Jessica Mao • Olivia Li
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã đăng nhiều bài báo, khuyến khích thanh niên thành thị “làm sống lại nông thôn”. Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng Cách mạng Văn hóa đã quay trở lại, mặc dù hình thức bây giờ của nó có thể không được nhận ra ngay lập tức.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng lôi kéo những người trẻ tuổi về các vùng nông thôn bằng những câu chuyện lừa đảo hấp dẫn. Tuy nhiên, ĐCSTQ ngày nay không còn khả năng ép buộc thanh niên thành thị về nông thôn như những năm 1960.
Làng cầu vồng
Vào ngày 04/04, một bài báo của hãng truyền thông nhà nước China Youth Daily tuyên bố rằng, một sinh viên tốt nghiệp đại học 26 tuổi tên là Zhang Guifang đã trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm khi video về con đường sự nghiệp khác thường của cô lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc.
Video có tiêu đề “Sinh viên tốt nghiệp đại học làm cán bộ thôn sẽ như thế nào”, có cảnh cô Zhang, sinh năm 1997, trở về quê và trở thành cán bộ nông thôn – một công chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Công việc hàng ngày của cô chủ yếu là giải quyết các công việc linh tinh cho những người già và gần như mù chữ trong làng; ví dụ, cô giúp đảm bảo rằng lương hưu của một người già trong làng đã được gửi vào tài khoản ngân hàng của ông ấy. Cô cũng đã khởi xướng thực hiện một số công việc “cơ sở hạ tầng” cơ bản, chẳng hạn như cải tạo mạng lưới đường ống nước, lắp thêm các phương tiện giải trí nhỏ và mời một họa sĩ vẽ “bức tường cầu vồng” cho ngôi làng.
Theo bài báo, cô Zhang đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với công việc “trưởng thôn” trong vài tháng đầu tiên. Nhưng hiện tại cô thấy công việc “ngày càng thú vị” và chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người cùng lứa muốn tham gia “sự nghiệp phục hồi nông thôn”.
Câu chuyện của cô Zhang đã được đăng tải mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Họ ca ngợi cô vì đã “tạo ra cầu vồng” ở vùng nông thôn. “Sinh viên tốt nghiệp đại học trở về hồi sinh làng quê” là tiêu đề của hãng truyền thông nhà nước China Daily.
Một bài báo khác của China Youth Daily, xuất bản ngày 31/03, kể câu chuyện về một nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học đã giúp dân làng mở các kênh bán đào. Vùng địa phương này tự hào có rất nhiều đào, nhưng họ không có lãi do thiếu tổ chức và tiếp thị. Những nỗ lực của những người trẻ tuổi đã mang lại 1,46 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 200.000 USD) doanh số bán đào.
Những câu chuyện như thế này ủng hộ việc những người trẻ tuổi trở về nông thôn để “bám rễ ở cấp cơ sở”, sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ nông dân địa phương.
Thông điệp rất rõ ràng: chính quyền mong muốn thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu sự nghiệp ở nông thôn hơn nữa.
Cách mạng Văn hóa trở lại?
Ông Chen Pokong, một nhà bình luận chính trị sống ở Mỹ, gần đây đã tuyên bố trên kênh tự truyền thông của mình rằng “Cách mạng Văn hóa đã quay trở lại, [mặc dù] theo cách không dễ nhận ra”. Ông ấy cảm thấy rằng ĐCSTQ đang sử dụng thứ ngôn ngữ được thao túng và nhiều phương pháp lừa dối khác nhau để mang tới hy vọng cho những người trẻ tuổi.
Ông Chen suy đoán rằng ĐCSTQ sẽ tránh sử dụng các thuật ngữ cũ như “lên núi xuống nông thôn” khi cố gắng truyền cảm hứng và thúc đẩy những người trẻ tuổi đi tới các vùng nông thôn. Thay vào đó, ĐCSTQ sử dụng các thuật ngữ như “nông dân chất lượng cao”, “phục hồi nông thôn” và “phát triển chất lượng cao”. Ông ấy nói, trên thực tế, đó chỉ là đường lối cũ, và đó là con đường đã được chứng minh là dẫn đến ngõ cụt.
