Liên Thành
Chuyên mục bình luận của tờ báo tiếng Trung Da Ji Yuan đã có nhận định về phản ứng kỳ lạ của truyền thông Trung Quốc sau cuộc gọi điện có thể gọi là lịch sử của hai ông Tập Cận Bình và Zelensky. Vậy điều gì ẩn đằng sau phản ứng này?
Sau cuộc điện đàm giữa hai ông Zelensky và Tập Cận Bình hôm 26 kết thúc, cả Ukraina và Trung Quốc đã nhanh chóng có phản ứng. Ông Zelensky nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ mới tại Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng công bố ứng viên cho vị trí “đại diện đặc biệt”.
Theo tin tức mới nhất từ Thông tấn xã Quốc gia Ukraina, ông Zelensky đã bổ nhiệm Pavlo Ryabikin, 58 tuổi, làm đại sứ mới tại Trung Quốc. Các sắc lệnh liên quan của tổng thống đã được công bố trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraina.
Ông Ryabikin có nền tảng chuyên môn về luật và trước đây từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược của Ukraina. Trước đó, ông cũng từng là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Đại sứ tại Đan Mạch, thành viên phái đoàn Ukraina tại Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu, v.v.
Theo thông tin được ĐCSTQ công bố, ông Tập đã bổ nhiệm Lý Huy, 70 tuổi, làm “đại diện đặc biệt” sẽ đến thăm Ukraina và các nước khác. Ông Lý Huy trước đây là đại sứ tại Nga, trước khi rời nhiệm sở vào năm 2019, ông đã được Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Hành động của hai bên phải nói là tương đối nhanh, có thể thấy cuộc điện đàm giữa hai ông Zelensky và Tập Cận Bình đã đạt được một số kết quả. Trước đó, chức đại sứ Ukraina tại Trung Quốc đã bị bỏ trống hơn 2 năm.
Theo thông tin được công khai, cựu đại sứ Ukraina tại Trung Quốc, đột ngột qua đời vào tháng 2 năm 2021 và chức vụ đại sứ đã bị bỏ trống kể từ đó. Lẽ ra, ông Zelensky phải bổ nhiệm đại sứ mới từ lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà phải trì hoãn đến tận bây giờ.
Người ta dự đoán rằng nó có liên quan gì đó đến hoạt động của ĐCSTQ trong Chiến tranh Ukraina-Nga, điều đó có nghĩa là ông Zelensky không hài lòng và thậm chí tức giận với vai trò thực sự của ĐCSTQ, dùng việc để trống chức vụ đại sứ để bày tỏ sự tức giận với Bắc Kinh.
Việc bổ nhiệm đại sứ mới hiện nay cho thấy Bắc Kinh có thể đã nói điều gì đó làm hài lòng ông Zelensky nên ông đã bổ nhiệm lại đại sứ tại Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình có thể nói gì để thỏa mãn Ukraina? Trước khi nói về vấn đề này, chúng ta phải nói về “người hùng” đã tạo điều kiện cho Zelensky có cuộc điện đàm với Tập Cận Bình, Lô Sa Dã, đại sứ của ĐCSTQ tại Pháp. Chính ông ta đã buộc Tập Cận Bình nhấc điện thoại và nói chuyện với Zelensky trong khoảng một giờ.
Mọi người đều biết rằng Lô Sa Dã gần đây đã trở thành nhà ngoại giao chiến binh sói (hay chiến lang) chói lọi nhất của Bắc Kinh. Lời nói của ông đã chọc giận thành công châu Âu. Ông nói rằng tất cả 14 “quốc gia thuộc Liên Xô cũ không phải là quốc gia có chủ quyền trên thực tế”, bao gồm cả Ukraina, và phủ nhận rằng Crimea thuộc về Ukraina.
Tuyên bố này của Lô Sa Dã đã khiến hơn 80 nghị sĩ châu Âu đồng loạt gửi thư tới Ngoại trưởng Pháp, kêu gọi trục xuất ông và yêu cầu ông ta phải rời đi ngay lập tức. Bởi vì những gì đại sứ Trung Quốc nói không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn đe dọa đến an ninh của cả châu Âu.
