Bảo Nguyên
Trong môi trường hiện nay, thật khó để các doanh nhân Việt có thể giữ được tâm thái bình hòa, tĩnh tại. Trong khi đó, lối tư duy bốc đồng, chộp giật lại được khuyến khích một cách có hệ thống.
Vậy là lại thêm một đại gia Việt bị khởi tố. Đối với những người nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, có thể tin tức này không làm họ bất ngờ. Nhiều người cho rằng, với lối làm việc hiện nay, chuyện doanh nghiệp sai phạm và sa lưới pháp luật là điều bình thường, và Tân Hiệp Phát chỉ là một doanh nghiệp “gặp xui”. Thật đáng buồn, suy nghĩ đó không sai. Lối tư duy bốc đồng, chộp giật, bất chấp tất cả để làm giàu có lẽ đang là lối tư duy phổ biến trong giới làm kinh doanh tại Việt Nam.
Hãy cùng đánh giá trường hợp của Tân Hiệp Phát, công ty gia đình của ông Trần Quí Thanh. Đây là một doanh nghiệp “khổng lồ”, sánh ngang với Pepsi hay Coca-Cola tại thị trường Việt Nam. Thật vậy, năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm Tân Hiệp Phát đạt 3.300 tỷ VND, trong khi tổng lợi nhuận của hai ông lớn Pepsi và Coca-Cola chỉ là 3.700 tỷ VND. Chỉ trong 5 năm (2016-2020), nhóm Tân Hiệp Phát tạo ra lợi nhuận sau thuế gần 10.000 tỷ VND.
Đang nắm trong tay một “cơ ngơi” đồ sộ như thế, ông Trần Quí Thanh cùng các con lại vướng phải rắc rối với bất động sản – vốn là một lĩnh vực mới mẻ đối với họ – và bị khởi tố vì tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ông Trần Quí Thanh và các con bị nghi ngờ chiếm đoạt các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Vụ án vẫn chưa khép lại và chúng ta không nên vội vàng ấn định tội danh cho gia đình ông Trần Quí Thanh. Tuy nhiên, với lối tư duy kinh doanh hiện nay, thật dễ hiểu khi họ “vội vã” và “bất cẩn” vướng vào rắc rối trong lĩnh vực bất động sản. Hậu quả là, họ đang đứng trước nguy cơ đánh mất thành quả to lớn mà họ đã phải vất vả gây dựng.
Thật đáng buồn cho một doanh nghiệp lớn của Việt Nam; cũng thật đáng tiếc cho các thành viên gia đình ông Trần Quí Thanh. Đơn cử như bà Trần Uyên Phương, người con gái cũng bị bắt cùng ông Trần Quí Thanh. Bà Phương được mệnh danh là bông hoa nghìn tỷ trên thương trường khi vừa có nhan sắc, vừa tài giỏi, lại đồng thời nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt. Bà từng du học tại Singapore, Mỹ và Thụy Sỹ. Trên website của Tân Hiệp Phát, bà Phương được giới thiệu là thành viên của tổ chức Các nhà lãnh đạo trẻ – YPO (Young Presidents Organization), bà cũng là Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TP. Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 08/2018 – 07/2019). Đẳng cấp của bà Phương còn được thể hiện với việc là tác giả của hai cuốn sách: “Chuyện nhà Dr. Thanh” và “Competing with Giants” (Cạnh tranh với người khổng lồ). Cuốn “Competing with Giants” của bà Uyên Phương là cuốn sách đầu tiên do người Việt viết được ForbesBooks xuất bản hồi tháng 08/2018. Bà Phương cũng thường xuyên có nhiều chia sẻ về triết lý kinh doanh.
Đây không phải vụ lùm xùm đầu tiên liên quan tới gia đình ông Trần Quí Thanh. Trước đó, gia đình Chủ tịch Tân Hiệp Phát cũng dính líu tới các rắc rối liên quan tới chiếm đoạt bất động sản. Hay trước đó nữa, là “sự cố con ruồi trong chai nước”, hay những vụ việc Tân Hiệp Phát bị tố gài bẫy khách hàng với sản phẩm lỗi (khách hàng khi nhận tiền đền bù thì bị cảnh sát bắt).
Không chỉ Tân Hiệp Phát, vào năm ngoái, dư luận đã bị rúng động bởi những vụ bê bối của Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh. Đây là các gã khổng lồ của ngành bất động sản và đều đứng trước nguy cơ hủy đi cả sự nghiệp đồ sộ chỉ vì sơ sẩy trong một lĩnh vực còn khá mới mẻ: trái phiếu doanh nghiệp. Có lẽ không cần phải nói thêm về quy mô và tầm vóc của những doanh nghiệp này. Đứng đầu những doanh nghiệp này không phải là những “tay mơ”, những doanh nhân ngờ nghệch. Họ biết sai, nhưng họ vẫn làm.
