Trí Đạt
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng song song đó lại đàn áp các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, khiến họ cảm thấy bi quan hơn, và lo sợ mình sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của cuộc điều tra “an ninh quốc gia” của chính quyền.
Cảnh sát Thượng Hải trước đó đã đột kích vào văn phòng Thượng Hải của Bain & Company, một công ty quản lý nổi tiếng của Mỹ. Bain & Company đã xác nhận việc này trong tuần này.
Tờ Financial Times của Anh đưa tin, trong quá trình khám xét, cảnh sát Thượng Hải đã lấy đi điện thoại di động và máy tính của một số nhân viên, nhưng không ai bị bắt giữ.
Bain & Company cho biết: “Chúng tôi đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc.”
Theo Financial Times, tin tức này càng làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, do mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa các công ty Mỹ vì một số biện pháp mà Mỹ đưa ra nhắm vào Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh trước đây cũng đã tiến hành thẩm tra “an ninh quốc gia” đối với các sản phẩm của nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology của Mỹ.
Cùng với sự xấu đi rõ rệt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây, việc chính quyền Bắc Kinh tiến hành các hoạt động thẩm tra “an ninh quốc gia” như vậy ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn. Vào ngày 26/4, phiên bản sửa đổi của Luật Chống gián điệp của Trung Quốc đã chính thức được thông qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì thế mà phải ban hành sắc lệnh chủ tịch, mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp từ đánh cắp bí mật nhà nước sang đặc vụ “nương nhờ vào tổ chức gián điệp, người đại diện của tổ chức gián điệp”. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo lắng về điều này, cho rằng sự thay đổi này có thể khiến tất cả người Trung Quốc và người nước ngoài làm việc cho các công ty nước ngoài có thể bị bắt bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, sự thất thường của nhà cầm quyền Bắc Kinh càng khiến tư bản nước ngoài và các công ty nước ngoài thêm sợ sệt.
Ví dụ, ông Lý Cường (Li Qiang), thân tín của ông Tập Cận Bình và hiện là Thủ tướng Trung Quốc, đã cố gắng củng cố niềm tin của các công ty nước ngoài tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao ở Hải Nam vào tháng Ba. Ông Lý Cường một lần nữa hứa rằng chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp mới để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và tối ưu hóa môi trường kinh doanh.
Vào ngày 30/3, ông Lý Cường cũng đã có cuộc thảo luận với đại diện của các doanh nhân Trung Quốc và nước ngoài tham dự Diễn đàn Bác Ngao 2023. Ông Lý Cường bày tỏ hy vọng rằng tất cả các doanh nhân sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy niềm tin và cải thiện kỳ vọng: “Đầu tư vào Trung Quốc chính là lựa chọn tương lai tốt đẹp hơn.”
Ông Hàn Văn Tú (Han Wenxiu), phó giám đốc Văn phòng Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách công việc hàng ngày, cho biết tại cuộc họp thường niên năm 2023 của Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào ngày 25/3 rằng, mở cửa với thế giới bên ngoài là chính sách quốc gia cơ bản của Trung Quốc.
Ông nói, “Chúng tôi hoan nghênh các công ty từ khắp nơi trên thế giới đầu tư vào Trung Quốc và chúng tôi cũng hy vọng rằng các công ty nước ngoài sẽ thiết lập tầm nhìn dài hạn và phát triển sâu tại thị trường Trung Quốc. Đầu tư vào Trung Quốc có thể ‘thả dây dài để câu cá lớn’.”
Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng không lâu sau khi Bắc Kinh đưa ra thông điệp “mở cửa” cho các nhà đầu tư toàn cầu, họ đã tiến hành một chiến dịch buộc các công ty nước ngoài phải tuân thủ, sử dụng nhiều chiêu thức như các chuyến thăm bất ngờ, điều tra, giam giữ, để gây áp lực lên công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
Hãng tin AP cho biết, trong khi Bắc Kinh đang cố gắng thu hút sự quan tâm của đầu tư nước ngoài, thì họ cũng đang tăng cường kiểm soát nền kinh tế. Các công ty nước ngoài cho biết họ đang chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và các nền kinh tế khác.
Cuộc thăm dò mới nhất do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (American Chamber of Commerce in China) công bố vào ngày 26/4 cho thấy, sau khi các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được dỡ bỏ ở Trung Quốc, gần 90% các công ty Mỹ ở Trung Quốc trở nên bi quan hơn về xu hướng tương lai của quan hệ Mỹ – Trung, trở thành một trong những lo lắng âm thầm lớn nhất của họ khi làm ăn ở Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát đối với 107 công ty châu Âu do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (European Union Chamber of Commerce in China) công bố gần đây, triển vọng kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU là không rõ ràng.
Báo cáo chỉ ra rằng chính sách thúc đẩy quyền tự chủ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của ông Tập Cận Bình đang khiến ngày càng nhiều công ty châu Âu hạn chế đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc.
Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, chỉ ra rằng các công ty hợp tác địa phương của các công ty Châu Âu tại Trung Quốc, dù là công ty nhà nước hay tư nhân, đang ngày càng mua và sử dụng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, hoặc loại bỏ hoàn toàn các bộ phận liên quan đến Mỹ. “Điều này khiến các doanh nghiệp do dự khi đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) tại Trung Quốc; nếu không biết 1, 2 năm tới sản phẩm của mình có được đưa vào danh sách mua sắm hay không, thì tỷ lệ đầu tư vào R&D gần như bằng không.”
Ông Tập Cận Bình khẩn trương hô hào giữ vững ổn định
Ngày 28/4, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã triệu tập một cuộc họp, để phân tích và nghiên cứu tình hình kinh tế và công việc kinh tế hiện nay, đồng thời đề cập rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài nên được đặt ở vị trí quan trọng hơn để ổn định thị trường ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị ngày hôm đó.
Ông Tập Cận Bình nói: “Cần ngăn chặn và giải quyết hiệu quả rủi ro ở các khu vực trọng điểm, đồng thời phối hợp cải cách các ngân hàng vừa và nhỏ, các tổ chức bảo hiểm và các tổ chức tín thác để giảm thiểu rủi ro. Cần kiên trì định định vị rằng nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ kiếm lời….”.
Theo cuộc họp, những vấn đề mà kinh tế Trung Quốc gặp phải hiện nay bao gồm: “Động lực nội sinh chưa mạnh, nhu cầu vẫn chưa đủ [như kỳ vọng], chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế đang gặp lực cản mới… còn cần phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. “
Hội nghị cũng tuyên bố sẽ thực hiện nhiều biện pháp để tăng thu nhập của người dân, cải thiện môi trường tiêu dùng và kích thích đầu tư tư nhân.
Tờ Ming Pao tại Hồng Kông hôm 29/4 đưa tin, các chỉ thị của Bộ Chính trị ĐCSTQ cho thấy nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài và ổn định ngoại thương là rất khó khăn.
Ngoài ra, dữ liệu của Exante Data cho thấy trong 5 ngày giao dịch vừa qua, hơn 3,17 tỷ USD vốn nước ngoài đã bị rút khỏi cơ chế giao dịch xuyên biên giới của Shanghai-Hong Kong / Shenzhen-Hong Kong Stock Connect, đây là đợt rút vốn dài nhất từ tháng 11 năm ngoái.
Ông Alex Etra, trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích tại Exante, cho biết: “Các dòng vốn chảy ra gần đây, một mặt phản ánh căng thẳng tiếp tục giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng mặt khác, dữ liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc cho thấy tác động của việc mở cửa trở lại nền kinh tế về cơ bản đã đi đến kết thúc, có lẽ không tốt cho tăng trưởng như một số nhà đầu tư mong đợi.”
Ngày 28/4, Reuters công bố kết quả khảo sát 23 nhà kinh tế cho thấy, mức độ hoạt động của các nhà máy Trung Quốc bị chững lại trong tháng 4.
Trí Đạt (t/h)