Ngoài ra, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng đã lên tiếng và nhà ngoại giao hàng đầu của EU cũng đưa ra tuyên bố, bày tỏ rất “sốc” và lên án phát biểu của ông Lô.
Đánh giá từ tình hình chung, những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm giành lấy châu Âu cũng như chia rẽ và làm tan rã liên minh Mỹ-Âu đã bị Lô Sa Dã vạch trần.
Mọi nỗ lực trước đây của Tập Cận Bình sẽ trở nên vô ích nếu châu Âu ngày càng ít tin tưởng vào ĐCSTQ, và vị thế chính thức của ĐCSTQ bị nghi ngờ nghiêm trọng. Vậy phải làm gì? Lô Sa Dã không có cơ hội sửa sai. Khi trẻ nghịch ngợm, người lớn phải đứng ra để chấm dứt sự việc.
Về việc Tập có trừng phạt Lô hay không, khả năng là tương đối cao. Mặc dù Lô đang hành động theo mong muốn của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng liệu Tập Cận Bình có thể để yên nếu ông ta đã gây ra rắc rối lớn như vậy cho Tập Cận Bình?
Nhưng bất kể ông Tập có trừng phạt ông Lô hay không, thì bây giờ ông Tập vẫn phải đích thân dọn dẹp đống lộn xộn của ông Lô. Vậy làm thế nào? Bất cứ điều gì ông Lô nói ra, ông Tập sẽ phải chữa cháy. Lô đã kích động vấn đề Crimea và Tập phải đối mặt với vấn đề này. Do đó, có thể nói nhờ Lô mà Zelensky và Tập Cận Bình mới có thể nói chuyện điện thoại.
Zelensky cảm ơn Tập Cận Bình vì đưa ra 2 lời hứa lớn?
Vào lúc 6:30 chiều giờ địa phương hôm 26, trang web chính thức của Tổng thống Ukraina đã đưa ra thông báo rằng ông Zelensky đã có một cuộc điện đàm với Tập Cận Bình. Tuyên bố cho biết hai bên “đã đặc biệt chú ý đến những cách thức hợp tác khả thi nhằm thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraina”.
Trong cuộc điện đàm, ông Zelensky nhắc lại lập trường vững chắc của “một Trung Quốc” và cũng cảm ơn Tập Cận Bình vì “sự ủng hộ đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.
Từ đó có thể thấy Tập Cận Bình rất có thể đã nói những câu đại loại như ủng hộ “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”, nếu không thì Zelensky đã không bày tỏ lòng biết ơn với Tập Cận Bình.
Thông báo của Ukraina nêu rõ, ông Zelensky đã thông báo cho ông Tập Cận Bình về tình hình tiền tuyến, dù rất khó khăn nhưng Ukraina vẫn đứng vững và “sẽ tiếp tục giải phóng vùng đất của chúng tôi”.
Thông báo cũng có nội dung: “Chúng tôi không bắt đầu cuộc chiến này, nhưng chúng tôi phải khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi, trong các biên giới được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm cả Crimea. Điều này hoàn toàn tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc”.
“Không ai muốn hòa bình hơn người dân Ukraina. Chúng tôi đang ở trên mảnh đất của mình, chiến đấu vì tương lai của chúng tôi, thực hiện quyền tự vệ không thể thay đổi của chúng tôi. Hòa bình phải công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc. Không thể có hòa bình nếu đánh đổi bằng sự thỏa hiệp về lãnh thổ”. Zelensky nhấn mạnh rằng “sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina phải được khôi phục trong biên giới năm 1991”.
Xin lưu ý rằng thông báo của Ukraina đã hai lần đề cập đến đường biên giới được quốc tế công nhận vào năm 1991, và “sự toàn vẹn lãnh thổ” phải được khôi phục bên trong đường biên giới này. Nói cách khác, ông Zelensky có thể đã đề cập đến thời điểm này ít nhất hai lần trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, và ông Tập đã đồng ý với điều đó, thậm chí có thể ủng hộ.
Như ông Zelensky đã lưu ý, lãnh thổ Ukraina được quốc tế công nhận vào năm 1991 bao gồm Crimea. Và Crimea hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng của Nga.
Năm 2014, Nga đưa quân đánh chiếm Crimea và tổ chức trưng cầu dân ý không được quốc tế công nhận, nước Cộng hòa Crimea được thành lập, tuyên bố ly khai khỏi Ukraina và gia nhập Nga.
Nếu ông Tập Cận Bình đồng ý hoặc thậm chí ủng hộ Ukraina lấy lại Crimea, điều đó có nghĩa là Tập Cận Bình không đồng ý hoặc thậm chí phản đối việc Nga chiếm Crimea, điều đó có nghĩa là Tập Cận Bình cho rằng hành động của Nga là xâm lược và ủng hộ Ukraina “giải phóng” Crimea.
Ngoài ra, thông báo của Ukraina cũng nêu rõ điều rất quan trọng đối với tất cả các nước là không hỗ trợ Nga trong chiến tranh, bao gồm hợp tác kỹ thuật quân sự và cung cấp vũ khí.
Ông Zelensky cho biết bất kỳ sự hỗ trợ nào dành cho Nga sẽ “được chuyển thành sự tiếp tục gây hấn”. “Nga càng nhận được ít sự ủng hộ thì chiến tranh càng sớm kết thúc và các mối quan hệ quốc tế sẽ trở lại bình lặng”.
Điều này rõ ràng là đề cập đến viện trợ quân sự của ĐCSTQ cho Nga, điều mà có khả năng cũng được ông Tập hứa hẹn. Nói cách khác, Tập Cận Bình có thể đã hứa không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga.
Vấn đề hỗ trợ quân sự cho Nga cũng là điều mà ông Tập không muốn đối mặt. Bởi vì theo các báo cáo trước đây của các phương tiện truyền thông, Hoa Kỳ đã có được thông tin chính xác rằng ĐCSTQ đang chuẩn bị hỗ trợ quân sự cho Nga. Và giờ đây, Tập Cận Bình đã hứa với Zelensky rằng sẽ không viện trợ quân sự cho Nga, điều này có thể khiến cam kết trước đây của Tập Cận Bình với Nga thất bại.
Cho dù đó là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Crimea hay vấn đề viện trợ quân sự cho Nga, Tập Cận Bình trước đây đều không sẵn lòng đối mặt với Zelensky về hai vấn đề này. Trước đây ông Tập chưa thể nói chuyện với ông Zelensky vì có hai vấn đề này là mấu chốt. Cam kết với ông Zelensky đồng nghĩa với việc khiến ông Putin thất vọng, điều này luôn đi đôi với nhau.
Tất nhiên, chúng ta phải nghĩ rằng ngay cả khi Tập Cận Bình đưa ra hai lời hứa lớn này với Zelensky, thì rất có thể đó chỉ là hời hợt. Liệu Bắc Kinh có thực sự tuân thủ những lời hứa của mình hay không vẫn còn phải kiểm chứng trong tương lai.
Nhưng dù có hứa miệng và chỉ để xử lý tình huống, ông Tập cũng không dễ giải thích với ông Putin, sau này gặp lại sẽ rất khó xử, nên đối mặt với Putin, người mà ông ta gọi là “bạn thân” như thế nào?
Ngoài ra, Tập Cận Bình nên đối phó với những người “yêu nước” ở Trung Quốc ủng hộ Nga như thế nào? Vì vậy, điều này rất xấu hổ cho Tập Cận Bình. Đây cũng là lý do tại sao các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đưa tin kỳ lạ.
