Cù Tuấn, biên dịch
25-4-2023
Tóm tắt: Chiến tranh đã làm thay đổi giới tội phạm không chỉ ở Nga và Ukraine, mà còn trên toàn thế giới.
Aleksandr Otdelnov sở hữu một điểm thu hút khách du lịch khác thường: một bảo tàng buôn lậu. Hàng lậu đã tràn qua quê hương Odessa của ông từ thế kỷ thứ mười tám. Cho đến khi đóng cửa vì covid-19, bảo tàng đã trưng bày mọi thứ, từ ngọc trai và súng lục được buôn lậu vào đế quốc Nga cho đến những chiến lợi phẩm đương đại hơn. Sau đó là chiến tranh vào tháng 2 năm 2022. “Cảng ngừng hoạt động, và mọi thứ đều dừng lại”, Otdelnov nói. Không chỉ là lượng khách du lịch đã ngừng tới đây. Odessa từng là đầu mối quan trọng trong một mạng lưới tội phạm rộng lớn tập trung ở Ukraine và Nga trải dài từ Afghanistan đến dãy Andes. Nó là một phần của “hệ sinh thái tội phạm mạnh nhất ở châu Âu”, theo tổ chức tư vấn GITOC (Global Initiative against Transnational Organised Crime: Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia).
Cuộc xâm lược của Nga đã làm rung chuyển thế giới ngầm này với sức mạnh của một trận động đất. Phần lớn những thủ lĩnh tội phạm cứng rắn người Ukraine đã ngừng hợp tác với các thủ lĩnh tội phạm người Nga: “Chúng tôi là những tội phạm, chúng tôi chống lại bất kỳ nhà nước nào, nhưng chúng tôi quyết định ủng hộ Ukraine”, một thủ lĩnh nói. Các tuyến đường buôn lậu heroin béo bở đang được vẽ lại, ảnh hưởng đến giá cả và lợi nhuận cho các tập đoàn mafia cách xa Ukraine hàng nghìn dặm. Nếu sự gián đoạn này kéo dài, nó có thể thay đổi bộ mặt của tội phạm toàn cầu. Nó cũng sẽ thay đổi Ukraine.
Đất nước này đã phải vật lộn với nạn tham nhũng kể từ khi tách rời khỏi Liên Xô vào năm 1991. Cuộc cách mạng Maidan năm 2013-2014 đã lật đổ một tổng thống tham nhũng và một số đầu sỏ đứng sau ông ta. Năm 2019, Volodymyr Zelensky được bầu làm tổng thống với lời hứa chống tham nhũng và thông qua các cải cách chống mafia. Nhưng cùng lắm đi nữa, thì đó chỉ là một công việc dọn dẹp dở dang. Trước cuộc xâm lược, GITOC xếp Ukraine đứng thứ 34 trong số 193 quốc gia về chỉ số tội phạm và thứ ba ở châu Âu. Ukraine cũng có mức điểm kém đáng kể về nhận thức về tham nhũng.
Thế giới ngầm ở các khu vực do chính phủ kiểm soát của Ukraine trước năm 2022 diễn ra không liên tục và dữ dội, bao gồm tranh chấp giữa các nhóm tội phạm khác nhau. Tuy nhiên, nó có ba khía cạnh liên kết Ukraine với thị trường tội phạm toàn cầu. Thứ nhất, một “siêu xa lộ” buôn lậu nối Nga và Ukraine, đi qua các khu vực phía đông Ukraine bị Nga chiếm đóng vào năm 2014. Thứ hai, các trung tâm buôn lậu toàn cầu ở Odessa và các cảng Biển Đen khác. Và cuối cùng là các nhà máy ở Ukraine chuyên sản xuất hàng lậu xuất khẩu.
Cơ sở hạ tầng này hỗ trợ các mô hình kinh doanh khác nhau cho các sản phẩm khác nhau. Ukraine là một tuyến vận chuyển “phụ” ngày càng tăng đối với heroin từ Afghanistan, tăng cường các tuyến qua Balkan và Kavkaz (xem bản đồ 2). Trước chiến tranh, Ukraine có số vụ bắt giữ heroin lớn thứ tư ở châu Âu. Cocaine từ Mỹ Latinh đến châu Âu thông qua Biển Đen. Theo một hướng khác, những tên tội phạm đã xuất khẩu vũ khí sang châu Á và châu Phi, đặc biệt là từ cảng Mykolaiv. Vào năm 2020, Ukraine đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn cung cấp thuốc lá bất hợp pháp lớn nhất châu Âu. Việc sản xuất amphetamine trong nước này đang gia tăng: 67 phòng lab bất hợp pháp đã bị dỡ bỏ vào năm 2020, con số được báo cáo cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Một báo cáo mới từ chính phủ Mỹ cho biết chiến tranh đã thay đổi mọi thứ tại Ukraine bằng cách tạo ra “một môi trường có rủi ro không thể chấp nhận được đối với nạn buôn người bất hợp pháp quốc tế”. Các cảng Biển Đen đã bị đóng cửa hoặc hạn chế vận chuyển. Ranh giới giữa Ukraine do chính phủ điều hành và các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng giờ là một loạt cánh đồng chết chóc được gài mìn, phá vỡ tuyến đường vận chuyển ma túy cao tốc. Việc tổng động viên ở Ukraine đã tước đi nguồn nhân lực của thế giới ngầm trong khi thiết quân luật đã ngăn chặn một loạt các hoạt động tội phạm. Giờ giới nghiêm khiến việc di chuyển vào ban đêm trở nên khó khăn hơn.
