Haiti yêu cầu Hoa Kỳ và LHQ điều quân đến vì lo sợ bất ổn gia tăng

Gia Huy

Hôm thứ Sáu (9/7), một bộ trưởng của Haiti cho biết, nước này đã yêu cầu Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) gửi quân đến để giúp bảo đảm an ninh cho các cảng, sân bay, và các địa điểm chiến lược khác của Haiti sau vụ Tổng thống Jovenel Moise và phu nhân bị ám sát.

Hoa Kỳ thông báo nước này sẽ cử Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các đặc vụ khác đến thủ đô Port-au-Prince của Haiti, hai ngày sau khi Tổng thống Moise bị các tay súng giết chết một cách dã man tại nhà riêng, để lại một khoảng trống quyền lực tại quốc gia Caribe nghèo khó và bị khủng hoảng này.

Bộ trưởng bầu cử Mathias Pierre của Haiti nói với AFP: “Chúng tôi nghĩ rằng lính đánh thuê có thể phá hủy một số cơ sở hạ tầng để tạo ra hỗn loạn trong nước. [Do đó] trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ và LHQ, chúng tôi đã đưa ra yêu cầu này.”

Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều xác nhận đã nhận được yêu cầu “hỗ trợ an ninh và điều tra” từ Haiti, đồng thời cho biết các quan chức Washington vẫn giữ liên lạc với Port-au-Prince nhưng không nói rõ liệu quân đội Mỹ có được triển khai đến Haiti hay không.

LHQ chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Washington đã phát tín hiệu sẵn sàng giúp Haiti tiến hành điều tra vụ việc. Hôm thứ Sáu (9/7), phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki thông báo rằng FBI và các quan chức Mỹ khác sẽ đến quốc gia vùng Caribe này trong thời gian sớm nhất có thể.

Bộ trưởng Pierre của Haiti xác nhận rằng việc yêu cầu sự trợ giúp từ Hoa Kỳ và LHQ đã được đưa ra khi nhiều câu hỏi được nêu ra hôm thứ Sáu (9/7) xung quanh vấn đề ai là chủ mưu của vụ ám sát càn rỡ này. Thành viên của nhóm ám sát hầu hết là người Colombia và người Mỹ, hiện đã chết hoặc bị bắt giữ, và chưa có động cơ rõ ràng nào được thông báo công khai.

Trong bối cảnh bất ổn tại Haiti, có hai chính trị gia hiện đang cạnh tranh để giành quyền lãnh đạo đất nước 11 triệu dân, trong đó hơn phân nửa là người dưới 20 tuổi. Hiện tại Haiti không có quốc hội.

Sau vài ngày bị tê liệt, thủ đô Port-au-Prince của Haiti đã chứng kiến sự trở lại một cách rụt rè của người dân trên đường phố, đồng thời các cửa hàng và các phương tiện giao thông đã hoạt động trở lại nhưng với tâm lý lo lắng bao trùm.

Với dự đoán còn nhiều bất ổn, người dân Haiti tranh nhau mua hàng nhu yếu phẩm tại các siêu thị để tích trữ và xếp hàng dài tại các trạm xăng để mua khí propane dùng để đun nấu.

Cô Marjory, một cư dân Port-au-Prince, than thở với AFP khi cô và chồng mình đang mua sắm hàng hóa tại một cửa hàng để tích trữ: “Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai hoặc ngày kia ở đất nước này, do đó tôi đang chuẩn bị cho những ngày tồi tệ phía trước.”

Cô nói thêm: “Tôi đang ưu tiên mua mọi thứ có thể để được trong nhiều ngày.”

Bạo lực băng đảng, vốn đầy rẫy tại quốc gia vùng Caribe này, cũng đã bùng phát trở lại hôm thứ Sáu (9/7). Các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm đã làm tê liệt giao thông trên một đường cao tốc quan trọng của Haiti.

Theo dữ liệu của Flightradar, sân bay của Port-au-Prince, vốn đã đóng cửa sau cuộc tấn công, dường như đã mở cửa trở lại.
Những kẻ giết người được hợp đồng?

