Bắc Kinh đã thể hiện rõ ý đồ tạo ra quy tắc riêng cho các mối quan hệ quốc tế nhằm phục vụ lợi ích bản thân. Vậy mà giới doanh nghiệp Úc vẫn ngây thơ nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc có thể thay đổi hành vi xấu của họ.
Giới doanh nghiệp Úc thật ngây thơ. Tuần trước, có thông tin cho thấy Hội đồng Kinh doanh Úc (BCA) và Hiệp hội Công nghiệp Úc (Ai Group) có thái độ cởi mở trước việc Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP là một hiệp định thương mại được thành lập vào năm 2018 giữa 11 quốc gia Thái Bình Dương bao gồm cả Úc.
Trung Quốc là ứng viên tiếp theo được xem xét sau khi Anh trở thành thành viên mới đầu tiên gia nhập khối thương mại, nâng số thành viên lên 12.
Một báo cáo của Ủy ban Thương mại và Quốc phòng Đối ngoại Quốc hội Úc đã thống nhất khuyến nghị rằng Úc không ủng hộ việc gia nhập của Trung Quốc cho đến khi nước này chấm dứt các biện pháp cưỡng chế thương mại. Báo cáo cũng ủng hộ việc Đài Loan tham gia thỏa thuận.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Ai Group, ông Innes Willox, cho biết việc mở rộng CPTPP nhằm bao gồm cả đối tác thương mại lớn nhất của Úc – Trung Quốc – “sẽ được hoan nghênh”, nhưng Bắc Kinh sẽ cần chứng minh việc tuân thủ các quy tắc của CPTPP, đặc biệt là về minh bạch dữ liệu và kỹ thuật số.
“Như tình hình hiện nay, đây có thể là trở ngại lớn nhất đối với khả năng gia nhập của Trung Quốc”, ông Willox nói.
“Nếu Trung Quốc thay đổi môi trường pháp lý trong nước đối với kỹ thuật số và dữ liệu, họ có thể cải thiện tính minh bạch và biến nó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn cho các công ty công nghệ của chúng tôi, cũng như cho ngành công nghiệp nói chung”.
Bà Jennifer Westacott, Giám đốc điều hành của BCA (chủ yếu đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ) cho biết Bắc Kinh cần chứng minh rằng họ sẵn sàng chấp nhận trật tự toàn cầu để được gia nhập CPTPP.
Bà nói: “Trung Quốc sẽ cần thuyết phục các quốc gia thành viên rằng họ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của thỏa thuận”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang áp đặt các lệnh cấm đối với thương mại của Úc, bất chấp Hiệp định Thương mại Tự do và các nghĩa vụ quốc tế khác.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin rằng bằng cách nào đó ĐCSTQ sẽ thay đổi đường lối.
Suy nghĩ của họ dường như bị mắc kẹt vào thời đại mở cửa của Đặng Tiểu Bình, bỏ qua con đường ý thức hệ mà Tập Cận Bình đã không ngừng theo đuổi kể từ khi trở thành tổng bí thư của ĐCSTQ.
Con đường ý thức hệ của ông Tập
Thái độ ý thức hệ của ông Tập được phản ánh trong Thông cáo tháng 04/2013 về Hiện trạng Hệ tư tưởng, trong đó nêu ra bảy ý tưởng cần bác bỏ, bao gồm “thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do [và] cố gắng thay đổi Hệ thống Kinh tế Cơ bản của Trung Quốc”.
Chính trọng tâm ý thức hệ này đã quyết định thái độ của ông Tập Cận Bình đối với các vấn đề quốc tế bao gồm cả quan hệ an ninh và kinh tế. Theo quan niệm về các mối quan hệ toàn cầu của ông Tập, ĐCSTQ thường xuyên vi phạm các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế không theo ý muốn của nó.
Như ông đã nói vào năm 2014, ĐCSTQ cuối cùng dự tính “xây dựng các sân chơi quốc tế” và “tạo ra các quy tắc” cho các trò chơi diễn ra trong các sân chơi đó.
Ông Tập tuyên bố rằng có một cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa chế độ dân chủ và chế độ độc tài và chế độ độc tài sẽ giành chiến thắng.
Không biết tới khi nào các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mới tin vào những gì mà ông Tập và ban lãnh đạo ĐCSTQ không ngừng tuyên bố.
Cách thức của Bắc Kinh
Trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Úc đang cân nhắc việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, thì Bắc Kinh lại yêu cầu chính phủ Úc tạo thêm niềm tin cho hợp tác kinh tế thay vì tạo ra những trở ngại.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cho biết trong cuộc gặp với ông Tim Yeend, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, rằng, ĐCSTQ lo ngại về việc Úc “tăng cường giám sát” hoạt động đầu tư và vận hành của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Úc.
Ông nói thêm rằng ĐCSTQ hy vọng Úc sẽ xử lý các vụ việc “một cách khách quan và công bằng”, theo Global Times, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.
Yêu cầu mới nhất từ phía Trung Quốc theo sau quyết định của chính phủ Úc về TikTok. Theo đó, Úc cấm sử dụng TikTok trên điện thoại của nhân viên chính phủ sau các đánh giá bảo mật bất lợi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng họ đã có những động thái phản ứng nghiêm túc đối với phía Úc để đáp lại lệnh cấm TikTok.
“Trung Quốc luôn tin rằng an ninh kỹ thuật số không nên được sử dụng như một công cụ để đàn áp các công ty nước ngoài với một khái niệm quá đáng về an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước. Chúng tôi kêu gọi Úc nghiêm túc tuân thủ các quy tắc của nền kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, đồng thời cung cấp một môi trường công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc”, bà Mao nói.
Tuyên bố này thể hiện rõ ràng thái độ của ĐCSTQ. Các quốc gia khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận và quy tắc quốc tế, trong khi ĐCSTQ có thể ngang nhiên vi phạm chúng.
BCA và Ai Group thật ngây thơ nếu họ tin rằng, bằng cách nào đó, ĐCSTQ sẽ thay đổi hành vi của mình.
Kevin Andrews phục vụ trong Quốc hội Úc từ năm 1991 đến năm 2022 và từng giữ nhiều chức vụ trong nội các Úc, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng