Liên Thành
“Luật Chống gián điệp” mới sửa đổi của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, điều này cũng đồng nghĩa với việc nước này đã mở rộng hoạt động gián điệp. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng sinh viên Trung Quốc và Hồng Kông tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ hiện đang chuẩn bị trở về Trung Quốc lo lắng rằng một khi họ trở lại Trung Quốc, họ sẽ không bao giờ ra nước ngoài được nữa.
Phiên bản mới của luật chống gián điệp sắp ra đời
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã chính thức thông qua Luật Chống Gián điệp sửa đổi, trong đó định nghĩa rõ ràng hoạt động gián điệp là “các hành vi như ẩn náu trong các tổ chức gián điệp và đặc vụ của họ” và “tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan đến hoạt động cơ mật, hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”, luật chống gián điệp sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7.
Theo tờ “Nikkei Asia” đưa tin vào ngày 7/5 rằng, với kỳ nghỉ hè sắp tới của các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ, quy định mới này đã khiến những sinh viên Trung Quốc và Hồng Kông du học đang chuẩn bị “về nước” lo lắng.
Một sinh viên quốc tế họ Lý đang theo học các vấn đề quốc tế tại Hoa Kỳ cho biết anh ấy sẽ xóa tất cả nội dung trên điện thoại của mình, chẳng hạn như ảnh, video và bản ghi trò chuyện trên các nền tảng xã hội trước khi trở về Trung Quốc. Các sinh viên đã đồng thuận với nhau là không để lại bất kỳ bản ghi nào. Ba năm trước, khi trở về Trung Quốc, anh không cần phải cẩn thận như vậy, nhưng bây giờ anh ấy ngày càng lo lắng hơn về lời nói và việc làm của mình ở Hoa Kỳ, và lo lắng rằng việc trở lại Trung Quốc sẽ mang đến cho bản thân rắc rối.
Một sinh viên Hồng Kông khác họ Trần cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự, anh cho biết: “Từ năm 2019, tôi đã xóa sạch mọi thứ”. Sau phong trào “chống dẫn độ” ở Hồng Kông năm 2019, Bắc Kinh càng tăng cường giám sát Hồng Kông.
Sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ cũng thừa nhận rằng họ phải chú ý đến sự giám sát từ bạn bè. Sinh viên nước ngoài họ Lý cho biết, nhiều trường đại học Mỹ đều có “tổ chức” sinh viên Trung Quốc, “có thông tin cho rằng bất cứ khi nào sự việc đáng ngờ xảy ra, họ sẽ chuyển danh sách cho đại sứ quán Trung Quốc. Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đây là trường hợp của trường chúng tôi, nhưng tất cả chúng tôi đều tin là như vậy”.
Sinh viên họ Trần cho biết: “Khi chúng tôi đến một số cuộc mít tinh chính trị ở Washington, chúng tôi vẫn đeo khẩu trang và những thứ tương tự, bởi vì chúng tôi thấy có người chụp ảnh chúng tôi”. Về việc “lằn ranh đỏ” của chính quyền Trung Quốc nằm ở đâu, anh nói thẳng rằng “không có lằn ranh đỏ nào cả”.
Tomoko Ako, giáo sư tại Đại học Tokyo ở Nhật Bản, đã viết một bài báo trên trang web Yahoo Nhật Bản vào tháng 4 rằng một sinh viên Hồng Kông đang học tập tại Nhật Bản đã bị bắt vì tội “kích động chia rẽ theo Luật An ninh Quốc gia” khi cô trở lại Hồng Kông để làm lại thẻ căn cước vào đầu tháng 3. Tra cứu thông tin thì thấy từ ngày 28 tháng 5 năm 2020 đến ngày 27 tháng 9 năm ngoái cô từng đăng lời bài hát quốc ca “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” đã được thay đổi lên trang web “LIHKG” . Người bào chữa cho rằng tòa án không có thẩm quyền giải quyết việc bên ngoài đất nước, trong khi thẩm phán cho rằng các hoạt động liên quan cấu thành tội kích động đã phát sinh ở Hồng Kông.
Theo Reuters, hiện có khoảng 350 sinh viên Mỹ đang học tập tại Trung Quốc và khoảng 295.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ.
Trên thực tế, Luật Chống gián điệp mới sửa đổi của chính quyền Trung Quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến các công ty trong và ngoài nước.
Gần đây, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc đã liên tục đột kích, khám xét và thẩm vấn các nhân viên tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn quản lý kinh doanh Bain & Co. Các sản phẩm của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ Micron Technology cũng bị kiểm tra an ninh và văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Hoa Kỳ Mintz Group đã bị đột kích vào ngày 25 tháng 3 năm nay đồng thời bị cưỡng chế đóng cửa, lúc đó 5 nhân viên người Trung Quốc đã bị bắt, hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Về vấn đề này, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết, Washington rất lo ngại về những “hành động” gần đây của chính quyền Trung Quốc đối với một số công ty Mỹ. Ông cũng chỉ ra rằng do không chắc chắn về mức độ mở cửa ở Trung Quốc, nhiều công ty nước ngoài đã hoãn các dự án đầu tư lớn ở Trung Quốc, để chờ xem liệu chính quyền Trung Quốc có nhất quán trong việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc hay không.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các công ty phương Tây gặp rắc rối ở Trung Quốc. Ông Peter Humphrey, người điều hành công ty tư vấn rủi ro kinh doanh ChinaWhys, đã bị giam giữ vào năm 2013 sau khi tiếp quản hoạt động của gã khổng lồ dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK).
Ngoài ra, trong những năm đầu ban hành Luật chống gián điệp, bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính của Huawei đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vì tình nghi gian lận khi chuyển máy bay ở Vancouver, sau đó vào tháng 5 năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với tội danh “nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Vào thời điểm đó, hành động này của Bắc Kinh được coi là một chính sách ngoại giao con tin nhằm gây áp lực lên Canada. Vào tháng 9 năm 2021, Mạnh Vãn Châu đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Hoa Kỳ và Canada đã kết thúc việc dẫn độ Mạnh Vãn Châu, hai người Canada bị Trung Quốc giam giữ hơn 1.000 ngày cũng được chính quyền Trung Quốc trả tự do.