Các phương tiện truyền thông chính thống che giấu nội dung chính
Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ như “Nhân dân Nhật báo Trực tuyến” và “Tân Hoa Xã” đưa tin hôm 26 với tiêu đề và nội dung hoàn toàn giống nhau, chỉ có một câu, “Tập Cận Bình đã có một cuộc điện thoại với Tổng thống Ukraina Zelensky”. Nhưng những gì hai bên thực sự nói đã không được đề cập trong các bài báo.
Cuộc xâm lược của Nga gây ra đã kéo dài hơn một năm, cuộc điện đàm đầu tiên của Tập Cận Bình với Zelensky lẽ ra phải là một sự kiện lớn mà cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Nhưng giới truyền thông chính thống của Trung Quốc chỉ dùng 16 từ (trong tiếng Trung) để đưa tin, đã bộc lộ bao nhiêu bất lực và xấu hổ.
Cư dân mạng ở Trung Quốc đại lục đã thốt lên khi xem tin tức, “Không có nội dung gì ư?” “Không nói thêm gì sao, tại sao các vị không báo cáo?”
Truyền hinh trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, ông Tập Cận Bình nói rằng quan hệ Trung Quốc-Ukraina đã trải qua 31 năm phát triển và “đạt đến cấp độ đối tác chiến lược”, cung cấp hỗ trợ cho sự phát triển và hồi sinh của hai nước.
Những gì Tập Cận Bình nói ở đây đã bộc lộ địa vị của Nga và Ukraina trong lòng ông. Vào ngày 4 tháng 2 năm 2022, Tập Cận Bình và Putin cùng tuyên bố tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc và Nga có “tình bạn không giới hạn”. Năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại ý định của Tập Cận Bình là “Hợp tác Trung-Nga không có điểm dừng, không có vùng cấm, và không có giới hạn trên”.
Nhưng Tập Cận Bình ở đây chỉ nói rằng mức độ quan hệ đối tác chiến lược với Ukraina đã “đạt đến cấp độ đối tác chiến lược”. Từ “đạt đến” cũng có nghĩa không phải là quan hệ đối tác chiến lược mà giờ mới chỉ đạt đến. Điều này khác với sự hợp tác không giới hạn giữa Trung Quốc và Nga như thế nào?
Báo cáo nói rằng ông Tập Cận Bình đã cảm ơn ông Zelensky vì sự hỗ trợ to lớn của ông trong việc sơ tán công dân Trung Quốc vào năm ngoái. Năm ngoái, Ukraina đã giúp công dân Trung Quốc sơ tán, nhưng bây giờ Trung Quốc mới bày tỏ lòng biết ơn của mình. Nếu bạn thực sự muốn cảm ơn, bạn chẳn phải nên bày tỏ nó vào lúc đó hay sao?
Theo điều tra của RFA, trước khi Nga xâm lược Ukraina, ĐCSTQ đã che giấu sự thật về cuộc chiến sắp xảy ra, khiến một số lượng lớn người dân Trung Quốc gặp nguy hiểm. Sau khi Nga xâm chiếm Ukraina, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không thông báo sơ tán cho người Trung Quốc ở Ukraina và Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraina đã yêu cầu người dân tự xin thị thực nước thứ ba.
Một quan chức ngoại giao từ đại sứ quán của TQ ở Ukraina cho biết ẩn danh, rằng các quốc gia khác sơ tán công dân của họ miễn phí. Đại sứ quán Trung Quốc kiến nghị chính quyền trung ương giảm hoặc miễn chi phí về nước cho đồng bào nhưng “chính quyền trung ương không đồng ý”.
“Chính phủ trung ương không đồng ý”, “chính phủ trung ương” này rõ ràng bao gồm cả ông Tập Cận Bình, bởi vì ông là “cốt lõi” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nói cách khác, việc không đồng ý giảm hoặc miễn các chi phí của đồng bào về nước, trong đó Tập Cận Bình có một phần.
