EU đưa 7 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì hỗ trợ cuộc chiến của Nga
Tạ Linh
Lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với một số doanh nghiệp Trung Quốc, cáo buộc họ bán thiết bị có thể được dùng hỗ trợ cho vũ khí mà Nga sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraina.
Financial Times hôm 7/5 đưa tin, 7 công ty Trung Quốc đã được đưa vào danh sách trừng phạt mới mà các quốc gia EU sẽ thảo luận trong tuần này.
Danh sách trừng phạt bao gồm 2 công ty ở Trung Quốc đại lục là 3HC Semiconductors và King-Pai Technology – và 5 công ty tại Hồng Kông, bao gồm Sinno Electronics, Sigma Technology, Asia Pacific Links, Tordan Industry và Alpha Trading Investments.
Đây là lần đầu tiên EU đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraina nổ ra. Điều này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa EU với Trung Quốc.
Trong số các công ty ở trên thì 2 công ty ở đại lục và 2 doanh nghiệp ở Hồng Kông cũng đã bị Mỹ trừng phạt trước đó, với cáo buộc là nhà cung cấp của Trung Quốc cho một số thực thể trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.
Tháng trước, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng họ sẽ bổ sung 12 doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông vào danh sách các công ty đã tham gia, đang tham gia hoặc có dấu hiệu tham gia vào các hành vi vi phạm an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ. Các công ty đó có bị cấm giao dịch với các doanh nghiệp Hoa Kỳ trừ khi họ có được “giấy phép đặc biệt” do Bộ Thương mại Mỹ cấp.
Bộ Thương mại Trung Quốc vào thời điểm đó tuyên bố rằng cách tiếp cận của Mỹ không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, cũng như không được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho phép, cáo buộc đó là biện pháp trừng phạt đơn phương.
Tờ New York Times hồi tháng 3 đưa tin rằng, kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, gần 70 nhà xuất khẩu Trung Quốc đã bán 26 nhãn hiệu máy bay không người lái khác nhau của nước này cho Nga, trị giá hơn 12 triệu USD. Trung Quốc bác bỏ thông tin đó, nói rằng cáo buộc đó làm mất uy tín của các công ty Trung Quốc.
EU trước đây đã tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất của mình, EU tuyên bố rằng, xét đến vai trò của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược ở Ukraina, EU cho rằng việc đưa các thực thể cung cấp linh kiện điện tử của Trung Quốc cho Nga vào danh sách trừng phạt là phù hợp.
Cuba: biểu tình chống chính quyền và cắt Internet
Liên Thành
Đài BBC của Anh đưa tin, các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân Cuba tại thị trấn Caimanera gần căn cứ quân sự của Mỹ ở Guantanamo đã đổ ra đường biểu tình vào tối ngày 06/05.
Đây được cho là biểu hiện chống chính quyền hiếm hoi tại Cuba sau thời gian dài.
Các clip được các nhóm nhân quyền chia sẻ cho thấy cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở một con đường mờ tối.
Người biểu tình hô vang thông điệp kêu gọi “tự do”.
Căng thẳng đang dâng cao tại Cuba trong vài tuần gần đây, khi cuộc khủng hoảng thiếu hụt xăng dầu đang gây áp lực lên hệ thống giao thông, phát điện và cung cấp thực phẩm.
Truyền thông nhà nước của Cuba cho rằng cuộc biểu tình là do một số người bất mãn chế độ la hét chống lại tiến trình xã hội chủ nghĩa của Cuba, và những người khác chủ yếu bị kích động đi theo.
Các cuộc biểu tình tại Cuba cực kỳ hiếm xảy ra, nhưng đã bất ngờ bùng phát thường xuyên hơn trong thời gian gian gần đây khi đảo quốc này bị tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Các nhóm hoạt động nhân quyền, Liên minh châu Âu và Mỹ thường lên tiếng chỉ trích Cuba đối với việc đàn áp nặng tay các cuộc biểu tình.
Cuba cũng đã cắt internet để ngăn chặn lan tỏa thông tin. Dữ liệu mạng cho thấy lưu lượng internet ở Cuba bị sụp đổ ngay sau cuộc biểu tình nổ ra; kết nối vẫn bị gián đoạn vào thời điểm đưa tin.
Hết cảnh ôm hàng chạy trốn, Thâm Quyến – Trung Quốc khuyến khích bán hàng rong để kích thích kinh tế
Liên Thành
Trong giờ ăn trưa ở khu vực trung tâm công nghệ Thâm Quyến – Trung Quốc, công nhân thường xuyên xếp hàng để mua bánh bao hấp và món tráng miệng đông lạnh từ xe đẩy, nhưng bất cứ lúc nào, những người bán hàng rong có thể đột ngột tháo chạy để tránh bị bắt giữ.
Một người bán hàng rong họ Diêu cho biết cô rất sợ bị bắt.
Cô Diêu đẩy xe hàng rong bán món Băng Phấn, loại rau câu lạnh phổ biến ở Trung Quốc, Diêu có thể bị phạt hàng nghìn nhân dân tệ và tịch thu xe đẩy nếu bị đội tuần tra thành phố bắt được.
Trung Quốc từng có nhiều năm cấm bán hàng rong tại cách khu vực đô thị, sau khi nền kinh tế bị tàn phá bởi 3 năm phong tỏa COVID, nhiều địa phương bắt đầu mắt nhắm mắt mở cho phép bán hàng rong hoạt động trở lại, đây cũng là sinh kế của những người như cô Diêu, nhưng không phải địa phương tỉnh thành nào cũng cho phép.
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố giữ gìn mỹ quan đô thị và nghiêm cấm bán hàng rong.
Nhật báo Bắc Kinh hồi tháng 2, từng đăng thông báo các cơ sở làm ăn muốn trưng bày bán hàng bên ngoài cần phải có giấy phép kinh doanh lòng lề đường và đảm bảo “mỹ quan thành phố”.
Tình hình thất nghiệp gia tăng, trong khi chỉ đạo của trung ương và địa phương về vấn đề này có nhiều mâu thuẫn tại một số nơi.
Các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến thông báo úp mở rằng bán hàng rong sẽ được phép hoạt động từ đầu tháng 9 năm nay tại các khu vực được chỉ định.
Cô Diêu, một công nhân thất nghiệp chuyển đến từ Hồ Nam năm ngoái, cô muốn tìm công việc tự do khu vực trung tâm, nơi có nhiều khách qua lại mà không sợ bị phạt hay bị lấy mất xe đẩy.
Bán hàng cho khách qua đường cũng rất quan trọng đối với thu nhập của chủ quán ăn 51 tuổi tên Lộc, người đang vật lộn kiếm đủ tiền bán bữa sáng để trang trải tiền thuê nhà.
Để có thêm thu nhập, Lộc bán mì xào bên ngoài các quán bar ở khu vực Tiền Hải.
Ở trung tâm thành phố, đặc biệt là các khu vực quán bar tập trung giới trẻ, việc dựng gian hàng có nhiều thuận lợi. Khi say, họ thích ăn vặt.
Lộc có thể kiếm tới 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng nhờ bán thức ăn đường phố cho những người đói bụng, chủ yếu là thanh niên và công nhân xây dựng.
Việc cấm bán hàng trên đường phố thường khiến xẩy ra đụng độ giữa các nhân viên địa phương và giới bán hàng thậm chí dẫn đến giành giật ẩu đả.
Nhật báo Đặc khu Thâm Quyến đưa tin một số quan chức cán bộ Thành phố đang ủng hộ bán hàng lòng lề đường trở lại để “khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, đáp ứng nhu sinh kế của người dân”.
UAV Phượng Hoàng Cảm Tử Ukraina tiêu diệt hệ thống giám sát tự động ‘Murom-P’ Nga
Liên Thành
Máy bay không người lái hạng nặng “Phượng Hoàng” Phoenix 03 Ukraina được phía Hoa Kỳ cung cấp được cho là sẽ hoạt động hiệu quả tìm diệt các hệ thống radar, giám sát và cảnh báo tự động từ phía quân Nga.
Hệ thống radar giám sát của Nga có tên “Murom-P”, còn có biệt danh là mắt quỷ Mordor “quan sát thấy tất cả” hiện đang là mục tiêu ưu tiên của UAV Phượng Hoàng.
Trong tháng 3 vừa qua có thông tin cho rằng phía Nga đã dựng lên dày đặc các cột Murom-P dọc theo chiến tuyến để giám sát và nhận dạng các đối tượng di động trong tầm quan sát của nó.
Ông Mykhailo Fedorov, 32 tuổi, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraina cho biết: Hệ thống mắt quỷ “Murom-P” này cho phép người Nga giám sát lãnh thổ và chuyển động của quân đội Ukraina 24/7, thứ này cần phải bị phá hủy.
Fedorov cho biết thêm có hàng trăm UAV Phượng Hoàng hạng nặng đã xuất kích, “Chẳng bao lâu nữa, đối phương sẽ mất nhiều thiết bị hơn”.
Gần đây, có thông tin cho biết phía Ukraina đã đào tạo được ít nhất 10 nghìn phi công chuyên điều khiển máy bay không người lái, quỹ hoạt động của binh đoàn UAV này lên đến hàng trăm triệu đô la.
Thông số kỹ thuật của UAV Phượng Hoàng Phoenix 03 Heavy FPV hiện chưa rõ. Chỉ thấy xuất hiện trên các tạp chí hình ảnh mình họa về thiết bị bay này.
Nhật Bản gỡ bỏ toàn bộ khuyến cáo đi lại trên toàn thế giới
Phan Anh
Hôm 8/5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ tất cả các khuyến cáo đi lại trên toàn thế giới đối với công dân nước này liên quan đến COVID-19, theo tờ Nikkei Asia.
Cụ thể, động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/5 tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại toàn cầu (PHEIC).
Nhật Bản lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo đi lại vào tháng 1/2020 đối với Trung Quốc, đặt ở cấp độ 1 – thấp nhất trong thang 4 cấp độ. Tuy nhiên, vào tháng 3 cùng năm, Bộ Ngoại giao nước này đã mở rộng khuyến cáo đi lại ra toàn thế giới.
Có thời điểm, Nhật Bản ban hành khuyến cáo đi lại cấp độ 3 với 159 quốc gia và vùng lãnh thổ, cảnh báo người dân tránh đi du lịch đến những địa điểm đó. Kể từ tháng 10/2022, chính phủ đã hạ khuyến cáo đi lại xuống cấp độ 1 đối với toàn thế giới, đề nghị công dân cẩn thận khi đi du lịch nước ngoài.
Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được xếp vào nhóm 1 như dịch hạch và Ebola. Mức độ nguy hiểm sẽ giảm dần với các nhóm tiếp theo như bệnh lao thuộc nhóm 2, dịch tả thuộc nhóm 3, sốt vàng da thuộc nhóm 4 và cúm mùa thuộc nhóm 5.
Trước đó, cùng ngày, Nhật Bản cũng đã chính thức giảm mức độ pháp lý của cảnh báo COVID-19 xuống ngang với bệnh cúm mùa và nới lỏng các quy định y tế chuyên sâu. Đây là sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Nhật Bản sau 3 năm đối phó với COVID-19.
Phan Anh