Ông Chen Weijian là Tổng biên tập của “Mùa xuân Bắc Kinh”, một tạp chí ủng hộ dân chủ ra hàng tháng. Ông cho rằng, sự xuất hiện của những bài báo như trên là do các vấn đề kinh tế nghiêm trọng và tình trạng thất nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong thanh niên.
“Các yếu tố kinh tế sẽ dẫn đến bất ổn xã hội”, ông Chen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 05/04.
“Những người trẻ tuổi không thể tìm được việc làm dành cả ngày nhàn rỗi ở nhà. Không có phương tiện tài chính và không có triển vọng cho tương lai, họ thường dựa vào sự hỗ trợ của cha mẹ. ĐCSTQ coi họ là ‘nhân tố không ổn định’ có thể gây bất ổn xã hội và thậm chí dẫn tới các hoạt động tội phạm, nhưng chính quyền không có giải pháp nào. Do đó, họ hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng đưa những người trẻ tuổi này về nông thôn”, ông nói.
Các số liệu chính thức của ĐCSTQ tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị ở độ tuổi 16-24 của Trung Quốc đạt gần 20% vào tháng 07/2022. Tuy nhiên, các chuyên gia bên ngoài tin rằng số liệu thống kê của ĐCSTQ không bao gồm các khu vực nông thôn. Cùng lúc đó, vào năm 2022, số sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc lần đầu tiên vượt quá 10 triệu người. Điều này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thực sự trong giới trẻ có thể còn cao hơn.
Một số thanh niên ở Trung Quốc đang chọn “nằm im” (lie low), chọn những công việc có thu nhập thấp hơn nhưng ít căng thẳng hơn. Những người khác cố gắng tìm được các công việc như công chức. Tuy nhiên, trong ba năm qua, chính sách “zero-COVID” cực đoan của ĐCSTQ đã làm cạn kiệt nguồn tài chính địa phương, khiến chính quyền địa phương nợ nần chồng chất và khiến những người trẻ tuổi khó tìm được việc làm trong khu vực công.
Tình hình giờ đã khác
Ông Chen Weijian nói rằng phong trào đang được ĐCSTQ thúc đẩy hiện nay rất khác với “Phong trào lên núi và xuống nông thôn” trong Cách mạng Văn hóa.
Ông Chen mô tả lại hệ thống đăng ký hộ khẩu thời Mao Trạch Đông. Vào thời điểm đó, theo hệ thống phân phối, mọi người đều cần phiếu mua hàng thiết yếu hàng ngày. Nếu bất kỳ ai từ chối hưởng ứng lời kêu gọi về nông thôn của ĐCSTQ, đăng ký hộ khẩu của họ sẽ bị hủy bỏ. Không có đăng ký hộ khẩu hay phiếu ăn uống, họ sẽ không thể sống sót. Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã khác.
“Trước đây, nông thôn thuộc hình thức ‘công xã nhân dân’, mọi việc đều do xã lãnh đạo, vốn trực thuộc chính quyền. Do đó, chính quyền dễ dàng áp đặt các biện pháp kiểm soát”, ông Chen nói.
“Vào thời điểm đó, người ta sắp xếp những người trẻ tuổi đến vùng nông thôn để ở với nông dân và chính phủ cung cấp thức ăn cho những người trẻ tuổi này. Đây là một sự sắp xếp của chính phủ, và nông dân chỉ có thể chấp nhận điều đó. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Ruộng đất đã được chia cho các hộ gia đình, cho từng nông dân. Nếu chính phủ yêu cầu người dân nông thôn cung cấp thức ăn cho những thanh niên được gửi đến nông thôn này, thì điều đó sẽ vô cùng khó thực hiện”.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ sẽ tiến hành các biện pháp bắt buộc, nhưng mức độ phức tạp và khó khăn của việc thực hiện là không thể tưởng tượng được”, ông Chen nói. “Buộc những người trẻ tuổi từ thành phố đến ở với nông dân là điều mà tôi không tin rằng ĐCSTQ có khả năng làm được”.
Hồng vệ binh
Vào tháng 12/1968, khi Cách mạng Văn hóa đã diễn ra được 2 năm, ĐCSTQ phát động “Phong trào Lên núi, Xuống nông thôn”. Chỉ trong hai năm, Cách mạng Văn hóa đã tàn phá xã hội Trung Quốc, với những bất ổn chính trị làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế của đất nước rơi vào khủng hoảng sâu sắc.
Khi Chủ tịch ĐCSTQ Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa vào năm 1966, mục tiêu của ông là huy động Hồng vệ binh – thanh niên Trung Quốc – để đàn áp thứ ông cho là các phần tử ủng hộ tư bản hoặc tư sản ở Trung Quốc và trong ĐCSTQ. Mao đã mất lòng tin vào các quan chức và đảng viên của ĐCSTQ. Quyết định phát động Cách mạng Văn hóa của ông hiện được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm tiêu diệt kẻ thù của ông bằng cách kêu gọi người dân thanh lọc hàng ngũ của đảng.
Hồng vệ binh được cấp rất nhiều quyền; các nhóm sinh viên này tấn công những người mặc quần áo “tư sản”, và các trí thức và quan chức đảng bị sát hại hoặc buộc phải tự sát. Các trường học trên khắp Trung Quốc đã bị đóng cửa trong hai năm và thậm chí cả nhà riêng cũng bị lục soát trong cuộc tấn công “truyền thống phong kiến”.
Vào mùa hè năm 1968, Mao đã đạt được các mục tiêu của mình, nhưng “khủng bố đỏ” đã vượt khỏi tầm kiểm soát và xã hội đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn – các trường đại học vẫn không nhận sinh viên và các nhà máy vẫn không thuê công nhân.
Hơn 4 triệu sinh viên tốt nghiệp ở thành thị trong khoảng thời gian 3 năm từ 1966 đến 1968 đã bị mắc kẹt trong tình trạng không có việc làm hoặc không được học lên cao. Điều đó tạo ra một vấn đề xã hội cấp bách đòi hỏi phải có giải pháp ngay lập tức.
Phong trào ‘Lên núi và xuống nông thôn’
Nhu cầu cấp bách của Mao là loại bỏ những sinh viên quá cấp tiến này khỏi các thành phố. Những người này bị coi là những phần tử gây bất ổn xã hội. Hồng vệ binh đã được trao một lượng lớn quyền lực trong Cách mạng Văn hóa và không muốn từ bỏ quyền lực đó. Mao có lý khi coi họ là một mối đe dọa.
Vào ngày 22/12/1968, Mao đã ban hành một chỉ thị thông qua tờ báo ngôn luận của ĐCSTQ, Nhân dân Nhật báo, nói rằng “những thanh niên có học thức rất cần thiết đi tới nông thôn và nhận sự cải tạo từ những người nông dân nghèo và thuộc tầng lớp trung bình thấp”. Chỉ thị này chính thức đánh dấu sự khởi đầu của phong trào “Lên Núi, Xuống Nông Thôn” trên toàn quốc.
Tổng số thanh niên trí thức tham gia phong trào trong Cách mạng Văn hóa lên tới hơn 16 triệu: cuối cùng 1/10 dân số thành thị đã được đưa về nông thôn.
Bằng cách cưỡng bức đưa hàng triệu thanh niên thành thị về nông thôn để lao động, Mao đã đạt được mục tiêu giải thể Hồng vệ binh. Tuy nhiên, đối với nhiều thanh niên thành thị, đó là trải nghiệm đen tối nhất trong cuộc đời họ. Những năm tháng tươi đẹp nhất của “thế hệ mất mát” đã bị lãng phí và vô số gia đình buộc phải ly tán, gây ra bi kịch không thể tưởng tượng nổi của nhân loại.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch