Tổng thống Indonesia lập luận rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên xem Hiệp ước Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) là một đối tác chứ không phải là đối thủ trong việc đảm bảo hòa bình ở châu Á.
Indonesia tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 vào ngày 11/1/2023 từ Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2022. Trong năm Chủ tịch ASEAN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ASEAN về bản chất là “mở và bao trùm” và sẽ không đóng vai trò “ủy quyền” cho bất kỳ quốc gia nào.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Media Prima của Malaysia hôm 8/5, Tổng thống Indonesia cho hay: “ASEAN là tổ chức khu vực duy nhất đưa ra nhiều hình thức ngoại giao khác nhau. Nguyên tắc của ASEAN là cộng tác, hợp tác và tham gia tích cực”.
Khi được hỏi về kế hoạch tăng cường vai trò của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước sự xuất hiện của AUKUS và Quad – cả hai đều loại trừ các quốc gia ASEAN – ông Widodo cho biết ASEAN nên coi các nhóm này là “đối tác” trong việc đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực.
Ông Widodo cho biết ASEAN chia sẻ mục tiêu chung là bác bỏ xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh rằng ASEAN “không muốn bị cô lập” trong các nỗ lực quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên xem Quad và AUKUS là đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh. Bất kể điều gì xảy ra trong khu vực thì mục tiêu của ASEAN là làm cho khu vực trở nên ổn định và hòa bình”, ông nói.
“Nếu không có hai yếu tố này, người dân ASEAN khó có thể đạt được sự thịnh vượng”, nhà lãnh đạo Indonesia nói thêm.
Hiệp ước Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) là một thoả thuận quốc phòng ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Mỹ. Hiệp ước được công bố vào tháng 9/2021, trong đó Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, làm tăng thêm sự hiện diện quân sự của phương Tây ở khu vực Thái Bình Dương. Đây được coi là một động thái có khả năng thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (giữa) tham gia cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California, hôm 13/3/2023. (Ảnh: Jim Watson/AFP/Getty Images)
AUKUS chủ yếu được coi là một đối trọng với các hành động gây hấn và quân sự hóa ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo đó, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng căn cứ ở Biển Đông, xâm phạm không phận Đài Loan, hỗ trợ hoạt động hàng hải của đội tàu đánh cá trái phép.
Vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ hy vọng hiệp ước AUKUS có thể “củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, làm nền tảng cho an ninh và phát triển khu vực” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Đối với Philippines, điều quan trọng là các quan hệ đối tác hoặc thỏa thuận trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chẳng hạn như AUKUS, sẽ hỗ trợ chúng tôi theo đuổi hợp tác khu vực sâu sắc hơn cũng như xây dựng sinh kế bền vững và khả năng phục hồi kinh tế. Đây được coi là yếu tố then chốt đối với sự phát triển quốc gia và an ninh trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lên án mạnh mẽ hiệp ước AUKUS và lập luận rằng thỏa thuận này đang khuyến khích đối đầu quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và được thúc đẩy bởi tư duy Chiến tranh Lạnh.
Nỗ lực của ASEAN vì sự ổn định ở Biển Đông
Ông Widodo cho biết các nước thành viên ASEAN mong muốn tất cả các bên tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
“Không nên đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. [Điều quan trọng là] tôn trọng luật pháp quốc tế. ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy sự ổn định trong khu vực”, Chủ tịch ASEAN nói thêm.
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là đường chín đoạn, bất chấp các yêu sách cạnh tranh từ các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp, nhưng yêu sách chủ quyền hàng hải của Bắc Kinh chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Năm 2016, Tòa án La Haye ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý của Philippines. Tuy nhiên, phán quyết có tác động nhỏ đến các động thái của ĐCSTQ, tiêu biểu là việc các tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm các vùng biển của Philippines.
Ông Ray Powell, chỉ đạo Dự án Myoushu (Project Myoushu) trên Biển Đông tại đại học Stanford, Hoa Kỳ, hôm 8/5 cho biết, các tàu dân quân biển Trung Quốc đã tiếp cận một khu vực mà quân đội Ấn Độ và các nước ASEAN đang tiến hành huấn luyện ở Biển Đông.
Lực lượng dân quân này bao gồm các tàu đánh cá thương mại hợp tác với chính phủ Trung Quốc để đạt được các mục tiêu chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, trước đó Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ lực lượng dân quân nào như vậy.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch