“Đất nước này không có lối thoát rồi, có nghị lực thì sẽ có thể thoát ra dù có ngặt nghèo hay khó khăn đến đâu” – Trần Bình (hóa danh) người Thẩm Dương, một thành phố công nghiệp ở Đông Bắc Trung Quốc, năm nay 60 tuổi. Bà không nói được tiếng Anh và chưa bao giờ đi máy bay, nhưng vào đầu tháng 3, bà đã không do dự lên đường trốn chạy đến một đất nước tự do để xin tị nạn.
“Dù sao thì tôi cũng đã trốn thoát” – điện thoại di động của Trần Bình không có mạng, vào ngày 25 tháng 3, bà sử dụng mạng của sân bay Serbia trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Bà nói rằng, bà không biết gì về chi tiết của kế hoạch bỏ trốn. Người trung gian của bà là một người đàn ông mà bà chỉ liên lạc qua điện thoại chứ chưa bao giờ gặp trực tiếp. Khi sang Serbia, mọi thứ đều xa lạ, không biết tiếng Anh, không có nhiều tiền nên “quá gian nan”. Trần Bình cho biết, mỗi khi đến một nơi nào đó, bà đều phải hỏi đường người dân địa phương.
Sau khi di chuyển từ Trung Quốc, Trần Bình đến Hong Kong – điểm dừng chân đầu tiên. Để tiết kiệm tiền, bà đã ngủ 8 đêm trên những chiếc ghế nhựa ở sân bay. Sau khi đến Serbia, quốc gia quá cảnh thứ hai, bà vẫn không muốn chi tiền ở khách sạn nên đã ngủ dưới đất ở sân bay. “Khá lạnh, nhưng tôi cũng vui lòng”.
Trước khi rời khỏi đất nước, bà nói với con trai rằng: “Không có lối thoát nào cho đất nước này. Mẹ đã trải qua sự đàn áp khốc liệt như vậy. Nếu mẹ không tháo chạy ra ngoài thì cũng không thể tốt lên được ở đất nước Cộng sản. ĐCSTQ không thể khá lên được, chỉ chờ diệt vong thôi”.
Trần Bình và chồng đã bảo vệ quyền lợi của người dân trong làng từ năm 2002. Họ tố cáo cựu Bí thư Đảng ủy thôn đã biển thủ hàng trăm tỷ nhân dân tệ tiền xương máu của những người nông dân vất vả. Do đó hai vợ chồng bà đã đắc tội với các quan chức các cấp, và bị báo thù. Hai vợ chồng bà trong nhiều năm đã kiên quyết kêu oan ở Bắc Kinh, nhiều lần bị bắt, bị kết án cải tạo lao động, bị đánh đập hành hạ, thoát chết trong gang tấc.
Vào tháng 2 năm 2006, cảnh sát đã đưa bà ra khỏi căn nhà thuê của bà ở Bắc Kinh, dùng mũ trùm đầu màu đen bịt mắt bà, nhét bà vào một chiếc xe cảnh sát, và đưa bà đến tầng hầm của Sở cảnh sát Hữu An Môn ở Bắc Kinh để đe dọa bà. Trần Bình bị đe dọa hoảng sợ, co giật ngay tại chỗ, phải cấp cứu đến 2 giờ đêm.
Vào tháng 8 năm 2009, Trần Bình lại bị nhân viên duy trì ổn định Thẩm Dương bắt tại Cục Thư tín và Điện thoại Bắc Kinh. Bà bị giam giữ tại Trại lao động Mã Tam Gia, Thẩm Dương với tội danh “gây rối trật tự xã hội”. Sau khi được thả, bà vẫn đến Bắc Kinh để khiếu nại, nhưng lại bị cảnh sát bắt và bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức. Đầu năm 2011, Trần Bình lại bị đưa đến Trại lao động Mã Tam Gia.
