Jessica Mao • Angela Bright
Dữ liệu CPI và PPI thấp hơn kỳ vọng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mùa đông kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng lạnh hơn khi nước này rơi vào vòng xoáy tiêu cực của suy thoái bảng cân đối kế toán.
Dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc cho tháng 3 đều thấp hơn kỳ vọng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một nhà kinh tế, mô hình phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang rơi vào vòng xoáy tiêu cực của suy thoái bảng cân đối kế toán, và đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ông dự đoán mùa đông kinh tế của Trung Quốc sẽ còn tồi tệ hơn. [Suy thoái bảng cân đối kế toán thường xảy ra sau khi bong bóng tài sản của nền kinh tế bị vỡ, phá hủy bảng cân đối kế toán của các công ty. Công ty chứng kiến tài sản của mình mất giá, trong khi nợ trở thành nợ xấu. Sau thời kỳ vay nợ để mua tài sản, các công ty tìm cách cắt giảm chi tiêu và đầu tư nhằm trả nợ, dẫn đến suy giảm hoạt động kinh tế.
CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3, tốc độ chậm nhất kể từ tháng 09/2021 và giảm 0,3% so với tháng 2, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11/04. Trang web tin tức Trung Quốc Caixin phân tích tình hình và cho rằng tổng cầu vẫn còn yếu.
Trong khi đó, PPI của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm thêm 1,1%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 07/2020.
Cả hai con số đều nằm dưới ước tính đồng thuận từ Wind, nhà cung cấp dữ liệu tài chính và công cụ phân tích của Trung Quốc, theo South China Morning Post. Biểu đồ Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tính đến tháng 03/2023. Đường màu xanh: thay đổi tính theo năm. Đường màu vàng: thay đổi tính theo tháng.
Phần nổi của tảng băng chìm
Ông Elliott Fan, Giáo sư kiêm Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan, tin rằng mô hình phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị phá vỡ. Ông nói, những con số hiện tại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong kinh tế học, tình huống này được gọi là suy thoái bảng cân đối kế toán.
Ông Fan nói với The Epoch Times hôm 12/04: “Tình hình rất giống với những gì đã xảy ra ở Nhật Bản sau khi nền kinh tế bong bóng bị vỡ, có nghĩa là Trung Quốc thực sự đang đi vào con đường tương tự”, và cho biết mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc phần lớn lặp lại các vấn đề của nền kinh tế bong bóng bất động sản của Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990.
Ông nói: “Cốt lõi của vấn đề là phát hành nợ. Nợ là một thứ thú vị. Đó là một yếu tố rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế”.
“Ví dụ, nếu tôi có một công ty và muốn phát triển một dự án, tôi sẽ không sử dụng tiền của mình. Tôi phải vay tiền, nghĩa là, từ ngân hàng. Nếu dự án có tiềm năng phát triển lớn và mang lại nhiều tiền trong trung và dài hạn, tôi sẽ trả lại ngân hàng. Đây là hoạt động vận hành kinh tế bình thường. Nói cách khác, nợ là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế bình thường bị phức tạp hóa do tham nhũng và sự thông đồng của chính phủ, ông nói thêm. “Vấn đề thông đồng giữa chính phủ và doanh nghiệp là rất nghiêm trọng ở Trung Quốc. Có nhiều người có đặc quyền vay tiền ngân hàng, ngân hàng không dám từ chối cho vay nhưng thực tế những dự án này không sinh lời”.
“Tuy nhiên, trong quá trình này, nhiều người được lợi theo nhiều cách khác nhau và ăn chia tiền kiếm được, [nhưng] các dự án không thể phát triển tốt, vì vậy chúng không thể tạo ra tiền. Khi có nhiều loại nợ này, nó sẽ có tác động tiêu cực”.
Bong bóng bất động sản
Ông Fan cho rằng, luôn tồn tại những khoản nợ tốt và nợ xấu trong xã hội, và một nền kinh tế lành mạnh cần có cơ chế phân bổ tiền cho những khoản nợ tốt, từ đó sẽ giảm khả năng phát sinh nợ xấu. Đây là môi trường cơ bản cho phép một nền kinh tế lành mạnh tăng trưởng và phát triển liên tục.
Ông nói, “Nhưng Trung Quốc không có môi trường cơ bản đó. Vấn đề nằm ở chỗ ĐCSTQ đã phát hành quá nhiều nợ trong quá khứ và nó tập trung vào bất động sản”.
“Tại sao bất động sản luôn tạo ra các vấn đề tài chính? Tại sao nó luôn luôn là một vấn đề lớn? Lý do là kỳ vọng tâm lý”.
Ông Fan giải thích rằng, có nhiều chỉ báo quan trọng đối với hoạt động vận hành của xã hội, nhưng không phải tất cả đều có tác động tâm lý giống nhau. Mặc dù một số trong số chúng không khơi dậy những kỳ vọng lạc quan, nhưng các chỉ số như chỉ số thị trường chứng khoán và tài sản tài chính có thể dễ dàng khuyến khích sự lạc quan. Vì vậy, khi chúng tăng lên, mọi người kỳ vọng chúng sẽ tiếp tục tăng. Thường thì chỉ số thị trường bất động sản cũng có tác động như vậy.
Ông Fan nói: “Trong nghiên cứu kinh tế chuyên nghiệp, nỗi sợ hãi lớn nhất là kỳ vọng tâm lý”. “Tại sao tình hình lại rắc rối khi kỳ vọng phát triển? Bởi vì con người trở nên phi lý. Các công cụ điều chỉnh chính sách khác nhau mà các chính phủ có thể áp dụng chỉ có hiệu quả khi mọi người có lý trí. Khi toàn bộ xã hội trở nên mất lý trí, bất kỳ công cụ chính sách nào cũng trở nên vô hiệu”.
Theo ông Fan, một trong những lý do dẫn đến bong bóng bất động sản ở Nhật Bản và Trung Quốc là do kỳ vọng bị thổi phồng, dẫn đến bong bóng bị thổi phồng. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ đã không xử lý tình hình một cách đúng đắn.
Ông nói: “Tại sao? Bởi vì những con số trông rất đẹp”. “Trước khi bong bóng vỡ, nó sáng bóng và đẹp đẽ. Mọi người đều kiếm được rất nhiều tiền. Họ không vui sao? Ai muốn trở thành người phá đám? Và những gì xảy ra sau khi bong bóng vỡ, điều hiện đang xảy ra ở Trung Quốc, được gọi là suy thoái bảng cân đối kế toán”.
Suy thoái bảng cân đối kế toán
Ông Fan cho rằng, trong một nền kinh tế tự do, hậu quả của việc vỡ bong bóng là nghiêm trọng trong ngắn hạn vì chính phủ thường không can thiệp quá nhiều vào thị trường. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc thì khác, vì ĐCSTQ kiểm soát tất cả các lĩnh vực.
Ông nói, “Vì vậy, những gì ĐCSTQ đang làm bây giờ là ngăn cản [các công ty] ngừng kinh doanh, bởi vì sẽ có một chuỗi công ty đóng cửa”.
Ví dụ: nếu A cho B vay 1.000 USD, thì B có khả năng cho C vay 1.000 USD đó, v.v. và nợ có thể tiếp tục nhân rộng.
Tuy nhiên, khi công thức đó bị gián đoạn hoặc sụp đổ, ông nói, “Một chuỗi đóng cửa sẽ kéo theo sự sụp đổ đó, và người cuối cùng sẽ nói, ‘Tôi không thể kiếm tiền. Tôi thua lỗ và tôi không thể trả lại 1.000 USD đó’. Sau đó, vấn đề được truyền lại từ D, C, B, A. Không ai có thể trả nợ”.
Ông Fan tin rằng ĐCSTQ đang ngăn chặn các công ty đóng cửa bằng cách sử dụng nhiều công cụ để kéo dài thời gian đáo hạn nợ. Giả định của ĐCSTQ là sẽ không có phản ứng dây chuyền miễn là các công ty không đóng cửa.
Tuy nhiên, ông Fan cho biết, chiến lược này chỉ làm giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thay vì giải quyết nó, “vì các khoản nợ sớm muộn gì cũng phải trả, và ai đó phải trả chúng”.
Ông nói, “Trong quá khứ, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi một lượng lớn nợ được phát hành, bao gồm cả nhà ở”, nhưng “hiện tại chu kỳ đó đã dừng lại vì thị trường nhà đất đang đi xuống, nền kinh tế đang bị thu hẹp và nền kinh tế tổng thể của cả xã hội đang đi xuống”.
Ông Fan lưu ý rằng, khi các vấn đề về nợ xuất hiện, thách thức đầu tiên mà một cá nhân hoặc một công ty phải đối mặt là không thể vay tiền.
Ông Fan nói, “Nói cách khác, toàn bộ hoạt động kinh tế của họ bị hạn chế”. “Các khoản đầu tư và hoạt động mà ông ấy hoặc bà ấy có thể làm bị hạn chế, vì vậy đầu tư sẽ giảm”.
Thứ hai, tiêu dùng sẽ giảm. Với quá nhiều nợ, cả cá nhân và doanh nghiệp đều cắt giảm chi tiêu, dẫn đến tiêu dùng giảm. Khi có ít tiêu dùng hơn trên mọi mặt, giá sẽ giảm.
“Nghĩa là trong bối cảnh nhu cầu tư nhân bị thu hẹp, giá cả chắc chắn sẽ giảm, lạm phát cũng vậy, thậm chí giảm phát sẽ xảy ra. Một khi giảm phát xảy ra, chính phủ sẽ khó có thể tìm ra bất kỳ công cụ nào để đối phó với nó”.
Ông Fan cho rằng giá cả suy giảm ở Trung Quốc là một hiện tượng không thể tránh khỏi. Lý do tại sao các cuộc suy thoái bảng cân đối khó có thể được giải quyết một khi chúng xảy ra và thường kéo dài trong một thời gian dài là bởi vì chúng tạo thành một vòng xoáy ác tính.
Ông nói, “Vòng xoáy ác tính có nghĩa là giá không tăng, hoặc trong trường hợp xấu hơn, giảm phát dẫn đến tăng giá âm. Điều này sẽ làm nản lòng đầu tư và đầu tư kém sẽ tạo ra ít việc làm hơn, do đó tiêu dùng tư nhân sẽ gây giảm phát hơn nữa”.
‘Cơn ác mộng kinh tế’
Ông Fan giải thích rằng, cơ chế kinh tế của xã hội có tính chất chu kỳ. Trung Quốc hiện đang trong chu kỳ suy thoái bảng cân đối kế toán, với giá cả, đầu tư và các yếu tố kinh tế khác đều giảm. Khi chính phủ áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng do thiếu tiền, mọi thứ đang bị thu hẹp lại.
Ông nói: “Sự co lại của một biến số dẫn đến biến số khác [bị co lại], và chu kỳ tiếp tục”. “Đó là một cơn ác mộng kinh tế”.
“Có nghĩa là, mùa đông đã đến với nền kinh tế Trung Quốc. Nó đã đến trong một thời gian dài và bây giờ sẽ ngày càng lạnh hơn vì tất cả các chỉ số đang bắt đầu di chuyển theo hướng đó và một chu kỳ đang dần xuất hiện. Một khi chu kỳ bắt đầu, nó sẽ kéo dài khá lâu”.
Ông Fan cho biết, những con số của ĐCSTQ rất ảm đạm.
Ông nói: “Không ai biết con số thực tế, nhưng từ tất cả các dấu hiệu, tình hình có vẻ rất tồi tệ. Tôi nghĩ rằng dự đoán quan trọng ở đây là những hiện tượng này sẽ không thay đổi trong thời gian ngắn”.
Ông nói: “Suy thoái bảng cân đối kế toán là một cuộc suy thoái đặc biệt”. “Đó là một vấn đề rất rắc rối, và đó là một vấn đề rất lớn”.
“Khối lượng nợ địa phương và bong bóng bất động sản của ĐCSTQ [là] rất lớn… lớn đến mức không thể hấp thụ hết trong một thời gian ngắn”.
Theo The Epoch Times
Cát Duyên biên dịch