Các băng đảng xã hội đen Ukraine cũng đang xa lánh các băng đảng Nga: “Bị gọi là tội phạm là một chuyện, nhưng bị gọi là kẻ phản bội lại là một chuyện khác”, Mark Galeotti, tác giả cuốn sách “The Vory: Russia’s Super Mafia” cho biết. Việc phải trung thành với Ukraine chỉ là việc kiểm soát rủi ro chứ không hẳn là lòng yêu nước. “Nếu đất nước chúng tôi bị sáp nhập vào Nga, nhiều anh em đang ở trong tù có thể bị chuyển đi rất xa”, một tay xã hội đen giải thích. “Cai tù Nga rất tàn nhẫn. Không ai trong chúng tôi mong muốn điều đó cả. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm những công việc bẩn thỉu cho Ukraine”.
Các hiệu ứng dây chuyền đang được cảm nhận trên toàn cầu khi các mạng lưới buôn lậu đang được cấu hình lại để đi vòng qua Ukraine. Các quan chức hải quan Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một khối lượng lớn heroin và methamphetamine đang chảy qua biên giới giữa nước này với Iran. Các quan chức biên giới Litva đã chứng kiến khối lượng thuốc lá bất hợp pháp tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2022. Các quan chức Estonia làm việc với Europol, cơ quan cảnh sát của EU, đã thu giữ 3,5 tấn cocaine trị giá khoảng một nửa tỷ euro có nguồn gốc từ châu Mỹ Latinh tại cảng Muuga vào năm ngoái. Việc phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine và tăng cường việc kiểm soát ở Tây Âu cũng có thể giải thích cho các vụ bắt giữ lớn gần đây ở Nga. Vào ngày 10 tháng 4, chính quyền Nga đã thu giữ gần 700 kg cocain ở Moscow. Những người chuyển hàng của Nga gần biên giới với Belarus, từng có thu nhập không đáng kể, đang thu lợi lớn từ việc buôn lậu hàng xa xỉ vào Nga, đặc biệt là túi xách hàng hiệu.
Cuốc chiến tại Ukraine cũng đồng nghĩa với những cơ hội ngắn hạn mới cho các băng đảng xã hội đen ở Ukraine. Cơ hội đầu tiên là buôn lậu người. Liên hợp quốc ước tính rằng khoảng 5 triệu người tị nạn Ukraine đang được “bảo vệ tạm thời” ở châu Âu và mô hình thống kê về các xu hướng lịch sử của tổ chức này cho thấy có lẽ 100.000 người có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Ngoài ra còn có một thị trường cho việc buôn lậu lính nghĩa vụ ra khỏi Ukraine. Đôi khi điều này có thể đơn giản như đưa họ thoát đi thông qua kiểm soát hộ chiếu Ukraine. Ít nhất 8.000 người đã bị bắt khi cố gắng rời khỏi Ukraine, chủ yếu là đến Moldova hoặc Ba Lan. Những kẻ buôn lậu người này được cho là tính phí từ €5.000 ($5.500) đến €10.000. Tuy nhiên, cho đến nay quy mô của nạn buôn lậu người vẫn chưa đến mức tồi tệ như nó có thể xảy ra. Một quan chức cấp cao của Europol cho biết: “Việc buôn lậu người đã xảy ra, nhưng ít hơn nhiều so với chúng tôi từng tính toán”.
Tác động lâu dài của cuộc chiến đối với thế giới tội phạm ở Nga có thể có tính ác tính. Theo ông Galeotti, nhà nước Nga có các liên kết chặt chẽ với tội phạm có tổ chức, mặc dù các tổ chức này chỉ thỉnh thoảng mới bị nhà nước Nga lợi dụng. Những tên tội phạm người Nga hoạt động bên ngoài đất nước Nga đã được yêu cầu gửi một phần lợi nhuận của chúng vào cái gọi là “tài khoản đen” mà các điệp viên của Nga có thể truy cập để trang trải chi phí hoạt động. Tội phạm người Nga đã được tuyển dụng để đóng vai trò là điệp viên tình báo của Điện Kremlin, đặc biệt là để giúp lấy được lượng chất bán dẫn bị cấm bán cho Nga, vốn rất cần thiết cho nỗ lực chiến tranh. Việc Điện Kremlin hoặc các tổ chức ủy quyền của Nga tịch thu các công ty thuộc sở hữu của phương Tây ở Nga sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa thân hữu, trong khi yêu cầu che giấu các giao dịch xuyên biên giới hoặc bỏ qua hệ thống tài chính phương Tây sẽ làm giảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình hơn nữa.
