Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Ý tạm thời cấm ChatGPT vì nghi ngờ phần mềm này có thể vi phạm dữ liệu riêng tư của người dùng. Ý trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm ChatGPT. Với thế giới, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cấm phần mềm này vì nhu cầu bảo vệ tường lửa của họ. Đồng minh của Trung Quốc như Iran, Triều Tiên, Nga cũng theo gót quốc gia này.
Lý do Ý cấm ChatGPT
Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Ý đã tạm thời cấm ChatGPT sau khi nêu lên những lo ngại về vi phạm dữ liệu gần đây và cơ sở pháp lý cho việc sử dụng dữ liệu cá nhân để đào tạo chatbot phổ biến.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý mô tả động thái này là một biện pháp tạm thời “cho đến khi ChatGPT tôn trọng quyền riêng tư”. Cơ quan giám sát cho biết họ đang áp đặt “giới hạn tạm thời ngay lập tức đối với việc xử lý dữ liệu của người dùng Ý” được chủ sở hữu của ChatGPT, OpenAI có trụ sở tại San Francisco thực hiện.
ChatGPT đã gây chú ý kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái nhờ khả năng tạo ra các câu trả lời hợp lý cho các câu hỏi cũng như tạo ra một loạt nội dung bao gồm các bài thơ, bài tiểu luận học thuật và tóm tắt các tài liệu dài khi được người dùng gợi ý.
Nền tảng này được thiết lập từ một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên một lượng lớn thông tin thu thập được từ internet.
Cơ quan giám sát của Ý đã trích dẫn những lo ngại về cách chatbot xử lý thông tin trong tuyên bố của mình.
Họ đề cập đến việc “thiếu thông báo cho người dùng và tất cả những người liên quan mà có dữ liệu đã bị OpenAI thu thập” và cho biết dường như “không có cơ sở pháp lý nào làm cơ sở cho việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân khổng lồ để ‘đào tạo’ các thuật toán mà nền tảng đang dựa vào”.
Lệnh cấm được đưa ra vài ngày sau khi hơn 1.000 chuyên gia trí tuệ nhân tạo, nhà nghiên cứu và những người ủng hộ – bao gồm cả Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk – kêu gọi tạm dừng ngay lập tức việc tạo ra các AI “khổng lồ” trong ít nhất sáu tháng do lo ngại rằng các công ty như OpenAI đang tạo ra “những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai… có thể hiểu, dự đoán hoặc kiểm soát một cách đáng tin cậy”.
Cơ quan giám sát của Ý cũng đề cập đến một vi phạm dữ liệu do OpenAI gây ra vào ngày 20/3 làm lộ một phần các cuộc trò chuyện và một số chi tiết cá nhân của người dùng bao gồm địa chỉ email và bốn chữ số cuối của thẻ tín dụng của họ.
Cơ quan quản lý cho biết ChatGPT phải đối mặt với việc mất dữ liệu “liên quan đến các cuộc trò chuyện của người dùng và thông tin liên quan đến việc thanh toán của người đăng ký dịch vụ”. Vào thời điểm đó, OpenAI đã xin lỗi và nói rằng họ sẽ “làm việc chăm chỉ để xây dựng lại niềm tin”. Một chiếc máy tính xách tay hiển thị logo của ChatGPT, một phần mềm trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi OpenAI, một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Mỹ. (NICOLAS MAETERLINK/BELGA MAG/AFP qua Getty Images)
Cơ quan quản lý dường như cũng đề cập đến xu hướng đưa ra câu trả lời không chính xác của ChatGPT, nói rằng “thông tin do ChatGPT cung cấp không phải lúc nào cũng khớp với hoàn cảnh thực tế, do đó dữ liệu cá nhân không chính xác đang được xử lý”.
Cuối cùng, cơ quan quản lý của Ý lưu ý rằng “việc thiếu xác minh độ tuổi khiến trẻ em nhận được phản hồi hoàn toàn không phù hợp với độ tuổi và nhận thức của chúng, mặc dù dịch vụ được cho là dành cho người dùng trên 13 tuổi theo điều khoản dịch vụ của OpenAI”.