Chúng ta đang chứng kiến một loạt cú “sảy chân” của những đại gia lão luyện trong giới kinh doanh. Họ hẳn hiểu rõ về những nguy hiểm và rủi ro của mỗi quyết định mà họ đưa ra. Họ cũng hiểu rằng, họ không nên mạo hiểm với những lĩnh vực mới tới mức có thể đánh mất uy tín và sự nghiệp đã được họ gây dựng ở các mảng kinh doanh cốt lõi trước đây. Nhưng họ vẫn mắc sai lầm. Điều này thể hiện rõ rằng, đây là vấn đề với lối tư duy, lối suy nghĩ bốc đồng và chộp giật, một đặc điểm chung dễ nhận thấy trong giới kinh doanh tại Việt Nam. Đặc điểm này là dễ thấy, tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng nó là xấu. Những người bán dưa hấu chờ khách dọc một con phố ở Hà Nội vào ngày 23/02/2022. (Ảnh: NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)
Lối tư duy chung
Lối suy nghĩ bốc đồng không chỉ tồn tại ở các đại gia, mà nó đã trở thành một đặc điểm phổ biến. Chúng ta có thể dễ nhận thấy điều này ở giới buôn bán, kinh doanh nhỏ. Việc lừa đảo, không giữ chữ tín xảy ra như cơm bữa. Đi cùng với lối tư duy bốc đồng, chộp giật là máu mê cờ bạc. Nếu quý vị chịu khó tìm hiểu, quý vị có thể sẽ phát hiện ra nhiều con bạc đang ở xung quanh quý vị, trong gia đình, họ hàng, bạn bè. Và tìm hiểu sâu hơn, quý vị sẽ thấy những con bạc này có lối tư duy rất “đặc biệt”; họ mang lối tư duy đó vào công việc, vào buôn bán. Với họ, không lừa lọc, không chèn ép người khác, thì không “khá” được, không làm kinh doanh được. Dường như, họ có “học thuyết” đàng hoàng.
Điều đáng buồn là cái xấu có vẻ đang được khuyến khích một cách có hệ thống. Lớp thanh niên thường xuyên được người lớn dạy dỗ rằng, kinh doanh là phải “khôn ngoan”, “lanh lợi”. Những “tấm gương” về làm giàu cũng được người lớn nêu ra không ngớt và cũng là những thứ tràn lan trên mạng xã hội. Người ta mải mê chạy theo thành công hào nhoáng, bóng bẩy. Lối tư duy bốc đồng, chộp giật cứ từng bước được hình thành và nuôi dưỡng.
Có thể có người sẽ nói, làm kinh doanh là phải chấp nhận “rủi ro”, phải cứng rắn, can đảm. Tất cả đều chỉ là những lời biện luận. Hãy nghĩ về hậu quả mà những vụ bê bối trên để lại. Uy tín trên thương trường, không chỉ của bản thân các đại gia, các doanh nghiệp, mà là của cả cộng đồng, đã bị hủy mất. Chuyện gì sẽ xảy ra với hàng bao nhiêu người, từ khách hàng, nhân viên, đối tác, những người từng tin tưởng, ủng hộ, cống hiến cho doanh nghiệp? Trong khi đó, những doanh nghiệp Việt có quy mô như Tân Hiệp Phát cũng không có nhiều. Và còn hình ảnh của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì sao?
Có lẽ trong thời đại ngày nay, việc giữ được tâm thế bình hòa, tĩnh tại, đặc biệt là trong kinh doanh, là một điều rất hiếm và rất đáng quý. Đúng là không dễ chút nào. Như đã nói ở trên, lối tư duy bốc đồng có vẻ đã trở thành hệ thống, được khuyến khích và thúc đẩy qua mọi mặt. Nhìn rộng ra, cách sống hiện đại của xã hội cũng góp phần nuôi dưỡng lối tư duy này. Giữa dòng chảy đó, khi phải đối mặt với biết bao lực giằng xé khác nhau, thật khó cho người làm kinh doanh có thể tĩnh tâm lại. Có lẽ chỉ có tìm về với những giá trị truyền thống, giá trị cốt lõi, ta mới có thể tìm được liều thuốc chữa lành tinh thần. Nhưng trước hết, những người làm kinh doanh phải nhìn lại mình, cố gắng thoát khỏi những “cơn mê”.
Bảo Nguyên