Sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) thổi bùng ngọn lửa tức giận của giới lãnh đạo Châu Âu bằng phát ngôn rằng ‘các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế’, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngay lập tức ‘dập lửa’ khi nói rằng ngôn luận của ông Lư không đại diện cho lập trường của ĐCSTQ.
Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một học giả cao cấp tại Viện Hudson, nói với The Epoch Times ấn bản tiếng Trung rằng phát ngôn của ông Lư Sa Dã hôm 21/4 không phải là nhất thời lỡ miệng, mà nó phản ánh một hệ tư tưởng nội tại của Trung Quốc nhằm tái thiết trật tự quốc tế. Đồng thời ông nói rằng phản ứng của bà Mao Ninh đơn giản là dối trá.
ĐCSTQ mong muốn lãnh đạo trật tự thế giới mới
Theo ông Dư Mậu Xuân, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi toàn bộ trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo là thù địch với các nước như Trung Quốc.
Ông Dư Mậu Xuân lập luận rằng chính sách đối ngoại “ẩn mình chờ thời” của cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình nhằm mục đích chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi hành động để ngăn đối thủ thay đổi ý định. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của phương châm này là thay đổi trật tự quốc tế.
Theo ông, các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Ý định của ông Tập rất rõ ràng: “lật đổ trật tự thế giới [đã tồn tại] kể từ khi thành lập luật pháp quốc tế sau Thế chiến II”. Những phát ngôn của phái viên Trung Quốc chỉ đơn thuần phản ánh thế giới quan của ĐCSTQ.
Theo đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài TF1 của Pháp phát sóng ngày 21/4, ông Lư Sa Dã đã phủ nhận chủ quyền của các quốc gia hậu Xô Viết.
“Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tình trạng chủ quyền của họ”, ông Lư nói trong cuộc phỏng vấn.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã trở thành các quốc gia độc lập có chủ quyền. Ba quốc gia vùng Baltic – Estonia, Latvia và Litva – hiện là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh Châu Âu (EU).
Nhận xét của ông Lư đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo châu Âu.
Hôm 22/4, Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko đã phản pháo trên Twitter rằng: “Không có chỗ cho sự mơ hồ, Crimea là của Ukraine”.
Đồng thời, 3 nước vùng Baltic đã chỉ trích nhận xét của ông Lư Sa Dã và yêu cầu lời giải thích từ Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết 3 nước sẽ triệu tập viên chức ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc tại thủ đô của mỗi nước.
Trước phát ngôn của ông Lư Sa Dã rằng: “các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tình trạng chủ quyền của họ”, ông Dư Mậu Xuân lập luận rằng ý của ông Lư là: luật pháp quốc tế do giới tư bản đưa ra, do đó luật pháp này “không công bằng”.
Những ngôn luận kiểu này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn tái cấu trúc trật tự thế giới, hay như ông Tập gọi là “hệ thống quản trị toàn cầu”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Trung Quốc nên đóng vai trò dẫn đầu trong trật tự đó, ông Dư Mậu Xuân tiếp tục.
Ngay từ năm 2015, ông Tập đã nhấn mạnh với các thành viên của Bộ Chính trị của ĐCSTQ về tính cấp thiết của việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong mô hình quản trị toàn cầu và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Mục đích này đã được nhấn mạnh trong nhiều dịp, bao gồm các cuộc họp báo của các quan chức Bắc Kinh, tại Liên Hợp Quốc và trong chuyến thăm gần đây của ông Tập Cận Bình tới Nga.
Sau bữa tối cấp nhà nước tại Điện Kremlin vào ngày 22/3, ông Tập nói với ông Putin rằng, “Ngay bây giờ, có những thay đổi mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua – và chính chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy những thay đổi này”.
Ông Putin đáp: “Tôi đồng ý”. (Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 21/ 3/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin/Sputnik/AFP/Getty Images)
Sự dối trá nhất quán của ĐCSTQ
Đối với tuyên bố của phát ngôn viên Mao Ninh rằng Trung Quốc tôn trọng tình trạng chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ, ông Dư Mậu Xuân gọi tuyên bố này là “chính sách đối ngoại điển hình của ĐCSTQ, nói một đằng làm một nẻo. Đó là tuyên bố [thể hiện sự] dối trá nhất quán”.
Nếu Trung Quốc thực sự tôn trọng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với tư cách là các quốc gia có chủ quyền, thì “họ nên lên án Nga vì cuộc xâm lược Ukraine”, ông Dư Mậu Xuân lập luận.
Huyền Anh tổng hợp