Tuy nhiên, đối với Ukraine, bức tranh dài hạn là kém rõ ràng hơn. Một cuộc xung đột bị đóng băng chắc chắn có thể tạo ra rủi ro lớn. Trước cuộc xâm lược, Ukraine có khoảng từ 7 triệu đến 9 triệu khẩu súng hợp pháp. Có lẽ số súng bất hợp pháp cũng ngang chừng đó. Đất nước này bây giờ thậm chí còn tràn ngập vũ khí hơn. Lịch sử gợi ý rằng các cuộc chiến tranh luôn thúc đẩy việc buôn bán vũ khí: súng từ Nam Tư được sử dụng trong tội phạm bạo lực trên khắp châu Âu. Tổng thư ký của Interpol, Jürgen Stock, đã cảnh báo có thể có sự gia tăng buôn bán vũ khí nhỏ. Cho đến nay thì mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát. Quan chức của Europol cho biết: “Chúng tôi không thấy hoạt động buôn bán vũ khí nào có tổ chức hoặc có hệ thống”.
Việc sản xuất ma túy trong Ukraine có thể tăng trở lại. Chính phủ Mỹ gần đây đã báo cáo về sự phát triển của các mạng lưới phân tán hơn của các phòng lab sản xuất nhỏ hơn ở Ukraine, sử dụng internet để bán hàng và hệ thống bưu điện để giao hàng. Rủi ro lớn nhất trong tất cả đến từ quá trình tái thiết. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đưa ra chi phí tái thiết Ukraine là 411 tỷ đô la, bao gồm 92 tỷ đô la cho giao thông và 69 tỷ đô la cho nhà ở. Những dự án quy mô lớn như vậy có thể dễ dàng trở thành con mồi của mafia, vốn là những kẻ có thể thao túng hệ thống mua sắm công và hệ thống đấu thầu để có quyền tiếp cận đất đai, trợ cấp và giấy phép.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội để giảm thiểu vĩnh viễn tội phạm có tổ chức ở Ukraine. Nỗ lực chính phải đến từ trong nước này. Một dự thảo luật từ tháng 12 nhằm mục đích cải cách quy hoạch đô thị: các tài liệu liên quan của chính phủ Ukraine nói rằng ngành xây dựng dễ bị “lạm quyền”, “tham nhũng” và “khó bị trừng phạt”. Vào tháng 1, ông Zelensky đã sa thải 4 thứ trưởng và 5 thống đốc khu vực vì tham nhũng, theo Reuters. Ông nói: “Bất kỳ vấn đề nội bộ nào gây ảnh hưởng nhà nước đều đang được làm sạch”.
Áp lực bên ngoài có thể giúp ích cho Ukraine: những khoản tiền tái thiết nước này có thể phần lớn đến từ nước ngoài và đi kèm với những điều kiện ràng buộc. Việc Ukraine trở thành thành viên của EU vẫn còn nhiều năm nữa nhưng quá trình hội nhập với các quy tắc của EU là một đòn bẩy để chống lại tội phạm có tổ chức. Quốc gia này đã được trao tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm ngoái.
Đối với những người nghiên cứu về tội phạm có tổ chức trên khắp thế giới, có một sự thật hiển nhiên là chiến tranh và sự xáo trộn xã hội tạo ra cơ hội cho thế lực xã hội đen và cộng tác viên cổ cồn trắng của chúng. Tuy nhiên, có những yếu tố bất thường trong kinh nghiệm của Ukraine có thể dẫn đến một kết quả khác. Chiến tranh đã cắt đứt các huyết mạch vật chất và xã hội hàng thập kỷ nay giữa Ukraine và các mạng lưới tội phạm của Nga, và có thể việc tách rời này sẽ duy trì trong nhiều năm tới. Nó đã mang lại cho nhà nước Ukraine tính hợp pháp công khai hơn nữa để chống lại các đầu sỏ chính trị và có thể làm tăng sự tham gia của phương Tây và việc giám sát nền kinh tế. Không một ai sáng suốt có thể nghĩ rằng việc buôn lậu ở Odessa sẽ bị đưa vào viện bảo tàng. Nhưng có khả năng Ukraine cuối cùng sẽ không còn là thiên đường của giới xã hội đen nữa.