Adam Morrow
Hoa Kỳ đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với hơn 120 công ty và cá nhân có liên kết với Nga — một vài trong số họ ở các nước thứ ba.
Hôm 12/4, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động phản đối Nga và những nước ủng hộ cuộc chiến của họ ở Ukraine.”
Theo ông Blinken, hành động này này phản ánh “cam kết của Nhóm G7 nhằm áp đặt những hậu quả nghiêm trọng đối với các bên thuộc nước thứ ba” vốn ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hiện đã bước sang năm thứ hai.
Nhóm G7 (G-7) là một diễn đàn chính trị liên chính phủ bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, và Nhật Bản.
Tất cả các thành viên G-7 đều là những người ủng hộ đáng tin cậy của Kyiv, và tất cả trừ Nhật Bản đều là thành viên của liên minh phương Tây NATO.
Nga đã tiến hành cuộc xâm lược này hồi đầu năm ngoái với mục đích đã nêu là bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine và ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của NATO. Kyiv và các đồng minh coi hành động này là một cuộc chiến tranh xâm lược phi lý.
Ông Anatoly Antonov, đại sứ Moscow tại Hoa Kỳ, cho biết vòng trừng phạt mới này là một hành động tuyệt vọng.
Hôm 13/04, ông tuyên bố, “Những nỗ lực điên cuồng của Hoa Thịnh Đốn nhằm ‘trừng phạt’ Nga chỉ đơn thuần xác nhận sự bất lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc khiến đất nước chúng tôi từ bỏ các lợi ích quốc gia sống còn của chúng tôi.”
Viễn thông Nga trở thành mục tiêu
Những biện pháp trừng phạt mới nhất đối với các tổ chức có liên kết với Nga đã được Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng với chính phủ Vương quốc Anh ban hành.
Một trọng tâm chính của những biện pháp trừng phạt này là doanh nhân người Uzbekistan gốc Nga Alisher Usmanov, người mà theo Bộ Ngân khố, chỉ huy “một mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp … thông qua đó thực hiện các giao dịch tài chính, cho phép ông ấy có khả năng tránh các lệnh trừng phạt.”
Những biện pháp trừng phạt này cũng nhắm vào USM Holdings, vốn thuộc sở hữu của ông Usmanov, cùng với một số công ty con. Các công ty này gồm một công ty xi măng có trụ sở tại Uzbekistan và một nhà sản xuất sắt của Nga với các công ty con ở Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Những biện pháp trừng phạt này cũng nhắm vào MegaFon thuộc sở hữu của USM, một công ty viễn thông của Nga.
Hành động này thể hiện lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cơ sở hạ tầng viễn thông của Nga.
“Chúng tôi là một công ty thương mại cung cấp cho hàng triệu khách hàng các dịch vụ có ý nghĩa xã hội cao,” MegaFon cho biết trong một tuyên bố hôm 13/04 được hãng thông tấn TASS của Nga trích dẫn.
“Chúng tôi sẽ phản đối những hạn chế này bằng mọi cách mà chúng tôi có.”
Một loạt các biện pháp trừng phạt mới cũng ảnh hưởng đến một công ty quân sự tư nhân của Nga mà Hoa Thịnh Đốn cho rằng có liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Hồi tháng Một, Hoa Thịnh Đốn đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự khác có liên kết với Điện Kremlin đã dẫn đầu cuộc chiến gần đây ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất này cũng nhắm vào 5 tổ chức, doanh nghiệp liên kết với công ty năng lượng hạt nhân quốc doanh của Nga là Rosatom. Hoa Thịnh Đốn cáo buộc công ty này sử dụng xuất cảng năng lượng để gây áp lực chính trị và kinh tế đối với các khách hàng ngoại quốc.
Về phần mình, ông Antonov mô tả các biện pháp trừng phạt đối với công ty Rosatom là “một nỗ lực nhằm một lần nữa phá vỡ … các quy tắc cạnh tranh công bằng trên thị trường hải ngoại.”
Không ngoại trừ các nước thứ 3
Các biện pháp trừng phạt mới nhất do Hoa Kỳ dẫn đầu cũng nhằm vào một số công ty hoạt động bên ngoài biên giới Nga. Các công ty này bao gồm Ngân hàng Đầu tư Quốc tế có trụ sở tại Budapest, đa phần thuộc sở hữu của Nga, và ba giám đốc điều hành công ty hiện tại hoặc trước đây.
Theo Bộ Ngân khố, sự hiện diện của ngân hàng này ở Hungary cho phép Nga “tăng cường sự hiện diện tình báo ở châu Âu … và có thể đóng vai trò như một cơ chế để tham nhũng và tài trợ phi pháp, trong đó có các hành động vi phạm các lệnh trừng phạt.”
Theo Bộ Ngân khố, các lệnh trừng phạt cũng được áp dụng đối với Sequoia Treuhand Trust Reg, một công ty dịch vụ ủy thác có trụ sở tại Liechtenstein phục vụ cho các khách hàng Nga giàu có.
Hai công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc cũng bị đưa vào vòng các lệnh trừng phạt mới nhất: HEAD Aerospace Technology và King-Pai Technology HK.
Theo Hoa Thịnh Đốn, công ty thứ nhất cung cấp cho quân đội Nga hình ảnh vệ tinh về các địa điểm ở Ukraine, trong khi công ty thứ hai cung cấp các thành phần công nghệ cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.
Những tuần gần đây chứng kiến mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm 3 ngày tới Moscow, nơi ông đã ký một số thỏa thuận hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Gói trừng phạt mới cũng nhắm vào 4 công ty có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ mà Hoa Thịnh Đốn cáo buộc vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ và trợ giúp nỗ lực chiến tranh của Nga. Hoa Thịnh Đốn tuyên bố rằng ít nhất hai trong số các công ty này đã giúp chuyển hàng hóa “lưỡng dụng” – hàng hóa có các ứng dụng quân sự – sang Nga.
Hành động này là hành động thực thi lệnh trừng phạt quan trọng nhất của Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên lâu đời của NATO, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu hồi đầu năm ngoái.
Dù Ankara lên án cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, nhưng họ cũng tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, vốn có mối quan hệ thương mại sâu rộng [với Thổ Nhĩ Kỳ].
Ông Antonov cho biết vòng trừng phạt mới nhất này của phương Tây nhằm “làm phức tạp hóa việc các nước thứ ba liên lạc với các đối tác của Nga.”
Ông tiếp tục khẳng định rằng hành động này sẽ chỉ làm “tổn hại thêm danh tiếng kinh doanh của Hoa Kỳ trong mắt của các quốc gia khác trên thế giới.”
Nhã Đan biên dịch