Liên minh Châu Âu khẳng định lập trường nhất quán về vấn đề Đài Loan

Huyền Anh

Liên minh Châu Âu khẳng định lập trường nhất quán về vấn đề Đài Loan
Ông Josep Borrell, người đứng đầu các vấn đề đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu có bài phát biểu trong phiên họp tại Nghị viện Châu Âu ở Brussels (Bỉ) vào ngày 10/11/2021. (Ảnh: John Thys/Getty Images)

Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell hôm 13/4 cho biết, lập trường của Liên minh Châu Âu (EU) về Đài Loan là không đổi. Đồng thời, ông khẳng định rằng Châu Âu phản đối bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Bắc Kinh nhằm sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan.

Lập trường của EU về Đài Loan không thay đổi

Hôm 12/4, ông Borrell thông báo hoãn chuyến thăm Trung Quốc do xét nghiệm dương tính với COVID-19. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU dự kiến ​​thăm Trung Quốc từ ngày 13/4 – 15/4.

Đề cập đến quan hệ EU – Trung Quốc và các vấn đề toàn cầu hóa, nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho hay, sự mất cân bằng và thâm hụt thương mại giữa EU và chính quyền Bắc Kinh đang không ngừng gia tăng, điều này là không bền vững và cần phải được khắc phục.

Đồng thời, ông Borrell lập luận rằng nhu cầu minh bạch, có đi có lại và một sân chơi bình đẳng ở EU cũng giống như việc tăng quyền tự chủ chiến lược hoặc giảm thiểu rủi ro.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của EU, thế giới đã thay đổi, chính quyền Bắc Kinh cũng vậy, và kỷ nguyên vàng son của “toàn cầu hóa” đã qua.

“Nếu chúng ta muốn một trật tự quốc tế trong đó hợp tác thắng thế đối đầu, thì các quốc gia phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Ông Borrell viết: “Có hai điểm mấu chốt cơ bản: Chúng ta nhìn nhận Trung Quốc như thế nào? Chúng ta có thể làm việc cùng nhau vì lợi ích chung toàn cầu dưới những điều kiện nào?”.

“Để thiết lập lòng tin, chúng ta cần thấu hiểu lẫn nhau về các vấn đề quốc tế và đạt được tiến bộ, đồng thời hướng tới giải quyết xung đột một cách hòa bình”.

Đề cập đến lập trường của EU về vấn đề Đài Loan, ông Borrell cho biết: “EU vẫn cam kết với chính sách ‘Một Trung Quốc’. Hai bên phải hạ nhiệt căng thẳng, tránh bộc phát bằng lời nói hoặc khiêu khích chỉ có thể gây mất lòng tin. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được”.

Mặt khác, ông Borrell cho rằng chính quyền Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính về cuộc chiến Nga – Ukraine. Sẽ rất khó để Bắc Kinh có được lòng tin nếu họ không tìm kiếm một giải pháp hòa bình về mặt chính trị dựa trên việc Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự lễ đón chính thức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/4/2023. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images)

Ông Macron: Châu Âu không có ý định theo chân Mỹ về vấn đề Đài Loan

Phản ứng trước cuộc gặp ngày 5/4 giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tại California, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển xung quanh Đài Loan vào ngày 8/4.

Chính quyền Bắc Kinh luôn coi Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo này. Chính phủ Đài Loan cũng cực lực phản đối tuyên bố này của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Hôm 6/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm tới Trung Quốc trong chuyến công du được cho nhằm cải thiện quan hệ hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh và châu Âu, cũng như tìm kiếm tiếng nói tương đồng trong các vấn đề quốc tế phức tạp.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón ông Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày tới Bắc Kinh.

Trong bình luận trên báo Les ChosPolitico trên chuyến bay trở về Pháp ngày 07/04, ông Macron nói Châu Âu không nên làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan mà nên tận dụng thời gian để thiết lập vị thế là trụ cột thứ ba giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Câu hỏi mà người dân Châu Âu cần trả lời, là liệu việc đẩy nhanh căng thẳng về Đài Loan có lợi cho chúng ta không? Không. Điều tồi tệ hơn là nghĩ rằng người Châu Âu chúng ta phải theo sát vấn đề này, phải nương theo chương trình nghị sự của Mỹ và quan sát phản ứng của Trung Quốc. Vì sao chúng ta phải tuân theo lựa chọn của những nước khác?”, trang Politico trích dẫn lời ông Macron.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng người Châu Âu cần “thức tỉnh” và suy nghĩ về lợi ích của chính họ.

