Nga ‘thắng về chiến thuật’ nhưng ‘thua về chiến lược’: Chỉ huy quân sự Vương quốc Anh

Huyền Anh

Người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Vương Quốc Anh cho biết, Nga đã “thua về mặt chiến lược” trong cuộc chiến ở Ukraine mặc dù đã đạt được “những thành công nhỏ nhoi về mặt chiến thuật” trong những tuần gần đây.

Đô đốc Sir Tony Radakin, tham mưu trưởng quốc phòng của Vương quốc Anh, gọi cuộc chiến là “một sai lầm đáng sợ của Nga”, trong đó ông nói rằng nước này đã mất 25% sức mạnh trên bộ chỉ vì những lợi ích “nhỏ nhoi”.

Trao đổi với cơ quan báo chí PA vào ngày 15/6 trong chuyến thăm Scotland, ông Radakin nói: “Nga đã thua về mặt chiến lược. NATO mạnh hơn, Phần Lan và Thụy Điển đang muốn gia nhập”.

Ông cho biết cỗ máy chiến tranh của Nga đang “mài mòn” và sắp cạn kiệt nhân lực cũng như tên lửa công nghệ cao.

Ông nói: “Tổng thống Putin đã sử dụng khoảng 25% sức mạnh quân đội của mình để giành được một lượng nhỏ lãnh thổ và 50.000 người chết hoặc bị thương”.

Ông nói, Nga hiện là một “cường quốc suy giảm nhiều hơn” về mặt ngoại giao và kinh tế so với vài tháng trước. “Bất kỳ quan điểm nào cho rằng đây là một thành công đối với Nga đều là vô nghĩa”.

“Nga đang thất bại. Nước này có thể đạt được một số thành công về mặt chiến thuật trong vài tuần qua và những thành công đó có thể tiếp tục trong vài tuần tới. Nhưng Nga đang thua về mặt chiến lược”, ông nói.

Vương quốc Anh đã trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Ukraine trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của Nga, không ngừng cung cấp vũ khí tiên tiến và viện trợ nhân đạo cho Kyiv.

Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên gửi viện trợ sát thương cho Ukraine và đã gửi viện trợ quân sự trị giá hơn 750 triệu bảng Anh (924 triệu USD), bao gồm hàng nghìn tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và xe bọc thép, theo chính phủ nước này.

Vào ngày 7/5, Chính phủ Anh đã cam kết hỗ trợ thêm về quân sự trị giá 1,3 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) cho Ukraine.

Anh gần đây tuyên bố sẽ tặng hệ thống tên lửa phóng đa năng (MLRS) M270 cho lực lượng Ukraine để giúp họ tự vệ trước pháo tầm xa của Nga.

Quân đội Ukraine khai hỏa bằng các tên lửa đất đối đất MLRS về phía các vị trí của Nga tại chiến tuyến ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, hôm 7/6/2022. (Ảnh: Aris Messinis/Getty Images)

Ông Radakin cho biết Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “trong một chặng đường dài”.

Nhưng ông nói thêm, sức mạnh thực sự của Ukraine nằm ở “khối lượng được cung cấp bởi toàn bộ cộng đồng quốc tế” cũng như “lòng dũng cảm và quyết tâm của các lực lượng vũ trang Ukraine để chiến đấu cho lãnh thổ của họ”.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư (15/6) công bố một gói viện trợ vũ khí mới trị giá một tỷ USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa chống hạm, pháo phản lực và hệ thống phòng thủ bờ biển.

Tổng thống Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 15/6 trước khi công bố gói viện trợ trên. Lầu Năm Góc cho hay gói viện trợ này có 18 lựu pháo kèm 36.000 đạn pháo và 2 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon.

Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng hôm thứ Tư, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 36.000 viên đạn pháo 155mm, 18 phương tiện chiến thuật để chở lựu pháo Howitzer, đạn dược bổ sung cho các hệ thống tên lửa pháo binh, phụ tùng và 4 xe cứu hộ. Hoa Kỳ cũng sẽ cung cấp hai hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon chống hạm, đài, ống ngắm nhiệt và quang học nhìn ban đêm, huấn luyện, bảo trì, vận chuyển và các chi phí khác.

Tổng thống Joe Biden phát biểu về an ninh và tình trạng căng thẳng ở Ukraine trong chuyến thăm cơ sở của Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martins Pike ở Troy, Ala., vào ngày 3/5/2022. (Ảnh: Nicholas Kamm/Getty Images)

Các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Ý đã có chuyến thăm chung tới thủ đô Kyiv của Ukraine vào thứ Năm (16/6), để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine và hứa sẽ hỗ trợ nước này chính thức trở thành ứng viên gia nhập khối Liên minh Châu Âu (EU), trong lúc quốc gia này đang phải đối đầu với cuộc xâm lăng của Nga.

“Đó là một thời khắc quan trọng. Đó là một thông điệp về sự đoàn kết mà chúng tôi đang gửi tới người dân Ukraine”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sau khi đến Kyiv trên chuyến tàu xuyên đêm cùng với 2 người đồng cấp Olaf Scholz của Đức và Mario Draghi của Ý. Ngoài ra, chuyến đi còn có sự tham gia của Tổng thống Romania Klaus Iohannis.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay Thủ tướng Đức Olaf Scholz, hôm 16/6/2022 tại Kyiv, Ukraine. Các nhà lãnh đạo đã có chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine kể từ khi đất nước này bị Nga xâm lược vào ngày 24/2. (Ảnh: Alexey Furman/Getty Images)

Các nhà lãnh đạo Scholz, Macron và Draghi đều nói rằng họ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu (EU). Họ cũng cho biết thêm đã thực hiện các biện pháp quan trọng để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga và tìm kiếm thêm vũ khí để hỗ trợ cho Kyiv.

Kyiv đã cáo buộc Pháp, Đức và Ý về chuyện chậm chạp trong trợ giúp cho Ukraine, nói rằng các nước đó đã chậm giao vũ khí và đặt sự thịnh vượng của họ lên trước tự do và an ninh của Ukraine.

Khi được hỏi về những lời chỉ trích đó, ông Macron đề cập đến các lần chuyển giao vũ khí và hỗ trợ tài chính.

Ông nói: “Pháp và châu Âu đã sát cánh bên Ukraine và người dân nước này ngay từ đầu của cuộc chiến”.

Ý cũng đã đề xuất một kế hoạch hòa bình, tuy nhiên phía Ukraine lo ngại có thể dẫn đến áp lực buộc họ phải từ bỏ lãnh thổ.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts