Thanh Đoàn

Related posts