Lê Học Lãnh Vân
Những ngày này, nhiều người bạn quý mến của tôi lo tổ chức ngày đọc sách, hoạt động cho phong trào đọc sách… Thấy các anh chị tất bật, vác tù và hàng tổng mà cảm động! Các anh chị, nhiều người trên dưới bảy mươi, phải xông ra xã hội vì thấy số sách một người Việt đọc trong một năm quá ít. Việc làm của các anh chị thực chất là việc làm của xã hội dân sự. Càng thương các bạn hơn khi thấy hình như xã hội dân sự ấy chưa được bộ máy chính thống chấp nhận?
Nhớ những ngày này bốn mươi tám năm xưa, khi niềm vui vì hoà bình và thống nhất còn ngất ngây, các đài phát thanh phường bỗng ra rả loan nghiêm lệnh từ cấp cao của thành phố: “tất cả các sách vở, tài liệu in ấn trước ngày 30/4/1975 phải đem nộp cho nhà nước!”. Hàng ngày từng nhóm thanh niên ngang dọc trong xóm đi tới từng nhà gõ cửa nhắc nhở người dân phải nộp tất cả ấn phẩm ra đời trước 1975. Ngoài đường lớn những chiếc xe tuyên truyền chạy chậm chậm với tiếng loa vang vang đanh thép lên án tàn dư văn hóa phản động đồi trụy của Mỹ Ngụy và đe dọa những ai dám tàng trữ sách báo thời chế độ cũ. Những ngày ấy, Sài Gòn còn ở dưới chế độ quân quản, nghĩa là do quân đội quản lý, chịu kỷ luật quân đội, tòa án binh…
Hình ảnh người sinh viên cận thị bốn mươi tám năm xưa ôm từng thau sách ra sân đốt lại trở về rõ rệt. Sách vở tích trữ hàng chục năm chìm trong lửa đỏ rồi biến thành khói đen bay lên xanh kia thăm thẳm tầng cao! Anh ngồi canh lửa, canh khói bốc lên từ những quyển sách cắc củm tìm mua từng quyển một trong một thời gian dài trước năm 1975, những quyển sách kỷ vật gia đình truyền từ đời trước, có những quyển chỉ cần nhìn một chéo góc đã biết quyển gì, có quyển muốn đọc đoạn nào chỉ cần cầm và giở ngay ra chương đó. Thắm thiết biết bao tình người với sách, chỉ có tình đó mới khiến người ta đọc sách, yêu sách. Tình đó chỉ có thể được vun đắp dần dần, từ nhỏ bắt chước người lớn đọc sách, được khuyến khích đọc sách, lớn hơn thấy ra lợi ích vô giá trong việc đọc sách, tập luyện dần thành thói quen đọc sách rồi yêu mến, si mê sách…
Bây giờ sách vở nhiều hơn xưa, nhưng nhưng nội dung sách là gì, thuộc dòng tư tưởng nào thì rất cần xem xét. Chỉ cần nhìn những trang mạng hay báo điện tử nổi tiếng tin cậy, đứng đắn trên thế giới bị chặn, nhìn những quyển sách như Vòng Tròn Bất Tử, Nỗi Oan Thế Kỷ gặp biết bao khó khăn, các chính sách về xuất bản, lưu hành sách, về báo chí tư nhân… là đủ biết tự do ngôn luận, tư do học thuật bị kềm hãm như thế nào! Có thể nhận xét được không rằng việc bắt nộp sách ngày xưa được thay bằng việc không cho sách tự do lưu thông ngày nay? Bình mới mà rượu cũ! Rượu độc nguyên vẫn nguyên mùi vị như bốn mươi tám năm qua!
Tình yêu sách, cái nền của thói quen đọc sách, khác chi tình trai gái, cần tự do luyến ái! Đã quá xa rồi thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ còn không đặt để được con trong tình duyên thì không một thế lực xã hội nào có thể ép người dân chỉ đọc loại sách báo đã được định một hướng tư tưởng! Cũng không thế lực xã hội nào bắt người dân không được đọc loại sách họ đánh giá cao, họ yêu quý! Tuy nhiên, nếu thế lực xã hội ấy quá mạnh, nó cũng kềm hãm sự tiến bộ. Khi thế lực xã hội ấy còn hiện diện trên vị trí chính thống, người dân phản ứng tiêu cực bằng cách không đọc sách, hoặc không ngó tới những loại sách lịch sử, tư tưởng, triết học mà chỉ đọc sách vui chơi rẻ tiền. Hệ quả là dân trí thấp, sự tụt hậu về dân trí so với khu vực càng lớn, quốc gia mãi lay hoay trong đáy chén vụn vặt, chậm tiến…
Những ngày này, các trang mạng xôn xao việc bà Dương Thu Hương được trao giải thưởng văn chương danh giá Cino Del Duca 2023, một giải có nhằm tôn vinh sự nghiệp của một tác giả người Pháp hoặc nước ngoài có tác phẩm truyền đạt thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
Nhiều người Việt biết nhà văn Dương Thu Hương là người có văn tài cao, sức viết mạnh với tác phẩm mô tả hậu quả của cuộc chiến tàn khốc giữa hai Miền nước Việt trên người dân, những người chịu nhiều gánh nặng của thành kiến cùng truyền thống phong kiến đè trên kiếp sống hậu chiến ngày thường của họ. Ngòi bút của chị ra ngoài khuôn khổ, táo bạo thọc sâu vào các quan sát, nhận xét sắc bén và lập nên ý, tứ độc đáo. Một nhà văn với tính cách đó, thành quả đó chắc chắn rất hấp dẫn người đọc.
Các tác phẩm của nhà văn Dương Thu Hương, nếu được lưu truyền tự do trên lãnh thổ Việt Nam, có thể sẽ khiến dậy lên một trào lưu đọc sách đông đảo, có thể khiến người Việt yêu sách hơn. Và, hình như Việt Nam đâu chỉ có một Dương Thu Hương?
Phải chăng ủng hộ tự do học thuật, đa nguyên tư tưởng mới là hành động thực chất và hữu hiệu để nâng cao số sách đọc của người Việt?
Ngày 23 tháng 4 năm 2023