Ông Tập cũng đã đề cập đến lập trường của ĐCSTQ và vấn đề “chủ quyền” trong cuộc điện đàm. Ông nói rằng ĐCSTQ không phải là kẻ gây ra “cuộc khủng hoảng Ukraina”, cũng không phải là một bên liên quan. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một nước lớn có trách nhiệm, TQ sẽ “không đứng ngoài nhìn vào lửa, cũng không đổ thêm dầu vào lửa chứ đừng nói đến việc lợi dụng cơ hội để kiếm lợi”.
Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố rất mơ hồ rằng “sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau là cơ sở chính trị của quan hệ Trung Quốc-Ukraina”. Ông tuyên bố rằng Bắc Kinh luôn đứng về phía “hòa bình” và rằng “lập trường cốt lõi là thuyết phục hòa bình và thúc đẩy đàm phán”.
Bắc Kinh có khả năng và ảnh hưởng để giúp kết thúc chiến tranh. Nhưng nhìn vào những gì ĐCSTQ đã làm trong khoảng một năm qua, không chắc Bắc Kinh sẽ làm như vậy.
Nếu Bắc Kinh đứng về phía “hòa bình”, họ nên công khai lên án quốc gia đã phát động chiến tranh. Nếu ĐCSTQ thực sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, thì giống như các nước phương Tây, họ nên có lập trường chính đáng và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, quốc gia đã phát động cuộc xâm lược, hoặc ít nhất là lên án Nga.
Tuy nhiên, Nga đã xâm lược Ukraina trong hơn một năm và điều này đã vi phạm chủ quyền của Ukraina, một phần lãnh thổ của Ukraina đã bị Nga chiếm đóng. ĐCSTQ không những không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, mà thậm chí còn chưa bao giờ sử dụng từ “xâm lược”, và các báo cáo cũng không dám đề cập công khai bất kỳ lời hứa nào mà ông Tập đã đưa ra đối với Ukraina.
Không chỉ vậy, ĐCSTQ đang nỗ lực thực hiện lời hứa “hợp tác Trung-Nga không có hồi kết, không có vùng cấm, không có giới hạn trên”. Vào dịp kỷ niệm một năm Chiến tranh Nga-Ukraina, Hải quan TQ đã cho phép nhập khẩu lúa mì từ khắp nước Nga, làm sâu sắc thêm quan hệ Trung-Nga.
Đối với việc Bắc Kinh tự xưng “không đứng ngoài nhìn vào lửa, cũng không đổ thêm dầu vào lửa, huống hồ là lợi dụng cơ hội để kiếm lời”, thực ra ĐCSTQ không chỉ hỗ trợ Nga về kinh tế mà còn hỗ trợ Nga về quân sự.
Ngày 18/3, tờ Kyodo News của Nhật Bản dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết đã tìm thấy đạn dược từ Trung Quốc trên chiến trường Ukraina. Trước đây, truyền thông Hoa Kỳ trích dẫn dữ liệu hải quan và chỉ ra rằng vào nửa cuối năm 2022, một công ty nhà nước của Trung Quốc đã vận chuyển 1.000 súng trường tấn công, áo giáp, máy bay không người lái và các bộ phận khác sang Nga.
Vào ngày 21 tháng 3, tờ “New York Times” đã chỉ ra rằng kể từ sau cuộc chiến tranh Nga-Ucraina, Bắc Kinh đã chuyển hơn 12 triệu đô la Mỹ cho Nga dưới dạng máy bay không người lái và các bộ phận của máy bay không người lái.
Cuối bài bình luận của mình, Da Ji Yuan đặt câu hỏi: Đây đều là tình huống bị ngoại giới biết được, còn những gì ngoại giới không phát hiện ra thì sao? Bắc Kinh tuyên bố rằng “lập trường cốt lõi là thuyết phục hòa bình và thúc đẩy đàm phán”. Chẳng lẽ phải dùng viện trợ quân sự cho Nga để buộc Ukraina đàm phán với Nga hay sao? “Hòa bình” mà ĐCSTQ mong muốn có được gọi là “hòa bình” không?
Tờ báo tiếng Trung kết luận: “Nếu bạn nói dối quá nhiều, bạn sẽ rất dễ tự đánh vào mặt mình”.