Trương Nhân Tuấn
1-5-2023
Đọc một số bài viết trên các trang mạng BBC, VOA, RFA… nhân nói về biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ta thấy một số bài có nội dung phê bình việc nhà nước CSVN “nói mà không làm” về chủ trương “hòa giải dân tộc”. Năm nào cũng cũng có những bài viết tương tự như vậy chớ không phải đặc biệt năm nay.
Chuyện này không mới. Trong cộng đồng người Việt tị nạn thì mỗi khi có ai nói về “hòa giải hòa hợp dân tộc” tức khắc người đó bị chụp cho cái mũ “thằng đó Việt cộng”.
Điều này có thể thông cảm vì không thiếu tình trạng những người VNCH cũ quay đầu phục vụ cho CSVN. Những người này tuyên truyền trong cộng đồng người Việt nước ngoài về “chủ trương hòa giảỉ hòa hợp dân tộc” của đảng và nhà nước CSVN.
Sự thật ra sao? Sự thật theo tôi là nhà nước CSVN chưa bao giờ có chủ trương “hòa giải” (hay hòa giải hòa hợp dân tộc) với bất kỳ một đối tượng nào.
Cá nhân tôi nhiều lần rà tới rà lui, “đỏ mắt” đọc toàn bộ 70 năm “văn kiện đảng” cùng với “cả đống” các nghị định, các bộ luật của nhà nước CSVN mà không hề thấy bất cứ một văn kiện nào dính dáng, hay nói về vấn đề “hòa giải”.
Ngoại trừ diễn văn 15-5-1975 của Lê Duẩn – đăng trên báo Nhân Dân ngày 16-5-1975 có nói về “tinh thần” hòa giải hòa hợp dân tộc, nguyên văn như sau:
“Với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhân dân đã tỏ rõ lượng khoan hồng đối với tất cả những ai đã lầm đường lối, bất kể quá khứ của họ như thế nào, nay trở về với dân tộc. Miễn là họ thành tâm hối cải, thành tâm mang hết tài năng ra phục vụ Tổ quốc thì vị trí của họ trong lòng dân tộc sẽ được bảo đảm, mọi sự ô nhục mà kẻ tội phạm gây ra là đế quốc Mỹ sẽ được rửa sạch“.
Tôi nhấn mạnh chữ “tinh thần” trong câu “tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc”. “Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc” khác với “chủ trương” HG&HHDT.
Những gì thuộc “chủ trương của nhà nước” (thí dụ chủ trương của nhà nước về HG&HHDT) thì chủ trương này luôn đi kèm với một hệ thống văn bản, hay một bộ luật (như Luật về Hòa giải quốc gia), để việc thi hành “có giá trị pháp lý ràng buộc”.
Còn “tinh thần” thì diễn giải sao cũng được, không có gì bó buộc hết cả.Tinh thần HG&HHDT của Lê Duẩn là sự khoan hồng đối với những người phục tùng đảng CSVN.
Tôi có thể kết luận (mà không sợ sai lầm) rằng đảng và nhà nước CSVN chưa bao giờ có chủ trương về hòa giải (hay HG&HH DT).
“Hòa giải-réconciliation” là hành vi chỉ có ở những dân tộc văn minh.
Những động tác tuyên truyền của ban kiều vận, thông qua các cá nhân VNCH cũ, có mục đích khoác lên chủ trương “chiêu dụ” của CSVN bộ áo nhân văn mang tên “hòa giải và hòa hợp dân tộc”.
Cá nhân tôi có đặt câu hỏi đến một số tác giả các bài viết liên quan. Không một ai đưa được bằng chứng về sự hiện hữu “chủ trương” hòa giải dân tộc của đảng, hay của nhà nước CSVN.
Một số người đưa bằng chứng là Nghị quyết 36. Theo tôi thấy có sự ngộ nhận.
Nghị quyền 36 về “Công tác đối với người Việt ở nước ngoài”, toàn bộ văn bản không hề có có chữ “hòa giải”. Ngay cả nội dung của nghị quyết 36 cũng không có đoạn nào có nội dung mang ý nghĩa “hòa giải” hết cả.
Bởi vì nội dung Nghị quyết 36 nói về chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc”, hiện hữu từ thời Hồ Chí Minh.
Phần II, đoạn 1 Nghị quyết 36: “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc“.
Truyền thống “đại đoàn kết dân tộc” được áp dụng trong thời kỳ mới là gì? Đó là: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc“.
Vô số người miền Nam bị mất nhà, mất tài sản, thân bị tù tội hàng chục năm … Người bị qui vào tội “ngụy quân ngụy quyền”, người bị qui vào “tư sản”… Họ bị tước đoạt mọi của cải, tài sản mà không thông qua môt bản án nào.
Bây giờ thì nhà nước có chủ trương “kinh tế thị trường”, cho phép dân làm ăn như thời VNCH. “Làm chủ tài sản” ngày trước là môt trọng tội. Nay lại là một “quyền”. Chính sách của nhà nước phải nhứt quán. Không thể “lúc này lúc khác” được.
Vấn đề là những nạn nhân bị mất tài sản, mất đất đai, nhà cửa trước kia… không được nhà nước bồi thường thiệt hại.
Làm sao người ta có thể “xóa bỏ mặc cảm, định kiến để hướng tới tương lai”?
Không hòa giải, tức nhà nước CSVN không nhìn nhận sai lầm và sửa sai qua hình thức trả lại tài sản, hay đền bồi cho nạn nhân, thì làm sao người ta có thể “xóa bỏ định kiến”? Mà sự thật không phải là “định kiến”.
Chuyện “đánh tư sản” chỉ là một hạt cát trong sa mạc sai lầm của đảng và nhà nước CSVN.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà báo, các sử gia, học giả v.v… lại luôn nói rằng “chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc” là của nhà nước CSVN?
Còn trong “quần chúng nhân dân”, phe “cờ vàng” luôn qui kết những người bàn về “hòa giải hòa hợp dân tộc” là cộng sản.
Cá nhân tôi nhiều năm trước có chủ trương yêu cầu nhà nước CSVN phải ra một bộ luật về Hòa giải quốc gia. Mục đích “kế thừa danh nghĩa VNCH” để củng cố hồ sơ chủ quyền Hoàng sa và Trường Sa.
Ý kiến này đến với tôi sau khi tôi tham khảo tài liệu (La représentation du Viet-Nam dans les institutions spécialisées) của học giả Joele Duy Tân Nguyen, một giáo sư về Luật quốc tế ở Pháp. Những dòng cuối tập tài liệu, bà đặt câu hỏi (đại ý): Nhà nước CSVN hôm nay lấy tư cách nào để kế thừa di sản VNCH trong khi họ vẫn luôn gọi thực thể này là “ngụy”?
Không lẽ tôi cũng là VC?
Tôi không nghĩ tác giả các bài báo (nói chủ trương HG&HHDT là của nhà nước CSVN) có nhiệm vụ sơn son thiếp vàng chính sách “đại đoàn kết dân tộc” của CSVN.
Vấn đề là các tác giả, cũng như phe “cờ vàng”, có cùng mục đích với đảng và nhà nước CSVN.