Ở đó, Trần Bình không nhận tội nên bị ép buộc phải tăng gấp đôi sản lượng sản phẩm. Những công nhân nô lệ này, nếu không hoàn thành sản lượng thì sẽ bị đấm đá, nếu lại không hoàn thành thì sẽ bị tăng thời gian thụ hình, bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị hành hạ đến nửa đêm.
Trần Bình mắc bệnh tim và huyết áp cao, vì chỉ được phép đi vệ sinh hai lần một ngày nên bà bị viêm thận do nhịn tiểu trong thời gian dài. Không có nhu yếu phẩm hàng ngày, bà chỉ có thể sử dụng những thứ còn sót lại như mảnh vải phế thải làm băng vệ sinh, cuộc sống của bà còn tệ hơn cả cái chết.
Trần Bình nói với các phóng viên rằng, sau khi các tù nhân được thả, hơn chục người lần lượt chết vì bệnh thận và ung thư, và cơ thể bà cũng bị hủy hoại nghiêm trọng.
“Đất nước này không còn hy vọng nữa rồi” – Trần Bình nói rằng bà đủ dũng cảm để vượt qua, có nghị lực thì dẫu có chặt chẽ hay khó khăn như thế nào cũng có thể chạy thoát ra được.
Trần Bình cho biết, mặc dù đã trốn thoát khỏi Trung Quốc nhưng bà không biết mình sẽ phải đối mặt với điều gì trong hành trình tiếp theo, và liệu bà có thể đến được đất nước tự do một cách thuận lợi hay không, nhưng bà tin rằng mình sẽ thành công.
Những người thế hệ 9X ở Thượng Hải: Chạy trốn vì tự do
La Thông (hóa danh), sinh ra ở Thượng Hải vào những năm 1990, đã đến hiện trường trên Đường Trung lộ Urumqi, nơi người dân tụ tập trong Phong trào Giấy trắng Thượng Hải vào ngày 27 tháng 11, chuẩn bị chụp một vài bức ảnh làm kỷ niệm. Anh bị công an mặc thường phục phát hiện, anh bị đưa về đồn để thẩm vấn, bị đánh đập, điện thoại di động bị tịch thu, và bị đe dọa không được tham gia các hoạt động tương tự. Sau đó, anh ta bị theo dõi và giám sát trong một thời gian dài.
Kể từ đó, “Tôi vô cùng sợ hãi, cảnh sát thỉnh thoảng gọi điện cho tôi và yêu cầu tôi đến đồn cảnh sát để thẩm vấn” – La Thông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 24 tháng 3.
Ông và bà của anh đã qua đời trong đợt bùng phát dịch bệnh vào cuối năm 2022. Từ việc phong tỏa dịch bệnh đến cuộc Cách mạng Giấy trắng, “ý tưởng nhất định phải trốn chạy ra nước ngoài” của anh từng bước sâu sắc thêm.
La Thông giới thiệu rằng, dưới ảnh hưởng của người lớn, anh bắt đầu vượt tường lửa đọc tin tức nước ngoài từ năm lớp 6. Trong một lần được đi du học ở Hoa Kỳ trong thời gian học đại học đã cho anh khát khao mạnh mẽ theo đuổi dân chủ và tự do. Anh thường đăng một số thông tin trên Internet mà chính quyền cho là nhạy cảm, vì vậy tài khoản WeChat và tài khoản QQ của anh đã bị chặn.
La Thông muốn rời khỏi Trung Quốc, anh đã chuẩn bị từ lâu để đi theo tuyến đường bộ nhập lậu vào Hoa Kỳ. Kể từ năm ngoái, một số lượng lớn người Trung Quốc đã mạo hiểm sinh mạng bằng phương pháp này, khi cố gắng vượt qua khu rừng rậm giữa Colombia và Panama để tới Mỹ.
La Thông biết rằng, đó là một con đường nguy hiểm, và gia đình anh đã mua nhiều dụng cụ và ba lô cho anh. Những người bạn đã trốn sang Hoa Kỳ nói với anh rằng, đi bộ trên con đường này có thể phải trả giá bằng sinh mạng do thể lực không đủ, hoặc các trường hợp đột phát khác. Cuối cùng, anh từ bỏ kế hoạch đi theo tuyến đường bộ nhập lậu, hiện đang cố gắng tìm mọi cách để ra nước ngoài.
La Thông nói rằng, bất kể làm công việc gì ở nước ngoài, ít nhất sẽ không bị cảnh sát bắt và không bị bỏ tù. Nếu Trung Quốc có công lý và tự do ngôn luận, thì không cần phải từ bỏ quê hương để bắt đầu lại ở một nơi xa lạ.
Bác sĩ: Dịch bệnh đã khiến nhiều người nhìn rõ hơn chính quyền ĐCSTQ
An Đào cũng bị cảnh sát cảnh cáo vì thường đăng những thông tin nhạy cảm lên mạng.
Cuối năm 2022, anh cùng bạn bè lên kế hoạch đi theo tuyến đường bộ nhập lậu sang Mỹ. Cuối cùng, anh không thực hiện được chuyến đi vì không nỡ rời xa mẹ già gần 80 tuổi – người cần được chăm sóc. Tuy nhiên, bạn của anh đã nhập cảnh thành công vào Mỹ và bắt đầu làm việc và sinh sống bình thường.
An Đào làm việc tại một bệnh viện hạng A3 ở một thành phố hạng ba thuộc tỉnh Liêu Ninh. Vào ngày 22 tháng 3, anh nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, nhìn thấy những người bạn tốt của mình lần lượt đến Hoa Kỳ, trong lòng anh vừa sốt ruột lại vừa vương vấn, nếu lúc đó anh đi cùng thì bây giờ anh đã ở Hoa Kỳ rồi.
Thế giới bên ngoài quá hấp dẫn, An Đào cho biết anh “không ngại khó”. Ở đó, anh có thể tự do phát biểu mà không bị cảnh sát giám sát, còn ở Trung Quốc là “khủng bố trắng”. “Sinh mệnh của tôi như là có rác” – An Đào nghẹn ngào nói.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 12 năm 2022, các bệnh viện và hiệu thuốc trên khắp Trung Quốc đã hết thuốc điều trị, và một số lượng lớn người cao tuổi đã tử vong. Bệnh viện nơi An Đào làm việc thậm chí còn không có thuốc cho các bác sĩ.
Vào thời điểm đó, An Đào cũng bị nhiễm COVID-19, khoa cấp cứu của bệnh viện quá đông, anh thậm chí không thể chụp CT. Anh nói rằng các bệnh viện đã hết thuốc cảm và sốt, số lượng lớn các bác sĩ bị nhiễm bệnh, nhưng không có thuốc, và các hiệu thuốc trên đường phố cũng đã bán hết thuốc, thậm chí cả những thứ cơ bản nhất như khẩu trang và cồn cũng hết.
An Đào đặt câu hỏi, Trung Quốc là quốc gia sản xuất thuốc lớn nhưng lại xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc, như vậy là do cơ quan chức năng đã kiểm soát chặt chẽ các nhà máy sản xuất dược phẩm. “Đảng Cộng sản (TQ) thực sự là một tên đao phủ, thật vô nhân tính!”
An Đào nói rằng trận dịch kéo dài ba năm đã mang lại cho nhiều người hơn một sự “đốn ngộ”, nhận ra rằng đất nước sẽ ngày càng hỗn loạn hơn dưới sự chuyên chế của ĐCSTQ, người dân sẽ chịu vận đen đủi. Do đó, ngày càng nhiều người nghĩ cách để trốn thoát, “Tôi chắc chắn không bao giờ bỏ cuộc”.
Hồng Ninh – Epoch Times
Thanh Hà biên dịch