Cơ quan giám sát của Ý cho biết OpenAI phải báo cáo với họ trong vòng 20 ngày về những biện pháp mà nền tảng này đã thực hiện để đảm bảo quyền riêng tư cho dữ liệu của người dùng, nếu không sẽ bị phạt tới 20 triệu euro (17,5 triệu bảng Anh) hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm. OpenAI đã được liên hệ để đưa ra bình luận.
Trung Quốc cấm hẳn ChatGPT
Khác với các lý do mà Ý đưa ra, Trung Quốc gần như ngay lập tức không đồng ý cho ChatGPT tiếp cận người dùng nước này.
Điều này dễ hiểu khi người Trung Quốc không thể dùng phần mềm tìm kiếm phổ biến nhất thế giới là Google hay các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter.
Lý do đơn giản là Trung Quốc đã phải dày công xây dựng tường lửa thông tin, ngăn người dân tiếp cận với các sự thật trong lịch sử cầm quyền của đảng; những lịch sử chân thực mà cảm tình của người Trung Quốc với ĐCSTQ có thể bị xoá sạch. Ngoài ra, các thông tin chân thực về sự kiện Lục Tứ (sự kiện thảm sát Thiên An Môn 1989), đàn áp, mổ cướp tạng sống học viên Pháp Luân Công (1999 – nay), diệt chủng lạnh người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng, số nạn nhân của ĐCSTQ trong Đại Cách mạng Văn hoá, Đại nhảy vọt… Tất cả các thông tin như vậy khiến Bắc Kinh không thể tẩy não người dân Trung Quốc nếu mất đi tường lửa. Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Đây cũng là lý do, Trung Quốc ráo riết xây dựng một phần mềm trí tuệ nhân tạo giống như ChatGPT dành riêng cho người Trung Quốc. Ví dụ, khi một người hỏi về nạn mổ cướp tạng sống, lập tức ChatGPT ‘made in China’ có thể đưa ra hàng loạt thông tin rằng đó thông tin giả, sau đó ca ngợi ‘thành tích’, công đức của chính quyền ĐCSTQ,…
Ngoài Trung Quốc, các đồng minh thân cận nhất của nước này là Iran, Triều Tiên, Nga,.. cũng cấm hoàn toàn ChatGPT.
Những quốc gia phương tây nào đang nối gót nước Ý?
Forbes trích tin từ Nhật báo Le Parisien của Pháp viết: “Trong khoảng thời gian vài ngày trở lại đây, các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới và Ý đang cố gắng làm chậm lại tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ [chatGPT] này; một công nghệ phi thường nhưng cũng ẩn chưa nhiều lo ngại”.
Nhiều thành phố ở Pháp đã bắt đầu nghiên cứu “để đánh giá những thay đổi do ChatGPT mang lại và hậu quả của việc sử dụng nó”, Ouest-France đưa tin.
Tờ báo đưa tin: “Thành phố Montpellier muốn cấm ChatGPT đối với viên chức thành phố, như một biện pháp phòng ngừa. Phần mềm ChatGPT nên bị cấm trong các nhóm làm việc của chính quyền thành phố. Bởi vì việc sử dụng ChatGPT có thể gây bất lợi”.
Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland, theo BBC, đang theo dõi cơ quan quản lý của Ý để có thể ra quyết định sớm hơn, họ tuyên bố “sẽ phối hợp với tất cả các cơ quan bảo vệ dữ liệu của EU (Liên minh châu Âu)” liên quan đến lệnh cấm.
Ngoài ra, Văn phòng Ủy viên Thông tin, cơ quan quản lý dữ liệu độc lập của Vương quốc Anh, nói với BBC rằng họ sẽ “hỗ trợ” sự phát triển của AI nhưng họ cũng sẵn sàng “thách thức việc không tuân thủ” luật bảo vệ dữ liệu.
Le Parisien giải thích rằng EU đang trong quá trình chuẩn bị Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo, đạo luật “để xác định AI nào có khả năng gây ra hậu quả xã hội”.
Quang Nhật tổng hợp