“Ưu tiên của chúng ta không phải là thích ứng với chương trình nghị sự của các quốc gia khác ở tất cả các khu vực trên thế giới”, nhà lãnh đạo Pháp nói thêm.

Cả tờ Les EchosPolitico đều trích dẫn ý kiến ​​​​của ông Macron nói rằng Châu Âu nên đầu tư tốt hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng, phát triển năng lượng hạt nhân và tái tạo, và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để hạn chế sự dựa dẫm vào Mỹ.

Tờ Reuters đưa tin, cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên tại Quảng Châu vào ngày 7/4 rằng ông Tập Cận Bình và ông Macron đã có những trao đổi “sâu sắc và thẳng thắn” về vấn đề Đài Loan trong cuộc gặp không chính thức.

“Quan điểm của Tổng thống là chúng ta nên cẩn thận để không xảy ra xung đột hoặc căng thẳng leo thang (có thể dẫn đến) một cuộc tấn công (quân sự) của Trung Quốc”.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được công bố vào ngày 9/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Châu Âu không có ý định đẩy nhanh cuộc khủng hoảng Đài Loan và nên tìm kiếm một chiến lược độc lập với Washington và Bắc Kinh.

Ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ukraine, cho biết: “Ông Macron đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ ‘khủng hoảng Ukraine’, vốn được thúc đẩy bởi tuyên truyền của Nga và Trung Quốc. Đây không phải là cuộc ‘khủng hoảng’ nào hết, mà là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Với tuyên bố này, ông Macron đã làm xói mòn uy tín của nước Pháp”.

Ông Merezhko cho biết thêm rằng: “Ông Macron không đại diện cho Châu Âu. Cuộc phỏng vấn của ông Macron là thảm họa đạo đức cá nhân ông ấy. Châu Âu mà chúng tôi ủng hộ là Châu Âu của các giá trị và nguyên tắc đạo đức. Một Châu Âu đoàn kết với Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh chung chống lại chủ nghĩa độc tài và chống lại những kẻ bắt nạt những người hàng xóm dân chủ của họ”.

Ông Reinhard Bütikofer, nghị sĩ Đức, viết trên Twitter rằng những bình luận của ông Macron cho thấy sự mất đoàn kết ở Châu Âu.

“Rõ ràng là ‘Châu Âu’ không hoàn toàn thống nhất về vấn đề Trung Quốc. Nhưng quý vị hãy đọc lại bài phát biểu của bà vonder leyen về Trung Quốc trước khi đến Bắc Kinh. Điều đó chắc chắn gần với vị thế của EU hơn những gì ông Macron đã nói. Gợi ý bổ sung: Quý vị nên lắng nghe những thông điệp từ Nghị viện Châu Âu”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Cơ quan an ninh Ba Lan Stanislaw Zaryn, cho hay: “Toàn bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đoàn kết để đối mặt với các mối đe dọa và thách thức trong tương lai. Khiêu khích Châu Âu đối đầu với Mỹ sẽ dẫn đến ngõ cụt”.

Ông Marko Mihkelson, thành viên Ủy ban đối ngoại của quốc hội Estonia, lập luận rằng: “Tại sao, thưa Tổng thống Macron? Châu Âu nên sát cánh với Mỹ để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc ư?”.

Nghị sĩ Ba Lan Jacek Saryusz-Wolski cho hay: “Pháp đã sẵn sàng dẫn dắt Châu Âu rời xa Mỹ. Theo đuổi nỗi ám ảnh chống Mỹ nguy hiểm mang tên “quyền tự chủ chiến lược”, tách rời hoàn toàn khỏi thực tế quân sự. Không, cảm ơn!”

Huyền Anh tổng hợp

Related posts