Các công ty cuối cùng cũng cảm thấy được sức ép sau mối quan hệ hợp tác không thể chấp nhận được của họ với Bắc Kinh. Để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh quá trình tách rời kinh tế.
Áp lực đang đè nặng lên các thương hiệu lớn nhất của Mỹ, bao gồm Apple, Nike, Adidas và Disney.
Apple
Apple phụ thuộc vào công nhân và người tiêu dùng ở Trung Quốc đến mức hôm 03/05, một bài báo của Financial Times đã gọi Apple là “công ty Trung Quốc”. Apple có 54 cửa hàng tại Trung Quốc và giám đốc điều hành của hãng, Tim Cook, gần đây đã ca ngợi sự phát triển song hành của Apple với quốc gia này là sự “cộng sinh”.
Theo bài báo, “Sau khi ký một thỏa thuận bí mật năm 2016 để đầu tư 275 tỷ USD vào nền kinh tế, lực lượng lao động và năng lực công nghệ của Trung Quốc, iPhone đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất”. “Trên thực tế, Apple hiện là một công ty của Trung Quốc, cũng ngang với việc nó là của Mỹ”.
Tác giả lưu ý khó khăn trong việc giải thoát Apple khỏi Trung Quốc thông qua việc chuyển sản xuất sang các nước khác. “Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có nguy cơ bị các lãnh chúa Trung Quốc trả đũa, họ vốn có thể trả đũa bằng cách khiến người tiêu dùng Trung Quốc chống lại các sản phẩm của Apple”.
Do công chúng ngày càng nhận ra mối đe dọa từ ĐCSTQ, các nhà quản lý có ý thức về thương hiệu của Apple đang tìm cách chuyển các cơ sở sản xuất sang những nơi ít gây tranh cãi hơn như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và Ireland.
Sau chuyến thăm California vào tháng trước, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wiconsin), Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng, Apple và Disney phải đối mặt với những bài thử thách lớn nhất do tương lai tách rời khỏi Trung Quốc về kinh tế, thứ vốn là không thể tránh khỏi.
Ông nói với Bloomberg, “Apple là trung tâm của khía cạnh phức tạp nhất của cuộc cạnh tranh này, đó là các công ty có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc sẽ phải đối phó với thực tế rằng một số hình thức tách rời kinh tế có chọn lọc là không thể tránh khỏi”. Những chiếc iPhone 14 mới của Apple được trưng bày tại một cửa hàng Apple ở Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 16/09/2022. (Ảnh: Getty Images)
Các công ty thời trang
Các công ty liên kết với Trung Quốc có cơ sở khách hàng ở Mỹ – bao gồm Huawei, TikTok, Shein, Temu, Zoom và Binance – cũng đang cố gắng xa rời Trung Quốc hoặc tìm kiếm kẽ hở. Các nhà lập pháp khẳng định rằng, các công ty thời trang của Trung Quốc khai thác kẽ hở miễn thuế “tối thiểu” của Mỹ. Theo đó, hàng nhập khẩu dưới 800 USD được bán trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ được miễn thuế quan.
Quốc hội Mỹ nên xử lý lỗ hổng này ngay lập tức. Tất cả những người mua hàng hóa từ Trung Quốc phải trả mức thuế cao như nhau.
Hôm 02/05, hai dân biểu hàng đầu của Mỹ đã yêu cầu các thương hiệu thời trang như Nike, Adidas xác nhận rằng chuỗi cung ứng của họ không bị lao động nô lệ ở Trung Quốc làm ô uế. Khu vực Tân Cương của Trung Quốc là nơi đang diễn ra nạn diệt chủng. Tim nguồn cung ứng từ lao động cưỡng bức ở khu vực này hiện là hành vi vi phạm luật pháp Mỹ.
Các công ty thời trang đã được các dân biểu chất vấn trong tuần này về các tuyến cung ứng tại Trung Quốc. Họ phải trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có sử dụng nguyên vật liệu được tạo ra bằng lao động nô lệ ở Tân Cương hay không.
Các nhà lập pháp yêu cầu câu trả lời từ các công ty thời trang bao gồm ông Gallagher và Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ – Illinois), thành viên cấp cao của ủy ban.
Họ đang tìm hiểu sâu hơn về các cáo buộc được đưa ra trong lời khai trước quốc hội từ tháng 3. Cáo buộc cho rằng, một số công ty Mỹ đang vi phạm Đạo luật ngăn ngừa lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) năm 2021, thứ cấm các sản phẩm có nguồn gốc đáng ngờ từ Tân Cương. Theo các nhà lập pháp, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng chuỗi cung ứng của họ trong khu vực hoàn toàn sạch sẽ, nếu không họ sẽ vi phạm luật.
Sự công kích đối với các công ty thời trang leo thang, các dân biểu đã cho họ một thời hạn ngắn để cung cấp thông tin về các nhà cung cấp nguyên vật liệu, chính sách kiểm toán nhà cung cấp và các hoạt động khác của chuỗi cung ứng.
Walt Disney
Một người Hàn Quốc ủng hộ những người biểu tình ở Hong Kong giương cao tấm bảng trong một cuộc biểu tình đơn độc kêu gọi tẩy chay bộ phim “Mulan” của Disney bên cạnh một rạp chiếu phim vào ngày 17/09/2020 ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Ông Gallagher, cựu Tổng chưởng lý William Barr và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cũng đã chỉ trích Công ty Walt Disney. Ông Rubio đã viết một bức thư ngỏ vào năm 2020, có chữ ký của ông Gallagher và các nhà lập pháp khác, chỉ trích Disney vì đã hợp tác với ĐCSTQ, bao gồm cả việc quay các phần của bộ phim “Mulan” (Hoa Mộc Lan) ở Tân Cương. Bất chấp nạn diệt chủng đang diễn ra, Disney rõ ràng đã hợp tác với các văn phòng tuyên truyền và an ninh của ĐCSTQ ở Tân Cương.
Bức thư yêu cầu cung cấp thêm thông tin về bất kỳ sự hợp tác nào với ĐCSTQ. Trong đó viết: “Quyết định quay các phần của Hoa Mộc Lan ở XUAR [Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương], với sự hợp tác của các thành phần tuyên truyền và an ninh địa phương, tạo ra tính hợp pháp ngầm cho những thủ phạm có thể bị xác định là phạm tội diệt chủng”.
Lựa chọn tốt nhất
Các công ty Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng cảm thấy sức ép sau sự hợp tác không thể chấp nhận được của họ với ĐCSTQ. Thậm chí, họ đã bình thường hóa các hành vi độc tài của ĐCSTQ tại Trung Quốc và nước ngoài. Để ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Kinh đối với nhân quyền, Mỹ và các đồng minh của họ đã bị buộc phải đẩy nhanh quá trình tách rời kinh tế.
Mặc dù việc tách rời kéo theo rủi ro ngắn hạn đối với chuỗi cung ứng và có thể khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm, nhưng nó cũng sẽ làm gia tăng việc làm tại Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Điều đó sẽ tái công nghiệp hóa nền kinh tế, giúp chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn trong dài hạn. Và không làm gì thậm chí còn mang tính rủi ro hơn. Hạn chế sự kiểm soát kinh tế của ĐCSTQ là lựa chọn tốt nhất trong môi trường địa chính trị ngày càng phi tự do ngày nay.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).