Đằng sau sự mất tích của các tỷ phú Trung Quốc

Tạ Linh

Tỷ phú Bao Phàm (Bao Fan) và Jack Ma (ảnh: FT).

Các tỷ phú như Bào Phàm (Bao Fan) và Jack Ma đang trở thành một thách thức đối với cái nhìn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về một khu vực kinh tế tư nhân do Đảng Cộng sản kiểm soát.

Vào tháng 3 năm 2023, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc đã công bố thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương, một “cơ quan quản lý siêu cấp” được giao nhiệm vụ giám sát và cải tổ toàn bộ lĩnh vực tài chính. Cơ quan quản lý mới sẽ do chính nhà lãnh đạo Tập Cận Bình làm chủ tịch chứ không phải ai khác.

Lần tái cơ cấu tài chính “không chính thức” đầu tiên của Ủy ban Tài chính Trung ương rất có thể chính là sự biến mất của ông chủ ngân hàng đầu tư Bao Phàm diễn ra vào giữa tháng 2, tức là khi ủy ban này nhen nhóm thành lập.

Tỷ phú Bao Phàm là nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của ngân hàng China Renaissance – ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc.

Hôm 17/2, ngân hàng này gửi thông báo tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông cho biết họ không thể liên lạc với ông Bao Phàm. Sau thông tin CEO mất tích, cổ phiếu của công ty đã giảm tới 28%. Theo trang tin tài chính Caixin, vị tỷ phú này trước đó đã mất liên lạc từ tối 16/2.

Sự mất tích của tỷ phủ Bao Phàm vẫn còn là một bí ẩn, mặc dù sau đó có tin lan truyền rằng ông ta đang “hợp tác” với một cuộc điều tra của một số cơ quan chức năng.

Bao Phàm là một nhân vật quan trọng trong ngành công nghệ và sự xuất hiện của nhiều công ty khởi nghiệp internet tại Trung Quốc. Ông cho sáp nhập hai dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu của Trung Quốc là Meituan và Dianping vào năm 2015 và nền tảng siêu ứng dụng này đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Bao Phàm cũng đầu tư vào các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc như Nio và Li Auto, 2 doanh nghiệp có cổ phiếu được niêm yết tại Mỹ.

Nhưng Bao Phàm không phải là tỷ phú Trung Quốc đầu tiên biến mất, mà ông chỉ tiếp bước tỷ phú Jack Ma- nhà sáng lập hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, và là cổ đông kiểm soát trước đây của tập đoàn Ant Group.

Ant Group là một doanh nghiệp dịch vụ tài chính hùng mạnh, từng có kế hoạch tổ chức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hồng Kông vào tháng 11 năm 2020 trong đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay.

Tỷ phú Jack Ma đã biến mất ngay sau khi ông có bài phát biểu tại Thượng Hải, chỉ trích mạnh ngành ngân hàng Trung Quốc và các cơ quan quản lý. Do đó, đợt IPO đã bị hoãn lại và Ant Group đã phải tái cấu trúc trên diện rộng.

Jack Ma bất ngờ xuất hiện trở lại ở Trung Quốc đại lục vào cuối tháng 3 vừa qua, có lẽ là một phần trong nỗ lực của giới chức Trung Quốc nhằm hồi phục thiện cảm của khu vực kinh tế tư nhân. Không rõ chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép Jack Ma ở lại đại lục bao lâu, nhưng mọi vai trò điều hành của tỷ phú này trong Ant Group đã kết thúc.

Theo một phân tích của Diễn đàn Đông Á, triết lý kinh doanh của Bao Phàm có thể làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao ông bị mất tích.

Bao Phàm là một công dân toàn cầu vững vàng, nhưng kinh doanh trong một môi trường mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa độc đoán gia tăng dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ là các nhà ngoại giao Trung Quốc, ông đã sống một tuổi trẻ đầy đặc quyền, học trung học ở Mỹ và thường xuyên đi du lịch quốc tế. Ông có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, và đã có vài năm làm việc cho các ngân hàng đầu tư quốc tế như Credit Suisse và Morgan Stanley.

Bao Phàm là một người có tiếng trong ngành công nghệ và tài chính của Trung Quốc.

Tuy Ngân hàng China Renaissance của ông vận hành một công ty quản lý tài sản, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này lại là ngân hàng đầu tư, chiếm 44% tổng doanh thu vào năm 2021. Là người tập trung vào việc thực hiện các thương vụ giao dịch, thật khó để tưởng tượng Bao Phàm lại dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới. Đây có thể là một sai lầm chết người đối với vị tỷ phú này.

Bao Phàm hoạt động theo mô hình của một “chủ ngân hàng bậc thầy” và “một người làm mưa làm gió”, giống với cố chủ ngân hàng đầu tư người Mỹ Bruce Wasserstein – người cũng rời khỏi First Boston (ngày nay là Credit Suisse) để thành lập ngân hàng đầu tư nhỏ của mình và sau đó mua lại công ty dịch vụ tài chính danh tiếng Lazard Freres. Mô hình kinh doanh của China Renaissance giống với mô hình của Lazard Freres một cách kỳ lạ.

Sự khoa trương của Bao Phàm và cách thương thuyết quyết liệt của tỷ phú này, được thể hiện như kiểu “vua” của ngành công nghệ nền tảng – lại không tương thích với tầm nhìn dưới góc độ chủ nghĩa Mác của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đối với lĩnh vực tài chính.

Theo tầm nhìn của ông Tập Cận Bình, lĩnh vực tài chính chỉ nên giới hạn trong việc hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt là những lĩnh vực được ưu tiên trong sáng kiến “Made in China 2025”. 

Mặc dù ông Tập không chống lại khu vực tư nhân và tân Thủ tướng Lý Cường đã nhiều lần khẳng định cam kết của Trung Quốc đối với việc phát triển khu vực tư nhân, nhưng mệnh lệnh của họ là để khu vực tư nhân nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thúc đẩy các mục tiêu của đảng.

Sẽ không có chỗ cho một người như Bao Phàm trong mô hình khu vực tư nhân như vậy.

Đối với ông Tập Cận Bình, một doanh nhân lý tưởng là một người như Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) – người sáng lập và Giám đốc điều hành của hãng công nghệ Huawei.

Nhậm Chính Phi kết hợp tài năng kinh doanh của mình với sự cống hiến cho chủ nghĩa cộng sản và nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông. Vị doanh nhân này đọc các tác phẩm của Mao mỗi khi rảnh rỗi.

Rất khó để lạc quan về tương lai của Bao Phàm hay ngân hàng China Renaissance.

Việc Bao Phàm “tái xuất giang hồ” như chưa có chuyện gì xảy ra là điều rất khó xảy ra. Ông ta nhiều khả năng sẽ đi theo bước chân của Jack Ma, hoặc bị quản thúc tại gia, hoặc bị buộc phải sống lưu vong.

Ngân hàng China Renaissance có thể sẽ đi theo con đường của Ant Group, đó là “mời” một cổ đông lớn thuộc sở hữu nhà nước và giáng Bao Phàm xuống thành cổ đông thiểu số.

Việc tái cấu trúc như vậy sẽ chuyển hướng China Renaissance ra khỏi các công ty công nghệ nền tảng và hướng tới các chính sách công nghiệp của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một chủ tịch mới do ĐCSTQ bổ nhiệm sẽ là bất cứ thứ gì ngoại trừ sự khoa trương, vì đơn giản là không có chỗ cho các chủ ngân hàng đầu tư khoa trương trong chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Related posts