Cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc có thể cắt đứt nguồn cung nhiên liệu của Úc, làm tê liệt ngành vận tải và thực phẩm của quốc gia rộng lớn này, theo Phó Thủ tướng Úc Richard Marles cho hay.
Phó Thủ tướng Úc Richard Marles, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Úc, nói rằng khả năng Úc bị cưỡng ép kinh tế thậm chí còn lớn hơn nguy cơ bị xâm lược, và khả năng xảy ra sự cưỡng ép đó trong tương lai cũng “lớn hơn rất nhiều”.
“Chúng ta bị phụ thuộc nhiều hơn vào quan hệ kinh tế của mình, so với thế giới. Đầu những năm 1990, thương mại của chúng ta tính theo tỷ lệ phần trăm GDP là khoảng 32%. Vào năm 2020, con số này lên tới 45%”, ông chia sẻ với chương trình Người trong cuộc của ABC hôm Chủ nhật.
“Và có một khía cạnh vật chất cho mối quan hệ kinh tế đó; hầu hết nhiên liệu lỏng của chúng ta bây giờ, gần như tất cả, đến từ nước ngoài. Vào những năm 90, chúng ta tự làm điều đó. Trên thực tế, hiện nay thì hầu hết chỉ đến từ một quốc gia, và đó là Singapore”.
“Đó là mối đe dọa cho chúng ta. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải chỉnh lại tình hình”.
Khi được người dẫn chương trình David Speers hỏi, liệu Trung Quốc có thể gây trở ngại cho các nhà cung cấp nhiên liệu của Úc trong ba năm tới hay không, Bộ trưởng Marles cho biết ông không chỉ lo lắng về ba năm tới.
“À, thứ nhất, không chỉ là ba năm — đúng là ba năm, nhưng tôi nghĩ còn hơn thế nữa”, ông nói. “Vì vậy, chúng tôi đang xem xét điều này trong ba năm tới, mười năm tới, và hơn thế nữa”.
“Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi đang thực sự đặt ra là, khi bạn nhìn vào cách thức mà cuộc cạnh tranh quyền lực lớn đang diễn ra, và đặc biệt là trong khu vực của chúng ta, bạn nhìn vào vào việc [Trung Quốc] xây dựng quân đội, và bạn nhìn vào tình thế của chúng ta [đối với việc Trung Quốc xây dựng quân đội], bạn nhìn vào những điều đó thông qua [lăng kính về] sự kết nối kinh tế lớn hơn nhiều của chúng ta với thế giới, thì chúng ta dễ bị tổn hại hơn nhiều”.
Úc vẫn bị ràng buộc chặt chẽ với Trung Quốc
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Úc là xăng dầu tinh chế (19,6 tỷ USD), ô tô (18,8 tỷ USD), xe tải giao hàng (8,08 tỷ USD), thiết bị phát thanh truyền hình (6,68 tỷ USD), và máy tính (6,61 tỷ USD). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc (70 tỷ USD) , Mỹ (25,7 tỷ USD), Nhật Bản (15,3 tỷ USD), Thái Lan (12,1 tỷ USD), và Đức (11,6 tỷ USD).
Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu 70 tỷ AUD sang Úc, với các sản phẩm chính là máy tính, thiết bị phát thanh truyền hình, và đồ nội thất. Tuy nhiên, vào tháng 2/2023, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 4,61% trong khi nhập khẩu tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Úc hiện là Trung Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, và Đài Loan. Xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đạt 102,35 tỷ USD vào năm 2022, với sản phẩm chính là quặng sắt.
Trong 26 năm qua, xuất khẩu từ Úc sang Trung Quốc đã tăng với tốc độ đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm là 17,2%, từ 2,24 tỷ USD năm 1995 lên 138 tỷ USD vào năm 2021.
Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, do lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc, Trung Quốc đã “chịu cảnh ‘mất điện’ ở nhiều thành phố vào năm 2020 trong khi các hoạt động sản xuất thép của nước này chịu hậu quả do sử dụng quá nhiều than nội địa kém chất lượng, làm giảm tuổi thọ của các lò luyện cốc”.
“Lượng than Úc mà Trung Quốc mua đã giảm từ 13,7 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 0 vào năm ngoái”, báo cáo của ASPI vào ngày 27/4/2023 cho biết. “Than là mặt hàng từng bị cấm đầu tiên mà Trung Quốc bắt đầu mua lại sau khi quan hệ thương mại tan băng trong năm nay”.
Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị đe dọa
Mặc dù không trực tiếp chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết thế giới đang chứng kiến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bị đe dọa hoặc căng thẳng, có thể thấy qua cuộc xâm lược Ukraina của Nga cũng như các cuộc xung đột ở Biển Đông.
“Chúng ta rõ ràng thấy điều đó ở Ukraina, nhưng chúng ta cũng thấy điều đó trong khu vực của mình, ở những nơi như Biển Đông. Điều này đi kèm với sự tăng cường quân sự quy ước lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều đó rõ ràng có ý nghĩa đối với bối cảnh chiến lược của chúng ta”, ông nói.
Trung Quốc hiện đang tiến hành cuộc tăng cường tài nguyên quân sự lớn nhất ở Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Marles lưu ý rằng, Úc cần bố trí lực lượng phòng thủ của mình để đối phó với những yếu tố này trong khu vực, bởi vì “rất nhiều điều chúng ta cần làm là nằm ngoài bờ biển của chúng ta”.
“Vì vậy, để có một lực lượng phòng thủ với khả năng bảo vệ hiệu quả trên toàn bộ phạm vi phản ứng tương xứng hiện là điều chúng tôi đang tìm cách đạt được”.
Bộ trưởng Marles tiết lộ rằng chính phủ của Thủ tướng Albanese sẽ cải tổ mục đích sử dụng của khoản chi tiêu trị giá 7,8 tỷ AUD để “giải quyết ngay bây giờ” việc mở rộng sản xuất quốc phòng trong nước.
“Sau cùng thì, tham vọng của chúng tôi là thiết lập một dây chuyền sản xuất với các doanh nghiệp ở đất nước này mà sẽ cung cấp cho việc sản xuất những tên lửa tấn công tầm xa đó và làm càng nhiều càng tốt việc đó trong vài năm tới”.
“Chúng tôi hy vọng rằng chúng ta có thể bắt đầu với việc lắp ráp các tên lửa tấn công trong hệ thống HIMARS (Pháo phản lực cơ động cao). Nhưng chúng tôi muốn phát triển dựa trên điều đó để chúng ta thực sự sản xuất toàn bộ bộ vũ khí này ở Úc”.
Nhận xét này được đưa ra sau khi một bản đánh giá quốc phòng được công bố, trong đó lưu ý rằng việc tăng cường tuyển dụng, đảm bảo các tuyến thương mại, và tăng cường cung cấp năng lượng là một trong những vấn đề lớn nhất đối với Lực lượng Quốc phòng Úc.
Bản đánh giá được chính phủ Thủ tướng Albanese công bố vào ngày 24/4/2023, cảnh báo rằng sự cô lập về địa lý của Úc không còn là một lợi thế chiến lược quan trọng mà có thể cung cấp cho quốc phòng đủ thời gian chuẩn bị cho một cuộc tấn công sắp tới trong “thời kỳ tên lửa”.
Bản đánh giá cho rằng, Úc cần phải bổ sung những khoảng trống về năng lực và lực lượng lao động của mình để ngăn cản kẻ thù.
Theo The Epoch Times
Cao Dương biên dịch