Khi cú sốc về vụ giết người qua đi, nhiều người Haiti đang yêu cầu chính quyền trả lời về vụ việc.

Một cư dân thủ đô nói với AFP: “Những người nước ngoài đã đến đất nước này để gây ra tội ác. Chúng tôi, những người Haiti, rất kinh hoàng.”

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cần phải biết ai đứng sau vụ việc này, tên của họ, lý lịch của họ để công lý có thể được thực thi.”

Cảnh sát Haiti cho biết một nhóm ám sát gồm 28 thành viên là người Colombia và người Mỹ đã thực hiện vụ tấn công, nhưng cảnh sát vẫn đang tìm kẻ chủ mưu.

Những sĩ quan cảnh sát cấp cao, chịu trách nhiệm trực tiếp việc bảo vệ Tổng thống Moise, đang chịu nhiều áp lực và đã bị triệu tập ra trước tòa.

Những người khác đã suy đoán về khả năng có sự dính líu của các nhân viên an ninh Haiti trong vụ ám sát. Việc này đã làm tăng thêm sự hỗn loạn.

Hôm thứ Sáu (9/7), cựu Thượng nghị sĩ Haiti Steven Benoit nói trên đài phát thanh Magik9: “Tổng thống của nước Cộng hòa [Haiti], Jovenel Moise, đã bị các nhân viên an ninh của mình ám sát. Không phải những người Colombia giết ông ấy. Họ [nhân viên an ninh] đã được nhà nước Haiti ký hợp đồng.”
Hỗn loạn chính trị

Hôm thứ Sáu (9/7), cảnh sát thông báo, một số kẻ tấn công, bao gồm cả người Mỹ, đã bị bắt. Ba người khác đã thiệt mạng, và ít nhất năm người vẫn còn đang chạy trốn.

Đài Bắc xác nhận rằng một số nghi phạm đã bị bắt sau khi đột nhập vào đại sứ quán Đài Loan. Một số đã được đưa ra trình diện trước truyền thông hôm thứ Năm (8/7).

Hoa Kỳ cho biết nước này đã biết về vụ bắt giữ công dân Mỹ nhưng từ chối bình luận thêm.

Hôm thứ Sáu (9/7) Colombia cho biết 17 cựu quân nhân Colombia được cho là có liên quan đến vụ việc. Tổng thống Colombia Ivan Duque đã nói với các quan chức Haiti rằng Bogota sẽ hợp tác với nước này trong cuộc điều tra.

Cuộc tấn công đã gây thêm bất ổn cho quốc gia nghèo nhất châu Mỹ này, vốn đã ở trong tình trạng mất an ninh.

Haiti đã rơi vào một cuộc khủng hoảng thể chế khi Tổng thống Moise không tổ chức một cuộc bầu cử nào kể từ khi ông lên nắm quyền vào đầu năm 2017 và nước này đã không có quốc hội kể từ tháng 1/2020. Tổng thống Moise cầm quyền đất nước bằng sắc lệnh.

Hôm thứ Hai (5/7), một trong những hành động cuối cùng của ông Moise trên cương vị tổng thống là bổ nhiệm ông Ariel Henry làm thủ tướng mới của Haiti. Ông Henry chưa kịp nhậm chức khi Tổng thống Moise bị ám sát.

Vài giờ sau vụ ám sát, người tiền nhiệm của ông Henry, Quyền Thủ tướng Claude Joseph tuyên bố rằng ông ấy sẽ tạm thời điều hành đất nước.

Mặc dù phe đối lập cáo buộc ông Joseph thâu tóm quyền lực, nhưng bà Helen La Lime, đặc phái viên của LHQ tại Haiti, khẳng định ông Joseph có thẩm quyền hợp pháp bởi vì ông Henry vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức chính thức. Bà nói thêm rằng ông Joseph sẽ tạm thời lãnh đạo Haiti cho đến khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào cuối năm nay hoàn tất. Bà kêu gọi tất cả cá bên của Haiti gác lại những khác biệt sau vụ ám sát Tổng thống Moise.

Gia Huy (Theo CNA)

Related posts